Cạm bẫy khó chối từ…
Những năm vừa qua, dù chứng kiến thị trường BĐS nhiều lần “lột xác”, ngày càng bước lên một tầm cao mới với nhiều doanh nghiệp, dự án tốt hơn, làm thay đổi diện mạo thị trường nhưng cũng không tránh khỏi điều đáng tiếc khi nhiều đại gia địa ốc “bỗng chốc” trở thành tội phạm vì “dính dáng” đến ngân hàng hay đại gia ngân hàng "ngã ngựa" vì BĐS.
Thực tế đã có nhiều “tấm gương” nhãn tiền với các con số thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến. Nhiều ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, thậm chí được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, hàng chục cựu lãnh đạo ngân hàng, doanh nghiệp… sa vòng lao lý.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “sụp đổ của cả một đế chế” đó là bởi các cá nhân, tổ chức này cố tình “phớt lờ” mọi điều luật chỉ bởi không vượt qua được sự cám dỗ của “miếng bánh béo bở” BĐS. Có nhiều hình thức để các “đại gia” sử dụng ngân hàng cho mục đích đầu tư BĐS của mình. Một trong số đó có thể kể đến việc các đại gia địa ốc mua lại ngân hàng để đầu tư BĐS hoặc các ông chủ nhà băng mở ra công ty sân sau để kinh doanh BĐS. Ngoài ra, việc ngân hàng quá “bạo chi” cho các doanh nghiệp địa ốc cũng dễ dẫn đến “tai nạn” với sự lụn bại của doanh nghiệp, kéo theo cuộc khủng hoảng cho ngân hàng.
Một trong các ví dụ điển hình cho tình trạng này có thể kể đến Phạm Công Danh và Trustbank. Thừa nhận trước tòa, Phạm Công Danh cho biết có 2 nguyên nhân khiến Phạm Công Danh quyết định mua lại Trustbank dù biết ngân hàng này đang thua lỗ hơn 6.000 tỷ đồng và có tỷ lệ nợ xấu cao. Một là bởi muốn dùng ngân hàng để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư BĐS của mình; Hai là bởi nhóm bà Hứa Thị Phấn (cổ đông của Trustbank) hứa sẽ chuyển 9ha đất tại quận 2 và 25ha đất tại huyện Nhà Bè (TP. HCM) cho ông Danh.
Trên thực tế tại Việt Nam, có không ít các “đại gia” giàu lên nhanh chóng nhờ BĐS và cũng nhiều ngân hàng tăng vốn như vũ bão chỉ trong vòng vài năm. Để làm được điều đó, các “đại gia” thường tìm cách để xin được đất dự án hoặc mua lại đất với giá rẻ, quy hoạch và phát triển thành các khu đô thị.
Điều đáng nói là, ngân hàng và doanh nghiệp kinh doanh BĐS là hoàn toàn khác nhau và trên lý thuyết, hoạt động của hai đơn vị này phải rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên không phải “đại gia” nào cũng vượt qua được sức cám dỗ quá lớn từ việc kinh doanh BĐS nhất là khi có sẵn trong tay nguồn tiền khổng lồ từ ngân hàng.
Nếu làm đúng quy trình, việc vay vốn ngân hàng được kiểm soát rất chặt chẽ, từ quá trình thẩm định đến giới hạn vốn vay, tỷ lệ rủi ro… nếu làm được việc đó tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ rất thấp bởi đã có quy trình kiểm soát rủi ro và quy định pháp luật khá chặt chẽ. Các điều khoản trong Luật Tổ chức Tín dụng đã quy định rất rõ về giới hạn tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro. Cũng như việc cho vay của ngân hàng đối với các thành viên HĐQT, các cổ đông nắm cổ phần chi phối ngân hàng, một số chức danh tại ngân hàng và các công ty liên quan cũng bị giới hạn về mặt tỷ lệ. Tuy nhiên việc thực hiện những quy định này vẫn còn lỏng lẻo, khó kiểm soát.
