Doanh nhân Dương Công Minh – Khởi nghiệp là khám phá chính bản thân mình

Doanh nhân Dương Công Minh – Khởi nghiệp là khám phá chính bản thân mình

Thứ Sáu, 25/03/2022 - 06:09

Doanh nhân Dương Công Minh: “Khi kiến thức có, kinh nghiệm có, cơ hội cũng có, nhưng nếu chúng ta gan nhỏ thì vẫn không làm được. Thấy được cơ hội rồi thì chúng ta phải máu lửa lên”.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 11: Doanh nhân Dương Công Minh – Khởi nghiệp là khám phá chính bản thân mình

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

TỪ “MINH XOÀI” ĐẾN “MINH HIM LAM”

Dương Công Minh vào thời kỳ khởi nghiệp cách đây mấy chục năm đã từng không thành công với thương vụ xuất khẩu xoài sang Trung Quốc. Nhắc lại cú thất bại đầu đời này không phải để chê bai hay có ý gì hạ thấp ông Dương Công Minh, mà chính là để khẳng định ít nhất hai điều rằng: 1/ Khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng; 2/ Thất bại không phải là kết thúc mà nó còn khiến nhiều người mạnh mẽ hơn trong những bước đi tiếp theo.

Chuyện rằng, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông từ giã quân ngũ và mở đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Mới đầu, ông xuất khẩu khoảng 10 xe và thường là chuối xanh, thu lãi rất lớn. Thấy thuận lợi, ông mở rộng sang cả thanh long, rồi buôn xoài và nâng lượng hàng lên tới 100 xe. Bao nhiêu vốn liếng dốc hết vào chuyến xoài này. Nhưng lên đến cửa khẩu thì xoài thối ủng do dính phải lô xoài non. Thế là trắng tay, mất cả vốn lẫn lãi, dẫn đến việc phải bán nhà trả nợ.

Và có lẽ chính những bài học đầu đời này đã làm cho Dương Công Minh bản lĩnh thêm, tỉnh táo hơn trên bước đường kinh doanh của mình sau này. Ở nhiều thời điểm, người ta thấy Dương Công Minh như một người chơi trò mạo hiểm, luôn vượt lên trên các con sóng để tự thử thách mình và “không biết đến thất bại” như chính ông từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy cuộc đời của tôi không có thất bại. Trong cuộc đời, tôi chỉ thấy thành công và may mắn”.

Có lẽ, chuyến buôn xoài lúc khởi nghiệp, vì thiếu may mắn dẫn tới thiệt hại lớn cũng được ông Minh coi là “thành công”, vì nó dạy cho ông nhiều điều mà nếu không vấp ngã sẽ không bao giờ ngộ ra được. Thực ra, câu châm ngôn “thất bại là mẹ thành công” đã từng được rất nhiều người nhắc đến, được rất nhiều người nói ra, rất nhiều người ghi nhớ nằm lòng; nhưng cái hay của ông Minh là không phải chỉ biết nói mà còn biết cách biến nó thành tài sản của mình thực sự để không bao giờ lặp lại sai lầm nữa.

Thậm chí, ông Minh còn coi thất bại là một “may mắn”, vì chỉ có thất bại mới cho ta nhìn rõ ta là con người như thế nào, đang đứng ở đâu, còn thiếu cái gì và cần hoàn thiện bản thân ra sao để đạt được thành công. Một con thuyền nhỏ bị chìm khi mới rời bến để cho ta có được kinh nghiệm đi biển chẳng hơn một con tàu khổng lồ chở cả gia tài tích lũy được bị đắm giữa biển cả có thể khiến ta không thể gượng dậy nổi hay sao!

Quả vậy! Sau chuyến hàng không thành năm ấy, ông phải bán nhà trả nợ, nhưng chính điều đó lại mở ra cho ông một cơ hội mới. Chuyện rằng, vào năm 1989, để chuyển nhượng một căn nhà sẽ phải thực hiện một loạt thủ tục pháp lý rất phức tạp. Ông tìm đến các sơ sở làm dịch vụ nhưng phí dịch vụ rất cao, ngốn mất những 1/7 số tiền bán nhà.

