Aa

Hiến kế cho thành phố đặc thù, đô thị thông minh

Thứ Tư, 14/02/2018 - 09:35

Quốc hội đã phê duyệt cho TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù trong 5 năm tới, vì thế việc xây dựng đô thị thông minh sẽ có điều kiện phát triển thuận lợi, đem lại hiệu quả cao trong quản lý và phát triển thành phố đầu tàu này.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngay từ giai đoạn đầu, chúng ta cần lập một chiến lược về xây dựng và phát triển đô thị thông minh giúp TP.HCM có thể phát triển khả quan, hài hòa, hợp tác tốt giữa các đơn vị trong thành phố cũng như giữa thành phố với các đô thị thông minh khác trong tương lai, hướng đến những mục tiêu giá trị thống nhất và đến việc cùng nhau đem lại hiệu quả cộng hưởng về mọi mặt trong suốt quá trình phát triển đô thị và phát triển quốc gia.

Đô thị thông minh là gì?

Dựa trên các giá trị tổng thể của đô thị thông minh theo kinh nghiệm thế giới và các định hướng phát triển đô thị phù hợp với Việt Nam, chúng ta có thể định nghĩa:

"Đô thị thông minh là đô thị sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT - Information Communication Technology) và mạng lưới thiết bị kết nối qua internet (IoT - Internet of Things) để làm nền tảng xây dựng đô thị đáng sống, với quy hoạch bền vững, quản lý đô thị hiệu quả và minh bạch và với tính cạnh tranh đô thị cao về mọi mặt".

Đó sẽ là những giá trị sẽ được khẳng định thông qua 8 định hướng chiến lược trong việc xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại TP.HCM như dưới đây.

Ảnh Hoàng Triều

Ảnh Hoàng Triều

8 định hướng chiến lược

Ưu tiên tập trung cho các lĩnh vực đem lại giá trị hiệu quả kinh tế.

- Hiện nay, có rất nhiều công ty và tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước muốn bán sản phẩm công nghệ giúp xây dựng đô thị thông minh, như: IBM, Cisco, Microsoft, VNPT, FPT… Chính quyền cần sáng suốt chọn các công nghệ đã được thực hiện thành công để ứng dụng cho các lĩnh vực đem lại hiệu quả kinh tế cao so với vốn đầu tư, tránh chọn các công nghệ mới và tốn kém nhưng chỉ còn đang được thử nghiệm hoặc chỉ thuê dịch vụ giải pháp công nghệ bao gồm việc cập nhật thường xuyên, vì chi phí cho giải pháp công nghệ cao thường giảm nhanh hằng năm.

Tại TP.HCM, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh nên ưu tiên cho các yêu cầu bức thiết nhất và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, như chính quyền điện tử, quản lý đô thị, giao thông vận tải, hạ tầng, môi trường, tiết kiệm năng lượng, y tế và sức khỏe, an ninh trật tự, giáo dục, viễn thông.

Tạo dựng cơ cấu quản lý thông minh trên nền tảng hợp tác nhóm.

- Đô thị thông minh hoạt động do con người và vì con người. Con người là chủ thể, công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ việc quản lý đô thị sao cho hiệu quả.

Các hoạt động quản lý và sử dụng công nghệ thông minh cần đặt trên nền tảng hợp tác nhóm, bao gồm việc đào tạo cán bộ quản lý biết phối hợp thông qua công nghệ thông minh, bồi dưỡng cư dân biết hợp tác và sử dụng các ứng dụng thông minh. Việc hợp tác giữa các nhóm quản lý đô thị theo chuyên đề và các nhóm người sử dụng là hoạt động trung tâm và quan trọng nhất trong việc đem lại hiệu suất ứng dụng công nghệ cao và hiệu quả. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông minh không chỉ giới hạn trong các đơn vị quản lý đô thị mà còn phải mở rộng cho người dân cùng tham gia.

Cải tổ tư duy và hệ thống quản lý phù hợp với việc áp dụng công nghệ thông minh

- Việc tích hợp công nghệ thông minh sẽ chỉ hiệu quả nếu thực hiện song hành với việc cải tổ hệ thống, đổi mới tư duy quản lý đô thị theo khoa học.

