Doanh nghiệp ngoài ngành tham gia cơ cấu lại ngân hàng: Đột phá mới hay mối nguy tiềm tàng?
Lời Tòa soạn:
Tháng 6/2022, Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được ban hành với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất, phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
Tháng 3/2023, tại Quyết định 213/QĐ-TTg, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo. Quyết định này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Đề án của Chính phủ nêu quan điểm “huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn lực xã hội…; khuyến khích thu hút nhà đầu tư có đủ năng lực trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng” cho thấy nguồn lực của các nhà đầu tư, cổ đông mới sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong hành trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trong nhiều năm qua, các ngân hàng đang trong quá trình tự cơ cấu cũng đã tạo ra cơ hội đầu tư và nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp ngoài ngành, thể hiện qua động thái góp vốn, mua cổ phần, trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể thông qua việc tăng vốn cho các công ty con có quy mô nhỏ để “tìm đường” trở thành ông chủ của ngân hàng mà không vi phạm quy định giới hạn về tỷ lệ sở hữu.
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu năng lực quản trị ngân hàng và sức khỏe tài chính của nhà đầu tư/doanh nghiệp tham gia cơ cấu lại ngân hàng không được kiểm chứng? Một ngân hàng kém liệu có trở thành một ngân hàng kém hơn? Với các ngân hàng tự cơ cấu lại, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài ngành sẽ mang đến ánh sáng hay bóng tối, rủi ro hay cơ hội? Đây là vấn đề rất cần được nhận diện để hiện thực hóa mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tín dụng một cách thực chất.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam thực hiện chuyên đề: “Doanh nghiệp ngoài ngành tham gia cơ cấu lại ngân hàng: Đột phá mới hay rủi ro tiềm tàng” nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá chuyên sâu dựa trên góc nhìn thực tiễn và khoa học, từ đó, nhận diện các vấn đề tồn đọng, đề xuất giải pháp để xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Tăng trưởng kinh tế nhanh trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại ở giai đoạn 2001-2010 đã thúc đẩy hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần phát triển với bước tiến “Thánh Gióng” cả về số lượng, quy mô vốn điều lệ, tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, những hạn chế trong quản lý và cơ chế, chính sách bộc lộ, kéo theo nhiều rủi ro, yếu kém về tín dụng, thanh khoản, khả năng cạnh tranh và năng lực quản trị… Nhóm lợi ích và sở hữu chéo, lệ thuộc lẫn nhau giữa các ngân hàng vẫn diễn ra đã dẫn đến nợ xấu và nguy cơ cao về rủi ro hệ thống. Đến năm 2011-2012, dưới ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, những hệ lụy xuất hiện phổ biến hơn, nhiều nhà băng rơi vào tình cảnh khó khăn, nợ xấu toàn hệ thống tăng cao (tại thời điểm 30/9/2012 ước tính lên đến hơn 17,2%), đặt ra vấn đề cấp thiết phải hợp nhất, sáp nhập hoặc tự cơ cấu lại để không tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. Bởi hoạt động của hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Sự ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng giữ vai trò trọng yếu trong việc ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2012-2020, việc thực hiện hai đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng được phê duyệt lần lượt theo Quyết định số 254/2012/QĐ-TTg (giai đoạn 2011-2015) và Quyết định số 1058/2016/QĐ-TTg (giai đoạn 2016-2020) đã ngăn chặn sự đổ vỡ hệ thống, đảm bảo khả năng chi trả của các ngân hàng, theo đó, một số ngân hàng đã thoát khỏi vũng lầy nợ xấu, năng lực quản trị được nâng cao và có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Tuy nhiên, điểm cốt lõi của mục tiêu cơ cấu lại là xử lý dứt điểm nợ xấu, tạo ra một hệ thống ngân hàng thực sự lành mạnh theo tiêu chuẩn quốc tế với cấu trúc sở hữu đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến vẫn chưa thể hiện thực hóa. Song song với đó, nhiều tổ chức tín dụng vẫn chưa thoát khỏi diện yếu kém sau một thập kỷ cơ cấu lại - tình hình tài chính vẫn khó khăn, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng…
Chính vì thế, giai đoạn này, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém tiếp tục được Chính phủ đốc thúc. Tháng 6/2022, Quyết định 689/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được ban hành với mục tiêu tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất, phấn đấu đến năm 2025 giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới, xây dựng hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh và phát triển bền vững.
Tháng 3/2023, tại Quyết định 213/QĐ-TTg, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng làm Trưởng ban Chỉ đạo. Quyết định này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng và tính cấp thiết của vấn đề cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý các ngân hàng yếu kém nhằm bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các ngân hàng này từng bước phục hồi.
