Thời của công nghệ, chất lượng
Với các sản phẩm kiến trúc, công trình xây dựng, thời nào sẽ gắn với vật liệu nấy. Cả công trình và vật liệu đều phản ánh công nghệ tại thời điểm tương ứng. Ngày nay, với những đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng, khả năng làm việc, thẩm mỹ, môi trường và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ, các loại vật liệu cũng được cải tiến, cùng với đó là nhiều loại vật liệu mới ra đời.
Cùng với sự ra đời của nhiều loại vật liệu mới, sự cạnh tranh trên thị trường vật liệu xây dựng giờ đây không chỉ về giá cả, mẫu mã, mà còn cả về chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm.
Theo các chuyên gia, vật liệu xây dựng đóng vai trò quyết định trong việc chọn các phương án xây dựng công trình, phương án tính toán kết cấu, độ bền theo thời gian... Trong kiến trúc hiện đại, nhiều loại vật liệu xây dựng truyền thống không thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật như độ bền, màu sắc, cách âm, cách nhiệt, độ phức tạp, thẩm mỹ, thân thiện với môi trường... Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành vật liệu phải nghiên cứu để cho ra đời nhiều loại vật liệu ưu việt hơn.
Công nghệ nano trong ngành vật liệu
Nếu trước đây, công nghệ nano thường được sử dụng trong ngành sản phẩm dược, mỹ phẩm hay hàng tiêu dùng, thì giờ đây, công nghệ này còn gắn với cả vật liệu xây dựng.
Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu có những công trình đầu tiên sử dụng vật liệu bê tông cốt sợi thủy tinh (GRC). Đây là loại vật liệu mới, có nhiều tính năng ưu việt như tạo hình đa dạng, đáp ứng được phần lớn các chi tiết có độ khó cao về mỹ thuật, độ bền cao. Ngoài ra, với lớp phun hóa chất bảo vệ tạo hiệu ứng nano, loại vật liệu này còn có khả năng tự làm sạch bề mặt (không bám bụi, không bị rêu mốc).
Bê tông GRC được cấu tạo bởi 3 lớp. Lớp 1 là lớp Facemix được tạo nên từ các vật liệu là xi măng trắng, cát trắng, hạt mikam bi thủy tinh, phụ gia siêu dẻo, phụ gia tăng cường độ..., có độ dày từ 4 - 6 mm. Lớp 2 là lớp GRC được tạo nên từ xi mắng, cát trắng, sợi thủy tinh, phụ gia..., có độ dày từ 7 - 10 mm. Lớp 3 là lớp bê tông cốt thép truyền thống có chiều dày thay đổi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, tại Việt Nam có hai đơn vị đi đầu trong việc cung cấp loại vật liệu mới và nhiều ưu việt này là Công ty cổ phần Kỹ thuật GRC Việt Nam - VIET GRC (TP.HCM) và Công ty AmaCCao (Hà Nội).
Các đơn vị cung cấp vật liệu GRC và giải pháp thi công cũng liên tục có những nghiên cứu để nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Tùy thuộc vào yêu cầu công việc, công trình để bổ sung các loại chất khác nhau vào hỗn hợp vữa như acrylic polyme, xi măng, chất phụ gia để cải thiện tính ổn định lâu dài của vật liệu. Các dữ liệu thử nghiệm và hiệu suất mở rộng có sẵn trên tất cả các khía cạnh của công thức hỗn hợp”, đại diện Công ty AmaCCao cho biết.
Và hàng loạt các cải tiến khác
Một loại vật liệu mới đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong thời gian qua là gạch bê tông cốt liệu. Để có được sự thừa nhận, tin dùng của người tiêu dùng, các chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất gạch bê tông cốt liệu đã tốn không ít công sức để tăng độ bền cho gạch.
Theo đó, các đơn vị sản xuất đã sử dụng công nghệ rung ép cường độ lớn, giúp viên gạch trở nên kín khít hơn và sự liên kết giữa các loại nguyên liệu chặt chẽ hơn. Mặt khác, một tỷ lệ nhất định tro bay được sử dụng để giúp cho viên gạch kín khít và tăng tuổi thọ, độ bền. Bởi tro bay là vật liệu có đường kính rất nhỏ, nên có thể lấp đầy những khoảng trống trong cấp phối viên gạch và giúp cho nước không thể xuyên qua được.
