Doanh nghiệp đang tìm đủ cách “át vía” virus corona để vẫn có thể tiếp thị sản phẩm nhà ở đến khách hàng.
Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản EZ Việt Nam cho hay, thông thường năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm thị trường bất động sản lại rơi vào trầm lắng hơn sau đợt nghỉ Tết. Tuy nhiên, vẫn có những khách hàng có kế hoạch mua nhà, xem nhà từ năm trước, chỉ đợi sang năm mới được tuổi nên đầu năm họ "chốt" mua.
Đầu năm nay lại xuất hiện dịch virus corona nữa nên với những khách hàng mới quan tâm sơ sơ, chưa có kế hoạch mua nhà thì khi nhân viên gọi điện giới thiệu dự án hay nhà mới đều bị họ từ chối với lý do: "Khi nào bớt dịch thì đi xem, bây giờ ngại tiếp xúc".
"Kế hoạch đã được xây dựng từ cuối năm 2019, tuy nhiên chỉ thực hiện được ở tháng giáp Tết là tháng âm lịch cuối cùng của năm cũ, còn sang năm mới thì mọi kế hoạch đều bị thay đổi. Chúng tôi phải rà soát lại hạng mục đầu tư, thay vì quyết định ngay thì nghiên cứu lại và tính toán kỹ thêm. Thay vì theo kế hoạch cũ thì chi phí hoạt động sau Tết đều phải thay đổi, cắt giảm do dịch bệnh", ông Toản cho hay. Ông Toản cho rằng, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch thực hiện công việc của công ty ông. Thị trường bất động sản vốn đã khó khăn, đầu năm tự nhiên lại thêm dịch bệnh này nữa càng khiến thị trường khó khăn hơn.
Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp của ông Toản đã có những buổi tập huấn cho nhân viên kinh doanh đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong bán hàng.
"Thay vì mời khách hàng qua tư vấn trực tiếp "face to face" thì bây giờ sẽ sử dụng công nghệ như lập kênh mạng xã hội, quay cảnh căn hộ mẫu, dự án và gửi đường link để khách hàng xem trực tiếp. Cách làm này trước đã áp dụng rồi, tuy nhiên bây giờ sẽ áp dụng ráo riết và sâu hơn để tiếp cận khách hàng", ông Toản chia sẻ.
Đặc biệt, công ty ông yêu cầu nhân viên cần có kế hoạch chăm sóc khách hàng kỹ hơn như thường xuyên thăm hỏi, gửi thông tin mới để khách hàng nắm được tình hình.
Cho rằng dịch bệnh xảy ra đầu năm có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, nhưng ông Vũ Kim Giang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land) cho biết, một số phân khúc vẫn có giao dịch. Cụ thể, nếu sản phẩm tại địa phương mà khách hàng cũng ở tại địa phương đó thì vẫn thuận lợi trong giao dịch nhưng nếu sản phẩm ở địa phương này nhưng khách hàng ở địa phương khác thì khó giao dịch hơn vì phải mất thời gian để họ đi xem sản phẩm.
"Thời gian này, hầu như không tổ chức các sự kiện mở bán dự án, tránh tập trung đông người, công ty chủ yếu làm ở góc độ tư vấn cá nhân tại chỗ hoặc tại nhà khách, tại dự án. Cùng với đó, bố trí đầy đủ nước rửa tay, tặng khẩu trang cho khách hàng.
Công ty ông Giang sử dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ zalo, thực tế ảo, website... để hỗ trợ nhân viên kinh doanh có thể tiếp cận khách hàng nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất.
Song, nếu dịch kéo dài, ông Giang cho rằng, với những dự án mới bắt đầu mở bán thì lo ngại rất nhiều bởi những dự án mới ra thị trường về nguyên tắc khách hàng vẫn phải đến tận nơi để xem.
"Nếu dịch kéo dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc bán các sản phẩm bất động sản, bởi sản phẩm bất động sản là sản phẩm có giá trị cao nên khách hàng cần có đầy đủ thông tin, đến tận nơi để tìm hiểu dự án, sau đó mới đưa ra quyết định", ông Giang thông tin thêm.
Theo ông Giang, mặc dù công ty có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngay trong quý 1 này, nhưng ông tin rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và chung tay của cộng đồng xã hội thì dịch bệnh sẽ được khống chế trong thời gian sớm nhất. Ông Giang cũng hy vọng, sang quý 2, mọi việc sẽ đi vào quỹ đạo như cũ.