Aa

Doanh nghiệp bất động sản ngoại tăng tốc đầu tư

Thứ Bảy, 30/07/2022 - 06:21

Bất chấp những biến động của thị trường, vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào bất động sản ở hầu khắp các phân khúc.

Khối ngoại đua “rót tiền”

Sau hơn 10 năm hiện diện trên thị trường Việt Nam, thông qua việc hợp tác cùng Becamex IDC để phát triển hàng loạt dự án bất động sản tại tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Tokyu Corporation (Nhật Bản) mới đây đã bắt tay với Tập đoàn Danh Khôi để phát triển dự án căn hộ cao cấp nghỉ dưỡng The Meraki tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó Tokyu Corporation đóng góp 49% vốn đầu tư, 51% còn lại là Danh Khôi. Theo quy hoạch, The Meraki có một tòa tháp cao 29 tầng, cung cấp cho thị trường bất động sản Vũng Tàu 525 căn hộ, thuộc Khu phức hợp Aria Vũng Tàu Hotel & Resort.

Cũng ở phân khúc cao cấp, Tập đoàn khách sạn IHG (Anh) thời gian gần đây liên tục ký kết hợp tác với các doanh nghiệp Việt để gia tăng số lượng thương hiệu và nguồn cung. Hiện IHG sở hữu hệ thống 15 khách sạn tại Việt Nam và đang triển khai thêm 18 khách sạn mới, dự kiến đưa vào hoạt động thêm hơn 6.000 phòng vào năm 2027.

Với bất động sản công nghiệp, Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) chính thức đưa thương hiệu Mỹ Core5 về Việt Nam thông qua liên danh với Indochina Capital. Indochina Kajima dự định đầu tư 1 tỷ USD vào lĩnh vực này ở Việt Nam trong vòng 5 - 7 năm tới. Trước mắt, Indochina Kajima sẽ khởi công dự án nhà xưởng hạng A tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng 2. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho thị trường gần 700.000m2 nguồn cung nhà xưởng, nhà kho, với tổng chi phí đầu tư gần 450 triệu USD.

Trong khi đó, Gaw NP Capital (Hồng Kông) tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam với một nhà xưởng xây sẵn và một dự án nhà kho có quy mô 17ha tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (TP. Hải Phòng). Với quy mô hiện có khoảng 49ha nhà máy xây sẵn và nhà kho xây sẵn cho thuê, Gaw NP Capital đặt mục tiêu sẽ mở rộng quỹ đất của mình ở Việt Nam lên đến 100ha trong năm 2022. Sau khi triển khai 3 dự án đầu tư ở Thái Nguyên và Hải Phòng, Gaw NP Industrial tiếp tục mở rộng thị trường đến tỉnh Nghệ An.

Ở phân khúc nhà ở, Công ty CapitaLand Development (CLD) - nhánh kinh doanh phát triển bất động sản của Tập đoàn CapitaLand mới đây đã mua lại quỹ đất rộng 8ha tại TP. Thủ Đức để phát triển một khu phức hợp cung cấp hơn 1.100 căn hộ và shophouse với tổng doanh thu dự kiến khoảng 720 triệu USD. Thương vụ sẽ hoàn tất vào quý IV/2023. Khi đó, doanh nghiệp Singapore này sẽ sở hữu danh mục hơn 13.000 căn hộ thuộc 17 dự án trên cả nước.

Ngoài ra, bất động sản bán lẻ thời gian gần đây cũng rất sôi động khi chứng kiến sự hiện diện của những tên tuổi lớn đến từ nhiều nước. Nổi bật phải kể đến Tập đoàn Central Retail - nhà bán lẻ Thái Lan công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới, trong đó có phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.

Những rào cản cần tháo gỡ

Nhìn lại bức tranh đầu tư sau cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc năm 2013, lượng vốn FDI mới vào Việt Nam đã tăng lên rõ rệt và đều đặn qua từng năm, trong đó, vốn FDI rót vào ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn. Ông Đỗ Duy Thành, Quản lý bộ phận Tư vấn đầu tư Savills Hà Nội nhận xét, thị trường bất động sản Việt Nam dù ở phân khúc nào cũng luôn hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại. Đa số là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.

Ông Thành phân tích, trong khi bất động sản công nghiệp ngày càng thu hút do sự đổ bộ của FDI trong ngành chế biến, chế tạo, thì quá trình đô thị hóa và sự gia tăng tầng lớp trung lưu, thượng lưu lại thúc đẩy nhu cầu về nhà ở. Xu hướng đầu tư vào bất động sản nhà ở và văn phòng càng được củng cố khi giá tại Hà Nội và TP.HCM vẫn ở mức hợp lý so với các thị trường lân cận Singapore, Thượng Hải hay Thâm Quyến...

Trong khi đó, ông Oh Dong Kun, Tổng giám đốc Tokyu Corporation tại Việt Nam đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn trẻ, yếu tố hấp dẫn nhất là tính tăng trưởng. “Năm 2011, khi chúng tôi bắt đầu tìm hiểu, số lượng căn hộ ở TP.HCM chưa đầy 10.000 căn, nhưng đến năm 2018 đã lên tới hơn 40.000. Từ đây có thể thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ của bất động sản Việt Nam”, ông Oh Dong Kun nói và tin rằng các tập đoàn quốc tế sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam.

Dù vậy, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng chỉ ra, dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản gặp nhiều thách thức. Theo ông Đỗ Duy Thành, số vốn FDI đăng ký vào thị trường qua từng năm thực chất không được giải ngân như thực tế đã cam kết, do nhiều yếu tố liên quan đến pháp lý trong quá trình phát triển dự án, điều này dẫn đến việc chậm tiến độ triển khai.

Do đó, khi gia nhập thị trường, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường hợp tác theo hình thức liên doanh với các chủ đầu tư Việt Nam để được hỗ trợ trong quá trình xử lý các thủ tục pháp lý. Song không phải lúc nào hai doanh nghiệp cũng có tiếng nói chung. “Để nắm rõ tình hình thị trường cũng như tiếp cận các dự án tiềm năng, các nhà đầu tư có thể tìm đến các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp với kiến thức sâu rộng trong ngành bất động sản”, ông Thành nói thêm.

Ông Oh Dong Kun cũng cho rằng, pháp lý và thủ tục hành chính phức tạp là rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là điểm trừ đáng tiếc khi nói đến môi trường đầu tư tại Việt Nam. “Tuy nhiên, tôi tin, với sự lắng nghe, cầu thị của các cơ quan quản lý nhà nước thì môi trường kinh doanh sẽ ngày càng cải thiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn”, ông Oh Dong Kun nói.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có chung kiến nghị, cần rà soát những quy định về pháp lý cho các loại hình bất động sản mới. Chính sách đầu tư nước ngoài cũng phải điều chỉnh kịp thời, sao cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, việc chọn lọc các nhà đầu tư nước ngoài cần thận trọng, kỹ càng, dựa trên các tiêu chí như năng lực tài chính, tổng vốn đầu tư, các dự án đã thực hiện, uy tín doanh nghiệp trên thị trường...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top