Sau cải tiến, dòng sản phẩm này cho thấy rất thích hợp với khí hậu ở Việt Nam, có thể chịu trời lạnh, trời nóng hay những nơi ẩm thấp, gần biển.
Một loại vật liệu mới khác cũng đang dần có chỗ đứng trên thị trường là cấu kiện bê tông đúc sẵn. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm này với sản phẩm bê tông tươi, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng vật liệu bê tông khô. Đây là công nghệ sản xuất cấu kiện hiện đại nhất trong ngành xây dựng hiện nay, được sử dụng bằng phương pháp rung ép, rút khuôn luôn từ vật liệu là bê tông không có độ sụt và thép cường độ cao.
Cấu kiện bê tông sản xuất theo công nghệ này có ưu điểm là độ bền tạo hình đa dạng như hố ga, rãnh, tấm đan, hào kỹ thuật. Ngoài ra, do rút ván khuôn luôn khi tạo hình xong, nên chi phí ván khuôn giảm, tăng hiệu quả năng suất và bền vững thân thiện với môi trường…
Bên cạnh đó, do phát triển cường độ sớm (tỷ lệ nước trên xi thấp) so với bê tông có độ sụt cẩu hạ sản phẩm, nên đẩy tiến độ thi công công trình. Đặc biệt, chi phí giá thành bê tông giảm đáng kể so với bê tông cùng mác, nhưng sử dụng hỗn hợp bê tông ướt.
Nhận thấy vai trò quan trọng của việc cải tiến sản phẩm, nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu liên tục thực hiện các kế hoạch nghiên cứu, phát triển các sản phẩm gạch bê tông cốt liệu và cấu kiện bê tông đúc sẵn, đơn cử như Công ty Gạch Khang Minh.
Đại diện đơn vị này cho biết, năm 2012, Công ty đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp sản xuất nâng cao khả năng chống thấm cho sản phẩm, khắc phục nhược điểm cố hữu trong quá khứ. Năm 2014, Công ty nghiên cứu và ứng dụng thành công các giải pháp đa thành vách (cho gạch), giúp giảm chiều dày bức tường, tăng khả năng cách âm, cách nhiệt cho công trình. Từ năm 2014 - 2017, tiếp tục nghiên cứu và triển khai thành công các giải pháp giảm trọng lượng cho sản phẩm.
Chờ sản phẩm made by Vietnam
Trong số các tên tuổi lớn của ngành vật liệu xây dựng, có lẽ sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến Viglacera. Đây là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu.
Viglacera là đơn vị đầu tiên đưa công nghệ mới, công nghệ nguồn và chuyển giao công nghệ hiện đại để sản xuất vật liệu xây dựng như kính xây dựng (năm 1994), sứ vệ sinh và gạch ốp lát ceramic (năm 1994), granite (năm 1996), gạch cotto (năm 2002)....
Viglacera còn tiên phong trong đầu tư và ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như công nghệ lò nung tuynen (1990), công nghệ phủ 2 lớp Nano (2009)... nhằm nâng cao giá trị cho các chủng loại sản phẩm truyền thống..
Tuy nhiên, dù đã có nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng mới được sản xuất ở Việt Nam (made in Vietnam), nhưng để có sản phẩm made by Vietnam (sản xuất bởi Việt Nam) thì phải chờ đợi một thời gian nữa, bởi công nghệ để sản xuất các sản phẩm vật liệu mới từ bê tông GRC, cho đến bê tông vải cuộn, bê tông tro bay hoàn thiện (dùng trang trí bề mặt), hay bê tông cốt sợi thép, các loại vật liệu này đều được nhập khẩu công nghệ đa số là xuất khẩu. Thậm chí, với bê tông vải cuộn, doanh nghiệp còn phải nhập khẩu 100% sản phẩm, chứ đối tác ngoại không đồng ý chuyển giao công nghệ, xây nhà máy tại Việt Nam.
Điều này cũng đặt ra yêu cầu lớn cho các đơn vị công nghệ, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp ngành vật liệu Việt Nam cần bắt tay nghiên cứu công nghệ, dây truyền sản xuất trong nước. Bởi để căn cơ phát triển lâu dài, các ngành vật liệu xây dựng Việt Nam cần “thoát ly” dần sự phụ thuộc vào khối ngoại.