Dự thảo sửa đổi lần 1 Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết (số 15020/BTC-TCT ngày 11/12/2019) đã khẳng định cho phép doanh nghiệp được tăng mức khống chế từ 20% lên 30% Ebitda; được tính theo lãi vay thuần (= chi phí lãi vay – doanh thu lãi tiền gửi, cho vay); trường hợp Ebitda<0 được chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm kế tiếp; năm 2017 và 2018 cho chuyển tiếp lãi vay thuần chưa được trừ của các năm này sang 5 năm kế tiếp…
Tuy nhiên, trong Tờ trình số 17/TTr-BTC và dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 chỉ còn những nội dung:
- Điều chỉnh tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay sau khi cho trừ chi phí lãi tiền cho vay từ mức 20% lên 30%;
- Chi phí lãi vay (thuần) được trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay;
- Thời điểm áp dụng không còn quy định hồi tố cho năm 2017 và 2018, mà chỉ còn áp dụng cho kỳ quyết toán thuế 2019, khi Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Đặc biệt, theo dự thảo Công văn báo cáo Thủ tướng giải trình một số nội dung liên quan đến sửa đổi Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP, mà Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến (kèm theo công văn số 2801/BCT-TCTngày 12-3-2020) do Thứ trưởng Trần Xuân Hà ký thì việc hồi tố, tức cho phép áp dụng sửa đổi trên ngược trở lại cho các năm 2017 và 2018 sẽ khó được áp dụng…với rất nhiều lý do quan trọng.
Theo Bộ Tài chính, đối tượng hồi tố “không phải lợi ích chung xã hội”… nên không cần áp dụng quy định hồi tố. Tuy nhiên, đây mới là nửa câu trích do chính Bộ Tài chính viện dẫn nội dung Khoản 1 Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015, vì câu đầy đủ là: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết vì lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức được quy định trong luật, nghị quyết Quốc hội và văn bản pháp luật của các cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.
Như vậy, việc "thực hiện các quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức…” đã bị Bộ Tài chính đơn phương không xem xét, phải chăng vì không thấy đó là quan trọng? Điều này có thỏa đáng trong cách thức hiểu và thi hành luật pháp của một cơ quan nắm lợi ích “cơm áo gạo tiền” của doanh nghiệp và người dân toàn đất nước?
Cũng theo Bộ Tài chính, nếu hồi tố thì phải bồi hoàn lại số tiền đã đóng cho doanh nghiệp và “có thể trường hợp số thu Ngân sách Nhà nước thấp hơn số bồi hoàn”… Nhưng nguyên tắc của việc bồi hoàn luôn chỉ là trả lại những khoản đã thu được và tối đa không vượt quá mức đã thu được này, thì làm sao xảy ra việc Ngân sách Nhà nước bị mất tiền khi áp dụng quy định hồi tố các luật định?
Đặc biệt, theo giải trình của Bộ Tài chính, tiền thu thì đã tiêu hết, đưa vào quyết toán được xác nhận và đã kiểm toán chính thức. Hơn nữa, trong dự toán năm ngân sách 2020 không có nguồn Ngân sách Nhà nước để hoàn trả lại khoản tiền đã đóng Ngân sách Nhà nước cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính còn rất quan ngại việc hồi tố sẽ gây phức tạp và phát sinh tiêu cực vì phải áp dụng cơ chế xin-cho trong ngành thuế…
Đây có lẽ là lý do khó chấp nhận nhất mà Bộ Tài chính giải trình. Nếu cứ theo logic đó, thì phải chăng ngành thuế đã, đang và sẽ không bao giờ đủ năng lực quản lý tiêu cực khi thực hiện hồi tố các luật định về thuế?! Cũng tức là các doanh nghiệp và đối tượng nộp thuế đành phải hy sinh lợi ích để giúp ngành thuế bảo đảm giữ mình trong sạch và không phải đau đầu, bận bịu tính toán cách thức trả lại tiền thu phức tạp ?!
Thật khó chấp nhận những giải trình đơn giản, một chiều của Bộ Tài chính trong dự thảo Công văn báo cáo Thủ tướng giải trình một số nội dung liên quan đến sửa đổi Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP như đã phân tích trên đây. Hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp càng khó chấp nhận việc cơ quan chức năng vội vàng và đơn phương bác bỏ các kiến nghị của họ thông qua đại diện của mình là VCCI và được Văn phòng Chính phủ ủng hộ về thực hiện quy định hồi tố trong điều chỉnh Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu của cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật là bảo đảm tính khách quan, công bằng, cầu thị và xử lý hài hòa lợi ích, đánh giá đầy đủ tác động hai mặt của chính sách, nhằm không ngừng hoàn thiện hệ thống luật pháp, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật theo đòi hỏi thực tiễn, thị trường và tuân thủ xu hướng, cam kết hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong hành xử còn cần quán triệt tính nhân văn sâu sắc trong câu “đã thương thì thương cho trót” theo lời dạy của cổ nhân!
Lý và tình có ổn, thì mới tâm phục khẩu phục trong thực thi…