Aa

Doanh nghiệp phải minh bạch mọi thông tin để giữ niềm tin của nhà đầu tư

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 03/12/2022 - 06:09

Theo giới chuyên gia, nhà đầu tư Việt Nam mua trái phiếu không chỉ vì lãi suất cao mà muốn tìm một kênh đầu tư ổn định, vì vậy việc giữ chữ tín và tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp phát hành là rất quan trọng.

Năm 2021 là khoảng thời gian thăng hoa của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Tổng giá trị TPDN phát hành trong năm 2021 đạt 623.616 tỷ đồng (tăng 34,9% so với năm 2020), trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm 34,8% tổng giá trị phát hành, tăng 36,2% so năm 2020.

Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2022, thị trường TPDN bắt đầu chững lại lại. Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 10 tháng của năm 2022, thị trường có 23 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành). So với cùng kỳ năm trước, giá trị trái phiếu phát hành ra công chúng đã giảm 56% và giá trị phát hành riêng lẻ giảm 51%.

Theo các chuyên gia, thị trường TPDN chậm lại một phần do chờ đợi Nghị định sửa đổi 153/NĐ-CP/2020, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư cũng như nâng cao chất lượng của thị trường vốn; phần khác là do nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Mặc dù các sai phạm bị xử lý chỉ xuất hiện ở một số trường hợp nhất định, song tính “nhạy cảm” của thông tin đã vô tình tạo tâm lý bất an, khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với TPDN. Đây chính là nguyên nhân cốt lõi khiến thị trường trái phiếu vốn đang "phất lên" lại "chìm xuống" một cách nhanh chóng. 

Hơn hết, chia sẻ tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” mới đây, chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam mua trái phiếu không phải vì lãi suất cao mà họ muốn tìm một kênh đầu tư ổn định, như một định chế tài chính vững chắc song lãi suất vẫn ở mức cao hơn tiền gửi ngân hàng.

"Chung quy lại đối với nhà đầu tư, uy tín và tên tuổi của công ty là những vấn đề ưu tiên khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phát hành cần giữ vững chữ tín và tạo dựng niềm tin trên thị trường, niềm tin đối với nhà đầu tư. Chỉ cần một thông tin xấu về hình ảnh doanh nghiệp là sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy, hơn lúc nào hết, thời điểm này niềm tin nhà đầu tư cần được “vá lành” để sớm đưa thị trường TPDN trở lại guồng quay vốn có của nó", ông Hiển nói. 

Đưa ra quan điểm, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, nguyên nhân quan trọng khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán.

Đồng thời, đơn vị môi giới, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu. Thậm chí, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). Ảnh: TC Tài chính Doanh nghiệp

“Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để “hỗ trợ” nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền”, ông Hưng cho biết. 

Vị chuyên gia này cho rằng, để hồi phục niềm tin nhà đầu tư, trước hết cần lành mạnh hoá thị trường TPDN. Các thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được công khai minh bạch, doanh nghiệp phải luôn giữ chữ tín và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Cũng theo Luật sư Phạm Ngọc Hưng, thị trường trái phiếu nói chung vẫn còn nhiều doanh nghiệp lành mạnh, những trái phiếu có tài sản đảm bảo thì tính an toàn vẫn cao. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tích cực điều phối như vụ việc SCB để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Còn nếu nhà đầu tư cảm thấy có dấu hiệu lừa đảo thì có thể tố cáo đến cơ quan công an để được thụ lý hồ sơ. Tất nhiên, trước khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư cũng cần quan sát thực trạng doanh nghiệp và ghi nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống, rõ ràng. Trên thực tế rất nhiều nhà đầu tư nghe tin đồn thổi, tin hành lang và tiến hành đầu tư dẫn đến rủi ro.

Có cùng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Trịnh Đoàn Tuấn Linh nhìn nhận, các công ty bất động sản nếu muốn bàn bạc với nhà đầu tư để hợp tác kinh doanh thì cần minh bạch các dự án, các vấn đề pháp lý, quy mô và tiến độ. Đồng thời, nhà đầu tư quan tâm đến hoán đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu thì doanh nghiệp cũng cần có những quy định, chính sách rõ ràng về định giá tài sản như thế nào, dựa trên cơ sở nào để định giá, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của trái chủ.

Doanh nghiệp cần làm gì để giải toả áp lực trái phiếu đáo hạn?

Áp lực đáo hạn trái phiếu cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng lúc này, nếu không có giải pháp xử lý khéo léo nguy cơ vỡ nợ của các doanh nghiệp là rất lớn và kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài cho thị trường.

Theo ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế (CIB), áp lực trái phiếu đáo hạn một phần có nguyên nhân từ các công ty chứng khoán và ngân hàng. Các tổ chức này để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3 - 6 tháng sau khi phát hành. Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua, nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm.

Theo đó, để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với doanh nghiệp đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.

Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Vừa qua, một ngân hàng đã đồng ý chuyển đổi trái phiếu một tập đoàn thành cổ phiếu với giá 85.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá chỉ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Riêng với những doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém khả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản đang có để hàn thành nghĩa vụ với trái chủ, đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…

Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Quốc tế (CIB). Ảnh: TC Tài chính Doanh nghiệp

Thứ hai, doanh nghiệp cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường.

Gần đây, sau khi thị trường chứng khoán rớt điểm liên tiếp đã có những tín hiệu sáng hơn, dòng tiền tăng trở lại đáng kể. Doanh nghiệp vì thế có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu, thậm chí có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và vay ngân hàng. Vì thế thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

“Thực tế thì các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng chưa được nâng hạng. Khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp doanh nghiệp đỡ áp lực về nguồn vốn”, ông Danh chia sẻ.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Mã Thanh Danh, doanh nghiệp cần vốn là để tăng trưởng là điều hiển nhiên, nhưng cần thay đổi cấu trúc, tối ưu hóa mô hình kinh doanh sản xuất để tận dụng nguồn vốn. Để hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp cần minh bạch thông tin về tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top