Aa

Doanh nghiệp ngành thép thi nhau báo lỗ

Thứ Hai, 05/08/2019 - 23:02

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép quý II/ 2019 là giá phôi thép tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng và lợi nhuận giảm sút...

Cổ phiếu Thép Việt Ý đã mất 43% giá trị

Mới đây, Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2019 với kết quả lỗ quý thứ 5 liên tiếp.

Riêng quý II/2019, VIS đạt 1.333 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc trữ nguyên liệu từ hồi cuối 2017, đầu 2018 từng khiến công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho nhiều quý liên tiếp thì nay lại giúp công ty đạt giá vốn thấp hơn cùng kỳ. Lãi gộp quý 2/2019 đạt 8,7 tỷ so với con số -16,8 tỷ cùng kỳ năm 2018.

Dù lãi gộp cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 nhưng nhìn chung biên lãi gộp vẫn ở mức rất thấp khi ngành thép đang cạnh tranh khốc liệt và giá thép xuống sâu. VIS lỗ tiếp 32,2 tỷ đồng năm 2019 khi chi phí tài chính và khoản chi nuôi bộ máy doanh nghiệp rất lớn.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2019, VIS đạt 2.362 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 300 tỷ so với cùng kỳ và lỗ ngang ngửa 6 tháng năm 2018. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VIS đã mất 43% giá trị về 14.850 đồng.

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép nửa đầu năm 2019 là giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng và lợi nhuận giảm sút. Ảnh minh họa

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép nửa đầu năm 2019 là giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng và lợi nhuận giảm sút. Ảnh minh họa.

Nam Kim thoát lỗ nhờ bán tài sản

Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đã thoát lỗ quý II/2019 nhờ khoản lãi rất lớn từ hoạt động khác. Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 2.964 tỷ đồng, giảm mạnh 31% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán đã chiếm tới hơn 96% trong doanh thu thuần, khiến lãi gộp chỉ còn hơn 112 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 cùng kỳ 2018.

Trong kỳ, NKG có gần 39 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 86% so với cùng kỳ trong đó có trong khi lại tiết kiệm được 24% chi phí tài chính nhờ giảm chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 27,5% và 20% so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ giúp Thép Nam Kim thoát lỗ thuần 8,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong kỳ công ty ghi nhận hơn 180 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động khác nên kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 172 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 135,6 tỷ đồng tăng 24,4% so với quý 2/2018. Trong khi quý 1/2019, NKG đã lỗ gần 102 tỷ đồng, theo đó kết thúc nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần đạt 5.907 tỷ đồng giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu sụt giảm tới 43%, lợi nhuận sau thuế, đạt gần 34 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 230 tỷ đồng.

Trước đó, khi lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2019, NKG chủ trương chuyển nhượng hàng loạt dự án và tái cấu trúc sản xuất, bán vốn góp tại dự án Nam Kim Corea, KCN Visip II – A, một số nhà máy sản xuất mạ, nhà máy Nam Kim 1 – công suất 500.000 tấn/năm. Thông qua các thương vụ chuyển nhượng, NKG dự thu về khoảng 850 tỷ đồng và sử dụng nhằm giảm dư nợ trung hạn. Công ty kỳ vọng doanh thu 2019 đạt 15.500 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế là 295 tỷ đồng nhưng chủ yếu từ bán dự án.

Trên thị trường, cổ phiếu NKG đã giảm 20% so với đầu năm và đang ở vùng đáy hơn 3 năm, giao dịch quanh 6.080 đồng/cổ phiếu.

Thép Pomina lỗ 49 tỷ đồng trong quý II

Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 và lũy kế 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, riêng quý 2/2019, doanh thu thuần đạt 3.063 tỷ đồng, giảm 15% so với quý 2/2018. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu tiêu thụ hàng nội địa đạt 2.448 tỷ đồng, đóng góp gần 80% tổng doanh thu giảm 16,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu thép xuất khẩu đạt gần 593 tỷ đồng tăng 70% so với quý 2/2018, còn lại gần 21 tỷ đồng doanh thu từ phế liệu.

Doanh thu giảm mạnh trong khi giá vốn giảm không đáng kể khiến lãi gộp trong kỳ đạt gần 86 tỷ đồng, giảm 67% so với quý II/2018. Trong kỳ, POM phải chi trả tới 98 tỷ đồng chi phí tài chính trong đó chủ yếu là lãi vay, 9,5 tỷ đồng chi phí bán hàng và hơn 26 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp. Hoạt động khác còn bị lỗ 5,7 tỷ đồng nên kết quả Pomina tiếp tục chịu lỗ hơn 49 tỷ đồng trong quý II/2019. Trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 164 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do công ty đang triển khai 2 dự án Tol mạ và lò cao nên chi phí lãi vay tăng 59% so với cùng kỳ. Dự án Tol mạ đưa vào hoạt động gia đoạn 1 từ quý II/2019. Ngoài ra, trong các nhà máy của Tập đoàn, có một nhà máy ngưng sản xuất do sự cố thiết bị đưa đến sản lượng bán giảm và công ty đang cố gắng phục hồi sớm sản xuất.

