Aa

"Trên thế giới, tôi không thấy người ta gọi bất động sản là ngành phi sản xuất"

Lương Kim
Lương Kim luongkjm@gmail.com
Thứ Năm, 02/04/2020 - 15:00

Nếu lĩnh vực bất động sản bị suy giảm mạnh, sẽ có khoảng 30% các hoạt động kinh tế của đất nước cũng bị tác động theo, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chịu những tác động rất mạnh từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020 của Tổng cục Thống kê cho hay, GDP quý I/2020 đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019, tác động của dịch bệnh Covid-19 là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp như vậy.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%); khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%).

Trong cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%.

Theo thống kê của Cục Đăng ký Quản lý kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Cụ thể, cả nước có 29.711 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kinh doanh bất động sản là một trong 6 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019 (giảm 11,9%) và chịu ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cũng trong quý I/2020, có 34.889 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2% so với cùng kỳ 2019). Trong một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất thì kinh doanh bất động sản lại dẫn đầu với con số 493 doanh nghiệp, tăng tới 94,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những khó khăn thấy rõ của thị trường bất động sản nói chung và một số lĩnh vực bất động sản nói riêng, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào để tạo lực đẩy cho bất động sản? Làm thế nào để hồi phục thị trường đang lâm vào cảnh "đóng băng"? Làm thế nào để ngành kinh tế trọng điểm này không tiếp tục trượt dốc?... Để phần nào giải đáp những câu hỏi trên, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia để làm rõ hơn vấn đề.

PV: Nhiều chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản sẽ tiếp tục trầm lắng cho tới hết quý III bởi khó khăn chủ quan cũng như khách quan bởi dịch bệnh? Đối với một ngành vốn được cho là "đầu tàu" của nền kinh tế, chuỗi sụt giảm này sẽ nguy hại tới chừng nào thưa TS. Cấn Văn Lực?

TS. Cấn Văn Lực: Trong năm 2019, ngành kinh doanh bất động sản đóng góp khoảng 4,5% GDP, ngoài ra, hệ số lan tỏa của ngành này khá lớn. Cụ thể là lan tỏa sang lĩnh vực xây dựng với mức đóng góp gần 6% GDP, hoạt động sản xuất nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, tài chính - ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng do bất động sản được dùng làm tài sản thế chấp vay vốn khá nhiều.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Do đó, ta hình dung, nếu lĩnh vực bất động sản bị suy giảm mạnh, sẽ có khoảng 30% các hoạt động kinh tế của đất nước cũng bị tác động theo, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải chịu những tác động rất mạnh từ đại dịch Covid-19. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia

PV: Tại Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhóm doanh nghiệp bất động sản bị loại ra khỏi danh mục được gia hạn nộp thuế bởi là ngành phi sản xuất. Với những đóng góp “tai nghe, mắt thấy” cho GDP, phải chăng nên coi bất động sản là một ngành sản xuất, thưa ông?

TS. Cấn Văn Lực: Trong phân nhóm ngành của cơ quan thống kê, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện nay được liệt kê vào ngành dịch vụ. Theo tôi được biết, nhiều ngành dịch vụ cũng đang được xem xét, cân nhắc để giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất như: Du lịch và các dịch vụ liên quan, vận tải - kho bãi, giáo dục - đào tạo, các hoạt động dịch vụ gắn với nông - lâm - ngư nghiệp…

Khái niệm ngành “phi sản xuất” bây giờ không còn đúng nữa, vì đó là khái niệm Việt Nam đã áp dụng từ năm 2011, trong bối cảnh chống lạm phát, kiểm soát tín dụng… Và trên thế giới, tôi cũng không thấy người ta gọi ngành này là phi sản xuất. Nên xem ra, lý do này thiếu thuyết phục.

PV: Hiểu được những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, mới đây Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn. Ông đánh giá thế nào về nội dung này? Liệu khi được thông qua, việc giãn thuế và tiền thuê đất sẽ giúp vơi đi gánh nặng cho doanh nghiệp?

TS. Cấn Văn Lực: Đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam và các ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp đều chịu tác động, tất nhiên với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, công bằng mà nói, doanh nghiệp bất động sản cũng chịu tác động mạnh và cần được nhìn nhận thấu đáo hơn. 

Hầu hết các lĩnh vực của bất động sản đều chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19

Ví dụ, bất động sản du lịch đương nhiên chịu tác động mạnh do du lịch cả trong nước và quốc tế đều sụt giảm mạnh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, lượng khách quốc tế giảm 18,1% và khách nội địa giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. 

Bất động sản mặt bằng bán lẻ và văn phòng cho thuê cũng chịu tác động mạnh do nhiều doanh nghiệp thuê, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng bị giảm doanh thu, thậm chí đóng cửa. Bất động sản nhà ở cũng bị ảnh hưởng khá mạnh do tâm lý nhà đầu tư e ngại rủi ro, muốn tích trữ, dự phòng thay vì chú tâm vào hoạt động đầu tư, giao dịch mua - bán... khiến nhu cầu sụt giảm mạnh.

Vấn đề là, tùy vào việc đánh giá tác động cụ thể, có cơ sở thông tin - số liệu và tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách mà Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng, có thể là hỗ trợ ít nhất từ một đến hai phân khúc chịu ảnh hưởng mạnh. 

Nếu là tôi, tôi sẽ cân nhắc, ưu tiên hỗ trợ đối với hai phân khúc là bất động sản mặt bằng bán lẻ và nhà ở vì gắn nhiều với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và người dân hơn.

PV: Trong bối cảnh thị trường trầm lắng và có nguy cơ rơi vào trạng thái “đóng băng” như giai đoạn 2011 - 2012 thì đâu sẽ là “liều thuốc trợ sức” cho thị trường bất động sản nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng để vượt qua cơn dịch bệnh này, thưa TS?

TS. Cấn Văn Lực: Chính phủ đã và đang nỗ lực để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa chỉ đạo, hành động chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, quốc kế dân sinh. 

Đối với ngành nghề, doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã và đang có những gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ - tín dụng như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn từ 1 - 2%/năm; bên cạnh đó là các gói tài khóa như hoãn, giãn thuế, tiền thuê đất có thời hạn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị y tế… và có hẳn một gói riêng về an sinh xã hội mà Chính phủ đang hướng tới nhằm hoãn - giãn, miễn nộp BHXH có thời hạn; hỗ trợ tiền mặt cho người lao động bị thất nghiệp, khó khăn, người nghèo; cho vay ưu đãi để doanh nghiệp trả lương, hỗ trợ thu nhập cho người lao động… Đây cũng là cách làm của một số quốc gia và thể hiện nỗ lực rất lớn của Nhà nước trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn.

Đối với thị trường bất động sản nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng, tôi thấy, nếu làm được hai việc: Thứ nhất, cho phép giãn - hoãn nợ vay, tiền thuế, tiền thuê đất, nộp BHXH. Thứ hai, cho phép hồi tố phần nộp thuế tính đối với phần vượt 20% chi phí lãi vay so với thu nhập trước thuế, khấu hao và trả lãi khi sửa đổi Nghị định 20 của Chính phủ, thì đã là rất trúng và quá tốt rồi! 

Song song với đó, khâu thực thi hỗ trợ cũng cần được hướng dẫn, triển khai minh bạch, nhanh và hiệu quả để giảm thiểu những khó khăn phát sinh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top