Aa

Doanh nghiệp bất động sản tăng tốc triển khai dự án mới

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 09/06/2022 - 06:09

Giữa năm là thời điểm vàng để doanh nghiệp bất động sản tập trung phát triển dự án hướng tới hoàn thành kế hoạch và mục tiêu kinh doanh của năm. Theo đó, hàng loạt dự án mới cũng đang rục rịch triển khai.

Hàng loạt dự án mới được phê duyệt

Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022, sau khi hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước trở về trạng thái bình thường, thị trường bất động sản dần sôi động trở lại, lượng khách hàng tìm kiếm, giao dịch cũng tăng dần.

Hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có sự phục hồi rõ nét. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 800 sàn giao dịch đã trở lại hoạt động. Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những tháng đầu năm 2022, kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 47,2%. Số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động là 845 doanh nghiệp, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021. Trước nhiều động lực tăng trưởng, doanh nghiệp bất động sản cũng hướng đến các kế hoạch lạc quan để tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án và mở rộng quỹ đất.

Sở hữu quỹ đất lớn nhất là Vinhomes với 16.800ha, gồm 13.000ha đất khu dân cư, văn phòng và 3.800ha đất khu công nghiệp. Theo tài liệu mới được công bố, Vinhomes có kế hoạch khởi động 3 dự án trong năm nay, gồm Vinhomes Dream City (Văn Giang, Hưng Yên), Vinhomes Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội) và Vinhomes Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).

Hay như Novaland, giữa tháng 3/2022, đại diện doanh nghiệp này cho biết Novaland đang sở hữu quỹ đất 10.600ha, trong đó có nhiều mảnh đất vàng nằm tại khu vực trọng điểm, có sự đầu tư vượt bậc về hạ tầng giao thông như các tuyến cao tốc và cảng hàng không. Dự kiến trong 2022, Novaland sẽ ra mắt đồng loạt 3 dự án lớn: Novaworld Lăng Cô, quy mô 280ha; Novaworld Nha Trang, quy mô 600ha; Novaworld Mũi Né, quy mô 700ha.

Ngoài các dự án lớn kể trên, tháng vừa qua thị trường cũng ghi nhận thông tin quy hoạch tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như: Yên Bái bổ sung khu công nghiệp Trấn Yên 339ha; Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch 1/500 khu đô thị Núi Long gần 1,8ha để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; hay Phú Yên quy hoạch đô thị xã Sông Cầu là đơn vị hành chính cấp thành phố...

Doanh nghiệp bất động sản cũng hướng đến các kế hoạch lạc quan để tăng tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ dự án và mở rộng quỹ đất. (Ảnh minh hoạ)

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của 3 khu công nghiệp (KCN) tại Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nam và điều chỉnh chủ trương 1 KCN tại Bến Tre. Tổng vốn đầu tư của cả 4 KCN vào khoảng 9.813 tỷ đồng.

Trong đó KCN Tiên Thanh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng là dự án có quy mô và tổng vốn đầu tư lớn nhất. Cụ thể, khu công nghiệp có diện tích hơn 410ha, vốn đầu tư 4.597,5 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư KCN Tiên Thanh được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án.

KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn 1 thuộc địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Dự án có quy mô 85ha, do Công ty TNHH Hòa Phú Invest làm chủ đầu tư. Tổng vốn thực hiện KCN Hòa Phú là 1.093 tỷ đồng, thời gian hoạt động đến ngày 19/5/2066. Tiến độ thực hiện không quá 24 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất.

KCN Đồng Văn I mở rộng nằm ở phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng - khu B, tỉnh Hà Nam. Dự án có diện tích 49ha, thuộc địa bàn xã Duy Tiên, vốn đầu tư 541,5 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Nhựa.

Như vậy, loạt thông tin về quy hoạch, duyệt chủ trương các dự án bất động sản, khu công nghiệp vừa qua đều nằm trong chủ trương đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, đây là động lực chính giúp thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ ở hiện tại và trong thời gian tới.

Khó cản bước tăng trưởng của doanh nghiệp

Câu chuyện siết tín dụng bất động sản, chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây được giới chuyên gia nhận định sẽ làm chững lại hoạt động của thị trường và đại đa số doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp tự tin với kế hoạch và mục tiêu đã đề ra.