Đối với NHNN, triển khai quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong năm 2023. Tuy nhiên, theo NHNN, xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh kinh tế giới và trong nước đang gặp nhiều bất lợi như hiện nay lại càng khó, đặc biệt là vấn đề nguồn lực. Với ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt như SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Đề án của Chính phủ nêu quan điểm “huy động và sử dụng mọi nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn lực xã hội…; khuyến khích thu hút nhà đầu tư có đủ năng lực trong nước và nước ngoài tham gia cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng” cho thấy nguồn lực của các nhà đầu tư, cổ đông mới sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong hành trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Điều này cũng đã được chứng minh ở giai đoạn trước.
Trong hơn một thập kỷ cơ cấu lại hệ thống tín dụng và cho đến nay, bên cạnh các hình thức hợp nhất, mua bán, sáp nhập với ngân hàng mạnh, nhiều tổ chức tín dụng đang tiến hành tự cơ cấu, tạo ra “miếng bánh” hấp dẫn thu hút doanh nghiệp ngoài ngành tìm đến thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, trở thành cổ đông lớn. Các doanh nghiệp tham gia với mục đích đầu tư, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của ngân hàng, hoàn thiện mảnh ghép mới quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư, kinh doanh của mình.
Cuối tháng 3/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex - cổ đông lớn nhất của PG Bank tiến hành thoái toàn bộ số vốn (40% cổ phần) khỏi ngân hàng này để tập trung vốn cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn và thực hiện quy định mỗi tổ chức chỉ được nắm giữ cổ phần tại một ngân hàng không quá 15% vốn điều lệ. Động thái thoái vốn này buộc PG Bank phải tự cơ cấu lại sau một thời gian thực hiện kế hoạch sáp nhập không thành và ngay lập tức tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới với kỳ vọng tăng vốn, tạo ra bước phát triển đột phá hơn cho PG Bank.
Trong tháng 4, Petrolimex chào bán 120 triệu cổ phiếu PGB với giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu. Thời điểm này, một số doanh nghiệp nhỏ trên thị trường đã tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ, nguyên nhân được cho là để mua cổ phần của PG Bank. Cụ thể, trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Và cũng trong tháng 4, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng.
Ngày 11/9/2023, theo công bố của PG Bank, cả ba doanh nghiệp nói trên đều trở thành cổ đông lớn mới của ngân hàng này (đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận) với mức cổ phần tương ứng là 40% vốn điều lệ (gần 2.568 tỷ đồng), đủ sức nắm quyền chi phối PG Bank. Trong đó, CTCP Quốc Tế Cường Phát sở hữu 40,6 triệu cổ phiếu, chiếm 13,54% vốn điều lệ, CTCP Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 40 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 13,36%; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh với 39,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 13,1%.
Đến thời điểm hiện tại, PG Bank được cho là đã đổi chủ và ông chủ mới đằng sau là Tập đoàn Thành Công (TC Group) - một tập đoàn lớn có lĩnh vực hoạt động là công nghiệp ô tô, bất động sản và dịch vụ khi các cổ đông lớn nói trên của PG Bank đều có liên quan đến tập đoàn này.
Cụ thể, theo các tài liệu được công bố, Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (cập nhật tới tháng 5/2022) là ông Vũ Văn Nhuận - người từng được biết đến với vai trò đại diện pháp luật của một công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng - một thành viên của Thành Công Group. Chủ tịch kiêm Giám đốc của CTCP Quốc tế Cường Phát là ông Nguyễn Văn Mạnh - từng là cổ đông sáng lập của CTCP Quốc tế PL Iro - pháp nhân do ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn sáng lập và sở hữu vốn. Còn lại, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ 99% vốn điều lệ. Ông Dũng đồng thời là giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Sản xuất Xây dựng Công nghệ Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập, là ông Vũ Văn Nhuận, Công ty TNHH TCG Land - nhà phát triển bất động sản của TC Group và bà Lê Hồng Anh - vợ của Chủ tịch TC Group Nguyễn Anh Tuấn.
Luật các tổ chức tín dụng quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo. Như vậy, nếu các thông tin trên là sự thật thì có thể thấy, một doanh nghiệp có thể thông qua việc tăng vốn cho các công ty con có quy mô nhỏ để “tìm đường” trở thành ông chủ của ngân hàng mà không vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu.
Trước đó, trong hành trình cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) - một trong những ngân hàng yếu kém thuộc diện cơ cấu lại từ năm 2011 nhưng không theo phương án sáp nhập mà tự cơ cấu lại cũng đã cho thấy mối liên quan mật thiết với một doanh nghiệp ngoài ngành.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLongBank - KLB), từ năm 2021 cũng được nhắc đến nhiều cùng với một doanh nghiệp bất động sản là Sunshine Group khi các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này tham gia vào các vị trí nhân sự chủ chốt của KienLongBank. Cụ thể, Chủ tịch Sunshine Group - ông Đỗ Anh Tuấn từng có 18 tháng giữ chức Phó tổng giám đốc KienLongBank (từ tháng 9/2021 - tháng 3/2023). Thời điểm sau khi được bổ nhiệm, ông Tuấn đã lập tức đăng ký mua thêm 3,5 triệu cổ phiếu KLB nhằm nâng sở hữu lên 15,9 triệu cổ phiếu, tương đương 4,913% vốn điều lệ của Kienlongbank.
