Liên quan đến việc dự án NƠXH Hope Residences Phúc Đồng bị khách hàng mua căn hộ tại đây phản ánh rằng họ phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” khi vừa phải đóng tiền mua nhà, nếu nộp chậm sẽ phải chịu tiền lãi, tiền phạt; vừa không được chấp thuận nhu cầu, hồ sơ vay vốn mua NƠXH khiến họ rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Ngày 8/5/2019, phóng viên Reatimes đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng để có thông tin chính thức, khách quan, đa chiều về câu chuyện “thế chấp - giải chấp” căn hộ của dự án đang khiến người mua nhà gặp khó.
Làm việc với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng có ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc và bà Lưu Thị Lan Phương, Kế toán Trưởng của Công ty.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng cho biết, phía Công ty đã giải chấp căn hộ với đơn vị ngân hàng mà trước đó Công ty mang đi thế chấp.
Cũng theo đại diện chủ đầu tư, về quy trình bán hàng và theo quy định của pháp luật, khi dự án nhà ở Hope Residences Phúc Đồng đang trong giai đoạn xây dựng thì được phép mang đi thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai, thế chấp khai thác tài sản. Ngân hàng yêu cầu thế chấp quyền khai thác tài sản.
“Khi dự án được bán, trước khi bán thì chúng tôi đã giải chấp căn hộ mới bán. Có khoảng 1000 khách hàng mua nhà tại dự án, trong đó có khoảng 200 khách hàng vay vốn tại các ngân hàng khác nhau. Trong đó, thủ tục vay vốn ngân hàng thương mại không gặp vấn đề gì. Nhiều khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội các chi nhánh như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thường Tín,... cũng không gặp vấn đề gì, chỉ có một số ít trường hợp là bị trả lại”, bà Lưu Thị Lan Phương, Kế toán Trưởng Công ty cho biết.
Theo bà Phương thông tin, khi khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư thì tài sản này không hẳn là của họ. Đó là tài sản hình thành trong tương lai, và quy định về đăng ký thế chấp tài sản trong tương lai ở mỗi ngân hàng sẽ khác nhau.
Chủ đầu tư cũng cho biết, liên quan đến việc đem thế chấp tài sản dự án tại Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội, Khoản a, Điều 11 của thông tư 09 nêu: Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đã được đăng ký thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở thì không được đồng thời đăng ký theo hình thức đăng ký thế chấp nhà ở đó.
“...Do đó có một số vướng mắc về “câu chữ” mà các bên không hiểu nhau”, bà Phương nói.
Khẳng định với phóng viên, bà Phương cho biết: “Chủ đầu tư đã cùng với ngân hàng “dỡ bỏ” những vướng mắc đó vào ngày 26/4/2019. Cụ thể ngày này, chủ đầu tư đã sửa một số câu chữ trong các văn bản”.
Bà Phương cho biết, sáng ngày 7/5/2019, nhân viên Công ty đã chủ động gọi điện cho các khách hàng thông báo đến gặp để giải quyết những thắc mắc. Trong đó, 8 trường hợp làm đơn cũng đã được chủ đầu tư chủ động liên hệ giúp đỡ, nhưng chưa thấy các khách hàng này phản hồi lại.
Khi phóng viên hỏi về trường hợp cụ thể của gia đình ông Lê Văn Kha bị Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội trả lại hồ sơ, phía chủ đầu tư cho biết, Công ty cũng chưa nhận được thông báo về một số trường hợp.
Liên quan đến việc trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ “xóa giải chấp tại một số đơn vị nhận đảm bảo”, chủ đầu tư này khẳng định trách nhiệm “xóa giải chấp” thuộc về bên đơn vị ngân hàng đứng ra nhận thế chấp.
Nếu căn cứ vào những phát ngôn từ phía lãnh đạo Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng thì nguyên nhân “vướng mắc, gây khó” đối với khách hàng mua nhà ở tại dự án này là do sự hiểu nhầm từ Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội. Chính vì vậy mà thủ tục hồ sơ vay vốn của khách hàng mới bị trả lại ?!
Ngày 9/5/2019, phóng viên Reatimes liên hệ với một số người dân là khách hàng từng “tố” Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng chưa giải chấp căn hộ khi đem bán, anh C. chủ căn hộ H2-…16 (tại dự án NƠXH Hope Residences Phúc Đồng) cho biết, đến thời điểm hiện tại tôi chưa nhận được thông báo gì từ chủ đầu tư. Sau nhiều lần bị Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội trả lại hồ sơ để xin xác nhận vay vốn NƠXH với lý do dự án đang bị thế chấp ngân hàng, ngày 7/5, anh C. chủ động mang hồ sơ lên nộp lại mới được tiếp nhận và đang chờ kết quả.
“Một giả thiết được đặt ra là nếu như việc giải chấp căn hộ của chủ đầu tư được tiến hành đúng luật, đúng thời điểm thì tại sao chủ đầu tư không gửi các thông báo, xác nhận đến từng trường hợp cụ thể cho khách hàng được biết trước đó?”, anh C. nêu ý kiến của mình.
Không những thế, việc chủ đầu tư nói rằng đã chủ động liên hệ với khách hàng để hỗ trợ, cụ thể với anh C. là một trong 08 trường hợp có đơn là không hề có.
Cũng tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng đã cung cấp cho phóng viên hình ảnh chụp “Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả” của Văn phòng Đăng ký Đất đai Hà Nội về trường hợp của bà Đào Thị Thùy Hương để chứng minh rằng hồ sơ thực hiện thủ tục thế chấp nhà ở của khách hàng vẫn được tiếp nhận.
Như vậy, việc nhiều khách hàng phản ánh Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng mang căn hộ đã được đem bán đi thế chấp tại ngân hàng là hoàn toàn có căn cứ và có cơ sở. Bởi hơn một tháng trôi qua, khách hàng vẫn không thể hoàn tất được thủ tục hồ sơ để xin vay vốn. Mặt khác, khách hàng nói rằng sau khi báo chí vào cuộc thì chủ đầu tư mới “chạy đôn, chạy đáo” để giải chấp dự án, tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện sai phạm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Phúc Đồng cho biết, dự án án NƠXH Hope Residences Phúc Đồng hiện tại đang được các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và chưa có kết luận.
Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư cho biết, chủ trương không phạt lãi đóng chậm (theo quy định trong hợp đồng) với những trường hợp khách hàng bị “vướng, mắc” trong thủ tục, hồ sơ thế chấp căn hộ để vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã được Ban Lãnh đạo thông qua. Còn với từng trường hợp cụ thể khách hàng nào thì chủ đầu tư phải xem xét kỹ lưỡng.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin sau buổi làm việc với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam.