Aa

Doanh nghiệp bất động sản tranh thủ bung hàng trong lúc chờ dòng tiền mới vào thị trường

Chủ Nhật, 12/11/2023 - 15:29

Nhằm đón mùa mua sắm cuối năm, nhiều chủ đầu tư dự án đang rao bán một lượng hàng mới, kỳ vọng vào dòng tiền rẻ được “bơm” từ động thái hỗ trợ, gỡ vướng mới đây của Chính phủ.

Ngân hàng có thể đẩy mạnh vốn vào bất động sản

Bộ Xây dựng công bố báo cáo tình hình nhà ở và thị trường BĐS quý III/2023. Bộ dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 31/8 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS là 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7.

Qua số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế suốt 8 tháng đầu năm nay đạt 5,57%, tương đương quy mô tăng thêm khoảng 663.900 tỷ đồng. Hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm này được đóng góp từ lĩnh vực kinh doanh BĐS. 

Ngân hàng tăng cho vay chủ đầu tư BĐS (Nguồn: VOV)

Từ đó để thấy được những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc vừa qua đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các dự án dần được gỡ vướng về pháp lý, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Theo báo cáo mới đây của VNDirect, nhận định dòng vốn vay đã và sẽ tiếp cận dễ dàng với các chủ đầu tư BĐS. Kết quả khảo sát cho thấy lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại dao động từ 4,99 - 11,8%/năm. 

Đơn cử như TPBank, HDB, VIB, Eximbank..., áp dụng lãi suất vay mua nhà từ 6,8 - 9%/năm. SeABank là 9,29%/năm, UOB là 9,49%/năm…

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhìn nhận: “Ngân hàng tăng cho vay chủ đầu tư BĐS trong bối cảnh thị trường trái phiếu “đóng băng”, không ít doanh nghiệp gặp khó khi đầu ra kém và phải xoay sở trả nợ cho trái chủ”. 

Tháng 12/2023 là thời điểm hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm đáo hạn, nhiều dự báo rằng dòng tiền sẽ chuyển hướng vào lĩnh vực BĐS, nhất là khi mức lãi suất huy động đã về mức đầu năm 2022, nghĩa là tỷ suất lợi nhuận của “tiền đẻ ra tiền” không còn hấp dẫn.

Về việc này, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Văn Đính đánh giá, lãi suất đã hạ nhiệt, room tín dụng mở, dòng tiền bắt đầu trở lại thị trường và tìm kiếm kênh đầu tư tiềm năng, có lợi hơn so với gửi tiết kiệm. Trong đó, BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản của người Việt và có khả năng bảo tồn tốt hơn so với những kênh khác.

Ngoài ra, dự báo dòng vốn đổ vào BĐS sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới sau chỉ đạo “nóng” của Thủ tướng từ Công điện 993, ngày 24/10, về việc thúc các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay tín dụng với lĩnh vực BĐS. 

Theo giới chuyên gia, sau công điện này, nhiều khả năng điều kiện cho vay được nới lỏng hơn đối với doanh nghiệp, cá nhân vay triển khai dự án, đầu tư, mua ở. Mức vay cũng tốt hơn, lãi suất thả nổi hạ xuống dưới 10,5%/năm. 

BĐS vẫn là kênh đầu tư ưa thích, phù hợp với thói quen tích lũy tài sản của người Việt (Nguồn: Thanh Niên)

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ - Ông Phạm Đức Toản nhận định: “Thời điểm lãi suất cho vay rất cao lên tới 13- 14%/năm, hầu như vắng bóng người mua nhà, thay vào đó là tâm lý đi thuê và chờ đợi cơ hội mua sau. 

Tuy nhiên, việc Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy cho vay tín dụng BĐS, ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người mua nhà, dự án tiếp cận được nguồn vốn... sẽ gỡ khó rất nhiều vấn đề cho thị trường hiện nay. Theo đó, nút thắt về nguồn vốn coi như đã một phần được cởi bỏ”, 

Rỏ hàng mới đón “sóng” cao điểm cuối năm

Từ cuối tháng 9 đến nay, giỏ hàng chào bán BĐS liên tục xuất hiện các sản phẩm mới khi nhiều chủ đầu tư bung hàng để đón nhu cầu mua BĐS cuối năm. Tâm điểm là phân khúc căn hộ tại các đô thị lớn như Hà Nội hay tại những địa phương phát triển mạnh về du lịch…

Đơn cử tại Hà Nội, một loạt chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Khai Sơn, Hưng Thịnh… đang đẩy mạnh ra hàng ở cả dự án cũ lẫn mới. Taseco Land mở bán dự án tại Bắc Từ Liêm với giá khoảng 3.000 - 4.000 USD/m2, KITA Group lên kế hoạch mở bán dự án mới tại Ciputra... 

TP. HCM và khu vực lân cận ghi nhận sự trở lại của các “ông lớn” như Vingroup, Nam Long, Hưng Thịnh, Khang Điền, Masterise Home, Novaland, Phú Long, Ecopark… trong “cuộc đua” cuối năm.

Thị trường còn chứng kiến sự khởi động của Pi Group, Phú Đông, C- Holdings, Lê Phong, Bcons, Phát Đạt… tại Bình Dương. Đây chính là “cú hích” cho khu vực vệ tinh TP. HCM trong quý IV/2023.

TP. HCM và khu vực lân cận ghi nhận sự trở lại của các “ông lớn” địa ốc (Nguồn: Nhà đầu tư)

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang đánh giá, việc những dự án lần lượt mở bán có thể xem như điểm sáng tích cực trên thị trường địa ốc. Cũng cho thấy xu hướng “thoát đáy” ngày càng rõ nét hơn. Các dấu hiệu này có thể là tiền đề để doanh nghiệp giữ vững kỳ vọng vào đà phục hồi mạnh lên từ quý IV. 

Vị chuyên gia cho hay: "Hiện tại, các ngân hàng cũng đang rốt ráo chào mời người dân vay vốn mua nhà, trong khi nhà đầu tư, chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn đang có những gói chính sách khá tốt. Sắp tới sẽ có một lượng lớn nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy ngân hàng để nắm bắt thời điểm mà họ xác định là đáy để xuống tiền".

Dù thị trường nhận được những tác động tích cực từ chính sách gỡ vướng của Chính phủ, nhưng các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình phục hồi từ đáy, nay mới đến giai đoạn đầu của sự phục hồi. 

Tuy nhiên, diễn biến hiện tại đang là điểm tựa lớn giúp doanh nghiệp bứt phá vào năm 2024. Nhìn chung, với diễn biến thị trường hiện nay và các dự báo của chuyên gia đang có chuyển biến tích cực, song cần ít nhất 6 - 12 tháng tới để phục hồi.

Để lấy lại “phong độ”, điều kiện cần là các doanh nghiệp BĐS phải chủ động xây dựng chiến lược bán hàng tốt, kích cầu mới, thích ứng với diễn biến thực tế của thị trường, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Điều kiện đủ là các chính sách gỡ khó cần thẩm thấu nhanh và sâu hơn để giải quyết triệt để bài toán về pháp lý. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top