Đô thị sông, biển Việt Nam vốn đã có các đặc trưng riêng mang nhiều màu sắc và tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khi phát triển tại các vùng di sản như cố đô Huế, phố cổ Hội An, sông Hàn… mô hình đô thị sông biển có thêm thế mạnh để phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, “đô thị sông, biển vùng di sản” là một khái niệm mới ở Việt Nam. Do đó, vấn đề cốt lõi, nhạy cảm tại các vùng di sản là làm sao có thể vừa phát triển kinh tế biển vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối các địa phương. Định vị để phát triển đô thị sông, biển vùng di sản, Cà phê cuối tuần giới thiệu bài viết của TS. Trần Minh Tùng, Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng trong bài viết dưới đây.
***
Cho đến nay, trái đất được xem là nơi duy nhất trong vũ trụ tồn tại sự sống bởi hành tinh này có một yếu tố quan trọng khởi tạo cuộc sống của tất cả những sinh vật, đó chính là nước. Nước cần cho mọi sự sống và phát triển vì nước vừa là môi trường, nhưng cũng chính là nguồn sống của muôn loài. Vì vậy, các loài động vật luôn có xu hướng chọn nơi cư ngụ, trú ẩn của mình gần các nguồn nước, và hẳn nhiên, con người cũng vậy. Ngay từ thời xa xưa, các nền văn minh nhân loại, các điểm định cư lớn của loài người luôn gắn liền với các dòng chảy lớn để cung cấp nước sinh hoạt hàng ngày cho cuộc sống của người dân, nước tưới tiêu phục vụ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa và khám phá giữa các vùng miền bởi mạng lưới giao thông thủy, và còn cho các hoạt động lễ nghi tôn giáo hay niềm tin tâm linh của con người.
NƯỚC - YẾU TỐ KHỞI TẠO ĐÔ THỊ NHÌN TỪ LỊCH SỬ
Hiếm có một thành phố lớn nào trên thế giới mà không gắn liền với một dòng sông. Nói cách khác, dòng sông là cội nguồn khởi tạo các đô thị và văn minh nhân loại - những nơi được xem là tủ kính trưng bày các thành tựu phát triển của con người. Và cũng từ đây, những thành quả, những phát kiến xuôi theo những dòng chảy của những con sông hòa nhập vào biển lớn để lan tỏa ra toàn thế giới.
Như vậy, hành trình khám phá thế giới của loài người cũng diễn ra như hành trình của những dòng chảy. Sông và biển trở thành một cặp phạm trù nước gắn liền với các thành phố. Những đô thị vừa có sông, vừa có biển luôn cho thấy một sự phát triển vượt trội vì chúng có thể chủ động và là đầu mối của các luồng vận chuyển hàng hóa, thông tin và con người.
Việt Nam được biết đến như một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài hơn 3.000 km. Ngoài ra, sự phát triển của đất nước gắn liền với hai đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu bởi hai hệ thống sông lớn nằm ở hai đầu Bắc - Nam của đất nước, tạo ra thế phát triển lưỡng cực với đầu tàu là hai đô thị quan trọng nằm ở trung tâm mỗi vùng châu thổ. Dải đất miền Trung hẹp và dài với một bên là dải Trường Sơn, một bên là biển Đông, được ví như đòn gánh cho hai vựa lúa lớn này của cả nước.
Thay vì sự phát triển chùm đô thị quây quần xung quanh và được dẫn hướng bởi một đô thị hạt nhân như Hà Nội và TP.HCM, các đô thị miền Trung lại phát triển thành chuỗi chạy dọc theo dải đất. Miền Trung không có một đồng bằng lớn tập trung mà tập hợp nhiều vùng đồng bằng nhỏ do sự chia cắt bởi những nhánh núi đâm ngang ra biển đã làm cho các đô thị khu vực này cũng có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các đô thị hai đầu đất nước.
Tuy nhiên, do sự thay đổi vĩ độ cùng sự tiếp biến văn hóa bởi những biến động thăng trầm lịch sử cùng quá trình mở mang bờ cõi xuôi về phương Nam của ông cha, dải đất miền Trung đã cho thấy những cá tính riêng của mỗi đô thị, mỗi khu vực đồng bằng gắn với các dòng sông và cửa sông, tạo nên các tiểu vùng văn hóa hấp dẫn. Điều thú vị là gần như tất cả các đô thị miền Trung đều gắn sự hình thành và phát triển của mình với cả sông lẫn biển.