Chính quyền cần nhanh chóng lập một chiến lược quốc gia về phát triển đô thị thông minh cho TP.HCM, không chỉ về mặt công nghệ mà cả về mặt đổi mới tư duy quản lý và cải tổ cơ cấu tổ chức hành chính đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh kết nối mạng, để có thể lập kế hoạch phát triển đô thị thông minh, vừa phù hợp với nhu cầu của địa phương vừa hướng đến việc kết nối liên thông với các đô thị khác.

Tối ưu hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông minh thông qua kết nối thông tin đa chiều.- Chất lượng thông tin và kết nối thông tin đa chiều giúp tối ưu hóa hiệu quả ứng dụng công nghệ thông minh cho việc quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý giao thông và chính quyền điện tử.

Để làm được điều này, các sở, ban, ngành cần thường xuyên cập nhật thông tin lên mạng cơ sở dữ liệu dùng chung, ví dụ mạng GIS và mạng thông tin hành chính đô thị, theo một tiêu chuẩn thống nhất với độ chính xác cao. Khi bảo đảm được chất lượng thông tin đầu vào thì các cơ quan quản lý có thể cùng đề xuất các giải pháp đầu ra có chất lượng.

Giải quyết các vấn đề trọng điểm của đô thị bằng tư duy đa ngành và đa chiều, ứng dụng công nghệ thông minh.

- Nhiều vấn đề trọng điểm của đô thị có thể được xử lý rất hiệu quả thông qua phối hợp đa ngành và công nghệ thông minh. Với tình trạng các sở, ban, ngành tại các đô thị Việt Nam vẫn còn hoạt động khá độc lập, ít liên kết với nhau, việc áp dụng công nghệ mới chỉ hiệu quả cao, khi việc đổi mới tư duy theo hướng hợp tác đa ngành đi trước một bước, bao gồm công tác bồi dưỡng đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên viên.

Để phục vụ yêu cầu cần thường xuyên đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống và cho việc phát triển công nghệ thông tin quốc gia trong tương lai, cần khuyến khích xây dựng và phát triển các tập đoàn công nghệ cũng như khu đô thị công nghệ, khu nghiên cứu và phát triển R&D và khu đô thị TP.HCM.

Trong đó, khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Đại học Công nghệ Thủ Đức tương lai (bao gồm ĐHQG TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM - SHTP, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Fulbright cùng khu dân cư lân cận) là hai nơi cần có chính sách khuyến khích ưu tiên phát triển đô thị thông minh vì đó cũng sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc phát triển đô thị thông minh theo kế hoạch dài hạn.

Lập kế hoạch phối hợp và giải pháp xử lý tình huống cho suốt quá trình phát triển đô thị thông minh.- Việc phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài và có thể có nhiều tình huống phát sinh chưa có tiền lệ, do đó các địa phương cần được hướng dẫn trong việc lập kế hoạch phối hợp và giải pháp xử lý tình huống.

Trước hết, cần trao trách nhiệm, quyền hạn cho ban chỉ đạo và điều hành phát triển đô thị thông minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBND và Thành ủy TP.HCM cùng sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành. Trong quá trình phát triển, tùy theo nhu cầu phát triển các lĩnh vực trọng điểm trong từng giai đoạn mà có thể lập ra các tiểu ban chuyên trách với sự tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan, ví dụ về quản lý giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý hành chính điện tử. Cần chuẩn bị nhiều giải pháp tình huống, sao cho nếu có xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc tấn công mạng thông tin thì hoạt động đô thị vẫn có thể vận hành bình thường theo phương án dự phòng mà không cần lệ thuộc vào mạng thông tin.

Trong tương lai xa hơn, cần xây dựng chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển mạng đô thị thông minh trên toàn quốc kết nối tốt với nhau và với các vùng đô thị, quốc gia cũng như quốc tế.

