Aa

Hỗ trợ doanh nghiệp: Trách nhiệm nặng nề nằm ở khâu thực thi

Thứ Sáu, 27/08/2021 - 15:00

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ cấp bách mà doanh nghiệp đang cần đã được điểm danh chi tiết trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Giảm tối đa chi phí

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ đúng thời hạn, sau khi hoàn tất lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp.

Hàng loạt giải pháp cấp bách mà doanh nghiệp đang nóng lòng chờ đợi đều có mặt, với yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện ngay khi Nghị quyết được ban hành. Đặc biệt, nhóm giải pháp nhằm tối giản hóa thủ tục, chi phí để tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã được đề xuất rất chi tiết.

Có thể hiểu là, ngay trong giai đoạn xây dựng nội dung Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các giải pháp đã được nghiên cứu và có phương án.

Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất luồng xanh vận tải đường bộ, đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa...

Bộ Tài chính được yêu cầu chỉ đạo Tổng cục Hải quan cho phép doanh nghiệp được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y bản chính, chứng thực theo quy định của các bộ, ngành để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hóa. Doanh nghiệp sẽ nộp bổ sung sau khi hàng hóa được thông quan.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giảm 10% tiền điện trong 3 tháng cho doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản, rau quả, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt trên 1 tỷ USD, có nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội... Tiếp tục giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ cho ngành sản xuất đến hết tháng 12/2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày...

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, xem xét việc miễn nộp đoàn phí cho đoàn viên tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2021 - 2022...

Các địa phương cũng được yêu cầu xem xét giảm mức phí hoặc chưa thực hiện thu phí sử dụng công trình kết nối hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển loại 1 và 1A trên địa bàn cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu theo tình hình thực tế của dịch bệnh...

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn cũng được giao các địa phương xem xét, cân đối ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân...

Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh vừa giúp doanh nghiệp tăng lưu thông hàng hóa, tạo việc làm cho lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh Covid -19 tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
Các giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa trong hoạt động sản xuất - kinh doanh vừa giúp doanh nghiệp tăng lưu thông hàng hóa, tạo việc làm cho lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp trong bối cảnh Covid -19 tác động tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Trách nhiệm nặng nề giao địa phương

Nhiệm vụ của các địa phương trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng được xác định thực sự nặng nề, với nguyên tắc rất rõ là chủ động tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì ổn định sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, khi yêu cầu hạn chế tối đa việc đóng cửa toàn nhà máy được ghi rõ, thì trách nhiệm của chính quyền các địa phương không đơn giản chỉ là hỗ trợ.

Theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các địa phương sẽ cùng với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất - kinh doanh an toàn, phù hợp với diễn biến dịch ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Địa phương cũng sẽ phải chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại khi đáp ứng điều kiện đã thống nhất với doanh nghiệp.

Để thực hiện được, các địa phương sẽ nghiên cứu, đánh giá khả năng thực tế của doanh nghiệp, của địa phương khi áp dụng các mô hình “2 điểm đến, 1 cung đường”, “3 tại chỗ”... để vận dụng sáng tạo vào thực tế.

Các địa phương cũng được yêu cầu tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống Covid-19.

Cũng phải nhắc lại, đây chính là những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất đặt tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế, ngay khi TP.HCM tiếp tục thặt chặt các điều kiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình thế “không biết sẽ duy trì hoạt động ra sao”.

Thông tin gửi về Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho thấy, tình trạng người lao động trong công ty đang thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” không đến được chỗ làm; nhân viên mua thực phẩm, làm thủ tục xuất nhập khẩu của công ty thực hiện “3 tại chỗ” không làm việc được, vì mỗi ngày chỉ được 2 người đi và chỉ được đi trong một cung đường cố định.

“Một doanh nghiệp đang lắp đặt máy cho nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại lo lắng vì mỗi ngày họ có hàng trăm lô hàng, mà chỉ có 2 nhân viên được đi làm thủ tục, thì không thể kịp tiến độ”, đại diện VEIA cung cấp thông tin.

Cùng thời điểm này, các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa liên quan cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu công nghiệp tại Vũng Tàu đang gặp khó khi Vũng Tàu yêu cầu xét nghiệm tại chỗ, không chấp nhận hình thức xét nghiệm PCR có hiệu lực 3 ngày. Trong khi đó, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng lại mới có văn bản yêu cầu người đến làm việc, ngoài xét nghiệm PCR có hiệu lực 3 ngày, còn phải đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.

“Anh em lái xe của các công ty vận tải hầu hết không đáp ứng được yêu cầu này, nên tình trạng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ lại báo động đỏ nếu không có phương án tháo gỡ ngay”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) lo ngại sau khi liên tục tiếp nhận các ý kiến phản hồi thực tế của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA).

Phải có đầu mối giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp

Bố trí đầu mối chuyên trách để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong phạm vụ ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Yêu cầu này sẽ được bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai ngay khi Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được ban hành.

Cùng với đó, trong tổ chức thực hiện, các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, doanh nghiệp đặc biệt chờ đợi các giải pháp này.

“Người dân, doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự được hưởng lợi từ các quy định, văn bản, giải pháp tốt khi những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến tổ chức thực thi, hiệu quả thực tế”, ông Tuấn chia sẻ quan điểm.

Ông Tuấn đề xuất phải coi chất lượng và kỷ luật thực thi là trọng tâm trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tới đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top