Làm chủ thị trường
Nhìn lại tổng thể thị trường, có thể thấy trước những năm 2010, ngành vật liệu xây dựng tại Việt Nam phát triển rời rạc, phụ thuộc chủ yếu vào việc nhập khẩu từ các nước trên thế giới, đa phần là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vài năm gần đây tình hình đã thay đổi. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành công trong việc phát triển các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, có thể xuất khẩu ngược ra nước ngoài.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, xu hướng hồi phục nói chung của ngành vật liệu có thể lấy ví dụ từ sản phẩm xi măng. Là ngành công nghiệp có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, từ năm 2010, Việt Nam đã sản xuất đủ xi măng cho nhu cầu nội địa bằng nguồn clanhke sản xuất trong nước.
Những năm tiếp theo, để phát huy hiệu quả đầu tư, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trong nước, Việt Nam đã xuất khẩu clinke và xi măng ra nước ngoài, tạo nguồn thu ngoại tệ để mua vật tư thiết bị. Hiện nay, theo một số thống kê, Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clanhke nhiều nhất thế giới.
“Các doanh nghiệp sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được hầu hết các chủng loại xi măng poóc lăng phục vụ cho nhu cầu xây dựng trong nước, kể cả sản phẩm phức tạp như xi măng poóc lăng ít toả nhiệt cho thi công bê tông khối lớn, xi măng poóc lăng cho giếng khoan dầu khí…
Về sản lượng, nếu năm 2010, cả nước có 59 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 62,56 triệu tấn xi măng/năm, sản lượng sản xuất xi măng đạt 50,2 triệu tấn; đến năm 2016, cả nước có 80 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 88,46 triệu tấn xi măng/năm, sản lượng sản xuất đạt trên 75,2 triệu tấn (tăng 49,8% so với năm 2010). Dự kiến đến hết năm 2017, cả nước sẽ có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 98,56 triệu tấn/năm”, ông Bắc nói.
Ngoài ra, gạch ốp lát cũng được cho là một ngành tạo sức bật lớn cho vật liệu mang thương hiệu Việt Nam. Trước những năm 2010, thị trường gạch ốp lát Việt Nam đa phần là sân chơi của những doanh nghiệp Trung Quốc, ITALIA… Nhưng giờ đây thương hiệu gạch ốp lát Việt đã đánh bật các thương hiệu ngoại ở thị trường trong nước với việc sản xuất gạch ốp lát các loại như gạch ceramic, granit, cotto…
Số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, năm 2010 sản lượng sản xuất nội địa là 378 triệu m2 gạch ốp lát, thì đến năm 2016, sản lượng sản xuất đã tăng lên 540 triệu m2, tăng 50% so với năm 2010, đáp ứng cung cấp đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 20-25% tổng công suất.
Ngành sắt thép, vôi công nghiệp, kính… cũng được cho là đang phát triển mạnh mẽ. Theo các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân cơ bản là do công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam thời gian qua đã có những thay đổi rõ rệt, từng bước hoà nhập vào trình độ chung của khu vực và thế giới.
Những vật liệu mới ra đời
Không chỉ phát triển những vật liệu xây dựng cũ, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang tích cực phát triển những vật liệu xây dựng mới, đơn cử như việc phát triển vôi công nghiệp, biến cát biển thành cát xây dựng, bê tông cát biển.
Biến tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng nhằm mục đích bảo vệ môi trường, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần phát triển bền vững…
Ông Hoàng Đức Thảo, Giám đốc Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) cho rằng, hiện nay doanh nghiệp Việt đã làm chủ được ngành vật liệu xây dựng. Trong đó, việc phát triển đã có hướng bài bản hơn theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ Xây dựng.
Các tỉnh đều có những nhà máy sản xuất việt liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu thực sự của tỉnh mình, bên cạnh đó các thương hiệu lớn trong ngành vật liệu xây dựng cũng hình thành như Tôn Hoa Sen, Xi măng Bỉm Sơn, gạch ốp lát Đồng Tâm…
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng phát triển sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường, nghiên cứu ra nhiều loại vật xây dựng phù hợp với môi trường khí hâu của Việt Nam như Busadco hiện phát triển loại vật liệu xây dựng cống thoát nước, kè biển chống biến đổi khí hậu.
Đánh giá về thị trường vật liệu xây dựng năm 2017, ông Bắc cho rằng, tình hình thị trường vật liệu xây dựng được theo dõi, cập nhật thường xuyên để kịp thời đưa ra những giải pháp đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho.
“Năm 2018 sẽ là năm nền tảng cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển bởi những chính sách phát triển vùng, quy hoạch vùng vật liệu xây dựng… được Chính phủ áp dụng. Điều này sẽ kích hoạt sự phát triển bền vững và tạo độ mở cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng tiếp tục phát triển làm chủ thị trường trong nước”, ông Bắc nhận định.