Từ năm 2012, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI do ông Đỗ Minh Phú – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn (nay là Chủ tịch Hội đồng sáng lập) làm đại diện và ông Đỗ Anh Tú – Tổng giám đốc Công ty Diana Việt Nam cũng đã cùng với các cổ đông tiềm năng khác tiến hành nắm giữ 20% tổng số cổ phần để tham gia cấu trúc lại ngân hàng TienPhongBank (tên gọi cũ của ngân hàng TMCP Tiên Phong - TPBank). Đây là mức tỷ lệ tối đa mà Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm đó. Với tư cách là cổ đông chiến lược, Tập đoàn Doji cam kết bơm thêm vốn để cải thiện khả năng thanh toán và xử lý các khoản nợ xấu cũng như khó khăn trước mắt của TienPhongBank và triển khai chiến lược ngân hàng số.
Ngoài các trường hợp trên, hai thương hiệu lớn đang có sức ảnh hưởng đến nền kinh tế là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) và tập đoàn đa ngành TNG Holdings Vietnam cũng có mối liên quan chặt chẽ trong hành trình cơ cấu lại của MSB. “Mối nhân duyên” này bắt đầu từ năm 2007, khi VID Group (tiền thân của TNG Holdings Vietnam) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (vợ của ông Trần Anh Tuấn - một lãnh đạo của VID Group thời điểm đó và là ông chủ MSB hiện tại) làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hoàn tất việc mua cổ phần chi phối tại tại Maritime Bank (tên cũ của MSB) từ Vinalines và các cổ đông khác. Sau khi nắm quyền chi phối Maritime Bank, ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, sau đó là Tổng Giám đốc của ngân hàng này. Từ năm 2012, ông Tuấn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của Maritime Bank.
Tham gia cơ cấu lại Maritime Bank, ông Trần Anh Tuấn đã rất quyết liệt trong việc xây dựng một ngân hàng mới về hình ảnh. Sau khi sát nhập với MDB vào năm 2015, Maritime Bank đã trở thành một trong 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu trên thị trường về quy mô vốn và mạng lưới. Năm 2019 là thời điểm ghi nhận bước chuyển mình mạnh mẽ của ngân hàng này khi chính thức đổi bộ nhận diện thương hiệu và biểu tượng logo viết tắt từ Maritime Bank sang MSB. Ra mắt thương hiệu mới, MSB cũng được thay đổi toàn diện về chiến lược phát triển và mô hình trải nghiệm cho khách hàng. Đồng thời, dành rất nhiều nguồn lực cho phát triển hệ thống công nghệ nền tảng nhằm đẩy mạnh sự phát triển các kênh giao dịch hiện đại. Ở một góc độ nào đó, nỗ lực cơ cấu lại của MSB dưới sự lãnh đạo của ông Trần Anh Tuấn đã ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh ấn tượng, khẳng định dấu ấn nổi bật trên thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhất là khi, các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của TNG Holdings Vietnam trong nhiều năm qua đã không ngừng gia tăng cổ phần tại MSB và trong quá trình phát triển, giữa TNG Holdings Vietnam và MSB luôn có sự tương tác qua lại trong hoạt động kinh doanh, tài chính.
Nêu một số dẫn chứng trên đây để thấy rằng, quá trình cấu trúc lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian qua với sự tham gia của các doanh nghiệp ngoài ngành trong việc “thay máu” cổ đông đã mang tới những kỳ vọng và cả “vận may” mới cho các ngân hàng đang gặp khó khăn đến bước đường cùng, đồng thời, chính các ngân hàng cũng tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp tham gia. Bởi một khi cấu trúc lại thành công, nhà đầu tư sẽ thu về những lợi ích không nhỏ. Tuy nhiên, đằng sau đó, vẫn còn hiện hữu những nỗi lo và mối nguy tiềm tàng.
Một ngân hàng yếu kém, từ nguồn lực đầu tư mới này có thể phục hồi và phát triển hay lại trở thành một ngân hàng kém hơn, rủi ro cao hơn? Câu trả lời còn phụ thuộc vào năng lực quản trị và sự lành mạnh, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp tham gia.
Quan sát có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, trong bức tranh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đối với các ngân hàng tiến hành tự cơ cấu, chưa có ngân hàng nào về đích thành công, ngoài Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Năm 2011, TPBank là 1 trong 9 tổ chức tín dụng yếu kém phải cơ cấu lại. Bên cạnh mức nợ xấu 6% và khoản lỗ luỹ kế nghìn tỷ đồng khiến TPBank rơi vào trạng thái nguy hiểm, thời điểm đó, nhà băng này chỉ có 10 chi nhánh và 15 phòng giao dịch.
