Sau 4 tháng giãn cách xã hội, TP.HCM đã chính thức mở cửa từng bước các hoạt động kinh tế trong tâm thế sống chung với dịch bệnh từ ngày 1/10. PV đã có cuộc trò chuyện cùng bà Nguyễn Hương – CEO Đại Phúc Land về những tác động và dự báo những chuyển biến thị trường địa ốc TP.HCM trong quý IV/2021.
PV: Theo bà, doanh nghiệp bất động sản tại đây sẽ kích hoạt ra sao trong hoàn cảnh mới?
Bà Nguyễn Hương: Dịch bệnh đã thực sự khiến doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM chao đảo, toàn bộ kế hoạch kinh doanh trước đó đều bị phá vỡ, áp lực về đồng tiền đè nặng lên vai của doanh nghiệp. Do vậy, thời điểm này các chính sách nới lỏng, mở cửa hoạt động kinh tế là điều tốt lành nhất mà người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM đã mong đợi từ lâu.
Các doanh nghiệp địa ốc đã chuẩn bị sẵn sàng để kích hoạt lại ngay khi nhiều chính sách mở cửa được áp dụng, song vẫn còn rất cẩn trọng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp bất động sản mở cửa hoạt động nhưng sẽ thiết lập quy trình xanh, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.
Hơn bao giờ hết cả doanh nghiệp và người lao động đã ý thức được biến thể Delta nguy hiểm thế nào nên sẽ chủ động để có biện pháp phòng ngừa tối đa chống lây nhiễm. Quy trình xanh sẽ được thiết lập trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Hiện tại VanPhuc Group chỉ cho phép những nhân sự chích ngừa đủ 2 mũi được phép làm việc trở lại và tiếp xúc với khách hàng.
Thứ hai, các chủ đầu tư sẽ nhanh chóng triển khai các chương trình chào bán sản phẩm trong quý IV sau thời gian dài chuẩn bị và chờ đợi khi hết giãn cách.
Tuy nhiên nguồn cung sản phẩm chỉ tập trung ở một số chủ đầu tư và các dự án có quy mô lớn, dài hạn. Nguồn cung sơ cấp trong ngắn hạn vẫn hạn chế do độ trễ trong việc triển khai các thủ tục pháp lý dự án tiếp tục kéo dài. Giao thương giữa các tỉnh vẫn còn khó khăn nên thời gian khởi động các dự án ở các tỉnh sẽ không có lợi thế bằng dự án nội đô.
Thị trường thứ cấp sẽ có làn sóng bán ra mạnh để thanh khoản tài sản giải quyết các vấn đề về tài chính khó khăn do dịch bệnh, thu hồi dòng tiền đầu tư bị nghẽn giao dịch do bị giãn cách trong thời gian dài. Giá có thể tăng nhẹ ở thị trường sơ cấp và giảm nhẹ ở thị trường thứ cấp. Khả năng giảm giá sâu trên diện rộng vẫn chưa có thể xảy ra.
PV: Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu đầu tư sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi giãn cách?
Bà Nguyễn Hương: Nhu cầu của nhà đầu tư sau một thời gian bị nén lại do giãn cách sẽ gia tăng là tất yếu. Có thể chia hành vi mua bất động sản của khách hàng theo 3 nhóm chính:
Đầu tiên là tìm kiếm cơ hội: Những khách có nhu cầu mua ở, thay đổi chỗ ở sẽ tìm kiếm những sản đáp ứng được tiêu chí an toàn về không gian sông môi trường sống. Hành vi mua nhà để ở sẽ có sự dịch chuyển về các khu vực có mật độ dân cư thấp, hạ tầng đồng bộ, quy hoạch chỉnh chu, không gian sống sinh thái và đầy đủ tiện ích.
Các nhà đầu tư có dòng tiền sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản nhưng sẽ có sự chọn lọc kỹ càng và kỳ vọng dài hạn hơn. Các sản phẩm do các chủ đầu tư có thương hiệu, có uy tín và năng lực cam kết dự án sẽ được ưu tiên lựa chọn.
Thứ hai là nhóm chờ đợi cơ hội: Là nhóm nhà đầu tư thận trọng. Họ có khả năng tài chính nhưng tâm lý có thể chưa sẵn sàng và chờ đợi động thái diễn biến của thị trường. Nếu thị trường kích hoạt tốt họ sẽ hành động nhanh. Còn nếu thị trường còn ngập ngừng họ sẽ chờ đợi cơ hội có thể sau một vài tháng mới ra quyết định.
Và thứ ba là nhóm tổn thương: Đây là các nhà đầu tư có nhu cầu, có quan tâm đến bất động sản nhưng bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên họ cần thời gian để phục hồi và sắp xếp dòng tiền.
PV: Song, thực tế là 4 tháng dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thứ về khẩu vị đầu tư, phương pháp tiếp cận khách hàng, và đặc biệt là dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Vậy theo bà, kịch bản nào sẽ đến với thị trường địa ốc TP.HCM trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Hương: Trong thời gian tới, giao dịch trực tuyến sẽ tiếp tục là xu thế ngày càng phổ biến. Công nghệ sẽ từng bước thay đổi tư duy và thói quen mua bán bất động sản, nhà đầu tư sẽ dần quen với các giải pháp mới này vì đảm bảo an toàn sức khỏe và hiệu quả trong đầu tư.
Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch sẽ cải thiện trong quý IV do nỗ lực của các bên trong việc kích hoạt lại thị trường phục vụ nhu cầu mua và bán bất động sản. Tuy nhiên, cần khoảng 1 - 3 tháng để các bên tham gia bắt nhịp trở lại và thu xếp các vấn đề về dòng tiền do ảnh hưởng dịch bệnh.
Thị trường sẽ kích hoạt nhanh nếu yếu tố dịch bệnh giảm mạnh và được kiểm soát ổn định. Kết hợp với các động thái tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi các cơ chế chính sách, các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trong thời gian sắp tới.
Việc TP.HCM vừa công bố quy hoạch điều chỉnh đến năm 2040 trong đó có thành phố mới Thủ Đức cũng vừa được thông qua sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản tại đây trong thời gian sắp tới.
Sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn và thử thách phải đối mặt khi mà dịch bệnh vẫn còn đó. Kịch bản lạc quan là thị trường có thể tái khởi động và kích hoạt được 70% nguồn lực trong 3 - 6 tháng. Kịch bản xấu hơn khi mọi yếu tố vẫn còn chưa thuận lợi thì khả năng kích hoạt được 50% nguồn lực thị trường đã là một nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên chúng ta chỉ có đường tiến và linh hoạt ứng phó để vượt qua các trở ngại và đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cơ hội có hay không là do cách mà chúng ta ứng xử với nó. Cứ nỗ lực hết sức rồi mọi việc sẽ ổn.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!