Chính vì vậy mới dẫn đến các trường hơp như Trustbank, Navibank, Southernbank, Oceanbank… trước đây.
… đến cái giá quá đắt phải trả
Nhắc lại câu chuyện Trustbank và Phạm Công Danh để thấy rằng đã có hàng nghìn tỷ đồng được “bơm” vào công ty địa ốc “sân sau” của ông chủ nhà băng này. Thực tế đã chứng minh, sau khi liên tục mắc các "cú đúp sai lầm", kết cục của Phạm Công Danh và đồng bọn là đối diện mức án hàng chục năm tù với 9.000 tỷ đồng thất thoát.
Đây không phải trường hợp duy nhất các ngân hàng hay cá nhân phải nhận “trái đắng” vì công ty BĐS sân sau. Mới đây, trong khi thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch kinh doanh 2017, một Công ty Cổ phần Phát triển BĐS ở phía Nam đã đặt mục tiêu tập trung các nguồn thu khoảng 1.000 tỷ đồng để trả hết nợ vay của Ngân hàng Đông Á và giảm nợ trái phiếu. Đây là khoản nợ từ năm 2008 để phát triển một dự án có quy mô lớn, từng khiến doanh nghiệp này “trầy trật”.
Trước đó, khoản nợ xấu tại Ngân hàng Đông Á của đơn vị này lên tới 686 tỷ đồng. Chưa kể, Ngân hàng Đông Á cũng “khốn khổ” vì khoản nợ của công ty trực thuộc là DongA Land.
Trước đó, Eximbank là một trong những ngân hàng được cổ đông quan tâm nhiều đến khoản nợ xấu cho vay sân sau. Sở dĩ có chuyện như vậy là bởi Eximbank đã từng rót hơn 300 tỷ đồng vào công ty con trực thuộc là Eximland, khiến nợ xấu tăng.
Nhiều cổ đông đã đặt ra những nghi vấn đối với HĐQT Eximbank, như việc giảm lãi nợ vay cho Eximland 98 tỷ đồng hay khoản vay hơn 300 tỷ đồng vào Eximland có phải là nợ xấu?… Từng có thời điểm nợ xấu của Eximbank lên đến 2.400 tỷ đồng (tương đương 2,82% tổng dư nợ). Chính vì nợ xấu tăng và phải bán lượng nợ xấu lớn cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nên lãnh đạo Eximbank thừa nhận, phải trích dự phòng cao, khiến lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng. Ngân hàng này cũng từng phải trích trên 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ xấu cho VAMC.
Nhìn nhận các mối quan hệ “khăng khít” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp BĐS này, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một cuộc chơi chỉ toàn nhìn thấy nguy cơ tiềm ẩn, là mối nguy hiểm vô cùng lớn đối với hệ thống tài chính ngân hàng, có thể gây bất ổn với hệ thống tài chính của một quốc gia.
Tìm mọi cách để “lách luật”, từ việc cho người thân quen đứng tên các công ty sân sau đến thế chấp đất đai ở những tỉnh “vùng sâu vùng xa” nâng định giá đất đai lên để vay giá trị lớn… các ông chủ nhà băng đã cố tình thao túng hoạt động của ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến việc ngân hàng bị đổ vỡ, mất quyền lợi của cổ đông, gây bất ổn cho nền kinh tế vỹ mô, làm méo mó toàn bộ thị trường tài chính cũng như thị trường BĐS. Đồng thời có thể làm lệch lạc toàn bộ sự phân bổ nguồn lực xã hội.
Các dự án “chết yểu”, đắp chiếu nhiều năm khiến đất đai không được giải phóng, không thể đưa trở lại để sản xuất nông nghiệp hay kinh doanh, dẫn đến sự lãng phí cực lớn về nguồn lực xã hội.
Tình trạng BĐS sân sau như “bóng ma” luôn rình rập các ngân hàng, khiến nợ xấu tăng cao, mang theo nhiều mối đe dọa, dễ gây mất lòng tin của người dân cũng như các cấp chính quyền.