Việc DOJI trở thành cổ đông chiến lược từ năm 2012 và tiến hành tự cơ cấu lại ngân hàng có thể coi là bước ngoặt lớn đối với TPBank khi không ngừng tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động của nhà băng này. Dòng tiền thực từ DOJI và nhóm cổ đông mới đã giúp TPBank có đủ năng lực tài chính cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn cơ cấu lại. Nhóm cổ đông mới dẫn dắt TPBank theo chiến lược ngân hàng số nhằm nhanh chóng tiếp cận khách hàng, vươn lên chiếm lĩnh thị phần. Chỉ sau 3 năm cơ cấu lại, TPBank đã xoá hết lỗ luỹ kế và bù được cả phần thặng dư âm vốn điều lệ khi các cổ đông mới gia nhập.
Hiện tại, TPBank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên trở thành ngân hàng số dẫn đầu, nợ xấu được duy trì mức 1% trong nhiều năm liền, thuộc nhóm ngân hàng có nợ xấu thấp nhất hệ thống. Nếu như cuối năm 2011, quy mô tổng tài sản của TPBank chỉ hơn 24.000 tỷ đồng thì đến tháng 9/2023 đã lên tới 344.400 tỷ đồng, lợi nhuận đạt mức 5.000 tỷ đồng. Đầu năm 2023, TPBank cũng đã tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng và đạt mốc 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ.
Chung xuất phát điểm tự cơ cấu lại như TPBank nhưng “số phận” của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đến hiện lại rất bết bát, dù thời điểm bắt đầu cơ cấu lại, tình hình của NCB khá khẩm hơn nhiều lần so với TPBank về quy mô, khả năng mở rộng vốn và huy động tín dụng. Từ khi một doanh nghiệp ngành bất động sản trở thành cổ đông và có mối quan hệ hợp tác với NCB, ngân hàng này vẫn chưa “ăn nên làm ra” và thu hẹp được mối lo nợ xấu như kỳ vọng.
Đến thời điểm này, NCB vẫn đang trong trạng thái thua lỗ, nợ xấu đè nặng và mục tiêu cơ cấu lại vẫn dở dang. Cụ thể, kết quả kinh doanh quý IV/2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 163,025 tỷ đồng; đến quý III/2022 lợi nhuận tiếp tục âm 196,189 tỷ đồng, cả năm 2022 chỉ lãi vỏn vẹn 8 tỷ đồng, trong khi cả năm 2021 chỉ tiêu này vẫn đạt 1.400 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2023, tình hình vẫn chưa khả quan hơn khi ngân hàng này tiếp tục lỗ 231 tỷ đồng, xếp cuối bảng trong số 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến ngày 28/10/2023. Ở góc độ nợ xấu, NCB cũng ghi tên mình trở thành ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống. Đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 3% nhưng đến cuối năm đã tăng lên 17,9%. Đến hết tháng 9/2023, NCB tiếp tục dẫn đầu tỷ lệ nợ xấu ở mức 26,33%.
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp ngoài ngành tham gia cơ cấu lại ngân hàng, thúc đẩy chiến lược ngân hàng số rất được khuyến khích với kỳ vọng mang lại nguồn lực về tài chính, quản trị để đưa các ngân hàng yếu kém thoát khỏi tình trạng khó khăn, bết bát và giảm rủi ro cho hệ thống. Tuy nhiên, điều kiện là Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý rất chặt chẽ ở hai khía cạnh. Thứ nhất, quá trình “thay máu” cổ đông phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quy tụ những nhà đầu tư lành mạnh, có động lực cơ cấu lại, phát triển ngân hàng. Thứ hai, khi kết hợp giữa hệ sinh thái, tập khách hàng sẽ tạo ra giá trị vượt trội cho cả hai bên, qua đó cũng đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Xét về phương diện của hoạt động đầu tư, nếu có các doanh nghiệp khác ngành đầu tư vào một lĩnh vực nào đó thì đều có thể nhìn thấy ý nghĩa tích cực. Ví dụ, như mối quan hệ của ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản, hai bên có thể tương trợ cho nhau. Ngân hàng không chỉ là một đối tác có kinh nghiệm thẩm định dự án, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản về nhiều mặt, cũng như tạo cơ hội đầu tư nhanh gọn, hợp lý và thực thi dự án sẽ thuận lợi hơn”, chuyên gia kinh tế - tài chính, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Sự vươn lên của TPBank trong giai đoạn vừa qua thể hiện các cổ đông lớn của ngân hàng đã quyết tâm cơ cấu lại và dốc sức vì sự phát triển của ngân hàng, không biến ngân hàng thành “sân sau”. Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu năng lực quản trị ngân hàng và sức khỏe tài chính của nhà đầu tư/doanh nghiệp tham gia cơ cấu lại ngân hàng không được kiểm chứng? Một ngân hàng kém liệu có trở thành một ngân hàng kém hơn? Với các ngân hàng tự cơ cấu lại, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoài ngành sẽ mang đến ánh sáng hay bóng tối, có lẽ vẫn cần thời gian để có câu trả lời.