Với việc kinh doanh thua lỗ trong cả 2 quý đã khiến bức tranh 6 tháng đầu năm 2019 của Pomina rất tệ, doanh thu thuần đạt 6.184 tỷ đồng giảm 6,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế âm gần 133 tỷ đồng. Theo đó, không biết nửa cuối năm công ty sẽ cải thiện tình hình kinh doanh ra sao khi mà mục tiêu mà Pomina đặt ra cho năm 2019 là mang về doanh thu 13.500 tỷ đồng và 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trên thị trường, cổ phiếu POM đang giảm sâu và hiện gia dịch quanh vùng giá thấp nhất là 6.368 đồng/ cổ phiếu. 

Thép Dana – Ý có doanh thu quý II là nhờ thanh lý tài sản

Trước thông tin bị buộc dừng sản xuất kinh doanh vì những lùm xùm xoay quanh vấn đề môi trường, doanh thu quý II/2019 của Thép Dana – Ý ghi nhận vỏn vẹn gần 9 tỷ đồng, rất khiêm tốn khi đặt cạnh con số hơn 445 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu quý II/2019 của công ty thực tế cũng đến từ việc thanh lý, xuất trả một số vật tư thiết bị có thời hạn sử dụng ngắn. Trong quý, công ty ghi nhận gần 69 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho (là nguyên liệu chính – chờ sản xuất), cùng với đó là hơn 29 tỷ đồng chi phí trong giai đoạn dừng sản xuất. Kết quả quý II/2019, Thép Dana – Ý báo lỗ ròng gần 115 tỷ đồng. Đây là khoản thua lỗ trong một quý kinh doanh lớn nhất kể từ ngày cổ phiếu Thép Dana – Ý được niêm yết (11/05/2010).

Tính đến hết quý II/2019, phía Thép Dana – Ý cho biết thời gian dừng hoạt động sản xuất kinh doanh đã là 9 tháng. Trong 3 quý kinh doanh gần nhất, doanh nghiệp thép này đã ghi nhận lỗ ròng gần 233 tỷ đồng.

Về mặt nguồn vốn, tổng nguồn vốn của Thép Dana – Ý vào thời điểm cuối quý 2/2019 là hơn 1,385 tỷ đồng, trong đó hơn 92% là nợ phải trả.

Về tình hình lưu chuyển tiền trong 6 tháng đầu năm 2019, dòng tiền kinh doanh của Thép Dana – Ý ghi nhận âm hơn 73 tỷ đồng, giữa bối cảnh hoạt động sản xuất và kinh doanh ngưng trệ.

Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính 6 tháng ghi nhận dương hơn 50 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/06/2019, dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của Thép Dana – Ý lần lượt gần 403 tỷ đồng và 540 tỷ đồng, tăng hơn 7% và gần 5% so với đầu năm. Trên thị trường, cổ phiếu Thép Dana – Ý được giao dịch ở mức 3.500 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào tháng 6/2019 Thép Dana – Ý đã khởi kiện UBND TP. Đà Nẵng đòi bồi thường 400 tỷ đồng. Theo đơn, người bị kiện là UBND TP. Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, Thép Dana – Ý khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBNDTP; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585.

Trong đơn, Thép Dana – Ý nêu rằng các quyết định của chính quyền Đà Nẵng như buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất, đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của công ty.

Thông tin mới đây cho biết, tại Trung Quốc, giá quặng sắt đang liên tục lập đỉnh mới, thị trường quặng sắt ghi nhận quý II/2019 là quý tăng giá mạnh nhất kể từ cuối năm 2016. Trong khi đó, ngược lại, áp lực cạnh tranh, áp lực về giá của các doanh nghiệp làm cho giá thép bán ra không tăng mạnh được như mức tăng giá nguyên liệu.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự chủ được nguồn phôi nguyên liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp chỉ đi nhập phôi nguyên liệu. Việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan cũng là một áp lực làm các doanh nghiệp xuất khẩu thép phải tìm hướng đi mới, chủ động nguồn nguyên liệu từ Việt Nam hoặc các nước khác ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan...

Điểm chung của các doanh nghiệp ngành thép quý II/ 2019 là giá phôi thép tăng cao, dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao và lợi nhuận giảm sút. Lối thoát duy nhất là các doanh nghiệp cố gắng tự chủ về nguồn nguyên liệu, hay kết hợp sức mạnh như cách mà SMC và Thép Nam Kim đang làm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top