Aa

Doanh nghiệp cần chia sẻ với ngành ngân hàng

Thứ Sáu, 04/08/2023 - 14:05

Một năm 4 lần hạ lãi suất là cả một sự nỗ lực và cố gắng của cả bộ máy, chưa nói đến việc giãn, hoãn và khoanh nợ. Có lẽ, doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ với các nhà băng.

"Khó khăn bủa vây doanh nghiệp"

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tức mỗi tháng có khoảng 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Nguoiduatin

Mặt khác, cũng trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, mặc dù số lượng doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường không đáng kể, nhưng xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang có sự đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái là khá lớn.

Khảo sát cuối tháng 6 của Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực  sản xuất, chế biến chế tạo, xuất khẩu có đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% có đánh giá tình hình ổn định và 27,4-36,2% có đánh giá tình hình sụt giảm. “Điều này cũng thể hiện rõ sự khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhu cầu tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.

Cũng theo ông Thân, ngoài vấn đề về nhu cầu tiêu thụ nội địa và đơn hàng xuất khẩu thì có tới 25% số hội viên của Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng hiện nay họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng. Những khó khăn chủ yếu do tiêu chí cho vay còn khắt khe và vẫn còn tồn tại tình trạng gây khó dễ của một bộ phận cán bộ ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng Đô la Mỹ để tăng tính cạnh tranh quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp có thể trụ vững trong thời gian chờ thị trường có dấu hiệu phục hồi vào Quý III/2023.

“Gần đây nhất, Thường trực Chính phủ đã có buổi làm việc với đại diện ngành ngân hàng và Hiệp hội DNNVV để nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Tại buổi làm việc đó chúng tôi đã có những đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài và về cơ bản trong kết luận của Thủ tướng đối với các bộ, ngành cũng đã nêu rất rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới”, ông Thân thông tin.

Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm có sự cải thiện. Ảnh: Baodautu

Ông Thân cho biết, ngành ngân hàng, đặc biệt là NHNN trong thời gian qua không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững ổn định tỷ giá, giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát ở mức thấp qua đó đảm bảo ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, mà còn triển khai tốt nhiệm vụ rất quan trọng là giảm lãi suất điều hành tới 4 lần với mức giảm từ 0,5%/năm - 2%/năm. Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ người dân và doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý.

Trong suốt giai đoạn từ khi đại dịch covid 19 xuất hiện đến nay, ngành ngân hàng và Hiệp hội DNNVV đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ và tích cực trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về phía Hiệp hội DNNVV cũng đã có những đề xuất với ngành ngân hàng đề ra rất nhiều chính sách thông qua các thông tư, văn bản rất cụ thể. Qua đó, hỗ trợ DNNVV trong việc hoãn, giãn nợ, khoanh nợ xấu và giảm lãi suất. Đồng thời, đề xuất phối hợp với Bộ Tài chính trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp.

“Có thể nói, các chính sách của ngành ngân hàng đã đánh đúng và trúng vào những điểm nghẽn, những khó khăn của doanh nghiệp. Trong đó, sát sườn nhất là việc hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Tính hiệu quả của hoạt động này rất cụ thể được thể hiện qua trong số hơn 6 triệu tỷ đồng cho vay toàn nền kinh tế, thì có tới 2,3 triệu tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, nếu xét về tỷ lệ cho vay thì dư nợ tín dụng năm sau cao hơn năm trước”, ông Thân nói.

Không thể chỉ trông chờ vào giải pháp giảm lãi suất

“Không có đơn hàng xuất khẩu thì người lao động không có việc làm. Doanh nghiệp phải có đơn hàng thì mới có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Vì vậy, giảm lãi suất chỉ là một vấn đề chứ không phải cứ giảm lãi suất là các doanh nghiệp vay. Hiện nay chúng ta không hấp thụ được vốn là do khách quan, không có đơn đặt hàng, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp phụ trợ”, ông Thân thông tin.

Bên cạnh đó, ông Thân nhấn mạnh, thị trường bất động sản phát triển một cách chóng mặt dù đã được cảnh báo đó là bong bóng từ nhiều năm trước.

“ Một đất nước với mức thu nhập trung bình của người dân còn hạn chế, trong khi nhà biệt thự, liền kề mọc lên như nấm và bị đẩy giá lên hàng trăm triệu/m2. Chính điều này đã kéo tín dụng lên”, ông Thân cho biết.

Cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, ông Thân cho rằng, vấn đề cải cách thủ tục hành chính dù được nói nhiều nhưng vẫn ít có chuyển biến. “Một khi vấn đề con người không giải quyết được thì những nỗ lực khác đều vứt đi hết. Đưa ra các mô hình, các giải pháp hay nhưng con người không giải quyết thì đều vô nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định.

Ông Thân cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ cốt tử của ngân hàng là cho vay, các ngân hàng huy động vốn nhưng không cho vay được thì cũng khó có thể tồn tại. Các ngân hàng chũng cho biết, hiện nay các ngân hàng đang dư tiền để cho vay nhưng nghịch lý là doanh nghiệp lại không vay được. “Vậy nguyên nhân của vấn đề này là tại sao?”, ông Thân đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, ông cũng đặt vấn đề, nếu giữ nguyên các điều kiện cho vay thì doanh nghiệp không thể vay được. Tuy nhiên, về phía các ngân hàng, họ buộc phải giữ nguyên các tiêu chí cho vay, một phần vì liên quan đến an toàn hệ thống. Mặt khác, lới lỏng điều kiện cho vay còn liên quan đến các tiêu chuẩn của quốc tế.

