Aa

Doanh nghiệp xi măng quy mô nhỏ trong “tầm ngắm” M&A

Thứ Hai, 13/05/2019 - 06:01

Dù nguồn cung cho thị trường xi măng Việt Nam đang dư khá cao, nhưng các doanh nghiệp xi măng lớn vẫn không ngừng đầu tư mở rộng.

Xu hướng chọn dây chuyền lớn

Trong năm 2019, dự kiến có 2 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng cả nước lên con số 84 với tổng công suất 101,7 triệu tấn. So với kế hoạch tiêu thụ nội địa, ngành xi măng dư khoảng gần 40 triệu tấn sản phẩm.

Tiêu thụ trong nước khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải tìm hướng xuất khẩu. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Công Thanh cho rằng, do giá thành cao, hạ tầng (cảng biển, phương tiện vận tải) chưa đồng bộ,... nên công tác xuất khẩu xi măng gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2018, hơn 10 triệu tấn xi măng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc. Dù vậy, theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, vẫn xảy ra tình trạng không đủ hàng để bán, bởi nhà nhập khẩu chỉ chọn đơn vị có dây chuyền lớn với chất lượng đồng đều và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Trong khi, hơn một nửa số dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam hiện nay đều thuộc loại có công suất nhỏ (dưới 1 triệu tấn).

Sau khi “về tay” Tập đoàn SCG (Thái Lan), Nhà máy Xi măng Sông Gianh được đầu tư để sản xuất thêm sản phẩm xi măng cao cấp.

Sau khi “về tay” Tập đoàn SCG (Thái Lan), Nhà máy Xi măng Sông Gianh được đầu tư để sản xuất thêm sản phẩm xi măng cao cấp.

Ông Cung cho biết, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cùng các công ty thành viên đang chiếm khoảng 33% sản lượng xi măng cả nước; nhóm các doanh nghiệp tư nhân/liên doanh, dẫn đầu là Tập đoàn Xi măng The Vissai, nắm khoảng 31%.

Dự kiến năm 2019, VICEM cùng các công ty thành viên sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 31 triệu tấn xi măng, tăng 1,8 triệu tấn so với năm 2018. Trong khi đó, năng lực sản xuất của The Vissai có thể đạt tổng sản lượng 18,6 triệu tấn/năm.

Nghịch lý là, dù nguồn cung xi măng đang dư, nhưng các doanh nghiệp xi măng đều muốn chạy đua đầu tư tăng công suất hoặc mở rộng dây chuyền. Lý do, sản phẩm tạm ngưng xuất hiện trên thị trường đồng nghĩa với năng lực cạnh tranh gia tăng thị phần của doanh nghiệp sẽ giảm bớt.

Nhưng từ góc nhìn thị trường, ông Cung phân tích, “không nên thấy dư cung mà hạn chế dự án đầu tư trong ngành, bởi các đơn vị sản xuất quy mô nhỏ, lạc hậu sẽ tự đào thải do chi phí sản xuất cao, mà giá bán lại thấp. Khi đó, các tập đoàn lớn trong ngành sẽ hình thành”.

Xu hướng M&A 

Năm 2018, mảng xi măng, vật liệu xây dựng tại Việt Nam mang về cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG - Thái Lan) 4.000 tỷ đồng doanh thu.

Sau 2 năm mua lại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam, chủ sở hữu Nhà máy Xi măng Sông Gianh (Quảng Bình), SCG tiếp tục đầu tư máy móc và bắt đầu đánh chiếm phân khúc xi măng cao cấp với sản phẩm SCG Super xi măng.

Theo phân tích của ông Nopporn Keeratibunharn, Tổng giám đốc Công ty SCG Xi măng - vật liệu xây dựng Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn SCG), khoảng 50% nhu cầu xi măng tại Việt Nam thuộc phân khúc trung cấp, hơn 20% thuộc phân khúc giá rẻ và hơn 20% hướng đến sản phẩm cao cấp.

Được biết, ngoài Nhà máy Sông Gianh có khả năng sản xuất 3 triệu tấn xi măng/năm, SCG còn sở hữu 2 nhà máy tại Đà Nẵng, 1 nhà máy ở Phú Yên và hợp tác gia công 3 triệu tấn clinker/năm. Tập đoàn này đang nắm 14 - 16% thị phần thị trường xi măng tại miền Trung.

Không chỉ tiến vào thị trường miền Trung bằng con đường M&A, SCG còn đang nhắm đến thị trường miền Nam, khu vực được đánh giá là có lượng cầu đang cao hơn lượng cung.

Theo quan sát của ông Nguyễn Quang Cung, M&A là con đường được nhiều doanh nghiệp xi măng, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, ưu tiên chọn lựa trong lần đầu tiên gia nhập thị trường hoặc mở rộng quy mô.

“Nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm khoảng 1/3 tổng công suất sản xuất xi măng tại Việt Nam. Nhiều đơn vị từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã và đang chuẩn bị kế hoạch tiến vào thị trường này bằng cách thực hiện M&A”, ông Cung chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top