Doanh nhân Đặng Văn Thành và “trách nhiệm với tồn tại”
Trước đợt giãn cách xã hội lần này, tôi và TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu cạnh tranh có cuộc trò chuyện về lịch sử đổi mới kinh tế của Việt Nam, với bức tranh được khắc hoạ rõ nét qua sự xuất hiện của nhiều gương mặt doanh nhân. Đang say sưa nói về những trở ngại mà doanh nghiệp, doanh nhân phải vượt qua, TS. Võ Trí Thành bỗng dừng lại, trầm tư trong khoảng 10 giây rồi nhìn thẳng vào mắt tôi: “Có lẽ ở Việt Nam, không mấy ai máu lửa và bản lĩnh như ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Sau cú sốc lớn trên thương trường là sự quay trở lại với một tâm thế mà nhiều người, trong đó có cả tôi cũng không tưởng tượng được”.
TS. Võ Trí Thành kể lại câu chuyện cách đây 7 năm, ông gặp doanh nhân Đặng Văn Thành tại TP.HCM, trong buổi trò chuyện G20-Business Dinner cùng các doanh nhân với chủ đề: "Doanh nhân Đặng Văn Thành – Trải nghiệm thương trường".
Trong trí nhớ của chuyên gia kinh tế này, ngày hôm đó, ông Đặng Văn Thành tái xuất tự tin và tràn đầy nhiệt huyết sau gần 2 năm lui vào hậu trường để chiêm nghiệm về cuộc đời. Ở ông toát ra một sức hút mạnh mẽ với lối tư duy khúc chiết, cách diễn đạt sâu sắc, sống động, tràn đầy “lửa” đam mê, luôn giữ nụ cười sảng khoái và sự nhiệt tâm.
Trong mắt TS. Võ Trí Thành, doanh nhân Đặng Văn Thành là người có lòng tự tôn dân tộc và khát vọng cống hiến cháy bỏng. Tinh thần ấy được tượng trưng bởi sắc màu hoa phượng luôn luôn đỏ rực, luôn luôn nung nấu, dù qua bao thăng trầm vẫn cháy bỏng đam mê và tràn đầy nhiệt huyết, khát khao chinh phục và xây dựng thành công những thương hiệu Việt. Trên tất cả, xuyên suốt trong hành trình đó là triết lý về “trách nhiệm với tồn tại”. Doanh nghiệp phải tồn tại và tồn tại vững vàng thì mới tạo ra được những giá trị cho cộng đồng, cho xã hội.
Tôi nhìn thấy sự ngưỡng mộ và tự hào nhưng vẫn còn chút gì đó suy tư trong ánh mắt của TS. Võ Trí Thành. “Có lẽ, bản lĩnh thôi chưa đủ để tạo nên con người đó và sự trở lại ấn tượng đó?”. Đáp lại câu hỏi này, TS. Võ Trí Thành trầm ngâm:
“Hai năm doanh nhân Đặng Văn Thành ‘ở ẩn’, chính là bước ngoặt tạo ra khí thế, sự trăn trở, quyết tâm và khát vọng. Ông ấy đam mê kinh doanh, có bản lĩnh thương trường là điều đương nhiên, nhưng có lẽ đằng sau đó là cái nghiệp thiện để vượt lên trên tất cả. Cái nghiệp thiện đó có thể do trời sinh, cũng có thể do quá trình tích lũy, hoặc do sự gắn bó với con người, với xã hội, rồi trách nhiệm và ý nghĩa để lại cho cuộc đời… Cái nghiệp thiện đó càng ngày càng rõ, nhưng tôi băn khoăn là, nó do duyên phận tạo nên, hay do hành trình và trải nghiệm, cũng có thể do sự nỗ lực đem lại cho doanh nhân Đặng Văn Thành?”.
Tôi và TS. Võ Trí Thành nghĩ mãi nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Và tôi đã quyết định đem những băn khoăn ấy đi tìm lời giải đáp ở chính doanh nhân Đặng Văn Thành. Thật may mắn khi ông đã dành cho tôi cuộc trò chuyện thẳng thắn và cởi mở…
- Thưa ông, Tập đoàn TTC đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 42 năm. Nhưng nhiều người thấy hơn hai mươi năm gắn bó với lĩnh vực tài chính – ngân hàng là quãng thời gian đánh dấu nhiều hơn cả những thăng trầm và trải nghiệm của một doanh nhân. Vì sao từ TTC, ông lại rẽ sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Những khó khăn trong thời kỳ bao cấp của Việt Nam, từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, tạo những suy nghĩ, trăn trở cho những ai có tố chất kinh doanh và ít nhiều tạo lực đẩy cho đất nước chuyển mình mạnh mẽ hơn khi bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt khi có chủ trương đổi mới toàn diện.
Năm 1979, cơ sở sản xuất cồn Thành Thành Công ra đời – đây là tiền thân của Tập đoàn TTC hiện nay, với số lượng chỉ 15 - 20 tổ viên, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ở giai đoạn đầu, cơ sở sản xuất có vốn liếng chỉ khoảng 100 triệu đồng và tập trung vào lĩnh vực thương mại mua bán cồn, đường và mật rỉ. Cơ hội thực sự đến khi đất nước bước vào kinh tế thị trường, Thành Thành Công trở thành một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất TP.HCM. Từ sản xuất cồn bước qua kinh doanh nhà hàng, rồi thành lập hợp tác xã tín dụng... tạo thành một chuỗi cửa hàng liền kề nhau trên đường Âu Cơ. Có thể nói, đây chính là nền tảng giúp tôi có cái nhìn đa diện từ sản xuất đến kinh doanh, điều hành dòng vốn luân chuyển liên tục dưới nhiều hình thức.
Cuối 1989, các hợp tác xã tín dụng ra đời hàng loạt với lãi suất từ 12 – 14%/tháng. Chỉ chưa đầy 2 năm, hàng loạt hợp tác xã tín dụng sụp đổ, Thành Thành Công cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Với bước đi tái cấu trúc, Hợp tác xã Thành Thành Công đã hợp nhất với ba HTX khác là Lữ Gia, Tân Bình, Gò Vấp cùng 1 ngân hàng, lập ra Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng và xây dựng ngân hàng này trở thành một ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam trong vòng hơn 20 năm sau đó.
Cũng ở cuối thập niên 90, khi nền kinh tế dần mở cửa và hội nhập, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh, tôi nhận ra đây chính là thời cơ thích hợp và dịch chuyển hoạt động thương mại sang hoạt động phân phối. TTC đã tích lũy và bắt đầu chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành mía đường và một số ngành khác có tiềm năng phát triển. Giai đoạn từ sau năm 2004, TTC hưởng ứng chủ trương cổ phần hoá các công ty Nhà nước và mang dấu ấn quản trị – điều hành của riêng mình vào việc vận hành doanh nghiệp. TTC xác định đây không phải chỉ là đầu tư đối vốn – mà phải là đồng hành để đưa doanh nghiệp phát triển, để xây dựng nên những thương hiệu Việt.
Có thể nói, quá trình 35 năm đổi mới đất nước chính là xu thế, lực đẩy để những doanh nhân nắm bắt và phát triển theo cung – cầu của thị trường. Những doanh nhân có tâm và tầm đều đã đưa ra thông điệp và chiến lược kinh doanh của mình. Không chỉ riêng tôi, những doanh nhân thời kỳ đó đều có chung điều kiện như vậy, và việc phát triển nên đứa con tinh thần của mình thì do công thức riêng của mỗi người... Khi đã trở thành cái nghiệp thì tôi nhận ra rằng "kinh doanh là sứ mệnh chứ không phải là quyền lợi".
- Vì sao từ một hợp tác xã nhỏ, ông có ý tưởng thành lập Sacombank và dồn toàn bộ tâm trí, sức lực vào ngân hàng này?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Việc thành lập Sacombank là sự kết hợp từ nhiều tổ chức tín dụng nhỏ, trong đó có Hợp tác xã tín dụng Thành Thành Công.
Từ đó, Sacombank cuốn tôi vào thị trường tiền tệ mãnh liệt. Tôi thấy hoạt động của ngân hàng thương mại không chỉ cuốn hút tôi mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự đổi mới của nền kinh tế Việt Nam.
Trong nền kinh tế, thị trường cơ bản nhất chính là thị trường tài chính và tiền tệ. Tại thời điểm đó, chúng ta mới bắt đầu chuyển qua thị trường tiền tệ, giống như con cua có hai càng nhưng chỉ hoạt động một càng. Cho nên, thị trường tiền tệ cáng đáng hết tất cả những dịch vụ hỗ trợ, cung ứng cho nền kinh tế Việt Nam. Luật Các tổ chức tín dụng chưa có, ngân hàng chỉ vận hành dựa trên pháp lệnh. Chúng tôi cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, soạn thảo, góp ý để thị trường tiền tệ dần ổn định. Đó là sự nỗ lực không phải của riêng tôi, mà tất cả các chuyên gia kinh tế thời đó, cùng các doanh nhân đều tích cực tham gia xây dựng, góp ý để phát triển thị trường tiền tệ.
Và thị trường tiền tệ lúc đó, lãi suất huy động vốn còn cao. Mọi hoạt động phải uyển chuyển cùng với Ngân hàng Nhà nước. Tôi cùng với anh em ngân hàng tích cực góp ý để dần hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước cũng như điều hành thị trường tiền tệ. Bây giờ, tôi có thể khái quát lại câu chuyện một cách đơn giản nhưng thời kỳ đó rất khó khăn, mọi thứ còn ngổn ngang vì mình mới hội nhập. Khi nhìn lại, tôi thấy không chỉ thuần túy về cơ hội, năng lực mà còn có yếu tố thời vận ở đây.
Trong định hướng chiến lược, để phát triển Sacombank, chúng tôi thường xây dựng tầm nhìn 5 – 10 năm để đẩy mạnh cho vay phân tán theo đề án phục vụ doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Đến bây giờ, chương trình chúng tôi làm vẫn còn tạo dấu ấn và bản thân các cán bộ quản lý, nhân viên tại Sacombank hiện nay vẫn còn kế thừa.
Khi đó, Sacombank là đơn vị tiên phong duy nhất phát hành cổ phiếu đại chúng và nhận được số lượng cổ đông đại chúng quan tâm nhiều nhất. Trong thời gian phát hành cổ phiếu đại chúng, đã có gần 9.000 cổ đông tham gia từ những năm 1996. Tôi rất tự hào, trong số những cổ đông đó có những người đã gắn bó và làm việc với tôi cho tới tận bây giờ.
Sacombank đã phát hành thành công cổ phiếu đại chúng tại từng thời điểm có nhu cầu về vốn. Vì tích lũy thặng dư chưa có nên chúng ta phải chấp nhận giải pháp này.
Về nhu cầu vốn phục vụ hạ tầng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, chúng tôi đã làm hết sức trách nhiệm, say sưa, đầy hoài bão và “lăn lộn” xuống từng cơ sở. Khi nói về quá khứ cùng một số anh em lãnh đạo, chúng tôi rất tự hào khi đã xây dựng được việc cho vay phân tán. Đó chính là cơ sở để đưa vốn về từng địa bàn, tránh tình trạng cho vay nặng lãi. Cứ như vậy, các hành động vì cộng đồng và phát triển địa phương của Sacombank tiếp theo chính là điện khí hóa nông thôn trong giai đoạn 1990 – 1994, lấy Củ Chi và Hóc Môn làm điểm, gắn đồng hồ điện cho tất cả các hộ gia đình. Chúng tôi làm việc với điện lực và lắp điện đến từng xã, họ mừng lắm.
Thứ ba, xây dựng sân phơi lúa và cho nông dân vay phân tán theo đề án.
Thứ tư, cho giáo viên vay vốn thông qua Phòng Giáo dục.
Thứ năm, triển khai cho các tiểu thương ngoài chợ vay vốn rất thành công. Có thể nói tới giờ phút này, tôi nghĩ 80% tiểu thương là khách hàng của Sacombank, và 70 – 80% giáo viên là khách hàng của Sacombank.
Có thể khẳng định rằng, Sacombank là ngân hàng tiên phong thành lập tổ chức tín dụng ngoài địa bàn; Ngân hàng đầu tiên tiếp nhận nguồn vốn vay từ các định chế tài chính quốc tế; Ngân hàng niêm yết cổ phiếu đầu tiên…
- Có câu chuyện nào về việc cho giáo viên vay vốn mà ông ấn tượng không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi còn nhớ câu chuyện, ngày mai giải ngân cho 200 giáo viên ở TP. Mỹ Tho vay vốn tại Phòng Giáo dục tỉnh Tiền Giang thì chiều hôm trước, tôi nhận được thư hỏa tốc của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tiền Giang không cho Sacombank giải ngân. Tôi thật sự bất ngờ và cảm thấy, đúng là trong quá trình hội nhập, mở cửa của nền kinh tế thị trường thì có những rào cản mà chúng ta đừng vội nản chí.
Tôi quyết định cho thuê 4 xe buýt xuống Phòng Giáo dục tỉnh Tiền Giang chở hết giáo viên về Hội sở và giải ngân. Đi đường, mỗi giáo viên được Sacombank tặng một ổ bánh mì và chai nước. Chúng tôi giải ngân tại TP.HCM và tôi nói, nếu ai lên lập biên bản tôi sẽ chịu trách nhiệm. Sacombank muốn giáo viên có cơ hội vay vốn để cải thiện đời sống. Sau đó, tôi có báo cáo câu chuyện này với ông Lê Đức Thúy, khi đó là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và trong vòng 1 ngày, Sacombank nhận được Công văn số 05 khẳng định, việc ngân hàng cân đối mở rộng việc cho vay phân tán ở mức quản lý được.
Có nhiều minh chứng để thấy rằng, trung gian tiền tệ có ý nghĩa rất lớn cho xã hội. Bản thân tôi và lãnh đạo Sacombank lúc bấy giờ rất tâm huyết và nhiều hoài bão. Bởi ngân hàng là trung gian thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu ngày hôm nay tôi mở phòng giao dịch tại xã, huyện nào đó thì lập tức tôi nhận tiền gửi ngay, và khi đó đồng nghĩa với việc tạo thu nhập cho chính số tiền nhàn rỗi đã gửi. Tôi phát biểu trước Ngân hàng Nhà nước rằng, còn nợ Chính phủ về vấn đề kinh tế tiền mặt. Lúc đó, tôi nhớ chưa được 15 triệu tài khoản thì phải khuyến khích mở phòng giao dịch, chi nhánh tương ứng với năng lực và số vốn có sự kiểm soát, chứ nếu ngăn cản không cho mở thì là điều sai lầm.
Bởi Ngân hàng nhận tiền gửi, tiền nhàn rỗi sẽ tạo ra thu nhập tại chỗ. Ngân hàng nhận của bác Năm, bác Sáu thì mình cho bác Bảy, bác Tám vay, để thúc đẩy cơ sở sản xuất và kinh tế của địa phương.
Tôi nhận thức ra vai trò quan trọng của trung gian tiền tệ và tôi thuyết phục được HĐQT ủng hộ việc Sacombank cần nhanh chóng có mặt ở những địa bàn, tỉnh thành có điều kiện phục vụ.
Đến thời điểm cuối năm 2011, đầu 2012, Sacombank đã có khoảng 147 phòng giao dịch trên 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, và chúng tôi cũng chuyên nghiệp hóa bằng thể chế tài chính phi ngân hàng để đi tới phục vụ cho thị trường vốn, thị trường tài chính đúng nghĩa.
- Ông đã tiên phong đi vào thị trường vốn như thế nào?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Chúng tôi thành lập công ty quản lý quỹ đầu tiên của Việt Nam, liên doanh hợp tác với Dragon Capital Management – Dragon Capital là công ty quản lý quỹ đầu tư của Anh Quốc. Tôi là Chủ tịch đầu tiên của Công ty Quản lý Quỹ VFM. Chúng tôi thành lập công ty kiều hối, công ty vàng bạc đá quý, công ty logistics, công ty bất động sản... để phục vụ người dân.
Chúng tôi cho ra đời Tập đoàn tài chính Sacombank (2008). Trong quá trình đó, tôi gặp phải nhiều khó khăn thách thức chứ không chỉ có thuận lợi. Năm 1997, khủng hoảng tài chính ập đến, nhưng lúc đó mức độ hội nhập chưa sâu rộng nên sự ảnh hưởng không lớn. Nhưng đến cuộc khủng hoảng năm 2008, sự ảnh hưởng rõ rệt hơn. Tôi cùng với doanh nghiệp, khách hàng và cùng với Chính phủ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chính quyền địa phương kiên cường vượt qua.
Hoài bão và mong muốn của tôi là thực hiện chiến lược phát triển Sacombank trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Nhưng rất tiếc, bản thân tôi không thực hiện được. Tôi đã gửi lời xin lỗi tới cổ đông khi phải chuyển giao Sacombank cho một nhóm lợi ích không chuyên nghiệp. Tôi đã không thể thực hiện được hoài bão đó.
- Thưa ông, thời điểm đầu của đổi mới, đầu tư vào ngân hàng không phải là ai cũng dám, ai cũng mạnh mẽ và quyết liệt bởi đầu tiên phải cần vốn lớn, thứ hai phải dám mạo hiểm vượt qua được những khó khăn về thể chế và thứ ba phải tạo ra sự đột phá. Nhậm chức Chủ tịch Sacombank khi mới 35 tuổi, ông có cảm thấy áp lực không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Thật sự, tôi nhận ra những áp lực khi mình còn trẻ, nhưng hoài bão cuốn hút mình làm việc để quên đi áp lực. Nhiều khi biết là nguy hiểm, rủi ro nhưng với cái tâm và trách nhiệm của mình thì sẽ vượt qua được.
Tôi rời Sacombank cuối năm 2011. Lúc đó, tổng tài sản của ngân hàng đã lên tới 7 tỷ USD, lợi nhuận hằng năm trên 4 ngàn tỷ đồng. Không chỉ riêng tôi mà toàn thể cán bộ nhân viên của Sacombank đều rất tự hào về thành quả đó.
Với vai trò là doanh nhân lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, tôi luôn muốn cán bộ, nhân viên của mình, dù là một tạp vụ, bảo vệ cho tới cán bộ cấp cao, đều sống có lý tưởng và hoài bão. Tôi muốn mọi người thấy được sự đóng góp hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng và hằng năm của mình.
Tôi luôn luôn trân quý họ, coi họ là những viên gạch trong tòa nhà mà tôi dành tâm huyết cả đời mình để xây dựng. Họ phải nhận ra được sự cống hiến, đóng góp ở từng vị trí nhất định, để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Đó là phương pháp quản trị của tôi.
Tôi nuôi dưỡng và đưa ra một câu Slogan: “Ngày nhanh, năm chậm”. Thời gian không bao giờ là đủ. Khi có niềm tự hào và khát khao sống cùng một tổ chức, nhân viên sẽ cống hiến trong tuổi thanh xuân của họ, quên đi những áp lực mà họ đang phải đối diện. Đó cũng là cách để tôi vượt qua áp lực.
- Nhiều người nói ông là nhà tài chính… trở thành “nhà nông” nhưng sự thực thì không phải. Vốn dĩ ông đã là “nhà nông” khi sáng lập và điều hành TTC từ 42 năm trước. Sau khi rời Sacombank, ông đã vượt qua những khó khăn như thế nào để gây dựng nên “đế chế” TTC như ngày hôm nay?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi vốn là lãnh đạo chính của tổ hợp sản xuất cồn Thành Công, sau là TTC. Khi chuyển qua ngành tài chính, tôi giao lại cho gia đình phát huy ngành nghề truyền thống dựa trên nền tảng tôi đã xây dựng.
Tới khi tôi quay lại, TTC tập trung ưu tiên đầu tư vào những danh mục có ý nghĩa đối với nền kinh tế, đó là mía đường – ngành nghề truyền thống nhưng có cơ hội rất lớn trong xu thế hội nhập quốc tế.
Trước khi có Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), tôi cũng lo lắng và cảm thấy có điều gì đó chạm tới sự tự ái của doanh nhân Việt Nam. Giống như khi tôi làm ở Sacombank, Việt Nam hội nhập WTO, và tôi nhận được câu hỏi: “Ông đã chuẩn bị gì chưa?”.
Chúng tôi đã là doanh nhân thì còn phải chuẩn bị gì nữa?! Mình phải đương đầu chứ! Còn nếu đến lúc đó mà chưa chuẩn bị để cạnh tranh thì sẽ chết ngay từ trong trứng. Ví dụ, bán vải thì phải đi vào chợ vải chứ không thể vào chợ cá. Không có cạnh tranh không có phát triển – Không có thi đua thì không có tiến bộ. Nếu ai chưa hiểu đúng về khái niệm cạnh tranh, thì đó chưa phải một doanh nhân đúng nghĩa.
