Aa

Doanh nghiệp tập trung củng cố nguồn lực, tái thiết để tăng trưởng

Thứ Hai, 27/03/2023 - 17:40

Doanh nghiệp tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện mới đây đều bày tỏ tin tưởng việc có một tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng, hiệu quả có thể đem tới những tác động đáng kể đến sự phát triển của DN.

Năm 2023, thị trường được dự đoán là sẽ có tính cạnh tranh cao và nhiều thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp tham gia khảo sát do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa thực hiện mới đây đều bày tỏ tin tưởng rằng, việc có một tầm nhìn và chiến lược kinh doanh rõ ràng, hiệu quả có thể đem tới những tác động đáng kể đến sự phát triển của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể duy trì sự tập trung vào những mục tiêu cốt lõi, tăng cường khả năng thích ứng để phù hợp với xu hướng mới của thị trường; đồng thời, định vị con đường phát triển của doanh nghiệp để hướng tới sự thành công và bền vững trong tương lai.

Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report cho hay, qua tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp thuộc Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST 500) năm 2023 cho thấy, họ đang ưu tiên vào 5 chiến lược chủ đạo để vượt qua thách thức trong giai đoạn này. 78,1% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự; hệ thống quản trị rủi ro; phát triển các dòng sản phẩm và dịch vụ mới; một số doanh nghiệp ưu tiên cho ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và những doanh nghiệp còn lại tập trung vào tái cấu trúc bộ máy hoạt động của mình.

Riêng đối với chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp, hầu hết các đơn vị dự kiến sẽ phân bổ lại nguồn lực, thu hẹp hoạt động nếu không mang lại hiệu quả cao; đồng thời mở rộng những lĩnh vực kinh doanh tiềm năng có thể giúp các doanh nghiệp hợp lý hóa hoạt động và loại bỏ hạng mục dư thừa, qua đó tiết kiệm chi phí, giảm nợ vay, cải thiện dòng tiền và tăng khả năng sinh lời. Bên cạnh đó, còn giúp doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi của thị trường và nền kinh tế.

Trong bối cảnh, toàn cầu đang hướng tới xu thế phát triển xanh và bền vững, Việt Nam cũng tập trung thúc đẩy nỗ lực đạt mục tiêu trung hòa carbon “Net Zero” vào năm 2050. Các doanh nghiệp FAST500 ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) và sẵn sàng bắt tay vào hành trình thực thi chiến lược này.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tính đến thời điểm hiện tại, có 85,1% doanh nghiệp được khảo sát đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết thực thi ESG. Cụ thể, 14,8% doanh nghiệp cho biết, họ đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG, 37% doanh nghiệp cho biết đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết, 33,3% doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch, trong khi chỉ có 14,8% doanh nghiệp không đặt ra cam kết ESG hoặc không có kế hoạch cụ thể.

Trao quyền chủ động để doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: TTXVN

Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với các vấn đề chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, với một phần ba số doanh nghiệp có cam kết ESG thừa nhận mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch, vẫn còn một chặng đường dài từ nhận thức tới hành động thực tế, ông Vinh kết luận.

Trên hành trình, theo đuổi các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG), doanh nghiệp phải đương đầu với khá nhiều trở ngại. 83,3% doanh nghiệp thừa nhận: chưa có đầy đủ thông tin là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khi cam kết và thực hành ESG. Nếu không nắm bắt đủ dữ liệu và thông tin chi tiết, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc xác định và ưu tiên các vấn đề về ESG, thiết lập các mục tiêu và số liệu có ý nghĩa, đồng thời đo lường và báo cáo tiến độ của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Thông tin không đầy đủ cũng có thể cản trở khả năng của doanh nghiệp trong việc tương tác với các bên liên quan, xây dựng niềm tin, quản lý các cơ hội và rủi ro liên quan đến ESG.

Do đó, việc được cung cấp và truy cập vào thông tin đáng tin cậy và có liên quan là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp để đưa ra các quyết định và hành động ESG sáng suốt. Ngoài ra, các khó khăn còn lại trên hành trình thực thi ESG được doanh nghiệp đưa ra là nhân viên chưa có kiến thức, chuyên môn cần thiết về ESG, đội ngũ lãnh đạo cấp cao cần nâng cao kiến thức về năng lực thực thi ESG và khung khổ pháp lý để thực thi lính vực này vẫn chưa minh bạch, rõ ràng.

Lồng ghép các tiêu chuẩn Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đơn thuần chỉ xoay quanh việc bổ sung tính năng sản phẩm, cải thiện năng suất, doanh thu hay tái định vị thương hiệu. Cam kết thực hiện ESG đòi hỏi các doanh nghiệp cần thay đổi những vấn đề vĩ mô hơn, như: tầm nhìn, giá trị cốt lõi và lợi ích con người (gồm cả nhân viên lẫn khách hàng). Thực thi ESG giúp doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, tối ưu hóa quan hệ khách hàng, chuỗi cung ứng và tăng khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu...

Đặc biệt, từ năm 2023 trở đi, một trong những thị trường chủ lực của Việt Nam là EU sẽ áp thuế phát thải khí carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), các doanh nghiệp muốn tiếp tục tham gia thị trường EU sẽ bắt buộc phải thực hiện, đáp ứng các tiêu chuẩn này. Như vậy, ESG sẽ là giải pháp tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp và là chìa khóa để các doanh nghiệp thành công tại thị trường quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top