Aa

Doanh nghiệp bất động sản “đói vốn“, nhiều ngành khác bị ảnh hưởng

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 21/11/2022 - 06:08

Khi các doanh nghiệp BĐS không tiếp cận được vốn thì không có tiền để trả cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhân công, nhà thầu... khiến các đơn vị này cũng bị ảnh hưởng theo.

Tại sao việc tiếp cận dòng vốn ngày càng khó khăn?

Thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng cao, biến động trên thị trường trái phiếu đã tạo ra những cú sốc, đặt doanh nghiệp bất động sản vào tình thế cấp bách khi dòng tiền hoạt động cũng như đầu tư gặp khó khăn, xuất hiện các điểm nghẽn. 

Thực tế phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, nghẽn dòng vốn kéo dài sẽ triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, qua đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ dòng tiền thu về trong tương lai.

Tại Talkshow với chủ đề "Gỡ nghẽn dòng tiền" chuyên gia nhận định, từ quý I/2022 câu chuyện về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường bất động sản đã rất nhức nhối. Đến hiện tại là giữa tháng 11/2022, nhưng việc tiếp cận vốn với doanh nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn khi dòng vốn trái phiếu xảy ra những rủi ro và thay đổi trong cách quản lý.

Phân tích cụ thể, TS. Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest cho hay, trước đây quy mô thị trường trái phiếu chưa lớn nên việc nó biến động ra sao không mấy ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Tuy nhiên, với quy mô như hiện tại, việc thị trường trái phiếu bị nghẽn làm mất niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, từ đó dẫn đến các thị trường vốn khác cũng bị nghẽn lại và sụt giảm.

Thị trường cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến doanh nghiệp không thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu. Thị trường tín dụng từ giữa tháng 4/2022 đã xảy ra hiện tượng bị nghẽn tín dụng do sự tăng trưởng tín dụng nhanh và mạnh sau thời kỳ Covid-19 và các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn.

Khi các doanh nghiệp bất động sản không tiếp cận được vốn, các doanh nghiệp liên quan cũng không thể tiếp cận được vốn và không có nguồn để hoạt động kinh doanh bởi doanh thu. 

“Nếu chỉ nói riêng ngành bất động sản thôi thì chúng ta thấy nó chỉ là một ngành trong nền kinh tế nhưng nó lại rất rộng, bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, bất động sản du lịch... nhưng chúng ta cần xem xét dạng bất động sản nào nên hạn chế và dạng bất động sản nào nên thúc đẩy.

Chính vì chưa phân định được điều này dẫn đến việc chúng ta làm hạn chế chung cho toàn ngành bất động sản trong việc tiếp cận vốn. Khi toàn bộ các nhóm ngành bất động sản khó khăn trong việc tiếp cận vốn nên các ngành khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa bàn đến mở rộng việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng càng bị thu hẹp lại”, TS. Trần Minh Tuấn nhận định.

Nghẽn dòng vốn kéo dài sẽ triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản của doanh nghiệp, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Ông Tuấn dẫn chứng, như các ngành sản xuất kinh doanh thiết yếu khác khi họ có hạn mức tín dụng nhất định với các ngân hàng thương mại, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của họ có tiền về, trả vào hạn mức tín dụng, các ngân hàng thương mại lại không cấp tín dụng ra nữa do hết room. Điều này khiến các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc xoay sở trả tiền nguyên vật liệu, nhân công để tiếp tục trong vận hành sản xuất kinh doanh.

Điều này dần làm thu hẹp sản xuất kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hoạt động, chưa nói đến việc mở rộng hoặc yếu tố ngoại cảnh như đơn hàng xuất khẩu bị chậm hay nhu cầu trên thế giới sụt giảm, dẫn đến dòng vốn luân chuyển trong doanh nghiệp bị khó.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến cạn room tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết:

Thứ nhất, cả năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng nếu tính theo tháng so với cùng kỳ năm trước, có thời điểm tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới 17%. Trong giai đoạn đó, tổng cung tiền chỉ tăng 5 - 6% nhưng tăng trưởng tín dụng lại tăng mạnh dẫn đến áp lực về thanh khoản với hệ thống ngân hàng thể hiện bằng việc tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động.

