Aa

Để thu hút người mua tới “chợ” trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Sáu, 06/10/2023 - 06:00

Bên cạnh việc thúc đẩy doanh nghiệp niêm yết trái phiếu lên sàn giao dịch, vẫn cần nhiều giải pháp đột phá, nếu không sẽ khó kỳ vọng kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ này "phá băng" cho thị trường.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, ngày 19/10 tới đây là hạn chót để tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ (khoảng 1.300 mã trái phiếu) lên sàn, sau 3 tháng kể từ khi hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào vận hành (ngày 19/7/2023). Tuy nhiên, HNX cho biết tính đến ngày 27/9, mới có hơn 110 mã trái phiếu đã đăng ký giao dịch và chờ giao dịch, một con số khiêm tốn khi ngày bắt buộc lên sàn đã cận kề.

Không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, để “chợ trái phiếu” hoạt động sôi động, có kẻ bán người mua, ngoài việc ưu tiên trả nợ trái phiếu đến hạn, mấu chốt là phải minh bạch thông tin, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.

Khi niềm tin của nhà đầu tư chưa hoàn toàn quay trở lại

Thời gian qua, các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ, thúc đẩy thị trường trái phiếu hồi phục. Bên lề Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất do Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí Reatimes tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có những tín hiệu phục hồi trở lại.

8 tháng đầu năm lượng trái phiếu phát hành khoảng trên 130.000 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trở lại khoảng 47.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 35%, gần bằng mức phát hành của năm 2022. Mức độ giảm lượng trái phiếu phát hành so với cùng kỳ năm ngoái cũng ít dần đi, chứng tỏ thị trường đã và đang phục hồi.

TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một dấu hiệu hồi phục khác, đó là doanh nghiệp bất động sản đã và đang tích cực chủ động tái cơ cấu, đồng thời đàm phán với trái chủ để giãn hoãn nợ cũng như chủ động cân đối các dòng tiền để mua lại trái phiếu đã phát hành thời gian trước đây. Cụ thể, năm 2022, doanh nghiệp bất động sản chủ động mua lại khoảng 200.000 tỷ đồng, năm nay đã mua lại khoảng 40.000 - 50.000 tỷ đồng và sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mấu chốt là niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa thực sự trở lại. Như chuyên gia nhận định, nếu không có những giải pháp đột phá hơn nhằm khôi phục niềm tin, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm trong cuối năm nay.

Trao đổi với Reatimes, PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, tháng 7/2023, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức đi vào vận hành, với kỳ vọng sẽ phá băng, khơi thông được dòng chảy thanh khoản đang tắc nghẽn trên thị trường thời gian qua. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có sự đột phá như mong muốn.

“Thực tế tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết trên sàn và lượng giao dịch chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng đủ điều kiện niêm yết. Ngày 19/10 tới đây là hạn cuối để 100% doanh nghiệp lên sàn, nhưng liệu có khả thi hay không?”, PGS.TS. Ngô Trí Long băn khoăn, đồng thời khẳng định, việc lập ra sàn giao dịch để doanh nghiệp phát hành công khai là cách tăng niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thu hút người mua tới chợ, thì thông tin niêm yết phải minh bạch, rõ ràng và cho nhà đầu tư thấy được triển vọng phát triển, tăng trưởng thì họ mới giao dịch.

PGS.TS. Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) (Ảnh: Tùng Dương/ Reatimes)

Liên quan đến việc gần đây, nhà đầu tư có xu hướng cảnh giác với những trái phiếu doanh nghiệp được phát hành với lãi suất cao, chủ yếu để tái cấu trúc, đảo nợ, ông Long cho rằng, việc doanh nghiệp đảo nợ là bình thường, quan trọng là lựa chọn của nhà đầu tư.

“Không cho doanh nghiệp phát hành đảo nợ là vô lý, là phi thị trường. Vấn đề là nhà đầu tư có tin tưởng hay không. Với lãi suất cao, nhà đầu tư có tổ chức sẽ tự có chiến lược, còn nhà đầu tư cá nhân phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm. Nhà đầu tư cá nhân có thể ủy thác đầu tư thông qua cố vấn đầu tư; nếu có lượng kiến thức nhất định thì nên tham khảo thêm thông tin thị trường, ví dụ như những thông tin phân tích tài chính, xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings hay Saigon Ratings. Nói chung, "chợ" giao dịch trái phiếu đã được thành lập, nhưng nên có những thành phần trung gian tư vấn cho nhà đầu tư”, ông Long nói.