Do tiến trình lịch sử, miền Trung có ba điểm dân cư đô thị quan trọng mà ngày nay thuộc ba tỉnh thành láng giềng nhau: Thành phố Huế - thành phố Đà Nẵng - thành phố Hội An. Huế gắn liền với dòng Hương Giang, được xem như một yếu tố phong thủy tạo nên vượng khí cho kinh thành của triều đại nhà Nguyễn. Đà Nẵng, một thành phố mới do người Pháp tạo dựng trong thời kỳ thuộc địa với tên gọi Tourane mang đầy ý nghĩa văn hóa là “vùng đất của những ngọn tháp” bởi chỉ cách Thánh địa Mỹ Sơn khoảng 70km. Thành phố lớn nhất miền Trung này cũng từng là một tiền đồn đường thủy quan trọng, đồng thời cung cấp nơi trú ngụ tàu bè tránh bão an toàn trong vịnh Đà Nẵng ở cửa sông Hàn trước khi hòa nước vào biển Đông. Hội An, một đô thị cổ giao thương quốc tế quan trọng trong quá khứ gắn với sông Hoài và cửa Đại, cũng là nơi thể hiện dòng chảy toàn cầu hóa sơ khai khi các nền văn hóa nước ngoài được mang đến qua những con đường thủy thương mại, hòa trộn với các yếu tố bản địa, tạo ra sự giao thoa văn hóa thú vị và hấp dẫn.
Khi phát triển tại các vùng di sản như cố đô Huế, phố cổ Hội An, Ngũ Hành Sơn… mô hình đô thị sông biển có thêm thế mạnh để phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng.
Thời gian đã tích lũy vào trong lòng ba đô thị này những giá trị di sản, tạo nên những đặc trưng đô thị trên cả ba phương diện. Thứ nhất là, về mặt cảnh quan thiên nhiên khi hội tụ đủ ba yếu tố quan trọng là núi – sông - biển. Thứ hai là, về mặt kiến trúc đô thị khi mỗi thành phố đại diện cho một phong cách nghệ thuật, quan điểm thẩm mỹ công trình tương ứng với một thời kỳ lịch sử. Và cuối cùng là về mặt văn hóa xã hội với những lối sống đặc trưng, những món ăn ngon và những hoạt động sinh hoạt nghệ thuật dân gian lẫn bác học gắn liền với vị thế mỗi đô thị cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Nói cách khác, di sản được xem là yếu tố mấu chốt mang lại ấn tượng nhất khi du khách muốn chọn điểm đến nghỉ dưỡng, cũng như các nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội phát triển tại các thành phố này.
MỖI THÀNH PHỐ, MỖI ĐỊA PHƯƠNG, MỖI CÁ TÍNH VÀ MỖI CÁCH LÀM
Đà Nẵng - thành phố miền Trung duy nhất trực thuộc Trung ương sau khi tách ra khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây kể từ năm 1996. Sự nâng cấp này cũng dễ hiểu bởi vì trong quá khứ, bằng vị thế địa lý, vùng đất này đã có những sự phát triển vượt bậc. Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới chỉ là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.
Đầu thế kỷ XVIII, vị trí tiền cảng của Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng thay thế cho Hội An, nhất là khi kỹ thuật đóng tàu ở châu Âu phát triển với những loại tàu thuyền lớn, đáy sâu, ra vào vịnh Đà Nẵng dễ dàng. Cảng biển nước sâu cũng đã giúp Đà Nẵng hiện nay trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng cho cả hàng hóa lẫn con người. Hơn hai thập kỷ, Đà Nẵng đã thay đổi từ một đô thị loại III thuộc tỉnh trở thành một đô thị loại I thuộc Trung ương, khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ đầy sức hút bởi công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị có tốc độ nhanh và hiệu quả, được du khách xem như một trong những thành phố hấp dẫn và đáng sống của Việt Nam. Gắn liền với biển, du lịch hay kinh tế biển đã trở thành thế mạnh của thành phố này.
Gần đây, hàng loạt loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như các dự án căn hộ, khách sạn, biệt thự, nhà ở cao cấp ven biển được đầu tư xây dựng đã góp phần tạo nên một thị trường bất động sản Đà Nẵng đầy sôi động, hứa hẹn sẽ là một trong những đầu mối quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam. Đáng mừng nhất là thị trường bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu nhu cầu từ nhà đầu tư tại chính thành phố này, không chỉ là nhu cầu từ các nhà đầu tư thuộc các địa phương khác như trước kia.
Huế - thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Thừa Thiên - Huế, được xem là có nhiều tiềm năng, cùng với Đà Nẵng hoàn chỉnh thế phát triển song cực tại miền Trung. Được phong là Di sản văn hóa thế giới năm 1993, quần thể di tích cố đô Huế trở thành một yếu tố tăng trưởng kinh tế quan trọng thông qua việc thu hút khách du lịch. Festival Huế với 11 lần tổ chức đã tạo nên một thương hiệu du lịch hấp dẫn với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa hoàng gia của một triều đại phong kiến. Như vậy, trong những năm qua, Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận đô thị Huế phát triển chậm, thậm chí có nguy cơ mất vị thế trong vùng mà nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên là do mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Các dự án mở rộng đô thị luôn phải loay hoay giữa hai đối cực: Giữ gìn lịch sử và bứt phá tương lai. Như vậy, di sản từ điểm mạnh lại có thể sẽ là điểm yếu của đô thị này. Huế cũng cho thấy những động thái ứng xử mới khi sử dụng các điểm đô thị nhỏ kế cận để chia sẻ trọng trách phát triển, mà việc hình thành cảng nước sâu Chân Mây cùng khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một ví dụ điển hình.
