Thủ tục đầu tư tại các khu công nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc
Tại Hội nghị "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 14/7, LS. Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam, đã chỉ rõ những điểm nghẽn pháp lý đang gây cản trở cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị)
Một trong những điểm bất cập nổi bật là sự thiếu đồng bộ giữa các luật điều chỉnh vòng đời dự án, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường. Theo ông Chung, việc thẩm định chủ trương đầu tư, đánh giá nhu cầu sử dụng đất, thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hiện nay vẫn đang được thực hiện tách biệt, thiếu phối hợp về nội dung và thời gian, dẫn đến sự trùng lặp hồ sơ và kéo dài thủ tục.
"Một doanh nghiệp mới có thể phải chuẩn bị đến gần mười bộ hồ sơ riêng biệt cho từng quy trình, trong đó nhiều thông tin bị trùng lặp, hoặc phải chờ đợi lẫn nhau giữa các khâu", ông Chung cho biết.
Không những thủ tục thiếu liên thông, thời gian xử lý các thủ tục đầu tư, đặc biệt là thủ tục tiếp cận đất đai cũng được đánh giá là kéo dài và thiếu minh bạch. Từ chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, đến xác định giá đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đều tiềm ẩn nguy cơ chậm trễ.
"Đặc biệt, việc xác định giá đất cụ thể theo phương pháp thẩm định còn thiếu rõ ràng, thường xuyên chậm trễ, dẫn đến việc nhà đầu tư không thể sớm hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đai để triển khai các bước tiếp theo của dự án", ông Chung nhấn mạnh.

LS. Nguyễn Hồng Chung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Reatimes)
Ngoài ra, quy trình thẩm định đánh giá tác động môi trường dù đã có những cải thiện, nhưng vẫn chưa thực sự đơn giản. Tình trạng phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, phối hợp giữa các cơ quan thiếu đồng bộ khi dự án có yếu tố đặc thù đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Về thủ tục phòng cháy chữa cháy, ông Chung cho rằng các quy định kỹ thuật liên tục thay đổi, cách hiểu và áp dụng còn chưa thống nhất. Doanh nghiệp nhiều khi phải sửa đổi hồ sơ nhiều lần, kéo theo việc bàn giao và đưa công trình vào hoạt động bị chậm trễ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra trong việc cấp giấy phép xây dựng. Mặc dù đã có quy định cấp phép theo giai đoạn hoặc miễn giấy phép, nhưng khác biệt trong cách áp dụng giữa các địa phương vẫn khiến nhiều nhà đầu tư lúng túng và mất thời gian.
Bên cạnh những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, LS. Nguyễn Hồng Chung cũng đề cập đến các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế. Các quy định về thuế, mặc dù đã được cải thiện, nhưng đôi khi còn thiếu rõ ràng và có sự thay đổi, tạo ra rủi ro và gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, một số quy định về điều kiện hưởng ưu đãi thuế, đặc biệt là ưu đãi cho dự án công nghệ cao, dự án khuyến khích đầu tư, còn chưa thực sự rõ ràng và có sự giải thích, áp dụng không thống nhất giữa các cơ quan thuế địa phương. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch tài chính và tận dụng chính sách ưu đãi.
Tương tự, thủ tục hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư mới, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn còn phức tạp và thời gian giải quyết kéo dài. Tình trạng này gây ứ đọng vốn lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư và triển khai dự án. Điều này không những gây khó khăn về tài chính, mà còn làm giảm niềm tin và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Hay một số quy định về chi phí được trừ chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các chi phí liên quan đến hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hoặc các chi phí phục vụ phúc lợi cho người lao động, theo ông Chung.
Để nhà đầu tư không phải “tự bơi” giữa ma trận luật lệ
Từ thực tế trên, Luật sư Nguyễn Hồng Chung kiến nghị cần tiếp tục thúc đẩy cải cách toàn diện, với ba nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, hoàn thiện và đồng bộ hóa hệ thống pháp luật. Theo đó, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các luật, nghị định, thông tư để đảm bảo tính thống nhất, đặc biệt là sự hài hòa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường.
"Mục tiêu là tạo ra một quy trình liên thông, rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư", ông Chung nói.
Cùng với đó, cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu, tránh các quy định chung chung, dễ gây tranh cãi trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời, nghiên cứu và xây dựng một nền tảng cơ sở dữ liệu pháp lý quốc gia tập trung, dễ dàng tra cứu, cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh để doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin một cách thuận tiện và chính xác nhất.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số. Các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy cần được tích hợp trong cơ chế "một cửa" thực chất tại các Ban quản lý khu công nghiệp. Song song, cần số hóa toàn bộ quy trình xử lý, phát triển dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao, nhằm tăng tính minh bạch, giảm chi phí tuân thủ và tránh phát sinh tiêu cực.
Thứ ba, tiếp tục rà soát và hoàn thiện các chính sách thuế theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định. Cụ thể, làm rõ hơn các quy định về điều kiện hưởng ưu đãi thuế, tránh cách hiểu khác nhau, đảm bảo tính ổn định và dự đoán được của chính sách để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế VAT, rút ngắn thời gian hoàn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn, giúp họ tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
Rà soát các quy định về kiểm tra chuyên ngành, hướng tới một đầu mối kiểm tra hoặc công nhận kết quả kiểm tra lẫn nhau để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, ông Chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đối thoại công - tư thực chất giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở; thiết lập các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách công khai, minh bạch và hiệu quả, đảm bảo các kiến nghị được xem xét và phản hồi kịp thời, có tính xây dựng.
"Rất cần một cơ chế tiếp nhận phản ánh thể chế và phản hồi định kỳ từ các cơ quan quản lý để tránh tình trạng doanh nghiệp "tự bơi" giữa ma trận luật lệ", theo LS. Nguyễn Hồng Chung./.