Aa

Doanh nghiệp bất động sản than khó tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ

Thứ Năm, 23/04/2020 - 11:09

Sau những tháng ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp bất động sản đang mong ngóng tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Nhưng việc này không dễ.

Theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trình Chính phủ ngày 15/4 dự thảo quyết định về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong gói 62 ngàn tỷ đồng sẽ dành khoảng 18 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp vay không lãi suất trả lương cho người lao động.

Trong thời điểm hiện nay rất ít doanh nghiệp có tài sản bảo đảm là bất động sản đủ điều kiện vay gói hỗ trợ

Không dễ tiếp cận gói hỗ trợ

Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch COVID-19; trong đó có hai gói hỗ trợ quan trọng gồm gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo đó sẽ gia hạn 5 tháng đối với các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế cá nhân… với giá trị ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, anh Trần Tuấn - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất cho biết đã nắm bắt được các thông tin hỗ trợ trên của Chính phủ nhưng với các điều kiện đưa ra thì gần như doanh nghiệp của anh không thể tiếp cận được.

Anh cho biết điều kiện vay không lãi suất quy định: “Doanh nghiệp phải trả trước 50% lương tối thiểu cho người lao động đã là một cản trở lớn khi mà thời gian dịch bệnh vừa qua doanh nghiệp không có nguồn doanh thu, phải đi vay ngân hàng để trả lương nên phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đã bị chậm hơn bình thường".

Được biết, trong một gói hỗ trợ vay không lãi suất để trả lương, các tiêu chí đưa ra gồm: Có từ 20% số lao động hoặc từ 30 lao động làm việc theo hợp đồng lao động phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên (từ ngày 1/4 đến 30/6); doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động, đã trả trước 50% tiền lương cho người lao động trong khoản thời gian trên, không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng tính đến cuối năm 2019.

Với các tiêu chí trên, doanh nghiệp không cần phải có tài sản đảm bảo nhưng phải có kế hoạch trả nợ, và phải cam kết dùng các nguồn vốn, tài sản hợp pháp để trả khi đến hạn, nếu quá hạn tiền vay sẽ tính lãi suất 12%/năm.

Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ cho doanh nghiệp vay theo số lao động ngừng việc thực tế hằng tháng, nhưng không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4 - tháng 6/2020). Thời hạn cho vay không quá 12 tháng, thủ tục bao gồm: giấy phép đầu tư, đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, danh sách lao động ngừng việc có xác nhận công đoàn cơ sở, xác nhận cơ quan BHXH, bản sao ngừng việc, bản sao báo cáo tài chính các năm…

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng giám đốc một Công ty bất động sản cho biết, công ty có khoảng gần 50 nhân sự, từ tháng 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty đã phải cắt giảm giờ làm, tuy nhiên để giữ chân người lao động và duy trì thu nhập cho họ, công ty bố trí cho nhân viên làm luân phiên, giãn giờ.

"Về mặt lý thuyết, nhân viên vẫn có việc làm nhưng so với trước số giờ làm giảm một nửa, trong khi gói hỗ trợ quy định công ty phải có từ 30 lao động ngừng việc từ 1 tháng trở lên, công ty đã bị loại khỏi danh sách đầu tiên” - ông Tuấn Anh cho biết.

Cần có những giải pháp thực tế

Trên thực tế, gói hỗ trợ của Chính phủ trong thời điểm này là rất cần thiết nhưng việc tiếp cận là điều không dễ dàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản sau khi biết thông tin đã chủ động liên hệ với các tổ chức tín dụng ngân hàng để làm việc nhưng đều nhận được những câu trả lời chung như: Chưa có thông tư hướng dẫn nên chưa thể hỗ trợ…

Chị Quyên – Giám đốc tài chính Công ty địa ốc B chia sẻ: Khi biết thông tin gói hỗ trợ từ Chính phủ, để đảm bảo tài chính công ty cho các dự án sắp tới, chị đã tiếp cận các ngân hàng đang có quan hệ với công ty để làm các thủ tục vay theo lãi suất ưu đãi nhưng điều kiện ngân hàng đưa ra là phải có tài sản thế chấp, chứng minh dòng tiền trả nợ… "Như vậy thì khác nào hoạt động vay thông thường" - chị Quyên cho biết.

Nguồn vốn hỗ trợ bây giờ như "máy trợ thở" để doanh nghiệp xoay xở

"Doanh nghiệp được khuyến cáo nếu làm đơn xin vay hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ bị đánh giá mức tín nhiệm thấp và sẽ khó vay vốn về sau bởi doanh nghiệp bị xếp vào diện cảnh báo không an toàn" - chị Quyên cho biết thêm.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp sản xuất và bất động sản: Trong thời điểm hiện nay rất ít doanh nghiệp có tài sản bảo đảm là bất động sản đủ điều kiện vay vì đa phần các doanh nghiệp sản xuất phải thuê đất, kho bãi, các công ty bất động sản cũng chủ yếu dùng mặt bằng thuê mướn.

Để đảm bảo cho khoản vay là tài sản thế chấp thì chỉ có nhà ở cá nhân của thành viên công ty mới đủ điều kiện, đa phần là cần nguồn vốn tiền mặt để ký quỹ và nguồn thu đến từ việc phân phối các dự án, doanh nghiệp sản xuất thì nguồn thu đến từ việc đầu ra sản phẩm. Nhưng dịch bệnh này thì gần như bó phép vì tất cả mọi sản xuất kinh doanh đều bị dừng lại và hoạt động cầm chừng.

Về phía ngân hàng cho biết các gói hỗ trợ đưa ra phải chịu sự kiểm soát, ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay nhưng với các doanh nghiệp có sức khỏe kém thì rủi ro ngân hàng phải chịu trách nhiệm là không nhỏ.

"Phía doanh nghiệp cũng rất hiểu cái khó của ngân hàng, nhưng nguồn vốn hỗ trợ bây giờ như máy trợ thở để doanh nghiệp có thể xoay xở và chi trả các chi phí cố định, nhân công, tái sản xuất và nguồn tiền để ký quỹ kinh doanh" - anh Hải, Giám đốc doanh nghiệp cho biết.

Để giải quyết những tình cảnh trên, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị trình Thủ tướng để trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giãn nợ và tái cấp vốn một cách phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các tổ chức ngân hàng đơn giản hóa hồ sơ thủ tục chứng minh bị ảnh hưởng dịch bệnh và nguồn trả nợ, điều kiện cơ cấu nợ. Đây được xem là những giải pháp mang tính thực tế để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ một cách nhanh nhất để tiếp tục triển khai kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top