Đến giờ này, TTC cũng đã khẳng định được vị trí của mình và đang đứng vững vàng để có thể tự hào về ngành mía đường Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. TTC hằng năm đều cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện cho từng sản phẩm để phục vụ cho thị trường nội địa và thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi mua lại một nhà máy đường của Hoàng Anh Gia Lai, chuẩn bị tiếp nhận và vận hành thêm một nhà máy đường của Campuchia do tập đoàn Ấn Độ đầu tư thất bại. Chúng tôi tạo ra “kiềng ba chân” ở Đông Dương, có vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp ngược về cho thị trường Việt Nam, giảm thiểu lệ thuộc và từng bước mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi đầu tư hoàn toàn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế. Chúng tôi đa dạng hoá các loại hình năng lượng tái tạo như thuỷ điện, điện mặt trời và điện gió, đặc biệt là điện sinh khối mà mía đường vừa là nhu yếu phẩm phục vụ nền kinh tế, còn bã mía lại là nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiệt điện. TTC tự hào là đơn vị đóng điện thương mại đầu tiên ở Phong Điền, Thừa Thiên – Huế, với công suất 48 MWp.
Chúng tôi phân bổ đầu tư tại nhiều tỉnh chứ không tập trung, mỗi tỉnh nhiều nhất là 100 MW bởi tính đồng bộ đường truyền tải chưa cao. Hiện nay, ngành năng lượng TTC đang sở hữu 15 nhà máy thủy điện với tổng công suất vận hành gần 150 MW; 9 nhà máy đồng phát nhiệt điện với tổng công suất hơn 150 MW. Hệ thống Điện mặt trời đang triển khai với tổng công suất 350 MWp. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực điện gió với danh mục khoảng 500 MW.
Ngoài ra, TTC còn đầu tư mạnh về du lịch. Bước đầu, du lịch đã tạo nên thương hiệu cho TTC dù hai năm qua chưa triển khai mạnh (vì đại dịch), nhưng chúng tôi đang sở hữu những điểm du lịch hấp dẫn như: TTC World – Thung lũng Tình yêu (trái tim của Đà Lạt); TTC World – Tà Cú (khu du lịch Tâm linh có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 49m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi được tổ chức Sách kỷ lục Châu Á xác lập kỷ lục “Tượng Phật dài nhất trên đỉnh núi”), đón hơn 2 triệu lượt khách/năm.
Với mảng lưu trú, TTC sở hữu 12 khách sạn – resort, tiêu chuẩn 3 đến 5 sao, với gần 1.200 phòng ở tiện nghi, ở những vị trí đắc địa như: Huế, Hội An, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ, TP.HCM... Và 2 trung tâm hội nghị, 4 nhà hàng có sức chứa hơn 6.000 khách.
Tiếp theo, trong lĩnh vực bất động sản dân dụng, khởi đầu từ một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ bất động sản vào năm 2004, hiện tổng quỹ đất của TTC Land hơn 1.875ha, tạo ra 14.000 sản phẩm, với hơn 20 dự án. Một số dự án tiêu biểu, như: Panomax River Villas, Jamona City, Jamona Golden Silk, TTC Plaza Đức Trọng, TTC Plaza Đồng Nai, TTC Plaza Tây Ninh, Charmington Tamashi, Carillon 7…, đã giúp lĩnh vực bất động sản của TTC khẳng định thương hiệu, chất lượng, dịch vụ.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích tận dụng bộ máy hiện hữu, phát triển thêm các dự án mới, giúp tăng nguồn lực kinh doanh, đa dạng hóa nguồn sản phẩm dịch vụ, tăng tiện ích cho khách hàng, tháng 7/2020, TTC đã sáp nhập Công ty CP Khai thác và Quản lý Khu công nghiệp Đặng Huỳnh và Công ty CP Khu công nghiệp Thành Thành Công để thành lập Tổng Công ty Bất động sản Công nghiệp Thành Thành Công. Chúng tôi sở hữu Khu công nghiệp Thành Thành Công, Cụm Công nghiệp Tân Hội tại Tây Ninh, Khu công nghiệp Tân Kim Mở Rộng tại Long An với tổng diện tích đất sở hữu lên đến gần 1.000ha.
Ngoài ra, TTC có dự án lớn cùng với chính quyền TP. Phú Quốc đưa cảng logistics đầu tiên đi vào hoạt động. TTC đang cùng chính quyền Phú Quốc lập những kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì mật độ dân cư Phú Quốc tăng theo cấp số nhân nên cần phải có khu công nghiệp, kho trữ lương thực, khi thời tiết xấu hoặc có yếu tố bất thường thì có thể ứng phó. Được sự hỗ trợ tận tình của lãnh đạo TP. Phú Quốc, TTC đã hành động nhanh gọn để có cảng container đầu tiên và đã hoạt động được hơn 3 tháng ổn định.
Những danh mục TTC đầu tư đều mang ý nghĩa lớn. Ngoài mía đường, chúng tôi có nhà máy Thành Thành Công tại thủ phủ dừa Bến Tre – là nhà máy chế biến sữa dừa, nước dừa đóng hộp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây đều là những sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với sức khỏe người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm, xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính, như: Mỹ, Anh, Đức, New Zealand, Hàn Quốc....
- Khổng Tử, nhà triết học vĩ đại nhất của phương Đông, có câu: “Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại. Việc đi chậm hay đi nhanh không quan trọng bằng việc bạn nỗ lực ra sao. Chỉ cần ý chí luôn không ngừng tiến về phía trước chắc chắn bạn sẽ đến được đích cần đến”. Sự thực thì ông mất bao lâu để có thể trở lại và dẫn dắt TTC phát triển mạnh mẽ như vậy?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Đã có thời gian khi gặp phải biến cố khiến bản thân cảm thấy không làm tròn sứ mệnh mình đang đeo đuổi, thực sự tôi đã rất suy sụp. Và tôi đã tịnh tâm để chiêm nghiệm, tìm cho mình sự thanh thản trở lại. Tuy nhiên, chính sứ mệnh và ý chí của doanh nhân, cùng đội ngũ cán bộ đang ngày đêm cống hiến là động lực thôi thúc tôi mạnh mẽ, làm sao để làm tốt nhất việc mình đang làm, từ việc làm tốt đến việc cống hiến và giờ đây là xây dựng thương hiệu Việt với các kế hoạch, mục tiêu thực sự cụ thể, như: Mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, dự án logistics tại Phú Quốc được tiến hành…
Để làm được điều đó, cần đến tinh thần doanh nhân. Đây là cơ hội tuyệt vời để khẳng định bản lĩnh và chứng minh những đóng góp của giới doanh nhân với đất nước.
Gần đây, Đảng và Nhà nước đã công nhận vai trò động lực của kinh tế tư nhân. Riêng tại TP.HCM, kinh tế tư nhân chiếm trên 60% GDP, cả nước cũng xấp xỉ trên dưới 50%. Cộng đồng doanh nhân là lực lượng chủ đạo tự tin hội nhập sâu rộng, trên tinh thần phát triển bền vững, vì quốc gia, dân tộc. Và muốn phát triển bền vững thì bản thân doanh nhân phải tự hoàn thiện mình. Với tôi, thất bại hay thành công là do chính bản thân mình.
Kinh tế thị trường rất nghiệt ngã. Quy luật đào thải lúc nào cũng có và nó không hề khoan nhượng với bất kỳ ai. Thậm chí, nhiều khi sự nghiệt ngã đó đến mà mình không có sự chuẩn bị, đó là nguyên tắc của kinh tế thị trường. Doanh nhân phải luôn chủ động chuẩn bị tất cả các khâu: Từ sản xuất đầu vào hay đầu ra, rồi nhân sự, tài chính, quản trị…
- Trong mấy năm đó, ông hay suy nghĩ điều gì nhất?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Thời gian tĩnh tâm chiêm nghiệm và có sự đồng hành của những người bạn, những cộng sự và gia đình... khiến tôi hiểu những nguyên nhân dẫn dắt đến biến cố.
Tôi hiểu rằng dù có những việc đã có thể làm tốt hơn, nhưng dù sao, không thể luôn luôn là sự trọn vẹn. Đáng quý nhất là những gì đã xây dựng, đã cống hiến thực sự mang lại giá trị cho cộng đồng xã hội. Và giờ đây, quan trọng hơn cả là thực tại, làm sao phát huy thời vận của doanh nghiệp từ những ngày tháng đã dày công gây dựng...
Tôi tin rằng, đó cũng là ý chí của các doanh nghiệp, doanh nhân nói chung. Và có như vậy, đất nước chúng ta mới có các thương hiệu Việt lớn mạnh và đầy tự hào.
- Giới kinh doanh đều biết đến những người con thành đạt của ông. Đó đều là những F2 đã tạo ra được nhiều ấn tượng trên thương trường. Quả thực trong kinh doanh, ông là một "đột biến gen", nhưng là một đột biến mạnh mẽ, có khả năng lan truyền tới đời con, đời cháu. Ông đã truyền cảm hứng cho các con mình như thế nào để họ có khát vọng cháy bỏng như vậy?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Quan điểm sống hay kinh nghiệm mà tôi thể hiện không chỉ cho nguyên gia đình mình, mà cho cả đội ngũ cán bộ cốt cán của TTC. Lúc nào tôi cũng cố gắng truyền ngọn lửa, lý tưởng sống cho họ. Đó là trách nhiệm của một công dân, của một thành viên trong gia đình, của một tổ chức và trong xã hội.
Muốn truyền được cảm hứng, trước tiên, tôi phải luôn gương mẫu. Người ta nói 30% thính giác (tai nghe), 70% là thị giác (tận mắt thấy) và phải chứng minh được bằng hành động của mình. Cũng có những điều người lãnh đạo cần hy sinh để đào tạo, dìu dắt các thế hệ trong gia đình, từng bước kế thừa sự lãnh đạo tập đoàn và chăm chút cho những cán bộ ưu tú tại doanh nghiệp. Để trưởng thành, phải Rèn Đức – Rèn Tâm – Luyện Tài, Điều hành bằng Trí óc – Dẫn dắt bằng con tim.
Mặc dù tôi nghiêm khắc nhưng luôn quan tâm, rèn giũa các con của mình từ những điều nhỏ nhất. Các thói quen sum vầy trong bữa trưa gia đình, không vắng mặt một thành viên nào vẫn được duy trì suốt bao nhiêu năm qua. Đây chính là thời gian để các thành viên quây quần, chia sẻ về công việc và cuộc sống. Phải tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để nhắc nhở những điểm cần điều chỉnh cho con mình. Tôi chia sẻ bằng những lời động viên, cổ vũ, để các con, các em mình nhận thức ra vấn đề.