Nâng cao giá trị bản sắc đô thị thông minh và xây dựng các cộng đồng sống và làm việc đa dạng với nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh.

- Trọng tâm của đô thị thông minh là phải hướng đến việc phục vụ con người, xem đó là cơ sở cho việc đổi mới quản lý và công nghệ. Việc áp dụng công nghệ thông minh cần giúp tăng giá trị sinh hoạt cộng đồng và bản sắc cho đô thị, thay vì làm đô thị trở nên máy móc, vô hồn giống nhau.

Để được như vậy, cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế xã hội và nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh. Bởi vì mỗi cộng đồng trong đô thị sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau về mặt công nghệ cao, thậm chí sẽ có những cộng đồng không mong muốn hoặc không cần đến nhiều ứng dụng công nghệ cao trong cuộc sống.

Học hỏi một cách chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế về phát triển đô thị thông minh.

- Kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh trên thế giới hiện nay rất phong phú, với các mức độ thành công khác nhau, phần lớn đều đang trong thời kỳ thử nghiệm và phát triển. Ví dụ như chương trình Quốc gia thông minh (Singapore), chương trình Chính phủ số hóa (Malaysia), chương trình Đô thị thông minh Fujisawa (Nhật Bản), dự án 100 thành phố thông minh (Ấn Độ)…

Kinh nghiệm thực tiễn tại Ấn Độ trong việc phát triển hệ thống metro với một công nghệ duy nhất, trong khi huy động vốn từ nhiều quốc gia khác nhau theo dự án ODA cũng là bài học kinh nghiệm rất quý cho việc chọn một công nghệ metro chủ đạo cho hệ thống metro trên toàn quốc nhằm giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng cũng như phát triển một nền công nghiệp metro quốc gia cho Việt Nam trong tương lai.

Với lợi thế của người đi sau, chúng ta chỉ nên học hỏi và áp dụng chọn lọc cho Việt Nam những kinh nghiệm đã được kiểm chứng thành công. Quan trọng là các bài học kinh nghiệm đó sẽ được thảo luận, chia sẻ và đưa vào một quy chuẩn chung cho toàn quốc, tránh tình trạng các đô thị trên cả nước chọn những công nghệ và cơ cấu quản lý không tương thích với nhau, gây trở ngại cho việc kết nối đô thị thông minh quốc gia sau này.

ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN - ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, BÍ THƯ THÀNH ỦY TP.HCM:

Phát triển hơn, đóng góp nhiều hơn

TP.HCM có dân số đông nhất nước, quy mô kinh tế lớn nhất nước nên hoạt động, vận hành của TP phải khác với cả nước. Chính vì cái khác này mà từ năm 2005, lãnh đạo TP đã nghiên cứu cần có chính sách cho TP, lúc đó mới đưa ra vấn đề chính quyền đô thị.

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, TP.HCM đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để giúp TP phát triển.

Trong quá trình thảo luận, TP.HCM phải trả lời được 3 câu hỏi là TP có đặc thù gì? Vì sao thời gian qua TP.HCM không có cơ chế đặc thù mà vẫn phát triển? Vì sao TP.HCM cần phải có cơ chế đặc thù?

Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển, đóng góp nhiều hơn cho cả nước mà không làm thay đổi tất cả điều kiện tài chính với đất nước đã được Quốc hội thông qua trong 5 năm.

Đến nay, HĐND TP đã có nghị quyết, UBND TP đã có kế hoạch, nhân dân quan tâm, báo chí vào cuộc, TP tin tưởng 2018 là năm khởi đầu của 3 năm đột phá, đổi mới cơ chế chính sách, thể chế hoạt động của TP HCM trên nền tảng Kết luận 21 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Qua đó, hằng tháng, hằng quý, hằng năm nhìn lại thấy đời sống nhân dân có tiến bộ, kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; niềm tin, niềm vui trở thành thường xuyên trong lòng mỗi con người, mỗi gia đình; mỗi cán bộ, công chức càng quyết tâm hơn, tự hào hơn về sự đóng góp cho TP, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Trường Hoàng ghi

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top