Doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản: Những đóng góp tích cực cho bức tranh kinh tế 2024
Năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn phục hồi song cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản vẫn thể hiện bản lĩnh, sự kiên cường và tinh thần trách nhiệm cao. Những đóng góp của họ không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản phát triển bền vững nói riêng, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, xã hội.
Cùng nhìn lại những đóng góp tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân bất động sản cho bức tranh kinh tế 2024 do Reatimes và các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam bình chọn.
Năm 2024, bức tranh kinh tế Việt Nam chứng kiến những nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp bất động sản trong việc vượt khó, tái cấu trúc và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Trong số đó, rất nhiều doanh nghiệp đã có những bước đi đầy táo bạo và tham vọng.
Vingroup đã có một loạt động thái mạnh mẽ, cho thấy quyết tâm khẳng định vị thế dẫn đầu và tiên phong. Doanh nghiệp này mạnh dạn đầu tư vào những dự án mới, quy mô lớn, mang tính biểu tượng cao, góp phần tạo nên những điểm sáng tích cực cho thị trường bất động sản năm 2024
Điển hình là việc khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh, Hà Nội vào cuối tháng 8/2024. Với quy mô lên tới 90ha, dự án này được kỳ vọng sẽ lọt top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới khi hoàn thành, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các sự kiện quốc tế.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh được kỳ vọng sẽ lọt top 10 trung tâm triển lãm lớn nhất thế giới khi hoàn thành
Tiếp đó, Vinhomes, công ty con của Vingroup, cũng liên tục "khuấy đảo" thị trường bất động sản với việc khởi công Vincom Mega Mall và tổ hợp nhà phố Grand World tại dự án mới ở Cổ Loa, Hà Nội.
Đặc biệt, dự án nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) được khởi động vào đầu tháng 12/2024 đã khẳng định mạnh mẽ tham vọng của Vingroup trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới giấc mơ trở thành quốc gia sản xuất ô tô điện.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Sun Group cũng cho thấy sự năng động và quyết tâm trong việc vực dậy ngành du lịch. Bên cạnh việc nỗ lực hoạt động các khu nghỉ dưỡng hiện có, đặc biệt là tại Phú Quốc, Sun Group đã mạnh tay đầu tư vào Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm với quy mô lên tới 50.000 tỷ đồng. Dự án này hứa hẹn sẽ tạo nên một cú hích mới cho du lịch Phú Quốc, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tương tự, Tập đoàn CEO bên cạnh việc vận hành tốt các dự án ở Phú Quốc đã tiếp tục mở rộng với việc khai trương Khu nghỉ dưỡng Wyndham Garden Sonasea Van Don tại Vân Đồn, Quảng Ninh vào cuối tháng 4/2024. Đây là minh chứng cho thấy CEO Group đang tiên phong đầu tư vào các thị trường mới nổi, đồng thời thể hiện rõ tham vọng hoàn thành chuỗi khách sạn 5 sao trên toàn quốc, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp như Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chủ động tìm kiếm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của mình. Bằng việc tích cực làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, UBND và các sở ngành địa phương, những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực.
Tính đến cuối năm, nhiều dự án tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đã được "cởi trói" về mặt pháp lý. Theo UBND TP.HCM, từ khi thành lập (31/5/2023) đến hết tháng 9/2024, Tổ công tác đã xem xét, giải quyết vướng mắc pháp lý cho 30 dự án. Đáng lưu ý, có 8/30 dự án bất động sản đã được giải quyết hoàn toàn, 22/30 dự án có vướng mắc đang được sở, ngành, TP. Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định. Còn tại Đồng Nai, việc điều chỉnh quy hoạch TP. Biên Hòa đã giúp tháo gỡ nút thắt pháp lý cho dự án Aqua City của Novaland sau hơn 2 năm trì trệ.
Có thể thấy, sự chủ động của doanh nghiệp kết hợp với nỗ lực từ phía chính quyền đang từng bước "gỡ rối" cho thị trường bất động sản, tạo đà cho sự phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, Phát Đạt đã vượt qua khó khăn bằng cách tái cấu trúc danh mục đầu tư, đẩy mạnh thu hồi công nợ, phát hành cổ phiếu và thoái vốn ở một số doanh nghiệp. Đồng thời, Phát Đạt cũng chủ động đàm phán để tiếp cận nguồn vốn mới, phục vụ cho việc tái phát triển các dự án và đưa dư nợ trái phiếu về 0. Phát Đạt đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính, hướng đến sự ổn định và phát triển bền vững.
