Chia sẻ tại hội thảo, trước câu hỏi xây dựng đô thị thông minh của Việt Nam có thể áp dụng mô hình đô thị thông minh của Singapore hay không? ông Larry Ng thẳng thắn cho hay: "Phát triển đô thị thông minh không thể sao chép nguyên xi của thành phố này sang thành phố khác, của đất nước này sang đất nước khác vì mỗi đất nước có điều kiện, môi trường, văn hóa khác nhau".
Ông Larry Ng cho hay, Singapore là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng dụng giải pháp đô thị thông minh và đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1960, các khu nhà của Singapore đều mang đậm chất nông thôn nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác, các tòa nhà, khu nhà đã là công trình kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được văn hóa cổ xưa của Singapore, gần gũi với thiên nhiên và có sự kết nối giữa các công trình với nhau rất cao, tạo sự thuận lợi cho mọi hoạt động của cộng đồng.
Ông Larry Ng cho biết: “Nhiều khu nhà của Singapore, nếu nhìn xa giống như một khu rừng nhiệt đới. Trên các mái, bề mặt ngoài của tòa nhà đều trồng cây như khu vườn. Điều quan trọng, các công trình của Singapore hiện tại bao giờ cũng được số hóa và lưu giữ dữ liệu. Dữ liệu này như nguồn tài nguyên để giúp cho các nhà xây dựng họ có thông tin cụ thể để thiết kế nhanh và đồng bộ hóa thiết kế thông minh và thân thiện môi trường”.
Trong khi đó, nói về đô thị của Việt Nam ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, đô thị của chúng ta mặc dù đã được cải thiện hơn cả về chất và lượng, tuy nhiên hiện còn tồn tại, hạn chế. Đó là chất lượng tăng trưởng chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ phát triển; triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải; khả năng ứng phó biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao; quản lý phát triển đô thị chưa hiệu quả.
Ông Thái nhận định, phát triển đô thị thông minh và bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai hoặc khởi động các đề án về đô thị thông minh như Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, TP.HCM... Tiềm năng phát triển đô thị thông minh khá lớn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, thiết chế, đầu tư, sản phẩm sử dụng,… đến quản lý, vận hành.
“Hiện nay, Bộ Xây dựng đang đề xuất Đề án “Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao” - ông Thái chia sẻ.
Ngoài ra, ông Thái cũng cho hay, hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này sẽ tạo nên áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống, đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời và phát triển các đô thị thông minh, giúp cộng đồng dân cư phát triển bền vững.