Hội An, cùng với các điểm đô thị khác thuộc tỉnh Quảng Nam như thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ, khu kinh tế mở Chu Lai, đang tạo ra những mũi nhọn tăng trưởng. Dù Tam Kỳ có thể dễ dàng mở rộng diện tích đô thị để phát triển thì Hội An phần nào vẫn “vướng” vào áp lực bảo tồn phố cổ, nhưng Hội An lại hội tụ cả hai yếu tố: Tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của vùng đất di sản.
Trong những năm gần đây, Quảng Nam đã có bước phát triển đột phá và trở thành một tỉnh phát triển khá của Việt Nam. Bên cạnh tập trung phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, Quảng Nam xác định du lịch là một mũi nhọn dựa trên cơ sở phát huy những lợi thế tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông, hạ tầng cùng hai Di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, du lịch biển đảo với những sản phẩm du lịch đặc trưng cùng các hoạt động biểu diễn nghệ thuật cổ truyền.
Để đảm bảo các điều kiện phục vụ cho du lịch, Quảng Nam đang tích cực triển khai các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp cảng biển có thể đón khách du lịch tàu biển quốc tế và mở rộng du lịch bằng đường thuỷ qua các đảo, đầu tư hạ tầng cảng hàng không sân bay Chu Lai, mạng lưới giao thông kết nối các tỉnh trong khu vực và quốc tế, trở thành một thị trường đầu tư tiềm năng khi chứng kiến sự đầu tư kiên định của các “ông lớn” thông qua những dự án phát triển quan trọng.
CẦN LẮM NHỮNG KẾT NỐI GIỮA CÁC ĐÔ THỊ SÔNG, BIỂN VÙNG DI SẢN
Tuy nhiên, mặc dù các địa phương đều có những thế mạnh nhưng sự phát triển các đô thị miền Trung vẫn chưa bền vững và chưa thể bứt phá. Do đặc thù hình thể đất nước ở miền Trung không tạo được các tam giác hay tứ giác (đô thị) tăng trưởng như ở đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long lấy kết nối thông qua mạng lưới các dòng sông, các đô thị miền Trung phân bổ theo dải nên cần phải xác định những cách thức kết nối phát triển khác. Nói cách khác, nhiều đô thị nhỏ của miền Trung nếu được tập hợp lại sẽ thành một vùng đô thị lớn dạng chuỗi, hội đủ sức cạnh tranh dựa trên những thế mạnh của các đô thị con thành phần và sự hỗ trợ khắc phục cho nhau các điểm yếu trong việc tự tạo cơ hội để tăng trưởng.
Thực tế cho thấy, từ những thành quả đạt được ban đầu thông qua việc ký kết hợp tác liên kết giữa ngành du lịch ba địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam khởi động từ cách đây hơn 10 năm, đặc biệt là trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, năm 2020, nhằm sớm khôi phục hoạt động kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thực hiện phát triển kinh tế, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế tổ chức giới thiệu chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến nhiều trải nghiệm”.
Chính sự hợp tác này đã cho thấy mục tiêu rõ ràng, không chỉ kết nối du lịch di sản mà còn hướng đến tăng cường hợp tác giữa chính quyền của ba tỉnh thành trong vai trò chỉ đạo, kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến; các chương trình kích cầu với mức ưu đãi tốt được triển khai rộng khắp, nhưng đồng thời cũng đảm bảo các tiêu chí an toàn ở mức cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của cả khu vực.
Tuy nhiên, sự liên kết của ba địa phương này không chỉ là du lịch mà còn cần cả trên các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế biển khi tất cả các địa phương đều gắn với tăng trưởng với biển. Như vậy, có thể thấy chiến lược phát triển các đô thị sông biển miền Trung là không chỉ khai thác tiềm năng của mỗi địa phương mà rộng hơn là câu chuyện liên kết vùng, tạo ra một dải đô thị ven biển, gắn chặt với di sản để có thể vừa bảo tồn vừa phát triển kinh tế. Biển cả không chỉ là một yếu tố đặc trưng, mà còn phải trở thành một yếu tố kết nối, một yếu tố động lực cho sự phát triển của mỗi đô thị, mỗi địa phương ven biển.
“Người ta đi biển có đôi” - một câu nói phổ biến của những người dân vùng ven biển để chỉ sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ biển dựa trên sức mạnh tập thể. Và ngày nay, các thành phố biển cũng nên “có đôi”, “có hội” để có thể phát triển bứt phá và bền vững.