Tập đoàn Đất Xanh cũng có những bước đi đáng chú ý trong việc cơ cấu lại tài chính theo hướng dài hạn. Việc nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác và ngân hàng cho thấy Đất Xanh đang dần lấy lại niềm tin trên thị trường. Nhìn chung, những nỗ lực của các doanh nghiệp này cho thấy bức tranh khả quan hơn cho thị trường bất động sản, hứa hẹn sự phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp để thích ứng và phát triển. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng các chiến lược mới như huy động nguồn vốn, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh số hóa và quản trị rủi ro tài chính. Việc đầu tư vào công nghệ cũng giúp tối ưu hóa quy trình quản lý dòng tiền, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh chiến lược phát triển sản phẩm cũng được chú trọng, tập trung vào các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường như bất động sản xanh, nhà ở vừa túi tiền,...
Hơn nữa, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về pháp lý, dòng vốn, chất lượng và giá bán, nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin mở bán dự án mới trong quý IV/2024 và sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh năm 2025. Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng gần 81 nghìn sản phẩm bất động sản chào bán, tăng hơn 40% so với năm 2023. Trong đó, có 65.376 sản phẩm chào bán mới, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023. Riêng quý IV/2024, thị trường ghi nhận 28 nghìn sản phẩm chào bán mới, gấp 2 lần so với quý trước và gấp 4 lần cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, sự kiên trì, chủ động thích ứng và nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp chính là động lực quan trọng góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản trong tương lai.
Trong năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Nguồn thu từ thuế, phí của các doanh nghiệp bất động sản góp phần quan trọng vào ngân sách quốc gia, hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Các khoản đóng góp này đến từ nhiều nguồn, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ,... Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì mức nộp ngân sách ổn định, thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo số liệu mới nhất từ PRIVATE 100 công bố hồi tháng 8/2024, tổng số tiền mà 10 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu đóng góp vào ngân sách nhà nước vượt mức 32.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, 8 trong số 10 doanh nghiệp này có số tiền nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng. Không có gì ngạc nhiên khi danh sách này bao gồm những "ông lớn" đã có hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động trên thị trường và tạo dựng được uy tín vững chắc như: Vinhomes, Khang Điền, Idico, Novaland, Vinaconex và Văn Phú - Invest. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những doanh nghiệp đầy triển vọng như: CTCP Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy, Taseco Land, DOJILAND cũng góp phần làm nên thành công chung của ngành.
Những con số đóng góp ngân sách không chỉ minh chứng cho sức mạnh của ngành bất động sản mà còn khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong việc đóng góp vào ngân sách quốc gia, hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn hết, ngành bất động sản còn được ví như một "động cơ" mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia và tạo ra sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác.
Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2024, ngành xây dựng tăng trưởng 7,34%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2024. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế cũng cho thấy, thị trường bất động sản sôi động kéo theo sự phát triển của hàng loạt ngành nghề "ăn theo" như: Vật liệu xây dựng, nội thất, thiết kế kiến trúc, ngân hàng, bảo hiểm,... Chẳng hạn, khi nhu cầu về nhà ở tăng cao, các nhà máy sản xuất xi măng, gạch, thép,... cũng tăng công suất hoạt động, từ đó tạo ra thêm nhiều việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, bất động sản còn là nguồn thu ngân sách quan trọng thông qua các loại thuế, phí. Theo thống kê mới nhất, hết 11 tháng năm 2024, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,1% dự toán, tăng 17,2% so cùng kỳ, chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó, các khoản thu về nhà, đất ước đạt 92,6% dự toán, tăng 65% so cùng kỳ, trong đó một số địa phương đã tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 và đã phát sinh số nộp ngay trong tháng đầu năm 2024. Với các chỉ số đang tăng, Bộ Tài chính dự kiến cả năm 2024 thu ngân sách đạt 2,025 triệu tỷ đồng - là năm đầu tiên số thu ngân sách nhà nước đạt trên 2 triệu tỷ đồng, vượt 324,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán.
Như vậy, nguồn lực này gia tăng sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Ngành bất động sản không chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước mà còn là động lực quan trọng cho tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ cho vay bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2023, cao hơn 0,15% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Điều này cho thấy, bất chấp những khó khăn của thị trường, nhu cầu vay vốn cho các hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn rất lớn.
