“Nổ” dự án ở Đồng Mô để “lùa” cổ đông?
Ngày 6/5/2019, trên website Trường Tiền Group đăng tải thông tin, Tập đoàn Trường Tiền đang khẩn trương triển khai dự án quy hoạch và đầu tư Đảo Kẻ Xiết, hồ Đồng Mô, xã Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Nội.
Theo bài viết: “Đây là dự án quan trọng trong việc phát triển du lịch của vùng hồ Đồng Mô, được kỳ vọng là một khu nghỉ dưỡng lý tưởng trong tương lai gần.
Sơn Tây được coi là điểm đến hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển du lịch với dày đặc các di tích lịch sử. Tại đây, văn hóa truyền thống xứ Đoài kết hợp với nhiều cảnh quan sơn thủy hữu tình, nhiều điểm du lịch văn hóa tâm linh, làng cổ tạo nên sự độc đáo, khác biệt với các vùng đất khác.
Nắm bắt được sự ưu tú mà thiên nhiên ban tặng riêng cho mảnh đất này, kết hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Tập đoàn Trường Tiền kết hợp với Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Đồng Mô đã và đang tập trung phát triển, đầu tư vào Dự án Khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề nhằm mang đến một không gian mới, một điểm đến nghỉ dưỡng đầy hứa hẹn cho khách du lịch.
Với tổng mức đầu tư ban đầu lên đến 440.747 tỷ đồng, Dự án Spa Cây Bồ Đề đang nhằm hướng đến trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng sức khỏe và vui chơi giải trí cuối tuần cao cấp nằm trong khuôn viên hồ Đồng Mô. Khung cảnh thanh bình của ngôi làng cổ, với các đền đài, miếu mạo và bầu không khí trong lành, Dự án Spa Cây Bồ Đề mang lại tiềm năng du lịch lớn, góp phần đa dạng hóa chuỗi quần thể du lịch Ba Vì - Sơn Tây.
Dự án được xây dựng trên 2 hòn đảo là Kẻ Xiết Nam và Kẻ Xiết Bắc trong khuôn viên rộng hơn 20ha với 48 biệt thự nhà vườn dành cho khách thưởng thức dịch vụ spa, bao gồm đầy đủ tiện nghi như bể bơi, bể tắm thẩm mỹ ngoài trời và 28 tòa biệt thự từ 1 - 2 tầng dành cho khách thuê dài hạn.
Cụ thể, tại đảo Kẻ Xiết Nam sẽ có 10 biệt thự nghỉ dưỡng đồi và 5 biệt thự nghỉ dưỡng ven hồ được xây dựng. Riêng khu tiếp đón có diện tích 1.069m2 và khu nhà hàng, phòng hội nghị, hội thảo cao 3 tầng sẽ có diện tích đến 2.479m2.
Trong đó, sản phẩm chủ đạo của hòn đảo này sẽ theo phong cách thiết kế Bungalow (một loại hình xây dựng đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam trong ngành du lịch, khách sạn, khu resort cao cấp). Về Khách sạn trung tâm: Công trình xây dựng thấp tầng có thể thiết kế theo phong cách Veranda mở rộng, chất lượng tương đương 4 sao với diện tích xây dựng khoảng 1.200m2 gồm sảnh, khu văn phòng quản lý, khu dịch vụ tập trung cho nhân viên, phòng hội nghị, phòng chiếu phim nhỏ (20 - 30 phòng).
Đồng thời các điểm tiện ích khác như khu spa, massage cao cấp, bể bơi hay sân tennis cũng được quy hoạch, tạo không gian mới lạ, thoáng đãng và hài hòa với thiên nhiên. Các công trình tại hòn đảo này sẽ được phát triển vào giai đoạn 2 sau khi khu nghỉ dưỡng phía đảo Kẻ Xiết Nam hoàn thành và đi vào hoạt động.
Với vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh thơ mộng, sơn thủy hữu tình của mảnh đất xứ Đoài kết hợp cùng sứ mệnh của Tập đoàn Trường Tiền luôn cam kết đổi mới và thúc đẩy đầu tư một cách mạnh mẽ để phát triển, mang đến cho đối tác và khách hàng các sản phẩm – dịch vụ đạt chất lượng tốt nhất.
Dự án Khu nghỉ dưỡng Cây Bồ Đề của Tập đoàn Trường Tiền hứa hẹn là điểm đến độc đáo mà khách du lịch nên đặt niềm tin và lựa chọn”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc và tìm hiểu của phóng viên, trước đó, ngày 29/5/2014, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đồng Mô, tiền thân là Công ty cổ phần Khu nghỉ mát Deleo thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề.
Dự án này được Công ty cổ phần Khu nghỉ mát Deleo do bà Nguyễn Việt Loan làm Tổng giám đốc, bắt đầu triển khai vào tháng 12/2007, có tên là Dự án Khu nghỉ mát và Spa Cây Bồ Đề nhưng do nhiều vướng mắc nên đến nay dự án chỉ mới nằm ở mức san lấp mặt bằng, chưa xây dựng, thậm chí giới đầu cơ bất động sản còn gọi là “nghĩa trang bất động sản”.
Đặc biệt, Tập đoàn Trường Tiền không phải là chủ đầu tư dự án này (việc góp 65% vốn đầu tư vào dự án mới chỉ là thông tin một chiều từ phía Tập đoàn). Vậy việc Tập đoàn Trường Tiền “nhận vơ” dự án đã chết yểu nhiều năm của đơn vị khác là nhằm mục đích gì? Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập đến 2 kịch bản.