Ở một phương diện khác, trong trường hợp các tập đoàn tham gia không phải với mục đích đầu tư lành mạnh, đưa ngân hàng phát triển mà với mục đích khác như tìm cách chi phối ngân hàng để kiểm soát dòng chảy tín dụng và “sân sau” hoặc lĩnh vực có tính rủi ro cao thì có lẽ hệ lụy sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề thanh khoản hay nợ xấu mà còn là nguy cơ đổ vỡ hệ thống khi nguồn vốn thực có của các ngân hàng không đủ sức để chống đỡ.
Thực tế, câu chuyện “bẻ lái” tín dụng nói trên đang dần hiện rõ tại ngân hàng MSB. Không ít ý kiến cho rằng, ngân hàng này có phần “ưu ái” đối với các dự án bất động sản của TNR Holdings Vietnam - doanh nghiệp đầu tư phát triển bất động sản thuộc hệ sinh thái của TNG Holdings Vietnam. TNG Holdings Vietnam được cho là có quan hệ mật thiết với MSB khi Chủ tịch HĐQT công ty này từng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập MSB, đồng thời là vợ của ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT hiện tại của MSB, ngoài ra còn nhiều mối liên quan khác như đã phân tích ở phần trên.
Theo các thông tin được công bố, trong nhiều năm qua, MSB đã có mặt tại rất nhiều dự án mà TNR triển khai như TNR Grand Palace Thái Bình, TNR Star Riverside Nam Sách, TNR Stars Đồng Văn… Tháng 2/2021, TNR Holdings Vietnam cũng đã thế chấp khoản phải thu hình thành từ việc chuyển nhượng tối thiểu 3,5ha đất ở tại 2 dự án Khu đô thị mới Thị trấn Chợ Mới 1 và Khu đô thị mới Thị trấn Chợ Mới 2 theo hợp đồng bảo đảm số 452/2021/BĐ ký ngày 8/2/2021 và các phụ lục kèm theo tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) chi nhánh TP.HCM.
Ngoài TNR, một số doanh nghiệp khác có liên quan đến TNG là CTCP Bất động sản Mỹ, CTCP May Diêm Sài Gòn, CTCP Bất động sản Hano VID cũng đã sử dụng dự án bất động sản làm tài sản đảm bảo tại MSB trong giai đoạn 2017 - 2019.
Mối lo “bẻ lái” tín dụng vào bất động sản của MSB ngày càng thể hiện rõ ràng hơn khi nhiều năm liền, ngân hàng này đưa tên mình vào top những ngân hàng cho vay bất động sản nhiều nhất. Dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản năm 2022 ghi nhận lên tới 10.368 tỷ đồng, chiếm 8,75% dư nợ tín dụng. Con số này tiếp tục tăng lên khi tính đến 30/9/2023, MSB dành 12.450 tỷ đồng (8,87% tổng dư nợ) cho vay bất động sản. Đáng nói hơn, chỉ trong quý đầu tiên của năm, MSB đã sử dụng hết “room” tín dụng được cấp cho cả năm 2023. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, tắc thanh khoản, các doanh nghiệp địa ốc chật vật vì dòng tiền đóng băng, MSB phải đối diện với rủi ro rất lớn.
Dù là một trong số ít các đơn vị công bố lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý III/2023, nhưng một vấn đề lớn đang xuất hiện tại MSB, đó là nợ xấu tại ngân hàng đang gia tăng. Chỉ sau 9 tháng, nợ xấu của MSB tăng gấp đôi từ 2.069 tỷ đồng lên hơn 4.146 tỷ đồng, tương đương tăng thêm hơn 2.078 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tại MSB từ 1,71% hồi đầu năm lên 2,94% (gần chạm mốc 3%). Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 2,7 lần lên mức 1.214 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng vọt 97%, từ 442,8 tỷ đồng lên gần 1.386 tỷ đồng và nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất, cao gấp 3,1 lần so với đầu năm, lên hơn 1.548 tỷ đồng. Đáng nói, ngân hàng MSB còn đang “ôm” hơn 4.583 tỷ đồng nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10 - 90 ngày) cao gấp 2,7 lần so với đầu năm. Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Như vậy, dù chưa thể khẳng định tỷ lệ nợ xấu của MSB tăng cao do dư nợ cho vay bất động sản lớn, nhưng với tình hình khó khăn của thị trường và các doanh nghiệp bất động sản hiện tại, rất khó để ngân hàng cho vay tránh khỏi vạ lây khi doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ.
