Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực nguồn vốn ngày càng thắt chặt
Theo quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản phải có vốn chủ sở hữu 15-20%, 80-85% còn lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân hàng đang ngày càng thắt chặt, nguồn vốn huy động từ khách hàng cũng không dễ khiến nhiều người lo lắng thị trường sẽ trầm lắng.
Lộ trình giảm dần nguồn tín dụng này của Ngân hàng Nhà nước tạo áp lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Riêng việc tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư bất động sản chưa khả thi vì cho đến nay, cả nước mới chỉ có một Quỹ đầu tư bất động sản là TCREIT thuộc Techcombank với số vốn điều lệ rất nhỏ, chỉ có 50 tỷ đồng. Vì thế chưa huy động được nguồn vốn nhàn rỗi rất lớn trong nước và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn rất lớn của thị trường bất động sản.
Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10/2018, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, duy trì thanh khoản ở mức hợp lý, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán...
Du lịch phát triển mạnh mẽ, hạ tầng đường sá Sapa chưa theo kịp
Ách tắc ngay cửa ngõ vào thị trấn, những con đường lầy lội mỗi khi trời mưa và bụi mù mịt khi trời nắng…là thực trạng đang xảy ra tại Sapa trong khi lượng khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều.
Mấy năm gần đây, hàng loạt tuyến đường ở thị trấn Sa Pa như Hàm Rồng, Thạch Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, … đều trong tình trạng xuống cấp, nát bươm. Nhiều đoạn đường nhựa nay đã biến dạng, lồi lõm, sỏi đá lổn nhổn xen lẫn ổ gà, hố voi…Đi ô tô cũng cảm thấy bức xúc, đi xe máy thì vô cùng vất vả, còn đi bộ thì khổ sở khi phải chống chọi với đường bẩn, trơn trượt và khói bụi mù mịt.
Trong khi đó, du lịch Sa Pa đang có mức tăng trưởng ấn tượng, đón 2,5 triệu lượt khách vào năm 2017, tăng 60% so với năm 2016. Năm 2018, chỉ riêng dịp lễ Quốc khánh 2.9 (từ 30/8- 02/9/2018), tổng lượng khách đến Sa Pa đạt gần 5 vạn lượt, tăng 1,5 vạn so với cùng kỳ 2017.
Tỉnh Lào Cai dự kiến đến năm 2030, Sa Pa sẽ đón 8 triệu lượt khách. Sở hữu nhiều lợi thế, nhưng nếu không có tầm nhìn dài hơi, đầu tư bài bản vào quy hoạch kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông, thì mục tiêu thu hút khách, cạnh tranh với khu vực và quốc tế của Sa Pa khó mà đạt được. Bài học kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy khi ngân sách nhà nước eo hẹp, thay vì làm theo quán tính cũ là vá víu, sửa chữa manh mún…thì chính quyền Sa Pa cần quyết liệt hơn trong công tác quy hoạch. Cần mạnh dạn thu hút các nhà đầu tư chiến lược chung tay cùng địa phương quy hoạch lại hạ tầng đồng bộ hơn, mang lại diện mạo mới cho Sa Pa.
Gỡ "lệnh cấm" giao dịch, đất Vân Đồn hết sốt?
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh mới đây cho biết, hiện thị trường bất động sản huyện Vân Đồn đã ổn định, không còn tình trạng sốt ảo, thổi giá đất. Do đó, Sở đề xuất UBND tỉnh cho phép mở lại giao dịch đất đai tại Vân Đồn. Nếu đề xuất này được thông qua cùng với những thông tin hạ tầng đang được đầu tư mới tại thị trường này như Sân bay Vân Đồn thì liệu giá đất có thực sự ổn định?
Sau cuộc họp liên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh giải quyết các trường hợp thủ tục hành chính về đất đai của UBND huyện Vân Đồn, công tác lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh chủ trì đang trong giai đoạn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch.
Cơ quan này cho biết đến nay, các chỉ đạo này của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về tạm dừng thủ tục hành chính đã giúp Vân Đồn ổn định được tình hình an sinh xã hội và thực hiện tốt công tác quản lý đất đai.
Liên ngành cũng thống nhất, hiện nay thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Vân Đồn đã ổn định, không còn tình trạng sốt ảo, thổi giá đất. Căn cứ tình hình thực tế, công tác quản lý đất đai và để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện, liên ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép UBND huyện Vân Đồn thực hiện toàn bộ thủ tục đất đai thuộc thẩm quyền của huyện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Phát hiện hàng trăm trường hợp “khá giả” được bố trí chung cư thu nhập thấp
Ngày 18/11, thông tin từ văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã ký Văn bản số 178/TB-UBND về việc ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, bố trí, sử dụng chung cư thuộc sở hữu Nhà nước tại công ty Quản lý nhà chung cư, nay là trung tâm Quản lý và khai thác (QLKT) nhà Đà Nẵng và các đơn vị liên quan.
Theo đó, trong lúc nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp vẫn chưa có nhà ở ổn định thì Thanh tra TP. Đà Nẵng lại phát hiện hàng trăm trường hợp trường hợp cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) dù đã có nhà ở, có đất vẫn được cấp thuê chung cư theo chính sách ưu đãi của thành phố.
Cụ thể, trong 1.324 CBCCVC được đang được bố trí nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước tại các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện…Thanh tra TP. Đà Nẵng đã phát hiện: 495 trường hợp CBCCVC có sở hữu nhà ở và đất trên địa bàn thành phố vẫn được cấp thuê chung cư.
Trong đó, 169 trường hợp đang thuê chung cư có sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố; 56 trường hợp đang thuê chung cư có từ 2 thửa đất trở lên thuộc sở hữu của mình trên địa bàn thành phố; 250 trường hợp đang thuê chung cư hiện có 1 thửa đất; có 20 trường hợp đang thuê chung cư có từ 1 hoặc nhiều thửa đất thuộc sở hữu của mình nhưng đã chuyển nhượng trước thời gian thanh tra.
Thương vụ 79% vốn Vinaconex: Kịch tính hay có sự sắp đặt?
Thị trường tài chính ngày càng sôi sục khi thông tin nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex đang được hé lộ dần. Nhưng lạ là đơn vị tham gia đấu thầu không phải "tay to", thậm chí có cả cá nhân.
Tính đến ngày 18/11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh tính 6 nhà đầu tư đăng ký mua vào cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước sở hữu (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) bán ra.
Bao gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest vừa mới được thành lập ngày 9/11 vừa qua với ngành nghề đăng ký kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở. Doanh nghiệp một tuần tuổi có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Giám đốc và người đại diện theo pháp luật là ông Đăng Anh Đức, sinh năm 1985.
Đơn vị thứ hai tham gia đấu giá là Công ty TNHH An Quý Hưng (Chương Mỹ, Hà Nội) có vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Công ty có hai cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông nắm 70%, Đỗ Thị Thanh nắm 30%. Công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng,...