 

Tất nhiên sau đó ông không dại gì bỏ ra số tiền lớn như vậy, nhất là trong hoàn cảnh phải bán nhà, trả nợ. Vì vậy, ông bèn tự tìm hiểu và nhờ bạn bè giúp đỡ rồi tự đi làm các thủ tục, thế là giảm được một số chi phí. Nhưng điều quan trọng hơn là trong cái “khó” ấy, ông lập tức nhìn thấy cơ hội làm ăn. Ông bèn mở trung tâm dịch vụ nhà đất và không ngờ đó lại là tiền đề để gắn bó và thành danh trong lĩnh vực bất động sản nhiều năm sau này. Trên đà đó, năm 1994, ông thành lập Công ty Him Lam – doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, và cũng chính là thương hiệu làm nên một Dương Công Minh lừng lẫy mà nhiều người vẫn quen gọi: “Minh Him Lam”.

Người ta bảo rằng, ông Minh chọn cái tên Him Lam là muốn gắn với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Nhưng tại sao lại là Him lam mà không phải là Mường Thanh hay Hồng Cúm?

Vì Him Lam là cái tên không có dấu, dễ đọc nên dễ hòa nhập quốc tế khi doanh nghiệp mở rộng đầu tư dự án ra nước ngoài hoặc liên doanh liên kết, thực hiện dự án dành cho người nước ngoài…, theo như lời bật mí của Tổng giám đốc Him Lam Trần Văn Tĩnh sau này.

Thì ra ngay từ lúc ấy, Dương Công Minh đã nghĩ đến chuyện vươn tầm ra thế giới. Thì chính ông Trần Văn Tĩnh cũng không hề giấu giếm khát vọng của lãnh đạo Him Lam: “Chữ G bao quanh chữ Him Lam trong logo là viết tắt của từ Group (tập đoàn), nghĩa là từ khi khởi nghiệp với một công ty nhỏ bé, chúng tôi đã mong muốn trong tương lai không xa Him Lam sẽ trở thành một tập đoàn”.

Đó không phải là ước mơ hão huyền, sau 20 năm hoạt động, Him Lam đã có 30 đơn vị thành viên với nhiều mảng kinh doanh như bất động sản, tài chính ngân hàng, khu vui chơi, sân golf…

Và, ông Minh đã có biệt danh mới là “Minh Him Lam”!

Nhưng để có được sự thay đổi từ “Minh xoài” thành “Minh Him Lam”, ông Dương Công Minh đã phải vượt qua một chặng đường chắc chắn là không ít chông gai, thử thách và cả sự lao tâm khổ tứ. Buôn 10 xe xoài là một chuyện, làm dịch vụ nhà đất là một chuyện, còn việc gầy dựng và chèo lái một doanh nghiệp bất động sản thực hiện hàng chục, hàng trăm dự án lớn nhỏ trong tay thì lại là một chuyện hoàn toàn khác rồi. Cái sự khác ấy nếu ví việc đá bóng phủi với việc tham gia vòng chung kết Worl Cup âu cùng vẫn còn khập khiễng.

Ông Minh đã từng bộc bạch một cách thẳng thắn: “Him Lam chính do tay tôi làm nên, từ cái đầu của tôi, từ tiền tôi vay nặng lãi. Từng sản phẩm của Him Lam do chính tay tôi xem bản vẽ, thi công. Khi tôi thiết kế, xây dựng một căn nhà, nó phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn do tôi đề ra”.

Kể cả khi ông đã trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank rồi thì ông vẫn nói Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là “Thành Sacombank”. Còn tôi chỉ là “Minh Him Lam”. Điều đó đủ thấy ông tâm huyết, khát vọng với Him Lam như thế nào và đặt niềm tin vào nó như thế nào.

