Aa

Doanh nghiệp e ngại bị thanh tra, kiểm toán nếu nhận hỗ trợ lãi suất 2%, các bộ, ngành nói gì?

Thứ Bảy, 27/08/2022 - 16:00

Đại diện Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các bộ, ngành lên tiếng về tâm lý e ngại của doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Thanh tra, kiểm toán: Tiêu chí càng rõ, thanh tra kiểm toán càng thuận lợi

Theo lý giải của các ngân hàng thương mại, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn không tham gia do thủ tục xin nhận hỗ trợ, hồ sơ thanh quyết toán chặt chẽ và phức tạp. Hơn nữa, nhiều khách hàng lo ngại sau khi nhận hỗ trợ sẽ bị thanh tra, kiểm toán.

Hơn nữa, nhiều quy định hướng dẫn triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa rõ, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu (ví dụ như quy định khách hàng phải có phương án phục hồi) nên rủi ro cho cả khách hàng và ngân hàng nếu sau này bị thanh tra, kiểm toán.

Trước băn khoăn của doanh nghiệp và ngân hàng, đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Trong quá trình triển khai thực hiện sau này, kể cả công tác thanh tra, kiểm tra kiểm toán, chúng tôi chủ yếu bám sát trên cơ sở các quy định, vì vậy quy định càng rõ bao nhiêu các thống nhất bao nhiêu thuận lợi cho quá trình triển khai bấy nhiêu. Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan nghiên cứu xem xét thêm các kiến nghị của các NHTM”.

Trong khi dó, bà Hà Thị Mỹ Dung, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp các Bộ, ngành có liên quan để có những quy định cụ thể hơn, có định lượng trong quá trình thực hiện.

“Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước không thể tự xây dựng các chỉ tiêu hay định lượng được”.

Với những nội dung cần thực hiện thấy không thể thực hiện được, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần mạnh dạn báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến của các NHTM về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

“Thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chưa tổ chức kiểm toán chương trình hỗ trợ lãi suất 2% được vì trên thực tế chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có công văn đề nghị NHNN, NHTM báo cáo với Kiểm toán Nhà nước để kịp thời có biện pháp hỗ trợ”, bà Dung cho biết thêm.

Bộ Tài chính cam kết cấp kinh phí kịp thời

Bên cạnh vướng mắc về thủ tục, nhiều ngân hàng lo ngại Bộ Tài chính cấp kinh phí chậm. Một số ngân hàng cho biết, nhiều khoản cho vay hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được Bộ Tài chính quyết toán.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Phó Vụ Tài chính - ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, nội dung về bố trí nguồn và quy trình thủ tục quyết toán hồ sơ đã được quy định rõ trong các văn bản quy phạm phát luật. Nguồn vốn thực hiện chương trình này cơ bản được bố trí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì cùng phối hợp với NHNN, chính thức trình Quốc hội thông báo cụ thể sau đó Chính phủ triển khai và Bộ Tài chính cam kết khi nguồn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công, Bộ Tài chính sẽ thực hiện cấp kinh phí theo đúng quy định và kịp thời cho các NHTM có nguồn lực triển khai chương trình này. NHTM không lo không có nguồn.

“Khâu quyết toán là quan trọng, các NHTM quan ngại, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất. Nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn. Tôi đề nghị rằng, ngay từ đầu chúng ta phải thực hiện rõ ràng, hồ sơ giấy tờ thủ tục đầy đủ để khi quyết toán chỉ cộng trừ con số thôi”, ông Dương đề nghị.   

Về một số đề nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với NHNN, Bộ Tài chính để nghiên cứu, rà soát và đánh giá tác động của chính sách. Để quy định ra 8 ngành như trong Nghị quyết 31, đã có sự tính toán kỹ lưỡng và đầy đủ. Chính sách hỗ trợ phải có trọng tâm trọng điểm, có mục đích.

Đối với các kiến nghị của NHTM về mở động đối tượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các NHTM gửi ý kiến lên Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng nhà nước tổng hợp và gửi cho Bộ. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu và giải đáp. Ngoài ra, việc mở rộng đối tượng thu hưởng sang những ngành khác, cần phải đánh giá kỹ lượng các đối tượng này và cân đối nguồn lực của Nhà nước khi nguồn lực Nhà nước đang có hạn. Một số vấn đề đánh giá một số tiêu chí mang tính định tính như có khả năng trả nợ, khả năng phục hồi... vấn đề này Bộ sẽ phối hợp NHNN xem xét xem có khả năng phục hồi và sẽ có hướng dẫn cụ thể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top