Aa

Doanh nghiệp hiến kế tạo đột phá cho hệ thống hạ tầng đô thị TP.HCM

Thứ Tư, 07/06/2017 - 01:00

Tại buổi gặp gỡ các lãnh đạo Thành ủy,UBND TP. HCM, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các đề xuất nhằm giúp thành phố tạo bước đột phá trong xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị.

Tìm giải pháp giảm ngập nước, kẹt xe

Tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa cho biết kết cấu hạ tầng đô thị tại thành phố thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, do đã hình thành từ lâu nên lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, gây bức xúc trong nhân dân như ngập nước, kẹt xe.

Về hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bùi Xuân Cường cho biết, trong những năm qua chính quyền thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể về công tác xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, thiếu hụt nguồn vốn nên kết quả đầu tư chưa được hoàn tất theo quy hoạch được duyệt. 

Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2025, TP cần 553.879 tỷ đồng kinh phí đầu tư cho 203 dự án; trong đó các công trình giao thông cầu đường bộ (kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm) với tổng kinh phí là 339.946 tỷ đồng cho 137 dự án; các công trình bãi đậu xe ô tô với tổng kinh phí 71.458 tỷ đồng cho 41 dự án; vận tải hành khách công cộng với tổng kinh phí 142.475 tỷ đồng cho 25 dự án.

Từ thực trạng đó, TP mong muốn tìm giải pháp tích cực, hiệu quả phát triển hạ tầng đô thị, khơi gợi các nguồn lực của doanh nghiệp. 

Cũng tại buổi gặp gỡ, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất TP sớm nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian ngầm ở khu vực trung tâm hiện hữu TP 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP mong muốn sự tham gia góp ý của doanh nghiệp trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch TP; giám sát quá trình thực thi quy hoạch; tham gia đầu tư các dự án hạ tầng.

Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Nguyễn Toàn Thắng mong muốn và mời gọi doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải; cải tạo, phủ đỉnh bãi chôn lấp và lĩnh vực quan trắc môi trường. Theo ông Thắng, hiện mỗi ngày thành phố phải xử lý 8.300 tấn rác, trong đó chiếm đến 76% là công nghệ chôn lấp. Dự báo đến năm 2020, thành phố sẽ phải xử lý hơn 10.000 tấn rác mỗi ngày (mỗi năm tăng 5%).

cần phải tính toán tính khả thi vì TP. HCM có nền địa chất yếu, nếu làm không tốt sẽ mất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.

Cần phải tính toán tính khả thi trong việc xây dựng các công trình ngầm vì TP. HCM có nền địa chất yếu, nếu làm không tốt sẽ mất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.

Bàn về đề xuất nêu trên của các sở, ông Đinh Ngọc Ninh, Tổng Giám đốc Tập đoàn SSG đánh giá, chủ trương phát triển không gian ngầm cũng như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là định hướng đúng của TP.HCM. Tuy nhiên, theo ông Ninh, để chủ trương này trở thành hiện thực cần phải tính toán mức độ khả thi vì TP. HCM có nền địa chất yếu, nếu làm không tốt sẽ mất nhiều chi phí mà hiệu quả không cao.

Về vấn đề rác thải, ông Ninh cho biết, cơ cấu rác chôn lấp của TP. HCM hiện nay chiếm từ 50 - 60% là không an toàn. Vì vậy, cần thay đổi cơ cấu này bằng việc đốt và thực hiện các dự án, chương trình biến rác thải thành năng lượng.

Còn ông Ngô Xuân Tiệc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa cho biết, hiện doanh nghiệp của ông đang đầu tư chuyển đổi công nghệ đốt rác và mong muốn được UBND TP. HCM hỗ trợ trong việc chuyển đổi này.

Đối với vấn đề xây dựng các công trình ngầm, ông Võ Văn Bé đại diện công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt đề xuất UBND TP. HCM xem xét và thông qua phương án xây dựng Trung tâm thương mại trên đường Lê Lợi, quận 1 mà đơn vị này đề xuất. Ông Bé giải thích, để xây dựng trung tâm này cần phải làm đồng thời với tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên thì mới giảm được chi phí và thời gian.

Chung tay chỉnh trang đô thị dọc các kênh, rạch và cải tạo chung cư cũ

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, hiện nay TP đang tập trung thực hiện chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn; cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. 

Hai nhiệm vụ khó khăn hiện nay cần vốn lớn của doanh nghiệp là cải tạo chung cư cũ và di dời nhà trên, ven kênh rạch

Hai nhiệm vụ khó khăn hiện nay cần vốn lớn của doanh nghiệp là cải tạo chung cư cũ và di dời nhà trên, ven kênh rạch.

"Hai nhiệm vụ khó khăn hiện nay cần vốn lớn của doanh nghiệp là cải tạo chung cư cũ và di dời nhà trên, ven kênh rạch. Hiện thành phố có khoảng 935 chung cư cũ, trong đó có 577 chung cư được xây dựng trước năm 1975, phần lớn bị xuống cấp. Đến năm 2020 cần cơ bản hoàn thành tháo dỡ và xây mới ít nhất 50% chung cư hư hỏng nặng", ông Tuấn cho biết.

Nhìn nhận vấn đề cải tạo chung cư cũ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Đinh Ngọc Ninh cho rằng, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, thành phố nên cho người dân hoán đổi diện tích sở hữu chung cư cũ sang cùng diện tích nơi ở mới hiện đại, qua đó rút ngắn thời gian đền bù.

Tương tự, ông Võ Văn Bé chia sẻ, từ năm 2010 đã xin UBND quận 10 làm dự án cải tạo hơn 2.000 căn hộ chung cư cũ tại tại phường 2, quận 10. Phía công ty đã đưa ra phương án hoán đổi cho người dân sở hữu 30m2 chung cư trong tình trạng nguy hiểm lấy 45m2 xây dựng mới, vốn đầu tư hoàn toàn do doanh nghiệp bỏ ra nhưng đến nay vẫn chưa được phản hồi.

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Bí thư Thành uỷ TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành tiến hành rà soát lại quy hoạch tổng thể và kế hoạch sử dụng đất; công khai quy hoạch kêu gọi đầu tư dự án lên mạng internet; đẩy mạnh hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp và ngân hàng; hoàn thiện môi trường đầu tư và sẵn sàng đất với giá thuê cạnh tranh cho các nhà đầu tư.

Bí thư Thành ủy cho rằng, quy hoạch đô thị hạ tầng rất quan trọng với sự phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy thành phố mong muốn các doanh nghiệp, nhà khoa học cùng chung tay với thành phố tham gia các đề xuất chính sách, lập quy hoạch cũng như triển khai quy hoạch hạ tầng đô thị.

Cùng với đó TP chủ trương phát triển đa cực, nhiều vệ tinh chứ không thể chỉ xây các cao ốc “nén” dân số như phát triển về khu Nam (khu đô thị cảng Hiệp Phước), phía Tây Bắc (Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi), Đông Bắc (khu đô thị Thanh Đa), phía Đông (Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao và làng đại học).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top