TỪ “GAN LÀM GIÀU” ĐẾN CHẤT “MÁU LỬA”

Nhưng những bài học rút ra được từ thất bại là chưa đủ, thậm chí cả khi cơ hội đến cũng vẫn là chưa đủ. Ông Minh nói với các bạn trẻ bắt tay vào khởi nghiệp mà cũng là nói với chính mình: “Khi kiến thức có, kinh nghiệm có, cơ hội cũng có, nhưng nếu chúng ta gan nhỏ thì vẫn không làm được. Thấy được cơ hội rồi thì chúng ta phải máu lửa lên”.

Các cụ ta thường dạy: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Còn ông Minh gọi cái gan đó chính là “máu lửa”. Nhưng cái từ “máu lửa” của ông Minh hay ở chỗ, nó vừa chứa đựng cái “gan” dám làm, thậm chí pha cả chút “liều lĩnh”, vừa chứa đựng cái bản lĩnh mà thương trường luôn đặt ra để thách thức, thậm chí phải đấu trí với những đòn cân não mới có thể thành công, giành thắng lợi; và điều đặc biệt là nó chứa đựng khát vọng, quyết tâm và nhất là phải hành động chứ không phải chỉ dừng lại ở khát vọng với việc nghĩ ra những ý tưởng và vẽ ra những ước mơ. Bởi nếu không hành động, giấc mơ mãi “cũng chỉ là mơ thôi”.

Chính vì cái chất “máu lửa ấy” mà ông Minh liên tục đặt mình vào thử thách mới, và mỗi lần chấp nhận thử thách cho bản thân mình cũng đồng thời ông Minh đặt thế hệ F2 vào thử thách mới.

Nếu quan niệm mỗi lần mở rộng đầu tư hay chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực mới là khởi nghiệp thì ông Dương Công Minh khởi nghiệp rất nhiều lần. Điều này thì có lẽ nhiều doanh nhân thành đạt cũng từng trải qua. Nhưng cái hay của ông Minh là ở những cú bẻ lái đột ngột. Đang từ buôn nông sản vèo chuyển nhanh sang bất động sản. Rồi đang từ bất động sản lại sang chứng khoán, rồi ngân hàng; từ ngân hàng này lại nhìn thấy tiềm năng để đầu tư và nắm quyền điều hành ở ngân hàng khác. Chắc chắn ông không phải là mẫu người “cả thèm chóng chán”, mà có lẽ đó chính là kit-test để kiểm tra bản lĩnh, tài năng, trí tuệ, sự dũng cảm một cách mạnh mẽ và chính xác nhất.

Rồi cái hay thứ hai của ông Minh còn ở chỗ, mỗi lần “khởi nghiệp” như thế lại cũng là một lần dạy các con và thế hệ F2 về cách khởi nghiệp. Bởi mỗi khi ông chuyển sang một lĩnh vực mới, một doanh nghiệp mới thì doanh nghiệp, lĩnh vực ông đang vận hành ắt hẳn phải có người thay thế. Mà cách thay thế như chính ông tự nói: “Tôi đã đào tạo và chuẩn bị sẵn một hệ thống cùng điều hành Him Lam. Sẽ đến lúc con trai tôi trưởng thành và tự điều hành được Him Lam”.

Ông Dương Công Minh cũng không hề ngại ngần mà tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là công ty độc trị. Chỉ có một mình tôi - Dương Công Minh là người đưa ra các quyết định thôi. Và người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi mà thôi”.

Chính vì thế mới nói, mở rộng hay chuyển hướng đầu tư cũng là một cách “dạy con” của ông Minh, thực hành và làm thật. Mà thực hành trên thương trường thì không giống như khi học lái xe trên sa bàn, thất bại là trả giá ngay bằng tài sản có khi là cả uy tín. Vì vậy, đây có lẽ cũng là cách rèn người, cách đào tạo tốt nhất, hiệu quả nhất.

