Aa

Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt: Nỗi lo đối phó hàng Trung Quốc

Thứ Tư, 08/11/2017 - 20:31

Mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ đã giúp vật liệu xây dựng Trung Quốc chiếm nhiều ưu thế trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.

Từ hàng cao cấp cho đến giá bình dân, ở bất kì phân khúc nào vật liệu xây dựng Trung Quốc cũng đưa ra mức giá thấp nhất so với thị trường. Việc cạnh tranh  với vật liệu Trung Quốc không phải là điều dễ dàng.

Lấn át hàng Việt

Hàng hóa xuất xứ Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam trong nhiều năm nay, qua con đường chính thức từ các công ty nhập khẩu cũng như đường tiểu ngạch, vật liệu xây dựng cũng không là ngoại lệ. Các sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc thường đa dạng mẫu mã, giá thành thấp nên dù chất lượng có thể không bằng hàng Việt như lại chiếm được ưu thế trên thị trường.

Đỉnh điểm của cuộc chiến với hàng lậu Trung Quốc, năm ngoái đã có doanh nghiệp không thể trụ vững trên thị trường, giải thể doanh nghiệp.

Lượng gạch ốp lát Trung Quốc tuồn vào thị trường Việt Nam khá lớn

Lượng gạch ốp lát Trung Quốc tuồn vào thị trường Việt Nam khá lớn

Ở ngành kính, cuối tháng 10/2016, Công ty Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phú Phong (sở hữu thương hiệu kính Phú Phong) đã thông qua phương án giải thể công ty, trả tiền lại cho cổ đông.

Trong tám tháng đầu năm 2016, Phú Phong đạt doanh thu 105,3 tỉ đồng nhưng giá vốn đã chiếm tới 104,9 tỉ đồng. Trừ đi các loại chi phí, công ty lỗ tiếp 39,3 tỉ đồng. Con số lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 8 đã hơn 116 tỉ đồng.

Nguyên nhân đưa ra là do thị trường bất động sản chuyển từ các dự án cao cấp sang nhà ở xã hội, dẫn đến vật liệu xây dựng được sử dụng với chất lượng thấp, giá cả bình quân cách biệt so với công nghệ châu Âu của công ty đang áp dụng.

Ngoài ra, thị trường kính ngày càng cạnh tranh khốc liệt về giá, đặc biệt là từ các sản phẩm của Trung Quốc, giá kính của Trung Quốc nằm ở ngưỡng các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được nếu chỉ so về giá, công ty gặp bế tắc trong việc giải quyết lối đi cho sản phẩm.

Tám tháng đầu năm 2016, ngành kính cũng trải qua biến động lớn khi giá nguyên liệu đầu vào bị áp thuế đến 40%, các doanh nghiệp trong nước không đủ kinh phí để sản xuất số lượng như cũ điển hình là việc khi nhà máy sản xuất kính Tràng An phải dừng sản xuất để đại tu thiết bị, nguồn cung trên thị trường được cho là thiếu hụt cục bộ, giá kính gia công vì thế tăng đột biến 40-50%, giá thành sản phẩm cũng đội lên rất nhiều. Trong khi đó kinh từ các con đường tiểu ngạch, nhập lâu, trốn thuế lại nhan nhản trên thị trường, giá cả rẻ hết mức có thể.

Tương tự ngành kính, hàng Trung Quốc cũng lấn át cả thị trường gạch ốp lát. Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, cho biết doanh nghiệp trong nước đã dần nắm bắt nhu cầu thị trường, hàng lậu và vấn đề gian lận thương mại cũng phần nào được kiểm soát nên gạch Trung Quốc nhập khẩu giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, lượng gạch Trung Quốc được tiêu thụ vẫn tương đối lớn, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm, đó là chưa kể nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, ước đoán thêm ít nhất 100 triệu đô la Mỹ nữa.

Như vậy, lượng gạch Trung Quốc tuồn vào thị trường Việt Nam khá lớn và là mối lo ngại với doanh nghiệp trong nước. Giá thành của gạch này cũng rẻ hơn gạch nội địa khá nhiều, cộng thêm hoa văn mẫu mã đa dạng, gạch Trung Quốc có khả năng thu hút khách hàng là các gia đình, các công trình xây dựng nhỏ lẻ.

Về ngành xi măng, Việt Nam đứng đầu khu vực về sản lượng nhưng lại thấp hơn Thái Lan về sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, sau thời gian nóng công suất, Trung Quốc dư thừa ra hơn 650 tiệu tấn xi măng, điều này sẽ gây sức ép lớn với các doanh nghiệp xi măng trong nước khi vừa bị sức ép xuất khẩu thấp hơn Thái Lan, xi măng Trung Quốc có thể theo đường tiểu ngạch và nhập khẩu ồ ạt đi vào thị trường.