Đơn cử như tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022 của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services), ông Phạm Anh Khôi, Thành viên HĐQT Đất Xanh Services cho biết, việc thị trường bất động sản bị siết cho vay không nằm ngoài dự đoán của HĐQT cũng như Ban điều hành của doanh nghiệp.

“Nguồn tài chính của chúng tôi khá đa dạng, khác với các công ty cùng ngành khác khi họ chỉ làm việc với một, hai hoặc ba ngân hàng đối tác chiến lược. Khi tín dụng bất động sản bị siết thì sẽ có những ngân hàng liên kết của chúng tôi còn room. Chúng tôi cũng rất nhanh chóng chuyển các khoản vay của khách hàng sang những ngân hàng này”, ông Khôi cho hay.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn tự tin với mục tiêu đã đặt ra (Ảnh minh hoạ)

Không riêng gì Đất Xanh Services, lãnh đạo CTCP Đầu tư Nam Long cũng khá tự tin với chiến lược của doanh nghiệp trước động thái siết chặt thị trường vốn.

Cụ thể, Chủ tịch Nguyễn Xuân Quang thừa nhận, nếu lụt thì lụt cả làng, Nam Long cũng không tránh khỏi những khó khăn chung đó. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã có những chiến lược cụ thể để ứng phó.

Thứ nhất, Nam Long cộng tác với những đối tác quốc tế có nguồn lực mạnh như Hankyu, Keppel Land… để cùng phát triển. Những đối tác này không chỉ có năng lực phát triển đô thị mà còn có năng lực tài chính, khả năng huy động vốn ở những thị trường giá rẻ.

“Trong các chương trình làm việc của Nam Long với liên doanh quốc tế, ngoài việc các đối tác nước ngoài chuyển tiền để cùng liên doanh dự án thì còn có ngân hàng hỗ trợ cho vay mua dự án.

Chúng tôi kết hợp giữa lãi suất trong nước và lãi suất nước ngoài để đưa ra một mức lãi suất cạnh tranh, trong khoảng 6 - 6,5%. Đây là những ngân hàng quốc tế, tổ chức quốc tế với những khoản vay có thời hạn, biến động giá cả và biến động về lãi suất không xảy ra”, lãnh đạo Nam Long chia sẻ.

Bà Phạm Thị Mai Lan, Phó Chủ tịch CEO Group cũng giải đáp rằng, việc siết tín dụng nhằm minh bạch, thông tin này đã có từ nhiều năm nay và đã có rất nhiều giai đoạn siết chặt.

“Theo chúng tôi hiểu, việc siết tín dụng là siết về nội dung, tức là khi thực hiện một khoản tín dụng nào đó cần phải được thẩm định một cách chặt chẽ và nội dung đó phải đảm bảo sự an toàn pháp lý cũng như hiệu quả. Về vấn đề này, CEO Group rất tự tin. Bên cạnh đó, dù siết tín dụng là không tăng tổng room cho vay của các ngân hàng thương mại nhưng hiện nay nhiều ngân hàng thương mại đã tăng vốn rất mạnh, nên không có nhiều lo ngại”, bà Lan cho biết.

Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay về các hoạt động “siết”, pháp lý chồng chéo thì ngoài việc bản thân mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực ra, rất cần sự hỗ trợ kịp thời của phía Chính phủ và các cơ quan chức năng, từ cơ chế, chính sách, lãi suất ngân hàng... để giúp doanh nghiệp sớm hồi sinh và tăng tốc trong những tháng được coi là thời gian vàng.

Đại diện một doanh nghiệp cũng cho hay: “Trong khó khăn vừa qua, doanh nghiệp bất động sản cũng luôn tìm cách vượt khó để duy trì hoạt động. Minh chứng rõ nhất đã được nhìn thấy trong 2 năm dịch bệnh, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức tốt, thậm chí còn lãi lớn. Điều đó cho thấy khó khăn cũng không thể cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Song để sự phát triển này ở mức cao hơn, đóng góp cho kinh tế xã hội nhiều hơn thì cần Chính phủ, bộ ngành nhanh chóng tháo gỡ các rào cản cho doanh nghiệp”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top