Tôi nghiêm khắc với con mình và các anh em cán bộ trong công ty, bởi tôi quan niệm họ là những người đi theo tôi suốt cuộc đời. Họ là những người thân bên cạnh tôi chứ không phải những người lướt qua nhau. Nếu là những mối quan hệ xã giao thì tôi không hề nghiêm khắc và nếu nhắc nhở cũng không có nhiều ý nghĩa. Những người tôi cho là cơ hữu, cốt cán, đặc biệt là thành viên máu mủ trong gia đình thì sự nghiêm khắc là cần thiết, để mọi người hoàn thiện hơn và sống hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Có một câu nói rất đơn giản nhưng khiến tôi suy ngẫm: “Mỗi ngày được ăn những món ăn mà mình yêu thích, gặp gỡ những người mà mình yêu thương, và làm những công việc mà mình mong muốn thì đó là hạnh phúc”. Dịch bệnh phải giãn cách xã hội thế này, nhiều người thân không gặp được nhau mà phải sống xa cách. Nhiều người cũng không được làm việc mà mình thích. Khi đó, chúng ta mới thấy nhớ những tháng ngày bình thường biết bao.
- Dù sao thì khi nhìn vào các con của ông có thể thấy, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Ông nhận xét ra sao về các con của mình và kỳ vọng gì vào sự nối nghiệp ông trong tương lai?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội và có sứ mệnh là thế hệ đi trước nên cần truyền lại kiến thức, kỹ năng cho các bạn trẻ. Mặc dù bây giờ, doanh nhân trẻ có cơ hội tốt hơn nhiều so với thời của chúng tôi, nhưng áp lực cũng không nhỏ. Họ phải đối diện trực tiếp với môi trường khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, nên nếu như không được trang bị hành trang tốt, sẽ rất dễ gục ngã. Các bạn trẻ cần tích lũy kiến thức và kỹ năng để ít nhất có thể tồn tại. Đừng nản chí, đừng vội vàng làm việc lớn mà phải xây dựng từ cơ sở nhỏ rồi đi lên dần dần.
Còn riêng đối với các con tôi, dù tất cả đều nhận được sự ảnh hưởng nhất định về tố chất kinh doanh từ tôi và vợ tôi, nhưng quan trọng hơn cả đó là sự giáo dục và môi trường của gia đình. Các con tôi hiểu được những nỗ lực của ba mẹ, những thăng trầm trong sự nghiệp của gia đình để có được ngày hôm nay. Chính từ cội nguồn đó, mà trên cả phương diện doanh nghiệp và xã hội, tôi và vợ mình đều cảm thấy rất yên tâm về sự điều hành và cống hiến của các con mình.
Cùng gánh vác những ngày đầu đầu khởi nghiệp với vai trò nhà thương mại, rồi qua đến sản xuất và xây dựng cơ nghiệp với việc định hình, tổ chức lại các doanh nghiệp tham gia từ quá trình cổ phần hoá... cho đến tận bây giờ, ở vai trò điều hành TTC và Chủ tịch Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Sugar), vợ tôi vẫn luôn bền bỉ chia sẻ và gánh vác các công việc lớn nhỏ. Chính sự tận tâm này và tâm huyết của hai vợ chồng đã định hình nếp suy nghĩ, dẫn dắt hành động cho các con và hy vọng sau này là các cháu. Tôi thực sự hạnh phúc và trân trọng nền tảng gia đình.
Con trai cả của tôi – Đặng Hồng Anh hiện đang là Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư DHA, điều hành về mảng bất động sản, du lịch. Ngoài ra, Đặng Hồng Anh cũng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, là người năng nổ, nhiều ý tưởng và đạt được các thành tựu được xã hội và cộng đồng doanh nhân ghi nhận.
Con gái thứ của tôi – Đặng Huỳnh Ức My đang là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre, điều hành nhà máy chế biến nước dừa, sữa dừa từ nguồn vốn trong nước đầu tiên và có quy mô lớn nhất Việt Nam. Nước dừa trước đây chỉ làm nước màu (nước hàng), nhưng giờ TTC đóng chai sữa dừa xuất khẩu và khách hàng đã quen dần với sản phẩm này. Thậm chí, con gái tôi còn đang nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm từ nước dừa. Ngoài ra, Đặng Huỳnh Ức My còn là Phó Chủ tịch Thường trực TTC Sugar, doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam với 46% thị trường nội địa.
“Cậu tư” của tôi – Đặng Huỳnh Anh Tuấn mới lập gia đình và phụ trách Công ty CP Năng lượng TTC. Bạn ấy là người hiền hòa và khởi nghiệp dũng cảm.
“Cậu út” của tôi – Đặng Huỳnh Thái Sơn đang nghiên cứu về sản xuất bánh mì và tôi rất tin vào sản phẩm này. Thái Sơn có phương pháp tiếp cận vấn đề tốt và rất chăm chỉ. Mặc dù dịch bệnh nhưng thương hiệu bánh mì Big Belly đã khai trương vào ngày 6/8 vừa rồi.
Tôi cảm nhận được các con của tôi có những áp lực về xu thế, về thời đại và cả áp lực từ phía gia đình. Gia đình tôi đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn và đã có những trải nghiệm để đời, nên tôi dặn các con mình phải luôn luôn giữ đạo đức, uy tín. Tôi tin các con mình đã làm tốt điều đó. Còn năng lực thì khó đòi hỏi bởi đó còn là thiên phú, nhưng chắc chắn phải rèn luyện và tích lũy. Vì đã trải qua lứa tuổi của các bạn ấy nên tôi biết tuổi trẻ sẽ có đôi lúc nóng vội, muốn thể hiện bản thân, vì thế nên cha mẹ cần nhắc nhở, kèm cặp, động viên. Không ai làm điều đó tốt hơn những người thân trong gia đình, bởi ở đó có sự thấu hiểu, sẻ chia và bao dung.
Tôi khá yên tâm về các con của mình và vợ chồng tôi cũng sẽ chuyển giao vị trí quản lý, điều hành tại TTC vào một thời điểm thích hợp, để các con có sân chơi đủ rộng thể hiện mình.
- Ông là người đứng đầu Tập đoàn, có bao giờ tư duy, quyết định của ông xung đột với các con không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Đó là chuyện thường ngày ở huyện mà! (cười lớn)
Trong phương pháp quản lý, tôi khuyến khích phản biện và cho tranh luận thoải mái. Để đi đến thống nhất và ra được quyết định, thì cần có quá trình thảo luận để các thành viên đều được giải tỏa tâm lý và cảm xúc. Người quản lý cần tạo mọi điều kiện để các thành viên nói ra suy nghĩ của mình. Đây là phương pháp mà tôi luôn áp dụng.
Tất nhiên, khi có sự bất đồng lớn thì phải dùng quyền uy của bản thân tôi để ổn định trật tự, và phải dựa trên những kinh nghiệm từng trải và tầm nhìn mà may mắn tôi có được. Mỗi người đều có góc nhìn và quan điểm kinh doanh khác nhau. Cho nên, tôi có đưa ra định nghĩa về tầm nhìn – là nhìn thấy những gì người khác chưa thấy. Ví dụ, hai doanh nhân cùng chạy đua với nhau trong một thương vụ nhưng ai có tầm nhìn thì người đó thắng.
Tôi thấy các chuyên gia đều có khái niệm về tầm nhìn 5 – 10 năm, như giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Nhưng nếu nói quá cao xa như vậy thì các bạn trẻ start-up sẽ bị “tẩu hỏa”. Mình chỉ cần đưa ra khái niệm đơn giản thôi. Như bản thân tôi và kiến trúc sư khi nhìn vào một mảnh đất sẽ có hai góc nhìn khác nhau. Còn những doanh nhân lỗi lạc sẽ có tầm nhìn thiên phú, và cái này không có công thức chung để chia sẻ. (cười)
- Khi ông gặp phải sóng gió, các con của ông phản ứng ra sao?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Có nhiều khái niệm về thất bại. Với người khác, thất bại là một cái gì đó lớn lao còn với riêng tôi, trong quá trình lãnh đạo và phát triển doanh nghiệp thì điều đó rất bình thường.
Hằng tuần, hằng tháng chúng ta đều có những thất bại. Khi không hoàn thành mục tiêu, nghĩa là thất bại rồi. Điều quan trọng là phải nhìn vào thất bại để thấy được những bài học. Đối với các con của tôi cũng không ngoại lệ. “Càng cao danh vọng, càng dày gian nan”. Nhưng nguyên tắc là phải thường xuyên rút kinh nghiệm.
Cần phải có sự động viên vì các bạn trẻ bây giờ chưa đủ trải nghiệm, dễ gặp áp lực mà không biết cách vượt qua. Hãy nhìn thất bại là điều bình thường. Khi một kế hoạch thất bại thì phải tìm hiểu lý do, phải trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm sau mỗi lần như thế. Thất bại là sự trưởng thành của mỗi con người. Đừng để lãng phí những thất bại!
- Các con của ông có truyền cảm hứng ngược lại cho ông không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Có chứ, rất nhiều. Không biết là bà xã tôi có cảm nhận được không, nhưng đôi lúc tôi còn nhận thấy các con mình đã hơn mình. Có nhiều việc các bạn ấy đã làm được nhưng tôi chưa làm được. Nhưng tổng thể lại thì các con tôi vẫn còn cần thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình và cần có sự dẫn dắt, chia sẻ từ cha mẹ.
Tôi nghiên cứu những tập đoàn gia đình trên thế giới và nhận ra rằng, muốn vượt qua được trở ngại, gây dựng nên những tập đoàn trường tồn qua nhiều thế hệ, thì phải có sự nghiêm khắc. Những doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Thái Lan… đa phần đều lớn mạnh lên từ gia đình.
- Con trai ông, anh Đặng Hồng Anh từng chia sẻ rằng, bài học quan trọng nhất sau biến cố là càng trân trọng gia đình mình nhiều hơn. Chưa bao giờ anh ấy cảm nhận gia đình mình mạnh mẽ như thế. Gia đình có ý nghĩa ra sao với quá trình vượt khủng hoảng và tạo nên thành công trong sự nghiệp kinh doanh của ông?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Một doanh nhân thành đạt là người thực hiện tốt mục tiêu của mình, nhân viên và đối tác kinh doanh muốn được làm việc cùng anh ta, khách hàng thích sản phẩm của anh ta và trong cuộc sống cá nhân, anh ta có một gia đình hạnh phúc.
Thật sự, gia đình quá thiêng liêng và là chỗ dựa tuyệt đối của tôi. Khi ta vui hay ta buồn đều có thể chia sẻ với gia đình của mình. Vậy nên, phải trân quý gia đình. Không có gì hạnh phúc bằng người bạn đời cũng là người cộng sự, cùng tôi gây dựng nên TTC từ một cơ sở kinh doanh cồn với số vốn 100 triệu đồng. Tôi luôn vững chãi vì có vợ mình cùng lo toan gánh vác – một người phụ nữ đầy bản lĩnh, theo đuổi triết lý: “Sống là phải đam mê và có những giấc mơ lớn”.
Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi càng thấm hơn về tình đồng đội, tinh thần chia ngọt sẻ bùi tại đại gia đình TTC. Tôi cũng đang định viết một cuốn sách về đại gia đình TTC. Trong giai đoạn này, cần phải động viên, cổ vũ, chia sẻ nhiều hơn. Mỗi thành viên của gia đình phải nhận thức được sự thiêng liêng từ chỗ dựa vững chắc nhất của cuộc đời, từ gia đình nhỏ tới gia đình lớn.
Với biến cố của cuộc đời tôi, tôi nhận ra liều thuốc để chữa trị tâm bệnh là từ gia đình.
- Người xưa có câu: “Đi buôn có bạn, đi bán có phường”. Khi ông và gia đình gặp khó khăn, có mối quan hệ nào là chỗ dựa đáng tin cậy, không ngần ngại hy sinh quyền lợi để giúp đỡ ông không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Trong cuộc sống, ngoài gia đình còn có những người bạn tri kỷ. Đội ngũ cán bộ cốt cán của TTC quan trọng vô cùng. Họ là chỗ dựa, là người tạo cho tôi niềm tin vào tương lai. Khái niệm và sự đối đáp với bạn bè tri kỷ, cộng sự của tôi đều rất rõ ràng. Còn về chuyện “đi buôn có bạn, đi bán có phường” là điều hiển nhiên trong kinh doanh.
- Năm 2016, ông từng chia sẻ với báo giới rằng: Doanh nhân – chiến sĩ thời bình không được phép thất bại, vì “thân bại thì danh liệt”. Phải điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim. Biến cố đã đem lại cho ông điều gì?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi đã trải qua những biến cố, thăng trầm trong cuộc sống và công việc.
Bạn nhìn vào cây mía có thể thấy có nhiều đốt. Đấy là những chỗ có chữ đường thấp nhất. Qua mỗi đốt, mía lớn lên. Cũng chính từ những nơi đó lại mọc ra những chồi non mà khi trồng xuống đất sẽ phát triển thành cây mới.
Có thể dùng cây mía để minh họa cho cuộc đời tôi. “Lóng mía” là giai đoạn tôi tích lũy và phát triển kinh doanh thuận lợi. “Đốt mía” là lúc tôi gặp khó khăn, khủng hoảng.
Tôi quan niệm, đã là doanh nhân, đã lãnh đạo doanh nghiệp thì phải có “trách nhiệm với tồn tại”.
Bởi đã là doanh nhân thì mang theo biết bao kỳ vọng của gia đình, của đội ngũ cán bộ đang tin tưởng vào bản thân mình, vào doanh nghiệp mình. Quan trọng hơn nữa là với sự tín nhiệm của khách hàng, của các cơ quan Nhà nước nên doanh nhân phải luôn tồn tại. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải đối diện, cố gắng để tồn tại và muốn tồn tại được thì phải có nhận thức, phải kiểm soát được tình hình và phát triển không ngừng để đem lại hiệu quả. Khi nào doanh nhân thỏa mãn được những mong muốn của khách hàng, của các cơ quan quản lý thì khi đó, doanh nhân mới sống một cuộc đời có trách nhiệm.
Đã sống một cuộc đời doanh nhân nên phải có trách nhiệm để tồn tại!
- Ông nhìn nhận ra sao về những cuộc khủng hoảng kinh tế mình đã trải qua và TTC xoay xở như thế nào trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Suốt hơn 42 năm trong đời doanh nhân của mình, tôi đã trải qua từ thời kỳ bao cấp đến cơ chế thị trường và tự rút ra: Cứ chu kỳ trên dưới một thập niên đều có quy luật đào thải. Không biết đó có phải là sự trùng hợp hay không.
Năm 1997 có cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á (Thái Lan, Hàn Quốc... khó khăn vô cùng nhưng Việt Nam ảnh hưởng không lớn do mới chỉ mới bắt đầu hội nhập).
Sau 10 năm, tức là giai đoạn 2007 – 2008 lại xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ tài chính toàn cầu gây suy thoái kinh tế. Lúc này, tôi đang giữ chức Chủ tịch Sacombank và khi đó, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng nên mức độ ảnh hưởng là không nhỏ, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đồng hành của Chính phủ nên đã vượt qua.
Thời gian vừa rồi, châu Âu có thiên tai, Trung Quốc gặp lũ lụt, cả thế giới đang đối diện với khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19.
Cuộc khủng hoảng lần này rất nặng nề với độ thấm dày và thời gian cũng kéo dài hơn, từ hình chữ U rồi chữ V chưa nhìn thấy chiều lên, thấm sâu xuống cả những người lao động phổ thông, cho đến tài chính, kinh tế và tất cả ngành nghề, lĩnh vực.
Nhìn lại chu kỳ của các đợt khủng hoảng đều thấy có sự tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, đặt doanh nghiệp vào thế phải chiến đấu để tồn tại và trong tình huống đó, doanh nghiệp nào kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì, không trách nhiệm với thị trường, với nhà đầu tư, nhân viên, với bản thân mình thì khó tồn tại trong kinh tế thị trường và phải bị đào thải.
Kinh tế thị trường chào đón tất cả mọi người nhưng không nhún nhường bất cứ ai. Và những đợt như thế này là đợt đào thải nhanh nhất. Như vậy mới là thị trường. Đặc biệt, nếu quản trị không đúng nguyên tắc thì chưa xảy ra chu kỳ khủng hoảng đã mệt rồi. Vì thế, luôn phải trong tư thế làm tốt, chuẩn bị và sẵn sàng.
Tôi cho rằng, trong thời đại 4.0 này, đó chính là hồi chuông để đánh thức nhân tâm và bản lĩnh của doanh nhân. Qua đợt dịch này, mọi người đều trân quý hơn cuộc sống, yêu thương gia đình, đồng đội và gắn kết hơn với cộng đồng.
Sự đào thải này cũng tạo ra cơ hội mới cho Việt Nam. Ví dụ như việc thay đổi thị trường, cung – cầu chính là cơ hội. Trước đây, chúng ta chỉ tập trung vào một quốc gia nào đó, đối tượng nào đó, thì bây giờ đi tìm những quốc gia khác, có nguồn cung phong phú hơn, chọn lựa nhiều hơn. Thị trường mình bán cũng mở rộng hơn. Đây chính là cơ hội của sự xáo trộn và sắp xếp lại mà chúng ta cần nắm bắt.
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng thay đổi sinh hoạt tập quán, loại hình kinh doanh và công nghệ bắt đầu phát huy hơn nữa qua thương mại điện tử. Cho nên, cụm từ tôi thích nhất là "bình thường mới" và trong giai đoạn bình thường mới, cơ hội cũng chỉ "ưu tiên" cho những người có nguyên tắc quản trị chuyên nghiệp.
- Qua những gì ông chia sẻ, tôi càng hiểu hơn về phương châm “điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim” của ông. Tôi nghe TS. Võ Trí Thành kể, ông giữ được cơ thể cường tráng lắm và là người có cảm hứng thì làm thơ, khi buồn, khi vui thì vẫn huýt sáo điệu nghệ và say sưa cất tiếng hát "Nổi lửa lên em"?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Đúng rồi. Phải cảm ơn anh Võ Trí Thành vì từ câu chuyện của anh ấy mà chúng ta mới có cuộc trò chuyện này. (cười)
Về câu chuyện thể dục, thể thao, nhiều khi đang chạy bộ trên đường, tôi cũng có cảm xúc tuôn trào và sáng tác một bài thơ. (cười)
Còn trong những thăng trầm của cuộc sống, âm nhạc luôn là người bạn tinh thần giúp tôi bình yên trở lại. Nói đến doanh nhân, người ta thường nghĩ rằng chúng tôi chỉ sống vì con số, rất đơn điệu. Nhưng theo tôi, doanh nhân mình cũng lãng mạn lắm. Vì âm nhạc làm cho mình gần gũi với mọi người hơn, giúp mình thư giãn, xả được mọi khó khăn… Tôi khuyên các bạn doanh nhân trẻ hãy đến với âm nhạc và coi đó là cơ hội giúp chúng ta thư giãn trong những thử thách liên tục của đời doanh nhân.
Tùy theo từng chủ đề mình chọn, trong những cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên TTC, tôi hay hát bài “Nổi lửa lên em”, như một cách để truyền cảm hứng, truyền lửa đến toàn đội ngũ. Còn những cuộc gặp bạn bè thân hữu tâm tình, tôi thích hát những bài về tình yêu, về niềm vui, về mùa xuân… Những bài hát nằm lòng với tôi vẫn là những ca khúc viết về tình yêu, giúp mình thổ lộ thông qua những ca từ mà người nhạc sĩ đã sáng tác về tình yêu Tổ quốc, tình yêu bè bạn, tình yêu đôi lứa…
Tình yêu gia đình vẫn là thước đo sâu thẳm nhất của con người, tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được hát cùng với bà xã, người mà mình yêu thương nhất. Và như một lẽ đương nhiên, các con của tôi lớn lên trong bầu không khí gia đình lúc nào cũng tràn đầy âm nhạc ấy, nên rất hạnh phúc khi được cùng cha mẹ hát một bài hát yêu thích nào đó. Các cháu đều yêu âm nhạc. Sự kết nối tình cảm trong gia đình thông qua những ca từ của bài hát kỳ diệu lắm. Với bạn bè tôi, âm nhạc cũng là sức mạnh cộng hưởng giúp cho tình bạn được thăng hoa…
Tôi cũng may mắn khi có hơi dày. Tôi nghĩ có thể do chịu khó chạy bộ nên tôi giữ được hơi tốt đấy. Chạy bộ là nền tảng của các môn thể thao mà!
Tôi quan niệm: “Sức khỏe, hạnh phúc, kiến thức” là những thứ không ai cho mình được, đều phải nỗ lực tự thân mà thành.
Tôi ý thức được việc phải luôn giữ gìn bản thân về sức khỏe, và coi đó là nguyên tắc nền tảng trong các nguyên tắc điều hành doanh nghiệp. Bởi lẽ, thân thể có khỏe mạnh, linh hoạt thì tinh thần mới sảng khoái, trí tuệ mới minh mẫn để đưa ra những quyết định sáng suốt. Một thân thể tráng kiện và một khối óc minh mẫn sẽ giúp cho chúng ta hiện thực hóa các kỳ vọng và ước mơ…
Mỗi người nên chọn cho mình một môn thể thao thích hợp. Mỗi tuần tôi đều kêu gọi cán bộ cốt cán của TTC chạy bộ cùng tôi khoảng 3 – 4km, coi như là buổi teambuilding.
