Aa

Doanh nghiệp địa ốc “đau đầu” vì kiện tụng

Chủ Nhật, 09/06/2019 - 06:00

Doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng liên quan đến việc chậm cấp sổ đỏ, quy hoạch, chất lượng công trình, xác định quản lý diện tích chung - riêng…

Ngày 31/5, hàng trăm cư dân tại một dự án chung cư tại quận 2 (TP.HCM) đã kéo lên trụ sở một công ty bất động sản lớn, cũng là chủ đầu tư dự án chung cư mà họ mua nhà để treo băng rôn phản đối việc chủ đầu tư đã giao nhà 4 năm rồi mà chưa có sổ đỏ cho từng căn hộ.

Dự án này do chủ đầu tư mua đấu giá đất công, dù đã hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, như đóng tiền sử dụng đất, bàn giao nhà cho khách hàng về ở, nhưng sau đó, dự án lại nằm trong danh sách thanh tra lại việc đấu thầu quỹ đất. Vậy là dự án phải dừng cấp sổ đỏ để chờ kết luận thanh tra.

Đại diện chủ đầu tư dự án trên cho biết, phía doanh nghiệp không muốn phải để khách hàng chờ cấp sổ đỏ quá lâu, nhưng vì kết luận thanh tra chưa xong, nên doanh nghiệp cũng không còn cách nào khác. Trong khi đó, do chờ đợi lâu, khách hàng đã kiện doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trường hợp này cũng là vướng mắc chung của nhiều dự án khác có liên quan đến tiền sử dụng đất.

Theo ông Châu, TP.HCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản có tranh chấp, trong đó phần lớn đến từ việc cư dân kiện chủ đầu tư về việc chậm bàn giao sổ đỏ.

“Nếu tranh chấp leo thang, sẽ làm cho thị trường lao đao, kiện tụng kéo dài và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của thị trường”, ông Châu lo ngại.

Cũng theo ông Châu, để giải quyết vấn đề này, Thành phố nên chia làm 3 loại dự án để thanh tra và xử lý.

Trong đó, với nhóm 1 (bao gồm các dự án cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền), cần giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhóm 2 (bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn), yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công.

Nhóm 3 (bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng), cần tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 4/6, trả lời chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, cả nước hiện có hơn 4.400 chung cư và hiện đang xảy ra tranh chấp ở một số chung cư.

Ông liệt kê các tranh chấp như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, bất đồng về đóng góp, kinh phí quản lý vận hành, xác định quản lý chung - riêng, thu chi tài chính của ban quản lý, không thống nhất lựa chọn đơn vị quản lý vận hành, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chất lượng công trình, chủ đầu tư không xây dựng công trình hạ tầng trong khu vực dự án như quyết định được duyệt...

Theo ông Hà, nguyên nhân là một số quy định pháp luật chưa đầy đủ về thời điểm nộp kinh phí bảo trì, quy định chuyển tiếp hợp đồng mua nhà, quy định về hành vi vi phạm, chế tài chưa kịp thời, chưa có quy định về kinh phí bảo trì sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng…

Ông Hà cho biết, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất mô hình chủ đầu tư tự quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư và mô hình giao đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp.

“Mô hình quản lý sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Chọn mô hình nào là do cộng đồng”, ông Hà nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top