Aa

Doanh nghiệp bất động sản cần được bơm “ôxy” lãi suất ưu đãi

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Ba, 31/08/2021 - 06:00

Một lần nữa bất động sản không được nhắc tên trong danh sách các ngành nghề được hưởng các gói hỗ trợ từ phía ngân hàng do khoác áo “ngành phi sản xuất”.

Mới đây, nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố các gói hỗ trợ giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm. Tuy nhiên, đối tượng ưu tiên chỉ gồm các doanh nghiệp dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ, lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp, vận tải, hàng tiêu dùng thiết yếu… Các ngân hàng còn lưu ý, việc giảm lãi suất trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá…

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành công văn số 3029/NHNN chỉ đạo đến các ngân hàng thương mại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng đổ vào bất động sản. Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản bị tác động kép, nhiều doanh nghiệp không còn vốn để duy trì hoạt động, phát triển các dự án mới.

Các doanh nghiệp bất động sản bức xúc cho rằng, việc loại trừ lĩnh vực bất động sản ra khỏi danh sách các đối tượng được hưởng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất là điều quá bất hợp lý và dường như các “thành kiến” đối với ngành bất động sản vẫn còn tồn tại.

Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lý giải, với các ngành đang được ưu đãi, dịch bệnh càng nặng nề, càng kéo dài thì họ càng có lợi nhuận, doanh thu cao vì họ là những ngành nghề được ưu tiên, tạo điều kiện để kinh doanh và thực tế là có thể sống được, thậm chí sống khỏe trong đại dịch.

Trong khi đó, trong hai năm qua, bất động sản là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gần như chết lâm sàng. Khó khăn về dòng tiền đang là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động bán hàng gặp trở ngại, doanh thu giảm sút, trong khi vẫn phải duy trì hoạt động bộ máy, trả chi phí nhân sự, mặt bằng, các khoản thuế và lãi suất ngân hàng.

Với vai trò chuyên gia pháp lý - chính sách và luật sư của các doanh nghiệp bất động sản, luật sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch LP Group) cho rằng chính sách trên của các ngân hàng là không hợp lý và thiếu công bằng. Mặc dù việc quyết định lãi suất tùy thuộc vào các ngân hàng để ưu tiên cho các nhóm khách hàng của mình, nhưng các ngân hàng hãy dựa vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra để xem xét lại.

Luật sư Nguyễn Văn Lộc
Luật sư Nguyễn Văn Lộc (Chủ tịch LP Group).

Luật sư Nguyễn Văn Lộc cho hay, Nghị Quyết 88/NQ-CP Phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, ghi nhận rằng “Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 68% dự toán năm, tăng 15,6%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối tương đối ổn định, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, tăng trưởng tín dụng phục hồi tích cực". Có thể nhận thấy, đóng góp vào khoảng ngân sách lớn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng tín dụng chính là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản khi các ngành sản xuất và dịch vụ khác bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.

Bên cạnh đó, theo vị luật sư, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước “thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Để làm được điều đó, ngân hàng cần tạo mọi điều kiện để giữ ổn định (và hỗ trợ) thị trường bất động sản đang khó khăn

Mặt khác, ngoại trừ nhóm các doanh nghiệp bất động sản đang có sản phẩm bán ra trong mùa dịch, đa số còn lại sẽ chịu tác động kép nếu trong trường hợp ngân hàng không hỗ trợ lãi suất. Nghị định 52/2021/NĐ-CP vừa qua không xếp doanh nghiệp bất động sản là ngành sản xuất là điều bất hợp lý.

“Xét thực tế, ngoại trừ đất hoang hóa bỏ trống, có loại đất nào đang không tham gia vào quá trình sản xuất để tạo giá trị xã hội? Không thể xác định kinh doanh bất động sản là ngành dịch vụ như hiện nay để “máy móc” áp dụng loại bất động sản ra các chính sách ưu đãi. Vì lẽ vậy, chính sách tiền tệ ở thượng tầng phải công bằng và thống nhất với tất cả các nhóm doanh nghiệp, đó là chưa kể phải ưu tiên vì lĩnh vực bất động sản đóng góp nguồn thu lớn nhất cho hệ thống ngân hàng”, luật sư Nguyễn Văn Lộc cho hay.

Theo vị luật sư, trong câu chuyện này, điều quan trọng hơn cả là tác động xã hội nếu bất động sản thiếu nguồn lực hỗ trợ từ ưu đãi thuế và lãi suất. Nếu các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khi không còn giải pháp nào khả quan, họ có cơ sở để thay đổi chính sách với đối tác và khách hàng theo hướng người mua cùng chia sẻ rủi ro, khó khăn với mình. Người mua nhà hay người vay cho mục đích bất động sản gặp khó khăn, từ đó ảnh hưởng chung đến hàng triệu người.

Bất động sản cần hỗ trợ lãi suất
Ngành bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế, nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, sẽ gây ra tác động xã hội lớn. Ảnh minh họa. 

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất loại trừ các khoản vay chứng khoán, bất động sản và chứng từ có giá sẽ gây bất lợi và thiệt thòi cho thị trường bất động sản, nếu không nói là bất công.

Theo ông Hoàng, có thể hiểu được, Ngân hàng nhà nước và Chính phủ muốn ưu tiên việc giảm lãi suất, bổ sung khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực hàng tiêu dùng, xuất nhập khẩu, giao thông vận tải, hay các lĩnh vực quan trọng cấp thiết khác. Tuy nhiên, thực tế là do đợt dịch lần này kéo dài, gần như tất cả các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt doanh nghiệp chưa đủ lớn mạnh gặp khó khăn vô cùng lớn.

Nếu không có sự hỗ trợ từ giãn, giảm nợ hoặc lãi vay thì doanh nghiệp sẽ khó có thể vượt qua được. Bên cạnh lãi suất, doanh nghiệp bất động sản rất cần giảm các khoản khác như thuế VAT, thuế TNCN, BHXH… để có thể duy trì hoạt động, nhất là chi trả cho người lao động vốn đã bị suy giảm thu nhập từ nhiều tháng qua.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn do dịch bệnh, thuộc nhóm doanh nghiệp cần được hỗ trợ lúc này, luật sư Nguyễn Văn Lộc khuyên rằng, họ cần chủ động chứng minh với các ngân hàng và các đơn vị liên quan, đặc biệt là cơ quan thuế, đề xuất mức lãi suất ưu đãi dựa trên những định lượng cụ thể. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top