*  *  *

Các nhà báo cũng thường thích thú và trích dẫn câu nói “nổi tiếng” của ông Dương Công Minh, rằng: “Người xưa nói há miệng chờ sung, nhưng muốn có sung thì cũng phải nằm dưới gốc mới có. Tức là kể cả muốn ăn sung rụng, ta cũng phải tự thân bò đến dưới gốc sung mà chờ. Vậy nên, may mắn không phải tự nhiên tìm đến ta, mà do ta tự vận động tạo ra nó”.

Lời nói ấy cho thấy, có làm mới có ăn, lại càng cho thấy, muốn thành công thì càng phải làm thật nhiều. Lời nới ấy cũng cho thấy, ông là con người của hành động. Và phương châm của ông là “hành động”.

Thậm chí phải hành động quyết liệt, quyết liệt đến mức “máu lửa”, bởi dù ý tưởng có hay ho bao nhiêu nhưng nếu chỉ cần chậm chân một bước đã có thể bỏ lỡ thời cơ và hứng lấy thất bại trong tay. Bởi cái điều mình nghĩ ra thì người khác cũng có thể nghĩ ra, ăn thua là ở thời gian và hơn nhau chính là ở cách làm, là ở cái độ “máu lửa”.

Viết đến đây, tôi cứ có cảm tưởng như ông Minh đang đứng trước mặt và cười mỉm: “Không có lửa không làm được đâu. Không máu lửa đừng mong làm giàu”.

CHINH PHỤC LĨNH VỰC MỚI LÀ KHÁM PHÁ CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Tôi cứ có cảm tưởng, ông Dương Công Minh có phẩm chất của một nhà thám hiểm hơn là một doanh nhân. Bởi thường thì doanh nhân sau khi đã đạt đến thành công trong một lĩnh vực người ta sẽ nhận ra sở trường sở đoản của mình và chí thú củng cố vị thế của mình trên thương trường, mở rộng đầu tư và đi sâu nâng cao chất lượng sản phẩm, thậm chí nâng lên một phẩm cấp khác.

Nhưng ông Minh sau khi đã vang dội trên thị trường bất động sản với thương hiệu Him Lam thì ông lại tiếp tục thử thách mình trong lĩnh vực tài chính, với việc hết làm chủ tịch HĐQT của LienViet PostBank lại còn bước chân vào lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp… với Công ty cổ phần phát triển Xín Mần, và nhất là lại có cả Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Bảo Long lạ huơ lạ hoắc… Ừ thì theo lý thuyết kinh tế là bỏ trứng vào nhiều giỏ, nhưng tinh ý nhìn ra thì cách “bỏ trứng” của ông Minh cũng có cái khác người.

Rồi gần đây nhất là bước chân vào Ngân hàng cổ phần thương mại Thương Tín (Sacombank) với ghế Chủ tịch HĐQT. Ông Minh bảo rằng, “Tôi vào điều hành Ngân hàng Sacombank, nhưng hiện nay, thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt với tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là “Thành Sacombank”. Còn tôi chỉ là “Minh Him Lam”.

Dương Công Minh nói một cách khiêm tốn như vậy, nhưng thực tế thì nhiều người am hiểu trong ngành tài chính đều biết ông quyết liệt xử lý đống nợ xấu chỉ trong một thời gian ngắn để vực dậy Sacombank. Ông Minh từng nói rất thẳng thắn khi bước chân vào Sacombank: “5 năm không tái cơ cấu xong Sacombank tôi sẽ ra đi”. Và, ông đã thực hiện được lời hứa ấy!

Nhớ lại sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam năm 2015, Sacombank gặp bất lợi lớn khi tỷ lệ tài sản không sinh lời trên tổng tài sản lên đến gần 40%, tỷ lệ nợ xấu cũng gần 40%, thậm chí ngân hàng suy giảm đến mức nhiều nhân sự xuất sắc, cốt cán rời đi tới hơn 100 người. Ông Minh cũng từng bộc bạch: “Chúng tôi hiểu xử lý nợ xấu chưa bao giờ là công viêc dễ dàng, kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng khó”.