Thay đổi hay là chết?

Năm 2016, thị trường vật liệu trong nước đã gặp nhiều sự chèn ép do sự tràn lan của hàng hóa Trung Quốc, đến trong năm nay những con số vẫn chưa khởi sắc.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: Trong năm tới, hầu như các dự án công và tư nhân đều đa số đã hoàn thiện phần thô, nên dự kiến thị trường bất động sản 2018 sẽ không còn sôi động, tăng trưởng mạnh mẽ như hai năm trước, mà sẽ tiến tới sự bình ổn.

Ông Nam cũng cho biết thêm kết quả tiêu thụ xi măng trong nước tăng chỉ 2%-4%, mặc dù sản lượng sản xuất trong nước tăng nhiều nhưng chỉ tập trung chủ yếu cho xuất khẩu, tiêu dùng trong nước không đáng kể.

Tại triển lãm Vietbuild diễn ra mới đây tại TP.HCM đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp vật liệu xây dựng Trung Quốc đến đặt gian hàng quảng bá sản phẩm.

Tại triển lãm Vietbuild diễn ra mới đây tại TP.HCM đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp vật liệu xây dựng Trung Quốc đến đặt gian hàng quảng bá sản phẩm.

Về kính xây dựng trong nước trong 10 tháng đầu năm sản xuất được khoảng 156 triệu mét vuông, bằng 96% của năm ngoái. Hay gạch ốp lát sản xuất tiêu thụ được khoảng 461 triệu mét vuông, cũng chỉ bằng cùng kì năm ngoái, không có tăng trưởng. Sứ vệ sinh cũng chỉ nằm ở mức 99% năm ngoái. Nhìn chung, thị trường sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước không có sự khởi sắc.

Các dự án bất động sản chuyển hướng phát triển từ nhà ở cao cấp, biệt thự liền kề sang chung cư giá rẻ. Các doanh nghiệp nếu muốn giữ ổn định mức giao dịch trong nước cần tái nghiên cứu thị trường, tập trung định hướng lại đối tượng khách hàng, có phương án mới cho sản xuất hàng tiêu thụ trong nước.

Trong buổi họp báo Triển lãm Quốc tế VIETBUIL 2017 lần 2 tại Hà Nội vừa qua, ông Nam cũng cho biết thêm, sắp tới Trung Quốc dự kiến sẽ mở Văn phòng xúc tiến Xuất khẩu về Vật liệu xây dựng ở nước ta, mở đường cho vật liệu xây dựng Trung Quốc thâm nhập và thị trường Việt Nam một cách chính thức và chuyên nghiệp.

“Hàng hóa Trung Quốc trước đến nay đã cạnh tranh rất cao với hàng Việt tuy mới chỉ đi theo con đường nhập khẩu hay tiểu ngạch. Nếu như được phân phối một cách chính thức và trực tiếp không qua trung gian, bài toán cạnh tranh sẽ càng trở nên quyết liệt” – ông Nam khẳng định.

Sản lượng các ngành vật liệu xây dựng Trung Quốc luôn đứng đầu thế giới, chiếm gần như 50% tổng sản lượng tất cả các quốc gia cộng lại. Mẫu mã đa dạng và phân khúc giá thành cũng cung cấp đủ phù hợp túi tiền của người dân, Trung Quốc biết cách đánh mạnh vào tính kinh tế. Ở những phân khúc dành cho nhà ở cao cấp hay những hộ nhân có nhu cầu cao hơn, mặt hàng của Trung Quốc cũng đáp ứng đủ.

Để cạnh tranh với hàng Trung Quốc tiểu ngạch đã khó, cạnh tranh với hàng phân phối trực tiếp càng khó hơn. Nếu như các doanh nghiệp không thay đổi cung cách sản xuất, không đầu tư thiết kế các mẫu mã đa dạng và tìm phương án hạ giá thành sản phẩm thì rất có thể sẽ bị Trung Quốc thâu tóm toàn bộ thị trường vật liệu xây dựng trong nước.

Ngoài việc cạnh tranh quyết liệt với vật liệu xây dựng Trung Quốc về chất lượng và giá thành sản phẩm, ông Nguyễn Quang Cung - Phó chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết: Năm 2018 trở đi, toàn bộ các nhà máy xi măng trong nước bắt buộc lắp hệ thống kiểm tra về môi trường online tại các nhà máy. Các số liệu về mức độ ô nhiễm được đo ngày đêm và gửi số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh. Tiêu chuẩn xi măng trong không khí cũng được hạ từ 50mg/m3 xuống còn 20mg/m3.

Qua đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần chú tâm đến các dạng sản phẩm có tính thân thiện với môi trường. Mục đích chính là giảm ô nhiễm môi trường ở nước ta và theo kịp xu hướng sản xuất của thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top