Để giữa ngành ngân hàng và doanh nghiệp “gặp được nhau”, ông Thân đề nghị Nhà nước, các ngân hàng có chương trình nâng tầm doanh nghiệp. Nâng tầm về quản lý, nâng tầm về năng lực, về con người. Nếu không nâng tầm sẽ không tiệm cận được vốn.

Ông Thân dẫn chứng, các nước khi vay vốn ít phải thế chấp, các ngân hàng khi quyết định cho doanh nghiệp vay, họ sẽ nhìn vào quy mô làm việc, nhìn vào đầu ra của doanh nghiệp như thế nào và họ sẵn sàng cho vay. “Tôi thấy, Việt Nam là một trong những nước có điều kiện cho vay dễ”, ông Thân nhìn nhận.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng đề xuất, các doanh nghiệp nằm rải rác ở khắp 63 tỉnh thành, ở cả các vùng sâu, vùng xa nên để các ngân hàng cho doanh nghiệp vay một cách thuận lợi, chính quyền các địa phương phải phối hợp với các ngân hàng. “Chính quyền quản lý, theo dõi các doanh nghiệp nên hiều được các doanh nghiệp như thế nào. Điều này các ngân hàng khó có thể làm được. Vì vậy, chính quyền các địa phương phải hợp tác với các ngân hàng để làm sao chỉ ra doanh nghiệp này không có hoặc có ít tài sản thế chấp nhưng dòng tiền tốt, đầu ra tốt nên hoàn toàn có thể cho vay. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể dễ dàng tiếp cận với dòng vốn tín dụng hơn”, ông Thân đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Thân cũng cho rằng, các chính sách của chúng ta phải đồng nhất. Dẫn chứng cho điều này, ông Thân nêu câu chuyện của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thời gian qua khi phải nhập xăng dầu với giá 22 nghìn đồng/lít nhưng để bình ổn giá, họ phải bán ra với giá 15 nghìn đồng/lít, như vậy là họ lỗ. Đáng lẽ cơ quan thuế phải vào cuộc để khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp này. Nhưng cơ quan thuế vẫn bắt họ nộp thuế. Các trường hợp quá hạn thì bị các tổ chức tín dụng từ chối cho vay.

“Vì vậy, không chỉ các ngân hàng, các bộ ngành khác cũng phải cùng tham gia mới có thể giải quyết vấn đề này”, ông Thân đề xuất.

Chỉ tiêu tăng tăng trưởng kinh tế 6,5% của Quốc hội đề ra là trong thời kỳ trước đó. Nhưng chúng  ta cần nhìn nhận lại, thời điểm hiện nay không như trước nữa. Thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát, ... ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần phải có sự điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng này xuống. “Khi chúng ta giảm chỉ tiêu này xuống, định hướng cho các bộ ngành, đặc biệt là cơ quan tín dụng cũng sẽ thay đổi”, ông Thân nói.

Một năm 4 lần hạ lãi suất là cả một sự nỗ lực và cố gắng của cả bộ máy, chưa nói đến việc giãn, hoãn và khoanh nợ. Đứng về phía các ngân hàng chúng ta thấy cần phải chia sẻ với các ngân hàng.

Ông Thân cũng cho rằng, hạ lãi suất không phải là nhiệm vụ duy nhất. Các tổ chức tín dụng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và rất nhiều quỹ khác nhưng không sử dụng được. Vậy nguyên nhân tại sao? Đưa ra nhưng không làm được.

“Rõ ràng là do cơ chế, do điều kiện cho vay, điều kiện bảo lãnh như thế nào khiến doanh nghiệp không hào hứng. Đơn cử như gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp không hào hứng khiến gói hỗ trợ không phát huy được hiệu quả. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải đi vay ở các tổ chức tín dụng khác với lãi suất cao hơn, thậm chí là vay lãi ngoài với mức lãi suất mấy chục %/năm”, ông Thân thông tin.

Cần hỗ trợ nhiều hơn nữa đối với nhóm hộ kinh doanh cá thể. Ảnh minh họa: nguồn internet

“Cần tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, trong đó có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Đây là lực lược vô cùng quan trọng. Nếu tính mỗi hộ kinh doanh cá thể chỉ cần đảm bảo 3 lao động thì số hộ kinh doanh cá thể này đã giải quyết 15 triệu lao động. Vấn đề này, Nhà nước phải đứng vào trước, phải đưa ra những cơ sở pháp lý, đưa ra những luật để hỗ trợ nó. Nếu Nhà nước không đứng ra thì những hộ kinh doanh cá thể này vẫn cứ kiếm sống như trước đây”, ông Thân nói.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia vào 30% số các dự án đầu tư công. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoàn toàn có thể làm được điều này. Một doanh nghiệp không làm được thì mười doanh nghiệp sẽ làm được và chắc chắn giá sẽ rẻ hơn ít nhất từ 10-20%. Khi doanh nghiệp có việc làm mới có thể vay được tiền nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top