Về nguồn vốn cho vay với lĩnh vực bất động sản, tính đến cuối quý III/2024, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của 13 ngân hàng niêm yết tăng 23,1% so với cuối năm 2023, chiếm 16,2% tổng dư nợ tín dụng. Sự tăng trưởng chủ yếu đến từ các ngân hàng như VIB (tăng 275,1%), Kienlongbank (tăng 171,9%), VPBank (tăng 43,5%) và Techcombank (tăng 18,6%). Trong đó, Techcombank chiếm tỷ trọng cho vay bất động sản lớn nhất với khoảng 60% dư nợ, chủ yếu là cho vay doanh nghiệp và cá nhân.
Sự tăng trưởng tín dụng này đến từ cả phía cầu và phía cung. Về phía cầu, nhu cầu vay vốn để mua nhà, đầu tư vào các dự án bất động sản vẫn còn rất lớn. Về phía cung, các ngân hàng cũng chủ động "nắn dòng" tín dụng, tập trung vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
Trong năm 2024, các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng huy động vốn cho nền kinh tế thông qua nhiều kênh khác nhau.
Thứ nhất, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn quan trọng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Một số công ty gây chú ý với việc phát hành hàng trăm triệu cổ phiếu, huy động đến hàng chục tỷ đồng.
Thứ hai, doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu trong năm 2024. Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ ở mức 374.830 tỷ đồng, trong đó có 362 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 342.716 tỷ đồng và 21 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.114 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành bất động sản giữ vững ngôi vị á quân với giá trị phát hành hơn 63.721 tỷ đồng, tương đương chiếm 17% tổng giá trị phát hành, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng. Điều này cho thấy, dù thị trường gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn có khả năng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư thông qua kênh trái phiếu.
Thứ ba, các doanh nghiệp bất động sản còn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến cuối tháng 11, lĩnh vực bất động sản tiếp tục đứng thứ hai về thu hút dòng vốn FDI với 5,63 tỷ USD, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng trưởng cao nhất kể từ năm 2019.
Đáng chú ý, nhiều dự án lớn đã được triển khai với sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Đơn cử như Tập đoàn Kim Oanh (Việt Nam) hợp tác với NTT Urban Development, Sumitomo Forestry, Kumagai Gumi Co Ltd (Nhật Bản) để phát triển khu dân cư The One World rộng 50 ha tại Bình Dương. Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) mua lại 25% cổ phần trong dự án Paragon Đại Phước quy mô 45,5ha (Đồng Nai) từ Tập đoàn Nam Long với giá khoảng 26 triệu USD…
Năm 2024, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến sự đồng hành tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp lý. Thông qua Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), các doanh nghiệp đã chủ động tham gia đóng góp ý kiến, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những "nút thắt" pháp lý, hướng tới một môi trường kinh doanh bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.
Điển hình cho nỗ lực này là tham gia tích cực chia sẻ ý kiến tại Hội nghị đối thoại về cách hiểu và vận dụng Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản diễn ra ngày 15/10. Đây là diễn đàn quan trọng để doanh nghiệp và cơ quan quản lý cùng trao đổi, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng luật, từ đó đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Sự chủ động tham gia này của doanh nghiệp thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường. Việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ giúp phía cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường tính minh bạch, ổn định và bền vững của thị trường bất động sản.
"Nhà ở xã hội" là từ khóa được nhắc đến nhiều trong năm 2024, bởi lẽ việc phát triển phân khúc này được xem là giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn cung phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng thời góp phần củng cố và ổn định thị trường địa ốc. Theo đó, năm 2024 chứng kiến sự cam kết mạnh mẽ từ nhiều doanh nghiệp lớn, hứa hẹn tạo nên cú hích cho thị trường nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 của Chính phủ.
Đơn cử như Novaland cam kết với mục tiêu xây dựng 200.000 căn, hay Hoàng Quân hướng đến con số 50.000 căn vào năm 2030. Kim Oanh Group cũng tập trung phát triển 40.000 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 1 (đến năm 2026) sẽ cung cấp 25.000 căn. Đặc biệt, Hưng Thịnh công bố xây dựng 150.000 căn nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người lao động và người thu nhập thấp.