Trên thực tế, giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đã hình thành mối quan hệ cộng sinh thân hữu từ trước đây, khi có cùng lúc nhiều ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản được thành lập.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, cuối năm 2006, nước ta gia nhập WTO, bắt đầu hành trình đổi mới và hội nhập với quốc tế. Trong giai đoạn từ 2008 - 2012, Việt Nam chứng kiến rất nhiều ngân hàng ra đời (khoảng 44 ngân hàng). Trong đó, một số ngân hàng được chuyển đổi từ quỹ tín dụng, còn lại được thành lập mới.
“Giai đoạn này, các ngân hàng mới mở đã trở thành một kênh huy động vốn chủ lực của các doanh nghiệp bất động sản. Trong khi, cho vay bất động sản lại đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản trở thành một cặp cộng sinh. Các doanh nghiệp bất động sản phát triển vượt bậc, nhanh chóng đều có bóng dáng hỗ trợ theo mối quan hệ cộng sinh, thân hữu của các ngân hàng ở phía sau, chứ không phải hợp tác cho vay theo kiểu độc lập, bình thường”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, biến động như hiện nay, những doanh nghiệp bất động sản có mối quan hệ cộng sinh với ngân hàng có thể yên tâm hơn khi vẫn an toàn vượt qua khủng hoảng nhờ dòng tiền.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, thực tế này cũng dẫn đến một tình thế nguy hiểm hơn. Bởi nếu doanh nghiệp bất động sản đó phá sản, vỡ nợ hoặc tiến độ, pháp lý các dự án thế chấp không đảm bảo thì ngân hàng cũng ảnh hưởng nặng nề. PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản gia tăng đầu tư cổ phần vào ngân hàng, đồng thời xuất hiện một số lãnh đạo của công ty bất động sản nắm giữ những vị trí chủ chốt ở một số ngân hàng. Điều này cho thấy, mối quan hệ sở hữu giữa các tập đoàn bất động sản với ngân hàng vẫn hết sức nhạy cảm, phức tạp. Cùng một chủ sở hữu nhưng lại thao túng ở cả hai phía, như “lấy tiền từ túi phải bỏ sang túi trái”, việc đưa ra quyết định cho vay nhiều khi sẽ thiếu sự khách quan.
Trên thực tế, các hoạt động sở hữu chéo ngầm giữa bất động sản và ngân hàng nhằm mục đích bẻ lái dòng vốn tín dụng vào các dự án “sân sau” có thể là những trường hợp cá biệt, là những con sâu nhưng dễ “làm rầu” thậm chí tạo ra sự độc hại cho cả “nồi canh” là hệ thống tài chính và nền kinh tế. Như lời TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: “Lâu nay, cội nguồn mọi cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Việt Nam đều chỉ có duy nhất một nguyên nhân, đó là sở hữu chéo”.
Minh chứng rõ hơn về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhắc lại cuộc khủng hoảng giai đoạn 2012 - 2013. Thời điểm đó, khi “bong bóng” bất động sản đổ vỡ, các doanh nghiệp địa ốc đều đứng bên bờ vực phá sản, không ít ngân hàng cũng rơi vào cảnh khốn khó, sụp đổ, thiếu hụt dòng tiền do trước đó đổ vào bất động sản quá nhiều. Các khoản nợ xấu với bất động sản giai đoạn này không khác nào “cục máu đông” ảnh hưởng đến cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Từ cuộc khủng hoảng nợ xấu năm 2012, sự nguy hiểm của mối quan hệ cộng sinh hay còn gọi là sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đã được nhận diện rõ. Giảm tỷ lệ sở hữu chéo tại các ngân hàng là một trong những mục tiêu quan trọng của hệ thống tài chính Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt là với sự ra đời của Thông tư 36 năm 2014 về giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó không cho phép một cá nhân làm ông chủ của một ngân hàng, những rủi ro từ sở hữu chéo đã gần như được kiểm soát.
Tuy nhiên, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận, đến giai đoạn 2014 - 2015, khi thị trường bất động sản dần “tan băng”, những mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và bất động sản lại tiếp tục nở rộ như thời kỳ 2008 - 2012.
“Tất nhiên, sự cộng sinh, sở hữu chéo ở giai đoạn này (và cho đến hiện nay) đã phát triển theo nhiều hình thức tinh vi hơn, không dễ dàng nhìn thấy. Từ giai đoạn 2018 - 2019 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các biện pháp để siết chặt tín dụng vào bất động sản thông qua việc hạ dần dần tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; tăng hệ số rủi ro của bất động sản… Song, việc ngân hàng thắt chặt tín dụng càng thôi thúc các doanh nghiệp bất động sản tìm cách trở thành cổ đông lớn tại các ngân hàng, nhằm mục đích dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn”, ông Hiển khẳng định.