Tôi muốn họ nhận ra được tầm quan trọng của sức khỏe và sống một cuộc đời có lý tưởng. Một đời sống không có sức khỏe là vô nghĩa!
Cũng giống như trong kinh doanh, tôi thường chủ động chọn sự vất vả, tự đặt thử thách cho bản thân bằng việc mặc áo mưa chạy bộ. Tôi đã chắt chiu được mấy trăm lít mồ hôi khi mặc áo mưa chạy bộ đấy. (cười lớn)
Khi bạn rèn luyện thể lực cũng chính là cách để rèn luyện tinh thần và ý chí để luôn sẵn sàng và chủ động trong mọi vấn đề. Trên 50 tuổi rồi thì bạn nên uống sữa bổ sung canxi 2 giờ trước khi đi ngủ. Mỗi ngày tôi đứng lên ngồi xuống đúng 20 lần, khiến cho thân hình dẻo dai hơn…
- Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông: “Không có việc lớn hay việc nhỏ, chỉ có làm tốt hay không tốt. Nếu nghĩ mình còn nhỏ, còn non mà tự ti, khúm núm thì không thể làm được gì”. Tư duy này chi phối ra sao đến công việc của ông?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Đó là câu tôi thường dùng để động viên các doanh nhân trẻ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu không có sự động viên thì các doanh nhân trẻ hay cán bộ, nhân viên của mình sẽ rất dễ bị nhụt chí.
Tôi thường chứng minh với các bạn trẻ về câu chuyện tôi đã đưa Sacombank, với số vốn gần 3 tỷ đồng, đứng trước sự cạnh tranh của các ngân hàng Nhà nước và trải qua bao nhiêu sóng gió của cơ chế, chính sách, thị trường nhưng vẫn tích lũy, kiên trì vượt khó và vươn lên trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam. Chính vì thế, không có chuyện lớn – nhỏ, mà chỉ có chuyện làm tốt hay không tốt mà thôi.
Không riêng gì kinh doanh, cả trong công tác tổ chức hay cuộc sống cũng vậy. Tôi luôn nói với cán bộ của tôi rằng, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đến khi mới chập chững lập nghiệp, mỗi khi nhận nhiệm vụ mới đã nghĩ rằng không phù hợp với năng lực của mình thì khó mà thành công.
Tôi muốn nói với thế hệ doanh nhân trẻ rằng, đừng nghĩ mình nhỏ hay mình lớn mà hãy cố gắng làm hết sức mình, làm tốt nhất việc của mình.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về bí quyết quản trị nhân sự mà ông đang theo đuổi?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Trước hết, cần phải có hoài bão của một doanh nhân. Là người trụ cột trong gia đình, mình càng phải ý thức được điều này. Phải trau chuốt ngôn từ, hành động, cho tới mỗi quyết sách phải hết sức cẩn trọng. Phải có sự trao đổi khi quyết định các công việc chung chứ không được độc đoán, chuyên quyền.
Bản thân doanh nhân hãy xây dựng nguyên tắc sống cho riêng mình, để tạo ra sự khác biệt và có đủ khả năng dẫn dắt một tập thể.
Là lãnh đạo, đừng tự mãn, tự phụ, cần tự tin nhưng không được tự cao, đừng bảo thủ và không cục bộ. Đặc biệt, không nên có tâm lý sợ thuộc cấp giỏi hơn mình.
Là doanh nhân, cần say mê công việc nhưng không nên say mê quyền lực...
Lúc nào tôi cũng dành thời gian trau dồi kiến thức. Tôi rất đam mê đọc sách và chia sẻ với mọi người những thông tin mình thu nhận được.
Tôi thực hiện phương pháp “mưa dầm thấm lâu” để các con, các cộng sự của mình nhận thức ra ý nghĩa trong công việc.
Thị trường lao động có sự cạnh tranh ác liệt. Với tôi, ở đó không có khái niệm nhân tài. Nhân tài có thể thuê mướn được nhưng hiền tài thì phải nuôi dưỡng. Có hiền tài trong nhà sẽ tốt cho xã hội.
Có hiền tài trong TTC sẽ góp phần phục vụ cho đất nước. Điều quan trọng nhất của người lãnh đạo là giữ người. Đặc biệt là để xây dựng thành văn hóa riêng của TTC thì khó gấp bội phần. Như hiện tại, dịch bệnh diễn ra phức tạp, cần phải có sự chăm sóc, ân cần hơn thường ngày để động viên, chia sẻ tới từng cán bộ, nhân viên.
Đặc biệt, thời điểm này chúng tôi đang lo việc tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch cho tất cả mọi người trong công ty. Lúc này không lo thì khi nào lo được. (cười)
Báo chí thường hay nhắc tới câu nói của tôi là: “Rủi ro chúng ta chuẩn bị được, chúng ta dự phòng được, thậm chí chúng ta kinh doanh được, ví dụ như dịch vụ bảo hiểm. Rủi ro của mọi rủi ro là con người và con người là tài sản vô giá của doanh nghiệp, nhưng họ không phải sở hữu của doanh nghiệp”.
Chúng ta có thể mua một chiếc xe đẹp, đồng hồ đẹp nhưng không mua được con người. Cho nên, chúng tôi có phương pháp đào tạo để nhân sự trở thành những con người mà họ mong muốn.
Người lãnh đạo giỏi là người đưa ra được nhiều mục tiêu và dẫn dắt mọi người làm theo.
Người lãnh đạo giỏi là hạt nhân của những người tài, phải có cấp dưới là những nhân tài thật sự, phải chỉ ra được người có thể thay thế mình làm tốt những công việc đã đề ra. Đỉnh cao của một doanh nhân phải là một nhà quản trị giỏi.
- Ông là người có kinh nghiệm trong công tác quản trị – điều hành trên hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Theo ông, khi bước vào kỷ nguyên số, “công thức” quản trị cho doanh nghiệp Việt là gì?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi các doanh nhân phải có khái niệm về quản trị số, kiểm soát số và điều hành số. Tôi có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cùng một số doanh nhân khác về vấn đề chuyển đổi số và mọi người đều khẳng định, đó là xu thế tất yếu và chúng ta cần chủ động.
Có thể nói công nghệ thông tin bây giờ như một giáo phái, tín đồ đông lắm. Ví dụ điển hình là mỗi người hiện nay đều có một vật bất ly thân là smartphone. Những doanh nhân nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ lạc hậu. Chúng ta có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 khiến tất cả phải nhận thức lại sức mạnh của thương mại điện tử.
Thương mại số, kinh tế số dựa trên nền tảng quản trị chuẩn mực, điều hành chuyên nghiệp, kiểm soát trách nhiệm. Tất cả quy chế, quy trình phải tinh gọn và hệ thống dùng công nghệ để vận hành. Khoa học công nghệ sẽ trở thành vật bất ly thân đối với các doanh nghiệp, doanh nhân.
Các doanh nghiệp cần phải có chiến lược, kế hoạch của từng thời kỳ, xây dựng ngân sách phù hợp, đồng bộ. Đầu tư về công nghệ tất nhiên sẽ tăng năng lực cạnh tranh, nhưng nếu không có quyết tâm, không hiểu rõ bản chất thì khi vừa đầu tư công nghệ, vừa giữ lại bộ máy cồng kềnh, kém năng lực sẽ tốn chi phí kép.
Tôi đang là Chủ tịch Câu lạc bộ Thương hiệu Việt. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và ổn định trở lại, tôi sẽ mở cuộc gặp gỡ để chia sẻ với các doanh nhân trẻ về câu chuyện chuyển đổi số. Chúng ta đang cần những diễn đàn để doanh nhân trẻ nhìn thấy được tính bức thiết của hội nhập kinh tế thế giới và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời đại ngày nay.
Các thế hệ doanh nhân trẻ phải có bản lĩnh bước ra toàn cầu. Thế hệ chúng tôi có thể thua các bạn về sử dụng công nghệ, nhưng nguyên lý về công nghệ thì không thể khẳng định ai hơn ai. Công nghệ khiến các lĩnh vực kinh doanh truyền thống gặp phải khó khăn thật sự. Nếu chậm chân trong cuộc cạnh tranh này, doanh nhân sẽ thất bại thê thảm.
- Trong 10 năm qua, TTC đã tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên gần 19.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 70.000 tỷ đồng. Từ một công ty đa ngành, ông dần gom lại còn các ngành chính là nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp và du lịch. TS. Võ Trí Thành và một số chuyên gia cho rằng, đây đều là những lĩnh vực then chốt, có nhiều cơ hội phát triển và là sự lựa chọn có trách nhiệm với quốc gia và xu thế phát triển của thời đại. Trong bối cảnh Covid-19, có nhiều tập đoàn trên thế giới đã đưa ra quyết định từ bỏ hẳn ngành nghề truyền thống từng đem lại đỉnh cao để chuyển hướng sang ngành nghề mới. Với TTC thì sao, thưa ông?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Từ nay đến năm 2025, chiến lược phát triển của TTC sẽ có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, danh mục đầu tư của TTC từ nông nghiệp, du lịch, năng lượng sạch và bất động sản (nhà ở, khu công nghiệp, logistics…) vẫn là xu thế của thời đại và không nằm trong quy luật đào thải.
Ngay như với bất động sản khu công nghiệp, tôi đang định hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha kho, và nhân viên say sưa với hoài bão đó. TTC phải có định hướng chiến lược để khơi gợi lý tưởng. Vì sống thiếu lý tưởng giống như nấu nồi canh không nêm nếm sẽ nhạt nhẽo lắm, nhân viên làm việc giống như robot.
Chúng tôi vẫn đang phát triển các lĩnh vực cốt lõi, kể cả trong thời dịch. Riêng với du lịch thì có khó khăn chung nhưng tôi coi đó là “khó khăn tích cực”. Du lịch là món ăn tinh thần. Tất cả những ngành nghề còn lại, TTC chuẩn bị để xuất quân với một tinh thần và khí thế mới.
Thời điểm này, cần khẳng định tinh thần và trách nhiệm của doanh nhân không được nao núng và sợ hãi. Tôi luôn tin tưởng vào lựa chọn của TTC.
