Aa

Doanh nghiệp "ngóng" chính sách tích tụ đất đai

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Chủ Nhật, 01/12/2019 - 13:06

Năng suất thấp, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang ngày càng nhiều nhưng việc tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn lại rất khó khăn đang là rào cản khiến ngành nông nghiệp Việt chưa thể vươn xa.

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Tại hội thảo “Góp ý sửa đổi một số nghị định về đất đai” diễn ra mới đây, ông Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đã chỉ ra những tồn tại và khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận với người nông dân. Theo đó, khó khăn trước hết thể hiện ở việc định giá đất khi hiện nay khung giá đất chưa điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Thêm vào đó, ông Quang cho hay, khung pháp lý cho Nhà nước thuê đất của người dân còn thiếu đồng thời những thủ tục thẩm định dự án cho doanh nghiệp đang rất phức tạp:

“Một thực trạng khác khá phổ biến là mặc dù ruộng đất manh mún song doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất để đầu tư thì không dễ dàng đạt được sự đồng thuận từ số lượng lớn hộ dân. Và, chỉ cần cần vài hộ không tạo thuận lợi thì dự án của doanh nghiệp cũng dừng”

Bên cạnh đó, ông Quang cho rằng, quy định pháp lý còn đang thiếu các hướng dẫn về thẩm định nhu cầu sử dụng đất (không phải dự án đầu tư) và thu hồi theo diện doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường. Mặt khác, một vấn đề tồn tại lâu nay và nan giải là tình trạng thiếu quỹ đất công cùng chính sách tạo nguồn cung đất nông nghiệp.

“Nhiều rào cản trong chuyển quyền sử dụng đất và tích tụ đầu tư đất của doanh nghiệp. Do đó, cơ sở pháp lý sửa đổi cần chú trọng điều chỉnh theo hướng bỏ hạn điền, giới hạn đối tượng giao dịch đất nông nghiệp,” ông Quang nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) cho biết, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tập trung đất đai, nhằm tăng quy mô ruộng đất và hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) nhưng so với yêu cầu hiện tại, hoạt động của thị trường đất nông nghiệp vẫn bộc lộ không ít những yếu kém bất cập, ảnh hưởng đến tập trung đất đai.

“Việc tiếp cận đất đai thông qua hình thức thoả thuận thuê, nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn gặp khó khăn tại nhiều địa phương. Việc nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất, nhất là đối với trường hợp trong khu vực dự án có diện tích đất do Nhà nước quản lý. Đồng thời, chưa có quy định để xử lý đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chưa tạo lập tài sản trên đất nhưng nay dự án bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư”, bà Kim Anh nhấn mạnh.

Đất nông nghiệp bỏ hoang gây lãng phí.

Sửa đổi chính sách tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Về giải pháp để tháo gỡ những nút thắt nêu trên, theo ông Hoàng Vũ Quang, trong bối cảnh công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ, ngành nông nghiệp không thể đứng ngoài cuộc mà cần sớm xây dựng cũng như số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng. Đặc biệt, cần có quy định pháp lý với các chế tài xử lý đủ mạnh về vấn đề đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả gắn chính sách với thu hút đầu tư doanh nghiệp, tạo việc làm phi nông nghiệp cho hộ nông thôn.

Còn theo nhóm nghiên cứu từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - thuộc chương trình hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ, cơ quan chủ quản khi thực hiện khung giá đất phải bám sát với thị trường.

Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị nên đơn giản hóa các thủ tục hành chính, như chỉ cần phê duyệt 1 lần dự án đầu tư đồng thời có kế hoạch xây dựng các cơ chế ưu đãi, tạo quỹ đất sạch để cho thuê nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Liên quan đến sửa đổi chính sách tích tụ ruộng đất, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong khi chờ đợi sửa Luật Đất đai 2013, Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về vấn đề tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp cũng như sửa ba nghị định liên quan khác đến Luật Đất đai 2013.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh.

Theo dự thảo Nghị định về vấn đề tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, có 5 phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: Dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; Liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với với hộ gia đình, cá nhân là: Quy mô từ 02ha đến không quá hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và phải có phương án sản xuất, kinh doanh từ 03 năm trở lên. Đối với tổ chức kinh tế, quy mô diện tích gấp từ 20 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định trở lên và có dự án đầu tư dài hạn từ 05 năm trở lên, có phương án phục hồi đất nông nghiệp sau khi kết thúc dự án.

Nghị định cũng quy định cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích một phần diện tích đất nông nghiệp, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5000m2. UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bà Kim Anh cũng cho biết, theo dự thảo này, nhà đầu tư sẽ ứng tiền trước tiền thuê đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân. Ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Chính phủ hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp trong nước thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp tập trung (Nghị định 57/2018/NĐ-CP)...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top