Trước đây, vốn ngân hàng đổ vào bất động sản chỉ khoảng 200.000 tỷ đồng/năm, nhưng giai đoạn 2020 - 2021 - xét về logic là không thuận lợi để phát triển bất động sản bởi tác động đại dịch Covid-19, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24,27% so với cuối năm 2021. Đây là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và chiếm tỷ trọng lớn 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế cao nhất trong 5 năm qua.
Đến 30/09/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
“Rõ ràng, nhìn số liệu này chúng ta đã thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa ngân hàng và các công ty bất động sản”, TS. Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội cuối năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những năm qua cùng với quá trình thực hiện cấu trúc lại hệ thống các tổ chức tín dụng, sở hữu của các tổ chức tín dụng đã minh bạch và đại chúng hơn; tình trạng các nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được hạn chế và được kiểm soát; tình trạng lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chi phối, cố ý làm trái, sử dụng trái phép tài sản, vay vốn với quy mô lớn dẫn đến rủi ro cho ngân hàng của các cổ đông lớn, cán bộ lãnh đạo các tổ chức tín dụng đã từng bước giảm dần; các tổ chức tín dụng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất, mua lại.
Đến nay, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục (tại thời điểm cuối năm 2012 có 7 cặp); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chỉ còn lại 1 cặp (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, trên thực tế việc xử lý vấn đề sở hữu vượt mức quy định và sở hữu chéo vẫn rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định.
Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng sở hữu chéo nếu chiếu theo pháp luật thì không còn nhiều do các quy định ngày càng chặt chẽ hơn, nhưng sở hữu chéo một cách ngấm ngầm với nhiều hình thức khác nhau để lách luật một cách tinh vi vẫn là thực trạng nhức nhối và thật sự rất khó quản lý cũng như khó có thể xử lý được nếu không có sự vào cuộc điều tra của các cơ quan chức năng.
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục đưa ra những quy định siết chặt tình trạng sở hữu chéo bằng cách giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa từ 5% xuống 3% đối với cổ đông cá nhân, từ 15% xuống 10% đối với cổ đông tổ chức. Dự thảo cũng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng.
Việc siết chặt giới hạn cho vay là cần thiết, tuy nhiên, trên thực tế, trong trường hợp các công ty, tập đoàn bất động sản sở hữu mạng lưới công ty con, công ty cháu chằng chịt thì giới hạn tín dụng rất dễ bị vượt qua. Theo đó, ngân hàng có thể cho các nhóm liên kết này vay vượt 15% vốn tự có của mình mà không vi phạm quy định về “người liên quan”.
Về vấn đề này, Luật sư Lê Cao, Luật sư Điều hành Công ty Luật FDVN nhìn nhận, mấu chốt là việc hậu kiểm hoạt động của các tổ chức tín dụng và giám sát hoạt động đầu tư, cho vay trên thực tế. Bởi “không ai cố tình làm sai lại công bố cái sai của mình, không ai có sở hữu chéo với ngân hàng nhằm mục đích thao túng tín dụng lại hô lên rằng: Tôi đang sở hữu chéo”.
“Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn đã liệt kê tương đối đầy đủ các mối quan hệ liên quan đối với cổ đông tại các ngân hàng. Nhưng pháp luật vẫn không thể lường hết và cũng không có hệ quy chiếu nào để xác định hết được những mối quan hệ liên quan theo các nhóm lợi ích.
Trên thực tế, vẫn có những thỏa thuận ngầm để thao túng và sở hữu chéo trong âm thầm theo cách kinh doanh nửa luật lệ, nửa quan hệ nhóm lợi ích thân hữu và bẻ lái tín dụng sang phục vụ các hoạt động kinh doanh tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp”, luật sư Lê Cao cho hay.
Do đó, theo chuyên gia này, chỉ có kiểm tra, giám sát, “lôi” sở hữu chéo ra ánh sáng thì mới kiểm soát được rủi ro, chống thao túng, bẻ lái tín dụng và rót vốn sân sau.
“Sở hữu chéo được kiểm soát trên bề mặt luật pháp - bề nổi, nhưng chưa chắc kiểm soát được trong thị trường tài chính vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp và không dễ dàng nhìn thấy hết - tảng băng chìm. Đây là một vấn đề cần được thẳng thắn nhìn nhận để có quyết tâm tìm ra giải pháp duy trì sở hữu chéo ngân hàng trong ngưỡng tích cực theo quy định pháp luật”, luật sư Cao nhìn nhận.
