Nhiều doanh nghiệp nới kỳ hạn thành công
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu ở những tháng cuối năm, việc nới kỳ hạn trái phiếu đã và đang trở thành động thái chung của nhiều doanh nghiệp. Thay vì mua lại trái phiếu đến hạn, phần lớn các doanh nghiệp đều thực đàm phán kéo dài thời gian trả nợ thêm 2 năm, dời áp lực trả nợ sang giai đoạn 2025 - 2026.
Báo cáo của VNDirect cho biết, tính đến ngày 3/10, đã có hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95,2 nghìn tỷ đồng.
Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM nhìn nhận, trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, việc tập trung đàm phán kéo dài thời gian trả nợ, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn là giải pháp hợp lý. Đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp bất động sản hiện chưa thoát khỏi vòng xoáy áp lực, nếu không muốn nói là đang trên bờ vực phá sản bởi dòng tiền kinh doanh bị giảm đột ngột, có thể lên tới 80 - 90%. Vì vậy, để xử lý các khoản nợ trái phiếu đến hạn, các doanh nghiệp buộc phải thương lượng với trái chủ để gia hạn nợ nếu không sẽ có nguy cơ đối mặt với việc phá sản”, ông Huân nói.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh hơn 50 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận nới kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ thì thị trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đạt được thỏa thuận, trong khi đó áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp đang đến gần.
Do vậy, để giảm nhẹ gánh nặng các khoản nợ đến hạn, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc thương lượng nới kỳ hạn trái phiếu, hoặc thương lượng để thanh toán bằng tài sản thay thế như hàng tồn kho bất động sản hiện tại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể sử dụng hình thức chuyển nợ thành vốn cổ phần - điều mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên để các giải pháp này hữu hiệu, các doanh nghiệp bất động sản cần phải chiết khấu mạnh tay các tài sản thay thế, cũng như phải bán cổ phần với giá thấp hơn giá thị trường thì mới có thể hấp dẫn trái chủ.
Thị trường trái phiếu vẫn cần thời gian dài để hồi phục
Chia sẻ thêm về thị trường trái phiếu, TS. Nguyễn Hữu Huân cho biết, trong quý III vừa qua thị trường này đã bắt đầu ghi nhận một số dấu hiệu tốt hơn so với các quý trước đó của năm 2023, cũng như nửa cuối năm 2022. Cụ thể, quý III/2023 có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II và tăng 50% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, có 80 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, cao gấp gần 2,7 lần so với quý II/2023 và tăng 36,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh khối lượng huy động vốn, ông Huân cho rằng, thành công của các đợt phát hành mới còn được nhìn nhận ở chi phí lãi suất và kỳ hạn. Đây cũng là một điểm sáng mới trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau hơn một thời gian nhiều biến động.
"Với danh sách ngày càng dài các tổ chức phát hành không thể thanh toán được các khoản nợ khi đến hạn cho thấy thị trường này vẫn cần thời gian dài để lấy lại phong độ vốn có. Đặc biệt, việc phát hành mới có dấu hiệu khởi sắc song chưa thể nói lên điều gì vì khối lượng trái phiếu phát hành thành công vẫn còn khá khiêm tốn".
TS. Nguyễn Hữu Huân
Dẫn số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), vị chuyên gia cho biết, trong tháng 9 vừa qua đã có những doanh nghiệp phát hành thành công với kỳ hạn dài, từ 5 - 7 năm. Mặc dù có kỳ hạn dài hơn nhưng lãi suất trung bình chỉ ở mức 9,75%. Mức lãi suất này đã giảm khá mạnh so với trung bình 10,5%/năm hồi tháng 6/2023.
Tuy nhiên, đánh giá một cách thẳng thắng, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, dù việc phát hành mới trong quý III vừa qua khởi sắc, cộng với việc nới kỳ hạn trái phiếu của nhiều doanh nghiệp thành công nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định thị trường trái phiếu đã hồi phục.
"Với danh sách ngày càng dài các tổ chức phát hành không thể thanh toán được các khoản nợ khi đến hạn cho thấy thị trường này vẫn cần thời gian dài để lấy lại phong độ vốn có. Đặc biệt, việc phát hành mới có dấu hiệu khởi sắc song chưa thể nói lên điều gì vì khối lượng trái phiếu phát hành thành công vẫn còn khá khiêm tốn.
Một thông tin nữa là cho vay bất động sản ở kênh ngân hàng thương mại tăng mạnh trong thời gian qua theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, điều này cho thấy áp lực của kênh này buộc phải gồng gánh nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp bất động sản bởi kênh trái phiếu vẫn còn ảm đạm", ông Huân lý giải.
Trái phiếu an toàn “lên ngôi”
Nói về khẩu vị của nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng đã có những chuyển biến tích cực. Trước đây, các nhà đầu tư cá nhân thường ham chạy theo các trái phiếu được hứa hẹn lãi suất cao, mà không đánh giá hết rủi ro, hoặc không hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của doanh nghiệp, của tổ chức phân phối trái phiếu. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã quan tâm hơn về các quy định của pháp luật, tìm hiểu kỹ thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh, cũng như đánh giá khả năng tài chính, xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành. Đặc biệt, yếu tố lãi suất lúc này đã không còn là “then chốt” để nhà đầu tư quyết định xuống tiền mua trái phiếu.
Nếu như thời điểm năm 2022, có những lô trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch với lãi suất lên đến hơn 20% và hàng loạt trái phiếu lãi suất 15%/năm thì đến nay, lãi suất trái phiếu trên thị trường đã về dưới mức 10%. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tìm mua các trái phiếu với lãi suất có thể thấp hơn thị trường 0,5-1% nhưng có mức độ rủi ro thấp và mức sinh lời vẫn hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.
“Ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại sẽ là an toàn, sau đó mới đến khả năng sinh lời. Tuy nhiên, yếu tố an toàn hiện tại chưa có gì được đảm bảo ở thị trường trái phiếu, khi mà kể cả những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cũng không trả được nợ khi đến hạn thanh toán. Do vậy, cần phải xây dựng các cơ chế bảo hiểm cho các trái phiếu đã phát hành, và cho phép doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường này, có như vậy thì yếu tố an toàn mới được thể hiện rõ và các nhà đầu tư sẽ tự tin hơn khi tiến hành mua các trái phiếu đã được bảo hiểm này (tương tự như bảo hiểm tiền gửi ở ngân hàng)”, ông Huân bày tỏ và đưa ra đề xuất./.