- Đến giờ, dưới sự dẫn dắt của ông, TTC đã đưa ngành mía đường Việt Nam liên tục gặt hái những “trái ngọt”. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính những doanh nghiệp đầu đàn như TH, TTC đã tạo ra cuộc cách mạng cho ngành nông nghiệp Việt Nam – ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. TTC có thể trở thành một lực kéo để đẩy khu vực nông nghiệp – nông thôn của Việt Nam đi lên không, thưa ông?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Hiện cả nước chỉ còn chưa đến 30 nhà máy mía đường, giảm tới hơn 1/4 so với năm 2019 trở về trước. Có nhiều nguyên nhân khiến ngành mía đường Việt Nam tụt hậu so với thế giới, do sản xuất công suất thấp, quy trình sản xuất không khép kín, vùng nguyên liệu manh mún.
Riêng với ngành mía đường, chúng tôi rất tự tin. Sau nhiều năm là đối tác chiến lược, ở Việt Nam, TTC Sugar hiện đang là nhà phân phối duy nhất các thiết bị máy kéo, máy nông nghiệp của John Deere – thương hiệu cung cấp máy móc và thiết bị nông nghiệp hàng đầu từ Mỹ, được khẳng định 184 năm qua. Đây là dòng máy móc chất lượng cao, hoạt động hiệu quả trên mọi địa hình nhờ các tính năng ưu việt, vượt trội giúp tăng năng suất, tiết kiệm nhiên liệu.
Bên cạnh đó, John Deere sở hữu danh mục thiết bị cơ giới đa dạng, chất lượng hàng đầu thế giới cùng giá cả hợp lý, có đầy đủ phụ tùng thay thế chính hãng sao cho phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Đây không những là lực đẩy, mà còn là điển hình để thực hiện chương trình lớn của Chính phủ là cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.
Ngày xưa khi trồng mía, dùng máy cày được 3 tấc nhưng giờ tôi đã áp dụng công nghệ mới, máy cày trồng mía sâu 8 tấc, khám phá được dinh dưỡng dưới lòng đất, giữ độ đứng của cây mía và chống hạn hán vì giữ được nước tốt (15 – 20 ngày không có mưa cũng không sao).
Cũng nhờ tâm huyết với ngành mà TTC được đánh giá là một trong những nhà đầu tư chuyên nghiệp để Tập đoàn Bourbon của Pháp chọn chuyển giao sở hữu nhà máy đường hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, với hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất tiên tiến và hoàn toàn tự động theo tiêu chuẩn châu Âu – Công ty CP Bourbon Tây Ninh, tiền thân của TTC Sugar ngày nay.
Trước đây, một nhà máy đường chỉ hoạt động từ 3 – 3,5 tháng mỗi năm, nhưng nay nhà máy đường TTC hoạt động tới 10 tháng. Như vậy, giá trị khấu hao nhà máy được kéo xuống, lao động thêm việc làm. Lý do là TTC nhập thêm đường thô về chế biến ra những sản phẩm rất cạnh tranh.
TTC Sugar hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường Việt Nam với 46% thị phần nội địa. TTC Sugar không ngừng mở rộng mạng lưới bán lẻ, sản phẩm có mặt tại hơn 70.300 cửa hàng, 5.200 siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hơn 3.500 điểm bán và 4 đối tác tên tuổi trên sàn thương mại điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó, TTC Sugar cũng đẩy mạnh xuất khẩu và thành công trong việc đưa thương hiệu TTC Sugar tới tay người tiêu dùng ở 24 quốc gia, như: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore hay một số nước ở châu Âu…
Lũy kế niên độ tài chính 2020 – 2021, TTC Sugar đã tiêu thụ 1,16 triệu tấn đường, tăng 10% so với cùng kỳ và là năm thứ hai liên tiếp sản lượng tiêu thụ trên 1 triệu tấn. Ngoài ra, TTC Sugar còn huy động thành công hơn 3.000 tỷ đồng trên thị trường vốn để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Với vùng nguyên liệu đứng đầu cả nước có tổng diện tích gần 64.000ha, công ty đã mở rộng diện tích sang các nước Lào và Campuchia. TTC Sugar cũng đã sở hữu 8 nhà máy tại Việt Nam và 1 nhà máy tại Lào. Tổng công suất ép của 9 nhà máy đạt 37.500 tấn mía/ngày, tổng công suất đường sản xuất đạt 4.250 tấn/ngày, cùng ưu thế về công nghệ, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực chất lượng, thương hiệu TTC Sugar luôn tiên phong và tạo thiện cảm với khách hàng, bà con nông dân, đối tác trong và ngoài nước.
- Thưa ông, đâu là bí quyết để TTC chiếm lĩnh được thị trường mía đường?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi đã có sự chuẩn bị từ 6 – 7 năm trước. Khi đó, TTC nhìn thấy cơ hội và thông qua những hội thảo quốc tế, mời các chuyên gia và nông dân của Úc, Thái Lan, Trung Quốc… sang Việt Nam để đối thoại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, và từ đó mới đưa ra được khái niệm “thiết kế đồng ruộng”. Trên cơ sở đó, TTC mới từng bước ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, tiến tới cơ giới hóa nông nghiệp.
Niên vụ 2019 – 2020, TTC Sugar lần đầu tiên vượt mốc sản lượng tiêu thụ 1 triệu tấn đường. Từ đó thấy rằng, Việt Nam không phải là cường quốc về ngành đường nhưng lại xuất khẩu được một lượng đường đáng tự hào. Giống như Singapore, họ không có đường bay quốc nội nhưng vẫn là cường quốc về hàng không. Việt Nam không phải là cường quốc mía đường nhưng lại tham gia xuất khẩu đường với tỷ trọng lớn. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp mía đường phải tự mình thích nghi, nghiên cứu để đầu tư sản xuất ra những mặt hàng mà thị trường cần.
Tất cả không phải tự dưng mà có. Cần phải có tầm nhìn và hành động. Hàng chục năm nay, đích thân tôi đã đi đến từng hộ nông dân để tìm hiểu, nắm tình hình và thuyết phục họ. Triết lý hành động của TTC về việc hợp tác và làm giàu cho nông dân là: “Nông dân có lời, nhà máy có lãi”, đó là chân lý. Chúng tôi hợp tác với bà con nông dân ở những vùng nguyên liệu TTC Sugar có nhà máy như Tây Ninh, Phan Rang, Gia Lai… Nông dân chỉ có đất, còn lại TTC đầu tư, ứng vốn.
Với mức giá thu mua trung bình từ 860.000 – 1.000.000 đồng/tấn (cho mía có chữ đường 10 CCS) tại ruộng, tùy theo khu vực và vụ trồng, đảm bảo mức giá có lãi cho người nông dân, chính sách thu mua mới được ban hành của TTC còn cam kết giá bảo hiểm (mức giá thu mua tối thiểu) ba vụ liên tiếp, giúp cho người trồng mía có thể yên tâm lên kế hoạch canh tác phù hợp để có lợi nhuận cao nhất. Điều này nhất quán với quan niệm “nông dân có lời, nhà máy có lãi”.
Ngoài ra, TTC đã dày công đầu tư cho R&D, vụ mùa 2020 – 2021, TTC Sugar đã giới thiệu 4 loại giống tham gia vào các giống mía của Việt Nam. Đầu tư chuỗi khép kín trong canh tác, từ giống, phân bón, cơ giới hóa và tự động hóa… Đây là cách làm mà 5 năm nay, TTC Sugar đã giữ vững vùng nguyên liệu truyền thống.
Về quy trình canh tác khoa học, đích thân tôi và bà xã cùng một số cán bộ trong Hội đồng Khoa học nông nghiệp của TTC đã sang Thái Lan nghiên cứu từ khâu giống đến kỹ thuật chăm sóc, tìm tòi kỹ thuật dùng thiên địch trị sâu trên mía, thu hoạch cơ giới và được triển khai trên diện rộng đúng hướng.
Kết quả 1 triệu tấn đường niên vụ 2019 – 2020 là nhờ nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên TTC Sugar, đồng thời còn nhờ sự đồng hành của bà con nông dân, đặc biệt là hệ thống phân phối của TTC tại các tỉnh thành trên cả nước. Thương hiệu Đường Biên Hòa có lịch sử hơn 50 năm đã đi sâu và tạo thiện cảm với thị trường Việt Nam.
TTC Sugar luôn luôn tuân thủ đưa ra những sản phẩm thân thiện, sạch, an toàn, phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Mục tiêu của TTC là đưa TTC Sugar trở thành “nhà cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu Đông Dương”.
Duy nhất TTC Sugar là doanh nghiệp sản xuất đường Organic từ nhà máy ở bên Lào, tham gia xuất khẩu vào thị trường châu Âu và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm đường Organic.
TTC Sugar cũng sản xuất đường phèn – loại đường truyền thống của Việt Nam, sản xuất đường đen Nữ Hoàng và đặc biệt là sản xuất đường lỏng xuất khẩu qua Trung Quốc, Hồng Kông, châu Âu… Sắp tới, TTC sẽ giới thiệu những nông cụ hiện đại này đến các vùng miền phát triển nông nghiệp. TTC xuất khẩu đường ăn kiêng, đường Organic, đường lỏng…
Không ai giao nhiệm vụ cho TTC làm mía đường, nhưng chúng tôi luôn đặt sứ mệnh của doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm quốc gia. Nhìn tổng quan, với sản lượng nội tại, kho đường của TTC có thể tự hào là kho đường của quốc gia. Sản phẩm đường TTC đang có mặt tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore và sẽ mở rộng hơn nữa. Không dừng lại ở đó, chúng tôi chú trọng đào tạo nhân sự để bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường. Đội ngũ tâm huyết, giàu kinh nghiệm sẽ tiếp cận các thị trường này như một cánh tay nối dài đưa ngành đường TTC vươn ra thế giới. Mặt khác, đầu tư công nghệ thông tin, chuẩn mực IFRS là xu hướng quốc tế, việc tất yếu phải hòa nhập, là điều mà TTC luôn hướng đến.
Tuy nhiên, dù có cánh đồng bất tận, nhà máy hiện đại… mà quản lý yếu kém thì cũng thất bại! Do đó, quản trị vẫn là mấu chốt của thành công. Quản trị là “xương sống” của mọi hoạt động, giúp cho đội ngũ con người đủ bản lĩnh và kỹ năng vượt bão.