Bất động sản là ngành “tiêu” rất nhiều tiền. Các dự án cần nguồn vốn rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để triển khai. Chỉ có số rất ít doanh nghiệp triển khai được bằng vốn tự có và có khả năng huy động nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư. Còn đa phần các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc lớn vào vốn ngân hàng. Trong bối cảnh bị thắt chặt tín dụng với hệ số rủi ro ở mức cao nhất là 200% và hạn mức cho vay bị giới hạn, các doanh nghiệp bất động sản có lẽ chưa bao giờ thôi khao khát sở hữu một nhà băng trong hệ sinh thái hoạt động của mình. Thắt chặt quy định của pháp luật dù cần thiết nhưng e rằng khó giải quyết được triệt để, bởi thị trường tài chính vốn có nhiều mối quan hệ phức tạp và pháp luật cũng khó có thể lường trước.
Chính vì vậy, đối với mục tiêu cơ cấu lại ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, nền tảng tốt nhất vẫn là sáp nhập ngân hàng yếu kém với ngân hàng có tiềm lực mạnh để nâng cao năng lực quản trị và đảm bảo quyền lợi của khách hàng từng gửi tiền tại ngân hàng yếu kém đó.
Về lâu dài nếu không cơ cấu lại được, phải phân loại, giải thể từng phần và mạnh dạn cho phá sản. Điều bất cập lớn nhất của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay có lẽ là sự tồn tại nhiều ngân hàng nhỏ, không đủ sức chống chọi với những biến động lớn của thị trường. Số lượng ngân hàng tại Việt Nam còn quá nhiều so với quy mô và tốc độ phát triển của nền kinh tế, các sản phẩm dịch vụ vừa thiếu và vừa yếu, đặc biệt là các ngân hàng cổ phần nhỏ. Do đó, giảm số lượng các ngân hàng cũng là một mục tiêu quan trọng được đặt ra trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025.
Sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân ngoài ngành trong việc đầu tư nguồn lực vào ngân hàng chỉ thực sự hiệu quả và không tạo ra một ngân hàng kém hơn trong quá trình cơ cấu lại khi loại bỏ được tình trạng sở hữu chéo ngầm. Điều này đòi hỏi nhiều hơn năng lực thanh tra, giám sát và nhìn nhận các mối quan hệ chồng chéo trong việc sở hữu và cho vay, đặc biệt là giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản của NHNN. Nhất là khi, nền tảng của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay chưa đủ lành mạnh, minh bạch và bền vững để đảm bảo không có rủi ro, đồng thời xóa bỏ được mối lo ngại về nợ xấu, gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng và tác động xấu đến nền kinh tế khi tham gia vào cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng./.
Nhìn lại hành trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng
Sau hơn 10 năm cơ cấu lại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã lớn mạnh cả về nền tảng tài chính, năng lực quản trị, giám sát và hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Một số ngân hàng thương mại được xếp hạng tín nhiệm khá tốt, có uy tín quốc tế.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều việc phải làm, nhất là những căn bệnh của 2 thập kỷ trước có giảm, có được kiểm soát nhưng vẫn còn ở nhiều nơi và diễn biến phức tạp hơn, tinh vi hơn.
Sở hữu chéo giảm mạnh do không còn thích hợp với quy mô vốn chủ sở hữu của ngân hàng hiện đã khá lớn và dễ bị phát hiện. Nhưng nhóm cổ đông sở hữu chi phối vẫn còn khá nhiều. Ngân hàng gắn rất chặt với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Cấu trúc ngân hàng kiểu này nếu không được kiểm soát tốt thì nguy cơ bất ổn từ thị trường tài sản sẽ rất lớn và rủi ro hệ thống là khó tránh khỏi.
Có một thực tế đáng buồn khác là một số ngân hàng TMCP nếu không có nhóm sở hữu chi phối (quyền lực) mà là một số cổ đông lớn "cá đối bằng đầu" thì lại mất đoàn kết, tranh giành quyền lực, dẫn đến hoạt động yếu kém, nợ xấu tăng, đầu tư phát triển công nghệ gần như tê liệt, cũng có thể dẫn tới rủi ro hệ thống.
Cả hai mô hình cấu trúc sở hữu nói trên có lẽ không phải là nguyên nhân chủ yếu của bất ổn, mà cái chính là một môi trường hoạt động thiếu minh bạch, thiếu giám sát, nhất là các bộ phận quản lý rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và kiểm toán nội bộ rất kém hiệu quả (có thể có sự vô hiệu hóa của ai đó), đặc biệt thiếu sự tách bạch rạch ròi giữa chủ sở hữu và ban quản lý, giữa các tập đoàn cổ đông và ngân hàng hoạt động theo luật và các quy định bắt buộc của NHNN dưới sự giám sát của cơ quan thanh tra giám sát.
Phải thấy đây là một khiếm khuyết của cấu trúc hệ thống ngân hàng, một sự lạc hậu, thiếu chuyên nghiệp cả về mô hình quản trị và mô thức giám sát so với thông lệ quốc tế. Hy vọng chương trình cấu trúc mới sẽ tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi dai dẳng này, để hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phát triển an toàn và bền vững.