Theo nguồn tin từ Bộ Xây dựng, Hà Nội và TP.HCM đang dồn lực cho cuộc đua phát triển nhà ở xã hội, mang đến cơ hội an cư cho hàng chục nghìn người dân. Riêng tại thủ đô, 69 dự án đang được triển khai với quy mô lên tới 4,17 triệu m2 sàn, tương đương 73.300 căn hộ. Song song với việc đẩy mạnh các dự án hiện hữu, Sở Xây dựng Hà Nội đang tích cực rà soát, bổ sung 15 khu đất mới để xây dựng nhà ở xã hội, đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Trong khi đó, TP.HCM cũng không kém cạnh với thành tích ấn tượng: 5 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.377 căn và một phần dự án nhà lưu trú công nhân 368 căn đã được hoàn thành chỉ trong vòng 4 năm (từ 2021 đến nay). Hiện tại, 4 dự án khác đang được gấp rút thi công, hứa hẹn mang đến thêm 2.874 căn hộ cho người dân.
Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mới đây, 21 doanh nghiệp đã cam kết tham gia xây dựng 52.000 căn nhà ở xã hội trên quỹ đất tự tạo lập. Cộng thêm 8.000 căn từ 7 khu đất mời gọi đầu tư và 10.000 căn từ nguồn đầu tư công, TP HCM tự tin đặt mục tiêu đạt 70.000 căn nhà ở xã hội vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa giấc mơ "an cư lạc nghiệp" cho người dân.
Như vậy, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp bất động sản mang đến luồng sinh khí mới và nhiều kỳ vọng cho thị trường nhà ở xã hội trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế. Người dân thu nhập thấp đang mong chờ một lượng lớn nhà ở xã hội sẽ sớm được tung ra thị trường, giúp họ có cơ hội sở hữu nhà ở với mức giá phù hợp, an cư lạc nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trước thực trạng khan hiếm nhà ở vừa túi tiền, các doanh nghiệp bất động sản đang tích cực đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm giải quyết bài toán nan giải này. Không chỉ dừng lại ở việc kiến nghị khi góp ý sửa đổi các luật, vào tháng 3/2024, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) triển khai đề tài nghiên cứu khoa học "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam".
Theo đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam giao TS. LS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đảm nhận vai trò chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là đơn vị thực hiện.
Đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học quốc tế có sự tham gia, tư vấn, phản biện từ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, luật, thống kê, báo chí… trong và ngoài nước; qua đó hướng tới mục tiêu nghiên cứu, khảo sát cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền trên thế giới; đánh giá nhu cầu, tiềm năng, cơ hội, thách thức của thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền Việt Nam; đề xuất mô hình, cơ chế, chính sách để phát triển thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam.
Điểm sáng trong các đề xuất chính là những ý kiến tâm huyết của TS. LS. Đoàn Văn Bình, với 5 nhóm giải pháp toàn diện, bao gồm: Hoàn thiện chính sách pháp luật (xác định rõ khái niệm, tiêu chí, chính sách ưu đãi,...); hoàn thiện tiêu chuẩn quy chuẩn (về thiết kế, công nghệ,...); đổi mới công tác quy hoạch (quy hoạch quỹ đất, tăng mật độ xây dựng,...); áp dụng giải pháp về tài chính và thuế (điều tiết thuế, khuyến khích đầu tư nước ngoài,...); cải cách thủ tục hành chính (đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép,...).
Sau khi công bố đề tài, vào tháng 5/2025, tại Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn (Quảng Ninh), VNREA tổ chức Tọa đàm triển khai đề tài nghiên cứu khoa học: "Tạo lập thị trường nhà ở thương mại vừa túi tiền: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất chính sách cho Việt Nam". Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam với nhiều đóng góp giải pháp, kiến nghị trong việc phát triển nhà ở túi tiền tại Việt Nam.
Những đề xuất này thể hiện sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chung tay cùng Nhà nước giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, góp phần ổn định và phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, bền vững. Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kết hợp với thực tiễn tại Việt Nam sẽ là chìa khóa để hình thành một thị trường nhà ở vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mới đây nhất, cuối tháng 10/2024 tại hội thảo "Dòng tiền chảy vào bất động sản phía Nam: Nhận diện cơ hội đầu tư" do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam và đơn vị tài trợ tổ chức đã thu hút sự quan tâm lớn với những đề xuất thiết thực về phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Nổi bật là kiến nghị và mô hình của Tập đoàn Bcons, mang đến giải pháp tiềm năng cho bài toán nhà ở tại các đô thị lớn phía Nam. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất mô hình phát triển dự án với quy mô hợp lý, thiết kế tối ưu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để giảm chi phí và thời gian thi công. Kết hợp với chính sách hỗ trợ tài chính, mô hình này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở.
