Aa

Hội KTS Việt Nam: Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đặc biệt cần bảo tồn

Thứ Sáu, 02/04/2021 - 19:00

Hội Kiến trúc sư Việt Nam vừa gửi văn bản lên Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội kiến nghị giữ lại Cung Thiếu nhi cũ để bảo tồn, không sử dụng khu đất với mục đích khác bởi đây là công trình kiến trúc có giá trị.

Giữa tháng 3 vừa qua, TP. Hà Nội đã tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới, dự án được xây dựng tại Khu Công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm). Dự án có tổng diện tích gần 40.000m2 với tổng vốn đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2024.

Cung Thiếu nhi mới được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu vui chơi thi đấu thể thao, rèn luyện thể chất, giao lưu văn hoá văn nghệ của thiếu nhi Thủ đô, tạo môi trường thuận lợi phát triển tài năng tương lai.

Đây là tin mừng cho thế hệ trẻ Thủ đô khi Cung Thiếu nhi cũ hiện nay đã quá tải, không đủ sức đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi toàn thành phố. Nhưng “số phận” của Cung Thiếu nhi cũ sẽ ra sao lại chưa được công bố công khai. Đây là điều mà dư luận đang rất quan tâm nhưng chưa được Hà Nội trả lời thấu đáo.

Trước những lo ngại của dư luận, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã có văn bản gửi lên Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội về vấn đề này. Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, Cung thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, cùng với các di sản kiến trúc khu vực hồ Gươm.

Cung Thiếu nhi cũ
Cung Thiếu nhi Hà Nội

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ do UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2015, quần thể xung quanh tòa nhà Pháp cổ thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội (tòa nhà Ấu Trĩ Viên xưa) được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

Hiện nay, do quá trình sử dụng lâu dài, nhiều hạng mục của Cung thiếu nhi (xây dựng vào những năm 1970 do Tiệp Khắc giúp đỡ) đã xuống cấp, cần cải tạo, nâng cấp.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay, vị trí “đất vàng” của Cung Thiếu nhi cũ khiến nhiều người cảm thấy bất an cho số phận của một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt đã gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô.

Do đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị giữ nguyên toàn bộ công trình kiến trúc thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội. Lý do là Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị, có ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, độc đáo, hài hòa với cảnh quan xung quanh, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực hồ Gươm. Đây còn là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước Đổi mới.

Cung còn có giá trị văn hóa phi vật thể, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho thiếu nhi trong giai đoạn đất nước còn khó khăn.

Cung Thiếu nhi Hà Nội
Cung thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, cùng với các di sản kiến trúc khu vực hồ Gươm.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị, Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội là tài sản công nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không nên xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại dịch vụ. Theo đó, Thành phố có thể được sử dụng Cung Thiếu nhi cũ làm Nhà văn hóa thiếu nhi quận Hoàn Kiếm để phục vụ các em nhỏ quận này và các quận xung quanh.

Mặt khác, với việc Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch 6 đồ án phân khu nội đô lịch sử của 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, Thành phố cần kiên quyết không xây dựng các chung cư cao tầng tại khu nội đô lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc - văn hóa lịch sử…, tăng cường không gian công cộng để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Trước đó, trao đổi với Reatimes, nhiều chuyên gia khẳng định, hơn lúc nào hết, Hà Nội cần thận trọng khi quyết định số phận của các công trình công cộng thay vì vội vã đi theo “phong trào” xã hội hóa để... tư nhân hóa vì lợi ích trước mắt.

Các chuyên gia đánh giá, Hà Nội cần một Cung Thiếu nhi xứng với tầm vóc Thủ đô trong thời đại mới nên việc xây dựng Cung Thiếu nhi với quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, sau khi có cơ sở mới, Cung Thiếu nhi cũ bên cạnh Hồ Gươm có còn thuộc về thiếu nhi nữa hay không là điều người dân Thủ đô đang rất quan tâm.

Bởi Cung Thiếu nhi Hà Nội có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô, gồm những công trình kiến trúc rất đặc trưng của Hà Nội là biệt thự Pháp và kiến trúc kiểu Xô viết. Đây là “ngôi nhà tuổi thơ” - nơi lưu giữ nhiều tầng ký ức thời thơ ấu của thế hệ 7x, 8x của Thủ đô, là nơi ươm mầm tài năng, chắp cánh ước mơ của hàng vạn con em lao động Thủ đô một thời.

“Việc xây dựng Cung Thiếu nhi phải vừa đáp ứng nhu cầu, vừa cần thuận lợi cho đi lại. Cung Thiếu nhi cũ nằm ở khu vực trung tâm, đáp ứng được các điều kiện đó, tuy nhiên qua nhiều thập kỷ sử dụng, nay đã cũ kỹ và xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu trong bối cảnh mới.

Việc xây cung mới là cần thiết, cùng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số thì nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, phát huy tài năng, sở trường của con trẻ hiện đang rất lớn. Vì thế, phần đất cũ chỉ cần cải tạo, điều chỉnh để có thể tiếp tục trở thành công trình phúc lợi xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu niên ở khu vực trung tâm”, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cung thiếu nhi Hà Nội
Cung Thiếu nhi Hà Nội

Dấu ấn lịch sử, kiến trúc của Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ. Ảnh: IT.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh thêm, đất Cung Thiếu nhi cũ là đất dành cho phúc lợi công cộng, nên phải giữ nguyên mục đích đó để tiếp tục phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không được thu hồi để rồi sau đó chuyển đổi thành mục đích khác. Giả sử nếu xóa dấu vết Cung Thiếu nhi cũ bằng cách chuyển hóa thành công trình nhà ở hay khách sạn… thì sẽ gây bức xúc lớn trong dư luận, và đó cũng là điều mà dư luận đang lo ngại lúc này.

“Không thể mang đất đó đi đấu giá hay “xẻ thịt” ra để bán cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở, khách sạn. Nhất là trong bối cảnh quỹ đất dành cho không gian công cộng đang bị thu hẹp thì càng cần phải thắt chặt, quan tâm, bảo vệ những diện tích còn lại trước nguy cơ bị cắt xén để phục vụ lợi ích tư nhân. Tuyệt đối không được thay đổi mục đích công cộng”, ông Thịnh khẳng định.

Còn theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, hiện nay, căn cứ vào Luật Thủ đô, căn cứ Nghị quyết HĐND, Thành phố xác định được danh mục các công trình xây dựng bao gồm công trình công cộng và các biệt thự, có giá trị xây dựng trước năm 1954. Đối với các công trình này phải thực hiện trình tự theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, phải tuân thủ việc hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý. Cung Thiếu nhi cũ là một di sản đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình, kiến trúc này không được phá hủy.

Đây cũng là tài sản của Nhà nước, nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, nếu công trình đã xuống cấp thì Hà Nội cần cải tạo, tu bổ lại để tiếp tục sử dụng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top