Trong điều hành doanh nghiệp, không cạnh tranh thì không bao giờ phát triển. Cạnh tranh là điều hết sức bình thường, doanh nghiệp phải tự tin vào điều đó. Đừng bao giờ ngại cạnh tranh. Giống như một tổ chức không thi đua thì không thể phát triển được. Quỹ thi đua khen thưởng chính là nghệ thuật của người lãnh đạo, đừng chia chác nhau quỹ này vì mục đích khác…
- Giai đoạn 2006 – 2007, TTC tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều người băn khoăn, liệu có phải sự phát triển nhanh chóng của TTC thời kỳ đó là nhờ nguồn vốn của Sacombank hay không. Hiện nay, ông có kế hoạch gì để đảm bảo được nguồn vốn đủ để thực hiện những mục tiêu đã đặt ra?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi chia ra hai giai đoạn. Giai đoạn mà nhiều người cho rằng, TTC phát triển mạnh nhờ có sự hậu thuẫn của Sacombank, đó là sai lầm lớn. Chúng tôi là tổ chức chuyên nghiệp, có ba nhà đầu tư quốc tế lớn là: Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng thế giới), Dragon Capital và Ngân hàng ANZ. Tất cả các thành viên HĐQT đều phải đăng ký giao dịch với Sacombank.
Phu nhân của tôi cũng là khách hàng được đăng ký với hạn mức nhất định chứ không có bất cứ sự lạm dụng nào. Những người làm ngân hàng để suy tính tới chuyện tạo ra sân sau thì khó tồn tại.
Thứ hai, về vấn đề nguồn vốn phục vụ cho sự phát triển của TTC giai đoạn tới. Tôi từng làm nông sau đó mới trở thành doanh nhân. Tôi từng nói với cán bộ của tôi rằng, một doanh nghiệp có 10 đồng mà làm 10 đồng thì không phải là doanh nghiệp giỏi. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp thông qua thị trường vốn và thị trường tiền tệ nên được khai thác tối đa. Vốn của TTC đang ở trên nền tảng đó. Tôi khuyến khích dùng đòn bẩy tài chính thông qua thị trường vốn. Với quy mô một tập đoàn đa ngành, ưu thế của TTC về dòng tiền lúc này thể hiện rất rõ nhờ chiến lược đa ngành, “không bỏ trứng vào 1 rổ”.
- Từ câu chuyện Sacombank, ông rút ra bài học như thế nào đối với TTC?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi luôn nhắc nhở gia đình và cán bộ nhân viên TTC đừng đem chuyện Sacombank ra bàn nữa. Đó là câu chuyện quá sức tưởng tượng của tôi.
Chúng tôi quản trị TTC minh bạch, kiểm soát trách nhiệm, điều hành chuyên nghiệp. Tôi không hề lo sợ trước các cuộc khủng hoảng. Trong đại dịch, dù khó khăn như vậy nhưng chúng tôi vẫn không hề lung lay.
Nếu chúng ta tuân thủ được quản trị tốt thì những quy luật, biến cố xảy ra mình chỉ ảnh hưởng ít chứ không thể suy kiệt.
- Tôi cảm nhận được những chia sẻ và tích lũy của ông vừa mang tính khái quát, nâng thành tầm lý luận, vừa mang tính thực tiễn cao, vừa tràn đầy tình cảm, nhiệt huyết. Nhiều người nhận xét, doanh nhân Việt Nam thường chỉ quan tâm đến việc kinh doanh, ít chú tâm đến các vấn đề chính trị – kinh tế vĩ mô của đất nước. Thưa ông, có phải khi có nền tảng lý luận tốt, có khả năng khái quát tư tưởng tốt, doanh nhân sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Nếu những doanh nhân đang điều hành doanh nghiệp mà chỉ bó hẹp lại trong phạm vi nào đó thì chiến lược lâu dài của họ sẽ không tốt. Tầm nhìn của một doanh nhân phải kết hợp nhiều thứ và dựa vào quyết sách chiến lược và điều hành của Chính phủ, dựa vào thông tin của đời sống, xã hội.
Cũng không loại trừ việc có những doanh nhân chỉ dựa vào may mắn của thời vận để có thể tồn tại được. Nhưng nhìn chung, đã là doanh nhân thì phải có nền tảng tư tưởng tốt và có khả năng nắm bắt, dự báo xu thế của thời đại.
Thời gian rảnh, tôi dành để cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông và cập nhật kiến thức bằng cách đọc sách. Bởi đọc sách là học của quá khứ, đọc báo là học của tương lai. Nếu không cập nhật thường xuyên mình sẽ bị lạc hậu. Những điều mà tôi chia sẻ ngày hôm nay là trách nhiệm của mình với người thân và xã hội.
- Trong bối cảnh hiện nay, doanh nhân cần có trách nhiệm ra sao đối với đất nước và dân tộc, thưa ông?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi quan niệm, đã là doanh nhân trước hết cần phải có đam mê, có trách nhiệm và sứ mệnh thì mới đi xa được. Đam mê để doanh nhân cống hiến và hướng tới sứ mệnh khẳng định thương hiệu Việt với niềm tự tôn dân tộc.
Kinh doanh là sứ mệnh chứ không phải quyền lợi. Khi mình làm điều gì tốt cho xã hội nghĩa là đã giúp cho chính bản thân mình. Nhân viên có trách nhiệm với TTC thì đương nhiên thương hiệu cá nhân đã có trong đó. Tôi hạnh phúc vì những nhân sự chất lượng trên thị trường tài chính – tiền tệ đa phần đều làm việc cho tôi và họ tự tin khi nói: “Đã từng làm việc với ông Thành”.
Tôi nghĩ, Covid-19 đang khiến chúng ta thay đổi nhận thức và hành vi.
Doanh nhân Việt Nam cần nhìn thấy cơ hội từ cuộc khủng hoảng này, giống như đang “luyện công” để tận dụng thời gian tìm hiểu thêm kiến thức, đọc thêm sách và đào tạo online, chăm lo cho cán bộ nhân viên. Khi hết dịch, sẽ bắt đầu một cuộc chiến mới.
“Luyện công” nghĩa là cần tập trung xây dựng định hướng chiến lược và hoạch định mục tiêu – nguyên tắc tối cần thiết cho 1 doanh nghiệp.
Định hướng chiến lược phải xây dựng từ 5 – 10 năm, đừng ngại xây dựng chiến lược dài hơi, phải công khai nó để truyền cảm hứng cho nhân viên.
Có như vậy họ mới có hoài bão, nuôi dưỡng hoài bão để cống hiến, cảm thấy có lý tưởng sống, có khát vọng. Nếu không có lý tưởng sống thì cuộc đời vô vị lắm.
Trong giai đoạn này, việc tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi phí của doanh nghiệp phải hợp lý. Chủ doanh nghiệp không được tùy tiện bởi có thể khiến người lao động bị tổn thương sâu sắc. Thời gian này càng phải yêu thương tổ chức, chăm sóc kỹ hơn và động viên cán bộ, nhân viên của mình. Đây cũng là lúc để yêu thương gia đình mình nhiều hơn.
- Từ khi còn trẻ, ông đã rất yêu thích ngành tài chính, bởi ông quan niệm ngành nghề này rất nhân văn, giúp được cho nhiều người. Vậy, thời gian này, ông có “luyện công” để ấp ủ ngày tái xuất trong ngành tài chính – ngân hàng không?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Đó là điều đương nhiên. Có người hỏi tôi thị trường tài chính đã hoàn thiện và sau năm 2006, khi thị trường vốn bắt đầu đi vào hoạt động thì tôi có dám “chơi” nữa hay không?
Tôi trả lời tại sao lại không dám! Quan điểm của tôi là minh bạch và đã minh bạch thì không sợ bất cứ điều gì. Tôi luôn sẵn sàng tham gia vào thị trường tài chính, sẵn sàng niêm yết, sẵn sàng cạnh tranh.
Đã là doanh nhân khi có tâm thế sẵn sàng và dùng cái tâm, sự chuyên nghiệp để điều hành thì không sợ điều gì hết.
- Ông nghĩ sao về vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nhân hiện nay?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Tôi thấy đã có nhiều niềm vui đối với cộng đồng doanh nhân dưới sự quản lý của Nhà nước. Chính phủ cũng đang mong muốn và tích cực, quyết liệt triển khai các cơ chế, chính sách xuống địa phương. Chính phủ muốn chia sẻ, đồng hành với doanh nhân, nhưng vẫn còn lực cản nào đó khiến chúng ta chậm trễ. Để sự quan tâm đó được cụ thể hóa thì cần thêm thời gian. Doanh nhân nên luôn ý thức rằng, mình phải tự cứu mình trước chứ không nên chờ đợi.
- Chặng đường hơn 42 năm của TTC, vinh quang thật đáng tự hào. Ở tuổi 61, khi đã trải qua bao thăng trầm của cuộc đời doanh nhân, ông có ước vọng gì?
Doanh nhân Đặng Văn Thành: Như bạn thấy đấy, tôi đã tiên phong đi vào những lĩnh vực khó, như mía đường, ngân hàng tư nhân, điện mặt trời, du lịch… và đã thu được những kết quả đem lại giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và đất nước. Không có tầm nhìn thì không bao giờ có thể đi tiên phong.
Ở tuổi này, tôi muốn cảm ơn cuộc đời đã cho tôi điều kiện rất tốt về gia đình, cho tôi đội ngũ cán bộ trung kiên, đồng hành với tôi 20 – 30 năm qua. Họ là cuộc sống của tôi. Điều tôi mong ước là họ sẽ tiếp tục đồng hành với tôi trên chặng đường tương lai.
Còn ở phương diện xã hội, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0 và xu thế thời đại đã tạo ra lợi thế cho người đi sau. Nhà nước phải nắm bắt cơ hội này để đầu tư và kêu gọi doanh nghiệp tăng cường trang bị công nghệ hiện đại của thế giới.
Tôi mong muốn các doanh nhân hãy quan tâm tới con đường chuyển đổi số và đi vào nền kinh tế số!
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện tràn đầy cảm hứng kinh doanh và trách nhiệm với đất nước trong những ngày giãn cách xã hội này! Thật tình cờ là từ câu chuyện kể của một chuyên gia kinh tế tên Thành về một doanh nhân cũng tên Thành, ghép lại với tên của tôi, người ghi chép câu chuyện này, thành tên của Tập đoàn Thành Thành Công! Quả thực trong cuộc sống, có rất nhiều điều bất ngờ và thuộc về nhân duyên khó lý giải. Đến đây, tôi và TS. Võ Trí Thành cũng đã có câu trả lời cho mình về “cái nghiệp thiện” giúp ông Đặng Văn Thành vượt qua biến cố của cuộc đời là do đâu! Xin chúc cho người doanh nhân yêu màu hoa phượng, vì sắc hoa luôn đỏ cháy như ngọn lửa – ngọn lửa của tâm huyết, thổi bùng những đam mê và Tập đoàn TTC sẽ thực hiện được khát vọng, sứ mệnh của mình!