Tuy nhiên, để mô hình này thực sự lan tỏa và phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức tài chính. Việc hoàn thiện khung pháp lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn về thủ tục,... sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở vừa túi tiền, góp phần giải quyết bài toán nhà ở và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
TS. LS. Đoàn Văn Bình không chỉ là một doanh nhân mà ông còn là một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bất động sản, đã và đang tích cực lan tỏa tri thức, kiến thức và kinh nghiệm của mình đến cộng đồng thông qua hoạt động xuất bản sách. Trong năm 2024, TS. LS. Đoàn Văn Bình đã cho ra mắt những cuốn sách có giá trị cao, góp phần nâng cao hiểu biết và định hướng cho thị trường bất động sản Việt Nam.
Đầu tiên phải kể đến cuốn "Bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam - Vai trò và khuyến nghị chính sách", được thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Cuốn sách này mang ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp dữ liệu khoa học, thực tiễn, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và định hướng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường. Đặc biệt, những đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp mới được cập nhật trong cuốn sách sẽ là cơ sở tham khảo hữu ích cho việc hoạch định chính sách và điều tiết thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay.
Cuốn sách thứ hai, "Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners", được xuất bản song ngữ Việt - Anh, hướng đến đối tượng độc giả rộng rãi, bao gồm cả người nước ngoài quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam và các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước. Cuốn sách cung cấp cái nhìn tổng quan, thông tin hữu ích về thị trường bất động sản, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư và phát triển kinh doanh.
Một ấn phẩm cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người mê xê dịch và trải nghiệm là cuốn sách ""Thế giới trong mắt tôi". Đọc từng trang sách "Thế giới trong mắt tôi", độc giả sẽ như được hòa mình và tận mắt tham quan những mảnh đất thú vị trên khắp thế giới thông qua các chuyên đề như: Ai Cập – Đất nước của các Pharaoh nổi tiếng nhất thế giới, Ai-len – Quốc gia không có rắn, Ai-xơ-len – Vùng đất băng giá, Anh – Quốc gia sở hữu cái tên chính thức dài nhất thế giới với 48 ký tự…
Trong hơn 2 năm qua, LS. TS. Đoàn Văn Bình đã dành thời gian để đi đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ, nhằm tìm hiểu về tình hình thế giới hậu Covid-19 và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế nhằm định hướng phát triển các lĩnh vực kinh doanh và các dự án của Tập đoàn CEO.
Việc xuất bản những ấn phẩm đặc biệt này này không chỉ khẳng định tâm huyết và uy tín của TS. LS Đoàn Văn Bình trong lĩnh vực bất động sản mà còn góp phần nâng cao nhận thức, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và định hướng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.
Không những vậy, TS. LS. Đoàn Văn Bình còn là một người thầy, một nhà nghiên cứu tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phát triển cộng đồng. Trong hơn 2 năm qua, TS. LS. Đoàn Văn Bình đã trao tặng sách tới 63 tỉnh thành, thư viện quốc gia, 44 trường đại học và bạn bè quốc tế. Ông không chỉ chia sẻ kiến thức chuyên môn về bất động sản mà còn lan tỏa tinh thần học hỏi, nghiên cứu tới đông đảo người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đặc biệt, việc dành toàn bộ thu nhập sau thuế từ cuốn sách "Bất động sản Việt Nam với người nước ngoài - Vietnam Real Estate For Foreigners"; cuốn sách "Thế giới trong mắt tôi" để ủng hộ Quỹ Ngày mai tươi sáng càng khẳng định tấm lòng vì cộng đồng của doanh nhân Đoàn Văn Bình. Đây là nguồn động viên quý báu, góp phần chắp cánh ước mơ cho những hoàn cảnh khó khăn, mang đến cơ hội học tập và phát triển tốt hơn.
Với vai trò là Thành viên Hội đồng Trường Đại học Hà Nội và giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học lớn, TS. LS. Đoàn Văn Bình luôn tận tâm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về đầu tư, kinh doanh, pháp lý bất động sản, du lịch cho sinh viên. Từ đó, giúp các em trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn và hun đúc khát vọng cống hiến cho xã hội.
