Lý do được các DN tiết lộ do thủ tục đầu tư vào loại hình nhà ở này quá nhiêu khê, phức tạp.
Hàng loạt “cửa ải”
Trong một lần trò chuyện với DDĐN, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Cty Hoàng Quân than thở, để có được một giấy phép đầu tư một dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm. DN đã làm đủ mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cần thiết, nhưng phải trải qua rất nhiều cấp, nhiều ngành nên dự án nhiều khi đi vào lãng quên.
“Trong khi các dự án nhà ở cao cấp có diện tích đất lớn hàng trăm ha thì các đơn vị chức năng phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của chúng tôi đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay ở khâu lấy ý kiến sở ngành về quy hoạch, đền bù giải toả...”, ông Tuấn cho biết.
Cùng chung ý kiến trên, ông Lê Hữu Nghĩa - TGĐ Cty Lê Thành cho rằng, để thực hiện được một dự án nhà ở giá rẻ có khi cũng mất đến hơn 5 năm, lúc đó cơ hội kinh doanh của DN không còn.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận, 2 khó khăn lớn nhất mà các DN phải đối mặt đó là giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất.
Ông Quang dẫn chứng, để định giá tiền sử dụng đất tại một dự án, DN phải lo tới hàng chục thủ tục, từ khâu nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường, chọn đơn vị tư vấn, đến khâu thẩm định giá, tới khi trình UBND phê duyệt, mất quá nhiều thời gian.
Hơn nữa, hiện nay tiền sử dụng đất đang được áp dụng theo công thức: Tiền sử dụng đất bằng tổng doanh thu trừ tổng chi phí, trừ biên độ lợi nhuận của chủ đầu tư làm số tiền sử dụng đất DN phải đóng lại tăng lên. Hiệp hội BĐS đã kiến nghị cơ quan quản lý sớm thay đổi cách tính tiền sử dụng đất nhằm thu hút nhiều hơn các DN tham gia phát triển các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở vừa túi tiền.
Giải pháp vẫn... chưa trúng
Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, trong 10 năm tới TP. HCM cần một triệu căn hộ giá rẻ, trong khi Hà Nội cũng cần đến 70% số lượng căn hộ trên. Hiện tại, ngoài Tập đoàn Mường Thanh công bố sẽ tung ra 3.000 căn hộ có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2 tại Hà Nội thì mới có một số DN khác như FLC, Him Lam Land, Tập đoàn Hưng Thịnh, Cty Nam Long, Tập đoàn Coteccons… tuyên số tham gia phân khúc này với các căn hộ có giá từ 1, 2 – 1,5 tỷ đồng/căn. Giả dụ nếu các DN này triển khai được các dự án thì số lượng chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu.
Giải pháp được ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành kiến nghị nhiều lần là việc cho phép các DN xây dựng nhà giá rẻ được phép phát triển dự án với hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, diện tích nhà ở giống nhà ở xã hội.
Ở khía cạnh khác, đại diện Viglacera – một DN triển khai nhiều nhà ở giá rẻ nhất tại Hà Nội thừa nhận, xây nhà giá rẻ trong giai đoạn này là bài toán đau đầu nhất đối với các DN BĐS bởi giá đất đang rất cao, nếu mua đất xây nhà bán giá rẻ trong thời điểm này là rất khó khăn.
Để “cởi trói” cho khâu đầu tư nhà giá rẻ, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ nên phân cấp cho các tỉnh, thành tự phê duyệt tất cả các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội trên địa bàn.
Tương tự, Sở Xây dựng các địa phương cũng nên là cơ quan được phân cấp thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ. Như vậy sẽ nhanh hơn và hạn chế được tiêu cực xin-cho của quy trình hiện nay là tách quyết định cấp phép xây dựng thành 2 khâu chia cho Cục Quản lý Các hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) và Sở Xây dựng các địa phương xử lý.
Mặc dù biết nhà giá rẻ là phân khúc vàng trên thị trường nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Chỉ có những doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước về quỹ đất, chắt chiu chi phí và tính toán kỹ mới có thể thành công ở phân khúc này.