Cần thêm những giải pháp thúc đẩy

Cũng đánh giá về sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ, nếu 1.300 mã trái phiếu được đưa vào giao dịch, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho rằng, khó có thể kỳ vọng hệ thống này có thanh khoản cao. Việc kê khai quy mô giao dịch sẽ tập trung chủ yếu giải quyết vấn đề minh bạch thông tin, tạo cơ chế định danh nhà đầu tư rõ ràng và nhanh chóng, góp phần bảo vệ nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh niềm tin đối với thị trường chưa thực sự hồi phục, đại diện FiinRatings cho rằng, hoạt động xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp ích cho việc đánh giá rủi ro trên thị trường tín dụng, đồng thời kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập còn giúp những nhà đầu tư ít kiến thức hoặc bận rộn có cơ sở đưa ra đánh giá đầu tư. 

“Song, chúng ta đang loay hoay trong việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm, mặc dù theo thông lệ quốc tế, việc này rất phổ biến”, ông Nguyễn Quang Thuân nói tại “Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVIAM” gần đây.

Nêu ví dụ cho thấy vai trò của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm độc lập, ông Thuân cho biết, qua quan sát và phân tích dữ liệu, thị trường có những doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, nhưng vẫn đang chịu hệ số rủi ro cao.

“Việc tổ chức tín dụng tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có thể áp dụng hệ số rủi ro được xác định theo chất lượng tín dụng, với việc tham chiếu đến kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập, thay vì áp dụng hệ số rủi ro như tín dụng thông thường hiện nay.

Theo đó, các trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức phát hành là doanh nghiệp bất động sản nhưng có mức xếp hạng cao (ví dụ A trở lên) có thể áp dụng hệ số rủi ro thấp hơn mức 200% như hiện nay. Đây là thông lệ quốc tế trong việc áp dụng phương pháp chuẩn hóa trong quản trị rủi ro theo Basel 2.

Có những doanh nghiệp bất động sản niêm yết hay có chất lượng xếp hạng tín nhiệm tốt thì không có lý do gì để phân loại các doanh nghiệp này vào hệ số rủi ro rất cao, lên đến 200% gây khó khăn kép cho doanh nghiệp”, ông Thuân nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings. (Ảnh: IT)

Ngoài ra, để khôi phục niềm tin và đa dạng hóa cho sản phẩm trái phiếu cung cấp ra thị trường, ông Nguyễn Quang Thuân đề xuất Việt Nam nên cân nhắc hình thành khung pháp lý thành lập một số tổ chức cung cấp dịch vụ bảo lãnh tín dụng, trong đó có bảo lãnh trái phiếu được thực hiện ngoài các tổ chức tín dụng.

Thực tế, Việt Nam đang thiếu các định chế tài chính trung gian trong đó có nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng hoặc bảo lãnh trái phiếu. Gần đây, một số lô trái phiếu riêng lẻ được một số ngân hàng thương mại tốt tham gia bảo lãnh thanh toán và giúp một số quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm dựa vào đó để đầu tư với rủi ro gắn một phần hoặc toàn bộ với tổ chức bảo lãnh đó.

Tuy nhiên, số lượng trái phiếu được bảo lãnh còn ít và chủ yếu là các trái phiếu được mua bởi các công ty bảo hiểm. Các trái phiếu chào bán ra công chúng hầu như chưa được ngân hàng hoặc một định chế tài chính có tiềm lực tài chính và xếp hạng tín nhiệm cao tham gia bảo lãnh thanh toán.

Nếu được thành lập, quỹ bảo lãnh này không chỉ giới hạn ở các trái phiếu của các ngân hàng thương mại mà cả trái phiếu của các doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) với những tiêu chí nhất định về chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm.

“Việc thiết lập một định chế bảo lãnh như vậy sẽ góp phần quản trị rủi ro bảo lãnh tốt hơn và tạo lập niềm tin để các nhà đầu tư tham gia mua các trái phiếu có kỳ hạn dài. Đây là định chế rất tốt để kích thích phát triển cơ chế đầu tư và đưa dòng tiền nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp vào kênh đầu tư dài hạn thay vì chỉ tập trung gửi tại ngân hàng”, ông Nguyễn Quang Thuân khẳng định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top