Bão Yagi quét qua miền Bắc, để lại hệ quả vô cùng nặng nề lên nhiều địa phương, khiến nhà cửa tan hoang, hoa màu đổ nát, người dân mất đi người thân, tài sản. Giữa những đau thương, mất mát của cộng đồng. các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước đã chung tay góp sức, sẻ chia yêu thương, giúp đồng bào vùng bão lũ vượt qua khó khăn. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản là điển hình tiêu biểu đi đầu trong các chương trình hỗ trợ giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả của bão.
Theo đó, Tập đoàn Vingoup và các công ty trong hệ sinh thái đã công bố tài trợ 250 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào đang chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3.
"Số tiền này được huy động từ 2 nguồn, gồm kinh phí từ tập đoàn cùng các công ty thành viên và đóng góp tự nguyện của hơn 130.000 cán bộ công nhân viên trên toàn hệ thống", Vingroup thông tin.
Với mong muốn giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, Vingroup sẽ sử dụng số tiền này để xây dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, bị thương, thiệt hại về hoa màu, gia súc, đồng thời góp phần tái thiết hạ tầng.
Đặc biệt, Dự án khu tạm cư mới cho người dân thôn Làng Nủ đã chính thức hoàn thành chỉ sau 7 ngày thi công, mang lại nơi ở an toàn, ổn định cho hơn 20 hộ dân bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét kinh hoàng. Điều đáng trân quý hơn cả, toàn bộ chi phí xây dựng trị giá 2 tỷ đồng này đều do Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn Vingroup tài trợ. Đây thực sự là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm xã hội sâu sắc của doanh nghiệp.
Khu tạm cư mới với diện tích hơn 2.000m2, tọa lạc cách khu ở cũ khoảng 1 km, được xây dựng kiên cố bằng khung thép, đảm bảo an toàn và tiện nghi cho các gia đình. Mỗi căn nhà đều được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt thiết yếu, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian chờ khu tái định cư chính thức hoàn thành.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ xây dựng nhà tạm, Quỹ Thiện Tâm còn dành sự quan tâm đặc biệt đến những hộ dân có người thân không may qua đời. Mỗi gia đình nhận được 200 triệu đồng để vơi bớt gánh nặng kinh tế, sớm ổn định cuộc sống.
Tấm lòng của Quỹ Thiện Tâm lan tỏa đến nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, Quỹ đã tài trợ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế trị giá gần 500 triệu đồng, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em và người bị thương. Đặc biệt, Quỹ cũng gấp rút triển khai dự án xây dựng khu ký túc xá cho 500 học sinh tại huyện Bát Xát, với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng.
Cũng trong bối cảnh bão Yagi và mưa lũ kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho người dân Hải Phòng và Vân Đồn (Quảng Ninh), Tập đoàn CEO đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm xã hội với cộng đồng bằng hành động thiết thực và ý nghĩa. Thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại các địa phương, Tập đoàn đã ủng hộ số tiền 1,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Tương tự, Tập đoàn NovaGroup (Novaland) đã phát động phong trào đầy ý nghĩa kêu gọi mỗi cán bộ, nhân viên đóng góp ít nhất một ngày lương để ủng hộ người dân vùng thiên tai bão lũ. Sự hưởng ứng nhiệt tình từ tập thể NovaGroup đã tạo nên một làn sóng ấm áp, với tổng số tiền quyên góp lên đến gần 1,5 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, Novaland còn trực tiếp ủng hộ 500 triệu đồng và dự kiến đấu giá một căn nhà trị giá 6,8 tỷ đồng thuộc dự án NovaWorld Ho Tram để tiếp tục gây quỹ ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Cùng chung tay góp sức, Tập đoàn Ecopark cũng đã dành tặng 20 tỷ đồng cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Trong đó, 15 tỷ đồng được gửi thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 4 tỷ đồng trực tiếp hỗ trợ hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3, và 1 tỷ đồng phối hợp cùng Hội Sinh viên Việt Nam đến tận vùng lũ hỗ trợ bà con.
Tinh thần "lá lành đùm lá rách" cũng lan tỏa mạnh mẽ đến các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Becamex IDC đóng góp 5 tỷ đồng; CTCP Đại Nam ủng hộ 5 tỷ đồng; Tập đoàn Kim Oanh Group hỗ trợ 3,2 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Thương mại Địa ốc Bình An đóng góp 500 triệu đồng... Những hành động thiết thực của doanh nghiệp bất động sản đã góp phần xoa dịu nỗi đau, tiếp thêm sức mạnh cho người dân vùng lũ vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.