Aa

Bảo tồn kiến trúc cổng làng trong “vòng xoáy” đô thị hóa

Thứ Hai, 19/11/2018 - 23:30

"Để bảo tồn được kiến trúc của những cổng làng cổ, các nhà hoạt động văn hóa, các nhà quy hoạch nên có một định hướng, bàn bạc với những nhà kiến trúc xem cái gì nên giữ và giữ bằng cách nào bởi vì văn hóa là vô giá".

Sự phai nhạt bản sắc của làng cổ có thể nhận thấy ngay từ tổng thể cho đến sự biến đổi của kiến trúc, cảnh quan và nếp sinh hoạt văn hóa của người dân sở tại. Nằm trong guồng quay của xu thế hiện đại hóa, khi văn hóa làng không "thắng" được văn hóa đô thị, những chiếc cổng làng cũng dễ trở thành dĩ vàng trong quy hoạch đô thị. Lúc này, những chiếc cổng làng xưa với lối đi quá nhỏ có lẽ không còn hợp với đường bê tông mở rộng và cũng không đủ không gian để xe ô tô, xe tải, xe cẩu cỡ lớn... đi vào làng. Chẳng thế mà, trong các đô thị, càng ngày, chúng ta lại càng ít nhìn thấy những chiếc cổng làng hơn. 

Cổng làng Trung Kính Thượng nhỏ bé bên những dãy nhà cao trọc trời

Cổng làng Trung Kính Thượng (Cầu Giấy, Hà Nội) lọt thỏm giữa 2 dãy nhà cao tầng

Cổng làng là một loại hình kiến trúc văn hoá rất phổ biến ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Thờ xưa, hầu hết mỗi làng đều có cổng làng. Nhiều làng có tới 2, 3 cổng trên các lối đi chính vào làng. Trải qua những thăng trầm của thời gian, Hà Nội ngày nay vẫn còn đâu đó những chiếc cổng làng ẩn mình bên những dãy nhà cao tầng. Tuy không còn chức năng ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài nhưng cổng làng không phải là những chiếc cổng chào vô cảm, mà chúng còn mang ý nghĩa văn hóa.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, cổng làng biểu hiện chủ quyền của làng, cũng là nơi giao lưu giữa các làng với nhau. Cổng làng còn biểu hiện cho sự sang giàu, không gian văn hóa của làng quê Việt Nam, là lời nhắc nhở và là niềm tự hào của mỗi người dân làng. Ngoài ra, cổng làng còn là nơi đón rước của những đám rước đình chùa, cưới hỏi,…

Ông Dần bày tỏ niềm tiếc nuối về sự mất đi của chiếc cổng làng - biểu tượng văn hóa một thời sau quá trình đô thị hóa: “Cổng làng hiện nay bị mất đi nhiều bởi vì chúng đã được sửa sang, nâng cấp, mở rộng sự giao thông, giao thoa với các vùng khác nhau. Yêu cầu của hoạt động vận tải, hoạt động sản xuất, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn, cùng với đó là phong trào nông thôn mới đòi hỏi sự thay đổi của những cổng làng. Đấy là một điều rất đáng tiếc bởi vì biểu tượng cổng làng từ xưa đã đi vào văn học, nó chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đối với những lớp người cao tuổi trong làng”.

Cùng với những chủ trương, chính sách đổi mới, cấu trúc làng cổ cũng buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phong trào nông thôn mới nâng cấp làng xã lên thành một kiểu mới, hình thành nên rất nhiều những ngôi nhà 5, 7 tầng và tạo ra kiểu cấu trúc “làng trong thành phố”.

Ghi nhận thực tế tại một số làng cổ trong nội thành Hà Nội mới thấy cấu trúc làng đã thay đổi quá nhiều. Ở một vài nơi, may ra còn chiếc cổng làng là dấu hiệu duy nhất để khách thập phương nhận diện được tên gọi, nguồn gốc và đặc trưng của mỗi làng.

“Không thể nào những cái gì cũ cũng đều muốn phá đi. Nhất là hiện nay đang chú trọng hướng tới du lịch làng nghề, du lịch đình chùa, du lịch di sản thì cổng làng rất có ý nghĩa. Khách du lịch muốn đến thăm quan còn có cơ hội được biết ai là người xây dựng nên cổng làng, ai là người sáng tác ra những dòng chữ trên cổng, những dòng chữ này có ý nghĩa như thế nào… Việc giữ lại cổng làng chính là giữ lại nếp gia phong của một địa phương”, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, lại cho rằng, có những cổng làng bản thân nó là một di tích thì sẽ bị khống chế bởi Luật di tích nhưng có những cổng chỉ là đánh dấu một mốc thời gian chứ không phải là một di tích thì người ta hoàn toàn có quyền điều chỉnh.

Trước thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng việc bảo tồn làng cổ Hà Nội trong giai đoạn phát triển là một vấn đề gian nan, cần phải được nghiên cứu kỹ. “Xu thế hiện nay là bảo tồn phải gắn với phát huy giá trị và phải nhận diện đầy đủ giá trị của những hiện vật cần bảo tồn. Việt Nam có tham gia vào những công ước quốc tế như công ước Vương Ly, trong đó có nội dung là trong các đô thị cổ, khi có nhu cầu đổi mới và được cộng đồng dân cư ủng hộ thì có thể cải tạo, chỉnh trang để đáp ứng yêu cầu mới. Bởi vì bảo tồn với mục tiêu dẫn đến một cuộc sống mới, một cơ thể sống mới thích hợp chứ không phải giữ để trưng bày một vật phẩm chết”, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Nhấn mạnh việc bảo tồn cần phải gắn với phát huy giá trị, ông Nghiêm cho biết, hiện nay trên phố Thụy Khuê còn một số cổng làng người dân vẫn giữ, đó là cổng làng của khu dân cư đánh dấu mốc thời gian. Nhưng không nhất thiết phải đi qua cổng làng mới vào được hệ thống giao thông chính. Bên cạnh việc gìn giữ và bảo tồn, vẫn phải phát huy giá trị của nó bằng cách tổ chức đường giao thông liên kết hiện đại mới, những phương tiện mới.

Đồng quan điểm với TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, ông Lưu Duy Dần cho rằng: “Để bảo tồn được kiến trúc của những cổng làng cổ, các nhà hoạt động văn hóa, các nhà quy hoạch nên có một định hướng, bàn bạc với những nhà kiến trúc xem cái gì nên giữ và giữ bằng cách nào bởi vì văn hóa là vô giá. Việc phá bỏ đi những cổng làng cổ là không đáng, nhưng do đòi hỏi của xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi của việc quy hoạch lại cho phù hợp với không gian và sự phát triển mà phải phá đi thì phải có nghị quyết, phải có cách quy hoạch đảm bảo và phải thuyết phục được người dân đồng ý. Đồng thời phải có cả một sự chuẩn vị về văn hóa tâm linh, về âm dương, bởi vì dân ta chủ yếu là văn hóa lúa nước, có sự tôn trọng người xưa, tôn trọng thần linh”.

Bên cạnh đó, theo ông Dần, việc phá bỏ do làm quy hoạch cần phải tính đến nhiều mặt, có từng bước phù hợp, việc bảo tồn phải gắn với phát huy, hiện nay bảo tồn hỗ trợ cho phát huy rất nhiều bởi vì có cái trước thì mới có cái sau, truyền thống và hiện đại phải ăn nhập.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top