Một là Tập đoàn Trường Tiền "nhận vơ" để “nổ” thành tích cũng như tiềm lực của mình nhằm tạo lực hấp dẫn với thị trường cũng như nhà đầu tư? Và kịch bản thứ hai là "nhận vơ" bất động sản bỏ không ở Đồng Mô của người quen để làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu?
“Nhận vơ” dự án ở Đồng Mô để phát hành trái phiếu?
Sáng ngày 21/04/2019, tại khách sạn La Thành (số 226 Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội) đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Tiền (Mã chứng khoán: MPT).
Đại hội đã thông qua báo cáo của HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, và các tờ trình về Kết quả kinh doanh năm 2018, Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và Kế hoạch kinh doanh năm 2019; Lựa chọn đơn vị kiểm toán cho năm 2019; Phương án trả cổ tức và phát hành cổ phiếu riêng lẻ; Báo cáo kết quả tái cơ cấu các khoản đầu tư; Phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ; Thù lao cho HĐQT/Ban kiểm soát; Miễn nhiệm Thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát do hết nhiệm kỳ và bầu mới; Thay đổi chức danh và người đại diện theo pháp luật.
Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền (Trường Tiền Group) được thành lập ngày 15/01/2008 tiền thân là Công ty cổ phần may Phú Thành (Phú Thành Group). Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính: may trang phục, sản xuất sợi, sản xuất vải dệt, sản xuất hàng dệt kim, may mặc xuất khẩu.
Sau Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 18/11/2018, Công ty CP May Phú Thành đã đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền, mở rộng thêm nhiều lĩnh vực, hướng đến xây dựng Tập đoàn cung cấp các sản phẩm đẳng cấp Quốc tế và đa ngành nghề.
Năm 2018 đã kết thúc với tình hình kết quả hoạt động kinh doanh khả quan, quá trình tái cấu trúc công ty đã đạt được một số thành tựu nhất định: Doanh thu đạt 116,2 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 33,24 tỷ đồng, tăng trưởng 5,4 lần so với năm 2017, công ty cũng dự kiến chi trả cổ tức năm 2018 lên 10% từ mức kế hoạch 5% trong năm 2018. Đặc biệt, công ty cũng đã thoái vốn thành công các dự án đầu tư không hiệu quả và tìm kiếm các cơ hội đầu tư, M&A mới để gia tăng giá trị cho cổ đông.
Đại hội cũng đã thông qua phương án kinh doanh cho năm 2019 và những mục tiêu, kế hoạch khác phù hợp với tầm nhìn, chiến lược mà Ban lãnh đạo đã đề ra. Cụ thể, mục tiêu năm 2019 doanh thu đạt 721,5 tỷ đồng, và tăng vốn điều lệ lên 296,07 tỷ đồng.
Đại hội đã thông qua Phương án Phát hành Cổ phiếu để trả cổ tức với số lượng cổ phần dự kiến phát hành là 1.555.200 cổ phần, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 15.552.000.000 VNĐ, vốn điều lệ dự kiến sau phát hành Cổ phần để trả cổ tức là 171.072.000.000 VNĐ.
Bên cạnh đó, Đại hội đã thông qua Phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần; vốn điều lệ dự kiến sau chào bán là 296.072.000.000 VNĐ; số lượng cổ phần dự kiến lưu hành sau chào bán là 29.607.200 cổ phần.
Với định hướng phát triển thành Tập đoàn đa ngành nghề, Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền đã mở rộng sang lĩnh vực Bất động sản và thông qua kế hoạch chào bán trái phiếu riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành tối đa 500 tỷ đồng, trong kỳ hạn 3 năm.
Mục đích chào bán là hợp tác đầu tư kinh doanh xây dựng Dự án Spa Cây Bồ Đề với Công ty CP Đầu tư Thương mại Đồng Mô và tiếp nhận Công ty CP Đầu tư Thương mại Đồng Mô chính thức là Công ty con của Công ty CP Tập đoàn Trường Tiền.
Báo cáo là vậy, nhưng thực hư Tập đoàn Trường Tiền đã “danh chính ngôn thuận” để sở hữu Dự án của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Đồng Mô hay chưa thì chắc hẳn cổ đông sẽ phải bất ngờ.
Để biết những gì Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Tiền - ông Lê Khánh Trình "nổ" về Dự án Khu nghỉ mát và Spa Cây Bồ Đề đến đâu, chúng tôi sẽ tiếp tục trông tin trong loạt bài tiếp theo!
Bà Nguyễn Việt Loan sinh ra tại Nam Định. Bà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình với việc mở một nhà hàng Việt tại Munich - Đức năm 1976. Năm 1980 bà Nguyễn Việt Loan trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình. Sau khi về nước, bà cùng với một quỹ đầu tư của Anh quốc đã thành lập nên Trung tâm Thương mại Quốc tế đầu tiên tại Hà Nội (Internation Business Centre) do bà làm quản lý. Trung tâm này có vai trò như một chiếc cầu nối thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năm 2000 bà Loan bắt đầu một loạt các chương trình đầu tư vào việc xây dựng các tòa nhà văn phòng, căn hộ và các cơ sở vui chơi giải trí khác. Năm 2005, bà sáng lập Công ty LDL Spa Development JSC, cung cấp các dịch vụ cố vấn và quản lý việc phát triển các khu nghỉ dưỡng và Spa cao cấp. Tháng 12/2007, Công ty cổ phần Khu nghỉ mát Deleo bắt đầu triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề do bà Nguyễn Việt Loan làm Tổng giám đốc. Ngày 29/5/2014, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Đồng Mô, tiền thân là Công ty cổ phần Khu nghỉ mát Deleo thực hiện Dự án Khu nghỉ dưỡng Spa Cây Bồ Đề. |
Bài 2: Bóc mẽ những “mánh lưới” của ông chủ Tập đoàn Trường Tiền!