Aa

Để hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó“, giảm lãi suất có thực sự là giải pháp cốt lõi?

Ngọc Nữ
Ngọc Nữ nunn3006@gmail.com
Thứ Sáu, 21/07/2023 - 06:00

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cần nhìn thẳng vào thực tế nguồn lực của doanh nghiệp đã suy yếu rất nhiều nên khó đáp ứng được điều kiện vay vốn, dù ngân hàng có giảm lãi suất.

Chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho lãi suất

Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi qua một nửa chặng đường với những thăng trầm rõ nét. Chịu ảnh hưởng không chỉ từ những khó khăn nội tại mà cả những khó khăn chung của toàn thế giới, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa khi nào phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.

Tại “Diễn đàn Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, khó khăn đến từ cả góc độ kinh tế và vấn đề cải cách hành chính của cơ quan quản lý.

Đơn cử, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn từ quy định phòng cháy chữa cháy, mất điện đột ngột đến lạm phát tăng, nhiên nguyên vật liệu khan hiếm, giá cả tăng, đơn hàng giảm; tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, dòng vốn sản xuất kinh doanh ngưng trệ…

Dù Chính phủ ban hành nhiều chính sách như gói hỗ trợ lãi suất 2%, cho phép giãn nợ, khoanh nợ, lùi thời gian trả lãi cho doanh nghiệp… nhưng thực tế, số doanh nghiệp được thụ hưởng không nhiều vì chính sách thường đi kèm những điều kiện mà doanh nghiệp không đáp ứng được.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn toàn diện, không chỉ ở một nhóm nhỏ nào mà là tất cả các đối tượng doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là trước mắt cần tháo gỡ gì để “cứu” doanh nghiệp.

Theo GS. Cường, về nguyên lý quản trị, khi bên ngoài khó khăn làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thì bên trong phải khơi dậy các nguồn lực, nới lỏng các điều kiện.

“Tuy nhiên, tôi cảm nhận hình như thời gian vừa qua, ngoài khó trong thắt. Có lẽ chúng ta cần phải xem lại, liệu bên trong chúng ta có đang thắt chặt lại không. Nhiều biện pháp, nhiều vấn đề khiến chúng ta thấy không biết hành động như thế nào.

Đúng là phải kiểm soát và có các quy chuẩn, nhưng trong bối cảnh này sẽ thực hiện ở mức độ nào? Như vậy, vấn đề nới lỏng cơ chế ra sao cũng là điều rất cần được chỉ ra”, ông Cường nói.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đặt vấn đề, liệu còn dư địa cho ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay với các đối tượng thực sự ưu tiên hay không? Bối cảnh hiện nay, nếu để dòng tiền chảy lệch vào khu vực đầu cơ sẽ có thể gây ra hậu quả nguy hại.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực với 4 lần hạ lãi suất điều hành, là cơ sở quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay. Tuy nhiên, mức lạm phát hiện nay ở khoảng hơn 3%; nếu lãi suất cho vay 8% thì lãi dương doanh nghiệp phải trả là khoảng 5%.

“Vấn đề là doanh nghiệp hiện nay có kinh doanh đạt được hiệu quả đủ để chi trả mức lãi này không? Theo tôi, về phía Chính phủ, chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ cho lãi suất, để có thể giảm chi phí lãi suất cho các doanh nghiệp”, ông Cường đề xuất.

Sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, ngân hàng khó cho vay

Từ góc độ ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho biết rất chia sẻ và đồng cảm với khó khăn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, kể cả các ngân hàng.

Tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng đầu năm 2023 tăng trưởng khoảng 4%, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,7%, thấp nhất trong 13 năm qua. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều hành giảm lãi suất, dù FED liên tục tăng lãi suất.

“Vừa rồi, chúng tôi cũng kêu gọi các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng đây có phải là vấn đề cốt lõi không? Bởi giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp không đáp ứng được đủ điều kiện vay vốn. Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế, chứ không thể lý thuyết được”, ông Hùng bày tỏ.

Lý giải cho quan điểm này, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trải qua 3 năm Covid với những hệ lụy kéo dài, doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng rất lớn. Đến khi kiểm soát được dịch bệnh, thế giới bắt đầu khởi sắc thì lại xảy ra nguy cơ suy thoái, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm, tất cả các mặt hàng sản xuất đều giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Điều đó cho thấy nguồn lực của doanh nghiệp đã suy yếu đi rất nhiều, khó có thể đáp ứng đủ điều kiện vay ngân hàng.

