Aa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là chìa khóa trong công cuộc phục hồi của Đông Nam Á

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Năm, 22/10/2020 - 06:30

Tăng cường tính năng động của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bằng sự đổi mới và quốc tế hóa được cho là nhân tố then chốt đối với việc phục hồi các nền kinh tế Đông Nam Á hậu Covid-19.

Tại Báo cáo giám sát doanh nghiệp vừa và nhỏ châu Á (ASM) 2020 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định: Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (DNVVN) là một động lực then chốt trong các nền kinh tế Đông Nam Á, chiếm trung bình 97% số doanh nghiệp và 69% lực lượng lao động quốc gia trong giai đoạn từ năm 2010 tới 2019. Cụ thể hơn, khối doanh nghiệp này đã đóng góp trung bình 41% tổng sản phẩm quốc nội trong cùng thời kỳ.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB cho hay: “Những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong các nền kinh tế Đông Nam Á chủ yếu dựa vào thị trường trong nước và tinh thần kinh doanh của họ vẫn chưa đạt mức tối ưu. Do đó, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần vào tăng trưởng đồng đều và hỗ trợ những nỗ lực phục hồi từ Covid-19".

Theo vị này, việc báo cáo cung cấp các dữ liệu cũng như phân tích phong phú về sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đông Nam Á trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện sẽ trở thành tiêu chuẩn đối sánh để giúp thiết kế hoạt động hỗ trợ khả thi của Chính phủ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh bình thường mới tại khu vực.

Tại Việt Nam, tính đến năm 2018, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm 97,2% tổng số doanh nghiệp cả nước

Phần 1 của báo cáo ASM 2020 được công bố đã đánh giá chi tiết về các vấn đề tài chính và phi tài chính mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đông Nam Á đang phải đối mặt, ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Nó cũng phân tích những chính sách và quy định xung quanh sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và việc tiếp cận tài chính của họ tại từng quốc gia trong Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, theo ADB, tính đến năm 2018, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm 97,2% tổng số doanh nghiệp cả nước và sử dụng 38,0% lực lượng lao động. Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đóng vai trò nòng cốt, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, thế nhưng họ chủ yếu tham gia vào hoạt động thương mại truyền thống hoặc các ngành có hàm lượng công nghệ thấp.

Do vậy, đổi mới và quốc tế hóa sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự năng động của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam; đồng thời cải thiện năng suất quốc gia. "Thị trường tín dụng ngân hàng của Việt Nam đã được mở rộng nhưng tốc độ chậm đi kể từ năm 2018, trong khi tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tăng trưởng vừa phải, dù có các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ", ADB đánh giá.

Bên cạnh đó, tài chính vi mô chưa được đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong nước. Dù các dịch vụ tài chính số (DFS) vẫn chưa xuất hiện, nhưng chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 được phê duyệt đầu năm (tháng 1/2020) được kỳ vọng thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính số trong thời gian tới.

Trên cơ sở ấy, các chuyên gia ADB nhấn mạnh, tiếp cận tài chính, thiếu các nhà quản lý có trình độ, và tiếp cận công nghệ và thông tin vẫn là những rào cản quan trọng cần phải vượt qua để tiếp tục phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và kinh tế Việt Nam nói chung.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top