Thứ hai, dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều năm trì hoãn dần dần tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhưng nhiều tháng đầu năm nay, tỷ lệ tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản (cả cho nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng cá nhân vay để sửa chữa nhà hay là đầu tư thứ cấp) lại tăng nhanh hơn mức tăng trung bình của tín dụng.

Theo đó, khi cho vay trung và dài hạn, khoản vay có thể thu lại được theo thời gian lại giảm đi, chưa nói đến các vấn đề khó khăn, nợ xấu khi cho vay trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, một lượng tiền rất lớn hàng trăm nghìn tỷ huy động từ trái phiếu Chính phủ dành cho đầu tư công và các chương trình phục hồi cũng chưa chi được nhiều.

“Với thị trường hiện nay, tâm lý phòng thủ rất cao, có tiền nhưng nhà đầu tư cũng không muốn xuống tiền. Do đó, cái khó trong điều hành hiện nay là cùng lúc phải xử lý ba bài toán một lúc là ổn định lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế nhưng phải đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng và thúc đẩy quá trình phục hồi”, ông Thành nhận định.

Gỡ nghẽn trái phiếu sẽ khơi thông dòng vốn

Trong bối cảnh cấp bách cần khơi thông dòng vốn, một số quan điểm cho rằng nới room tín dụng hoặc lập Quỹ bảo lãnh hay Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu cũng cần được tính đến.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, ý tưởng này không phải là mới, dù so sánh hơi khập khiễng nhưng về bản chất giống với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu dọn nợ xấu sang một bên để dòng tiền vận hành bình thường trở lại. Giống như vậy, Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh

Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, ý tưởng này gặp hai vấn đề:

Thứ nhất, Quốc hội liệu có cho phép sử dụng tiền ngân sách để “cứu” trái phiếu hay không.

Thứ hai, từ bài học xử lý nợ xấu giai đoạn vừa qua (cho dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu), song đến nay nợ xấu vẫn chưa thể xử lý xong, cho thấy ý tưởng này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu triển khai.

Nếu không có cơ chế xử lý ngay từ đầu thì không cẩn thận, thoát được ít nhiều điểm nghẽn này lại tạo ra điểm nghẽn khác, làm quá trình cải cách, tái cơ cấu hệ thống tài chính càng thêm khó khăn. 

Còn với số tiền ngân sách thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số 200.000 - 300.000 tỷ đồng thì rất lớn, nhưng so với nhu cầu hiện nay (cả tín dụng hiện tại và tín dụng cấp mới) thì không phải là quá lớn”, TS. Thành nói.

Ông cũng chia sẻ thêm, cách xử lý sai phạm trong giai đoạn khó khăn này phải làm sao cho hài hoà hơn, khéo hơn. Sai thì phải xử nhưng cách xử thế nào rất quan trọng.

Ngoài ra, gói giải cứu như của Trung Quốc cũng rất đáng xem xét. Mặc dù vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 liên quan đến thị trường trái phiếu riêng lẻ nhưng có nhiều quan điểm cho rằng chặt chẽ quá, trong đó có quy định phát hành cho nhà đầu tư cá nhân nhưng đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Bởi vậy, Chính phủ cũng cần xem xét nới lỏng quy định. 

Còn TS. Trần Minh Tuấn kiến nghị: “Room tín dụng là một công cụ để kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường, vậy nên chăng chúng ta linh hoạt hơn về room tín dụng trong thời gian tới bằng cách Ngân hàng Nhà nước sẽ có những tính toán và xem xét xem những ngân hàng thương mại nào đảm bảo các điều kiện để giao một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm để các ngân hàng chủ động điều tiết trong room đã được cấp”.

Theo ông Tuấn, có những giai đoạn cao điểm Ngân hàng Nhà nước chưa kịp nới room cho các ngân hàng thương mại để cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh của từng ngành, đó cũng là một điểm nghẽn.

Yếu tố thứ hai cần phải xem xét trong phần room tín dụng, theo ông Tuấn, là không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên bó cứng ở một số phân ngành có tính chất đầu cơ cao, đặc biệt là những phân ngành về đầu tư cổ phiếu. Còn với bất động sản,  những dự án tốt không nên bó cứng, vì nếu như vậy sẽ dẫn đến việc giá bất động sản không giảm đi, mà còn tăng lên và việc tiếp cận với bất động sản chính yếu của những người có nhu cầu sẽ ngày càng khó, bởi lượng cung trên thị trường ngày càng ít./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top