Trước một số đề xuất cho rằng cần linh hoạt để giảm điều kiện tín dụng, ông Hùng cho biết, điều kiện được quy định trong luật, mà điều chỉnh luật không thuộc thẩm quyền của ngân hàng, phải là Quốc hội. Bên cạnh đó, việc hạ chuẩn cho vay sẽ làm ảnh hưởng đến việc chấm điểm, xếp hạng quốc tế của các tổ chức tín dụng. Do đó, không thể hạ chuẩn cho vay được. 

“Có những doanh nghiệp không đủ điều kiện, không có tài sảm đảm bảo, kinh doanh thua lỗ, cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm nợ để được vay tiếp. Nếu được vay tiếp, đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý được dòng tiền, nhưng cũng không quản lý được. Vậy ngân hàng dựa vào đâu để đảm bảo cơ sở cho vay tiếp?”, ông Hùng băn khoăn và cho biết, điều chỉnh phải phù hợp với thực tiễn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng.

Nguồn lực của doanh nghiệp suy yếu, khó có thể đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. (Ảnh minh họa: VGP)

Muốn tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, cần nhìn từ thực trạng của chính doanh nghiệp. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, có 7 vấn đề cần quan tâm để tạo cơ sở tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn hiện nay:

Thứ nhất, cần tập trung tháo gỡ từ thể chế, quy định pháp luật làm sao có thể giảm chi phí về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp.

Thứ hai, các bộ ngành cần đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế hiện nay khó khăn đến mức độ nào, doanh nghiệp vay được nhiều thì có khả năng vượt qua được khó khăn hay không…

Theo đó, những vấn đề nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì có thể trình Quốc hội ra Nghị quyết để đảm bảo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý, cán bộ các cấp thực hiện.

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư công để tạo điều kiện, làm đà phát triển. Muốn đẩy mạnh đầu tư công, cần trả lời câu hỏi hiện nay nguồn lực của chúng ta còn hay không; nếu còn thì đầu tư cái gì, dự án nào. Nếu đã có kế hoạch nhưng chưa đầu tư, không đầu tư được thì cần xử lý trách nhiệm và dùng nguồn đó cho đầu tư khác cần thiết hơn.

Thứ tư là cải cách thủ tục hành chính. Đây là vấn đề doanh nghiệp đã “kêu” không ít. Rất nhiều dự án hiện nay, đặc biệt là dự án bất động sản tại các địa phương hầu như không triển khai được.

Đề cập đến Thông tư 06/2023/TT-NHNN đang nhận về những ý kiến lo ngại sẽ tạo thêm rào cản, khiến việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp khó khăn hơn trước đây, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, vấn đề không phải ở Thông tư 06, mà ở chỗ các dự án không triển khai được, có nghĩa là không đáp ứng được điều kiện cho vay.

Thông tư 06/2023/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ 1/9/2023 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

“Một dự án muốn đủ điều kiện vay thì phải đảm bảo khi dự án bán cho người dân phải có sổ đỏ, muốn có sổ thì doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, hoàn thành về phòng cháy chữa cháy. Vậy nếu ngân hàng cho vay không đảm bảo được điều kiện đó, trước hết là người dân không có sổ đỏ, ai sẽ chịu trách nhiệm? Ngân hàng không thu được nợ thì có quy trách nhiệm cho ngân hàng không?”, ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng cần phải xem xét vấn đề từ nhiều góc độ.

Thứ năm, xem xét lại vai trò, tính hiệu quả của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo ông Hùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự được hưởng quyền lợi trong triển khai hỗ trợ từ Luật này, ngoại trừ việc được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp.

"Chúng ta có quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa ở 24 tỉnh, thành phố nhưng hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần được kiện toàn ra sao để nâng cao vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn tiếp cận vốn, các doanh nghiệp khởi nghiệp…", TS. Nguyễn Quốc Hùng bổ sung.

Thứ sáu, hoàn thiện về thuế VAT cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt.

Cuối cùng là cần có cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển đối với thị trường vốn, giảm bớt áp lực lên nguồn vốn tín dụng.

Hiện nay, thị trường trái phiếu và bất động sản trầm lắng. Gần như toàn bộ nền kinh tế dựa vào thị trường tiền tệ với việc giảm lãi suất là chủ yếu, trong khi vốn ngân hàng là vốn bổ sung, vốn lưu động ngắn hạn. Muốn huy động vốn trung và dài hạn là phải từ thị trường vốn. Tuy nhiên, thị trường này hiện nay rất yếu, niềm tin của nhà đầu tư thấp, do đó cần có giải pháp đẩy mạnh và mở rộng, tạo niềm tin cho thị trường vốn phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top