Aa

Bất động sản 24h: Doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao, ngóng chờ… “phao cứu sinh“

Thứ Bảy, 03/06/2023 - 10:33

"Giá thuê KCN Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng"; Doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao, ngóng chờ "phao cứu sinh"... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

"Giá thuê KCN Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng"

Theo ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Colliers Việt Nam, giá đất và giá thuê hạ tầng công nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, vào khoảng 10 - 15%/năm đối với giá thuê nhưng chất lượng và sự đa dạng chưa thực sự tương xứng. Thị trường chưa có nhiều mô hình công nghiệp đa dạng.

khu công nghiệp
Các KCN ở Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí bền vững để thu hút FDI. (Ảnh: Liên Thượng)

Theo số liệu mới nhất của Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2023 đạt 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Minh Chí, Trưởng phòng cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Colliers Việt Nam để có những góc nhìn, đánh giá về tiềm năng, lợi thế bất động sản các Khu công nghiệp, Khu chế xuất cũng như các giải pháp thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Doanh nghiệp ngành xây dựng lao đao, ngóng chờ… "phao cứu sinh"

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nêu vấn đề và đặc biệt nhấn mạnh đến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên, trong đó có nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng.

Theo Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, năm 2022, có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó ngành xây dựng có số doanh nghiệp rút lui tăng mạnh là 18,8%. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu tại tổ vào tháng 5/2023, trong 5 tháng đầu năm 2023 số liệu các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã là 88.000… Đáng lưu ý, trong số này thì riêng ngành xây dựng số doanh nghiệp rút lui đã tăng đến 25,5%.

Rất dễ thấy, thực trạng của ngành xây dựng trong thời gian vừa qua không mấy khả quan. Kể từ sau đại dịch Covid-19 và giai đoạn nửa sau năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Điều này dẫn đến việc hầu hết doanh nghiệp ngành xây dựng rơi vào tình cảnh lao đao và luôn trong trạng thái chờ "phao cứu sinh".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội sẽ có thêm dự án nhà ở xã hội cao tầng 4.516m2

Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4, 6, 8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai.

Dự án có quy mô sử dụng đất của công trình khoảng 4.516m2, thuộc ô quy hoạch F1/HH6 theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-4 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6499 ngày 27/11/2015, để xây dựng công trình nhà ở xã hội cao tầng. Mật độ xây dựng khối đế khoảng 66%, khối tháp 60%, chiều cao 31 tầng với quy mô dân số tối đa 1.154 người.

Hai đơn vị thực hiện dự án là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 1.183,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư 256,7 tỷ đồng, chiếm 21,69% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác, chiếm 78,31% tổng vốn đầu tư.

Thời gian thực hiện dự án từ quý II/2023 đến quý IV/2025. Theo đó, UBND TP yêu cầu nhà đầu tư triển khai đúng nội dung, tiến độ dự án và quy hoạch đã được phê duyệt, đúng nội dung Giấy phép xây dựng được cấp, đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.

UBND TP. Hà Nội cho biết, trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt, thì năm 2023, thành phố dự kiến đạt 32.900m2 sàn nhà ở; năm 2024 đạt 361.700m2 sàn nhà ở; năm 2025 đạt 475.200m2 sàn nhà ở.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nỗi khổ của nhà đầu tư gồng lãi ngân hàng: Chấp nhận bán nhà trung tâm Thủ đô, "nuôi" bất động sản ở tỉnh

Anh Ngọc Minh, môi giới mới vào nghề 3 năm, đến từ Hà Nội kể lại, cách đây 2 tháng, anh vừa môi giới thành công thương vụ giao dịch nhà đất. Chủ nhà là dân đầu tư bất động sản, chuyên đầu tư đất đấu giá, đất thổ cư ở các vùng lân cận Hà Nội và tỉnh lẻ. 

đất nền, đất nền tỉnh
Đầu tư đất nền tỉnh khiến nhiều nhà đầu tư mắc kẹt. (Ảnh: Nhịp sống thị trường)

Căn nhà mà chủ rao bán có diện tích 40m2, được đầu tư cẩn thận, nội thất đầy đủ. Ở thời điểm đầu năm 2022, tính theo giá thị trường, căn nhà này được định giá khoảng 4,2 tỷ đồng, nằm ở quận Nam Từ Liêm. 

Tuy nhiên, do “chôn vốn” vào bất động sản nhiều, nhà đầu tư này hiện phải gánh khoản nợ ngân hàng hơn 6 tỷ đồng, chưa kể các khoản tiền vay mượn người thân. Mặc dù đã rao bán kể từ giữa năm 2022 đến nay, thậm chí cắt lỗ 20% nhưng chủ nhà mới thanh khoản được 1 lô đất ở Hưng Yên, trị giá 890 triệu đồng. Số tiền bán đất chỉ đủ trang trải khoản gốc lãi kéo dài trong gần 1 năm qua.

“Đến hiện tại, rao bán đất tỉnh không thành, không thể đủ sức gồng nợ gốc lãi, vợ chồng chủ nhà quyết định nhờ tôi rao bán căn nhà đang ở, chấp nhận đi thuê chung cư. Chủ nhà phát giá 4 tỷ đồng với mong muốn thu tiền về nhanh. Sau 2 tuần, một đôi vợ chồng trẻ chốt mua với giá 3,8 tỷ đồng. Vì cần tiền gấp nên chủ nhà đồng ý về giá và để lại toàn bộ nội thất”, môi giới tên Minh nói thêm. “Thực tế, bán nhà đất ở trung tâm Hà Nội, chỉ cần giảm 10% so với giá thị trường là có thể thanh khoản dễ dàng hơn là đất ở quê do nhu cầu ở thực lớn”. 

Cũng rơi vào tình trạng tương tự như vậy, anh Nguyễn Tuyến (Hà Nội) vừa chấp nhận bán gấp căn chung cư tại khu đô thị lớn ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Căn hộ 3 phòng ngủ, diện tích 75m2, đầy đủ nội thất được bán với giá 2,7 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 200 triệu đồng so với giá thị trường. Sau chưa đầy 1 tuần rao bán, anh Tuyến tìm được người mua. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Lãnh đạo VNREA làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh bất động sản

Dự Hội nghị, về phía lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chủ trì. Cùng dự có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực thứ hai Hiệp hội Bất động sản Việt Nam,... Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, có ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên và đại diện các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi chia sẻ, Hiệp hội sẽ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc từ các dự án của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Dựa trên những điều "mắt thấy tai nghe" từ những kiến nghị, đề xuất này sẽ ghi nhận và kiến nghị một cách xác đáng, mạnh mẽ với Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh bất động sản.

Cũng như các đô thị khác, Thái Nguyên hiện nay có các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do nhà đầu tư tư nhân thực hiện, với sản phẩm là: căn hộ chung cư, shophouse, nhà phố, biệt thự liền kề và một số dự án được phân lô bán nền. Bất động sản khu công nghiệp ở Thái Nguyên cũng có nguồn cung khá. Bất động sản nghỉ dưỡng tập trung các dự án lớn ở khu vực Hồ Núi Cốc với các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi nhưng đa phần chưa triển khai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top