Nhưng ông Minh quyết tâm và đã làm được. Ngay trong năm đầu ông ngồi ghế nóng Sacombank năm 2017, ngân hàng này đã xử lý được 19.000 tỷ đồng nợ xấu. Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm; được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, tạo điều kiện để tiến hành xử lý trong vòng 5 đến 7 năm; nhưng ông Dương Công Minh, cùng cộng sự và toàn bộ nhân viên Sacombank cho biết sẽ cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết sức để có thể cơ bản hoàn tất việc xử lý nợ xấu trong thời hạn từ 3 - 5 năm. 

Tất nhiên kết quả ấy, thành tích ấy là công sức của cả tập thể hơn 17 nghìn cán bộ và nhân viên của Sacombank, nhưng người ta cũng dễ dàng nhận ra dấu ấn của Dương Công Minh, lại càng nhận ra ý nghĩa của thành công ấy. Ông thành công trong lĩnh vực bất động sản, đã đành, nhưng ngân hàng lại là một lĩnh vực hoàn toàn khác.

Ngân hàng là một lĩnh vực rất nhạy cảm và vô cùng mong manh, bởi bản chất của ngân hàng là kinh doanh dựa trên niềm tin. Hầu hết các ngành kinh doanh khác, nhất là các ngành kinh doanh truyền thống, đều dựa trên những sản phẩm là hiện vật, được bảo đảm bằng hiện vật. Thị trường có lên xuống thế nào thì bất động sản vẫn hiện hữu, ngôi nhà, mảnh đất vẫn còn đó. Nhưng riêng ngân hàng thì lại dựa trên một cơ sở rất mơ hồ là “niềm tin”. Cả hai hoạt động cốt lõi của ngân hàng là huy động vốn và cho vay, đầu tư đều dựa trên niềm tin. Niềm tin này lại phụ thuộc vào nhau, ràng buộc nhau đến mức, chỉ cần một tác động nào đó để mất niềm tin, dù rất nhỏ, cũng có thể tạo ra sự dao động và từ sự dao động nhỏ có thể gây nên làn sóng lớn với sự rút tiền ồ ạt có thể đánh sập một ngân hàng dù là to đến cỡ nào.

Bởi vậy, người làm ngân hàng trước hết phải có niềm tin, tin vào doanh nghiệp của mình, tin vào đối tác, tin vào khách hàng và tin vào chính mình. Đặc biệt là tin vào tương lai. Mà tương lai ở đây chính là tương lai của khách hàng. Nếu không tin khách hàng ăn nên làm ra trong tương lai thì chả ngân hàng nào dám đem tiền ra cho vay. Vì vậy cũng không quá khi nói rằng, đây chính là ngành dịch vụ “kinh doanh niềm tin”. Vì vậy tôi cứ nghĩ, doanh nhân nói chung “có gan” một thì doanh nhân làm ngân hàng phải “có gan” mười, tức là họ phải dũng cảm và bản lĩnh lắm mới dám “liều lĩnh” bước chân vào lĩnh vực nhạy cảm này.

Nhưng tôi lại nghĩ, cũng vì thế họ lại chính là người lạc quan hơn ai hết, lạc quan về khách hàng và lạc quan vào chính hoạt động của mình. Vì vậy, hệ quả rút ra ở đây là, họ chính là những người có suy nghĩ, có năng lượng sống tích cực hơn ai hết.

Nói thế không phải để cổ súy cho ngân hàng, mà tôi chỉ muốn rút ra một điều, họ giống như người làm xiếc đi trên dây, luôn chấp chới bên bờ sự đổ vỡ, nhưng có điều lạ là họ không bao giờ ngã, họ luôn đi đến đích, luôn thành công. Phải chăng bởi họ luôn biết cách tạo niềm tin với mọi người, với khách hàng, với đối tác và với cả xã hội. Và nhất là niềm tin vào công việc của mình, doanh nghiệp mình và niềm tin vào chính mình. Vì vậy mà thành công của họ càng có ý nghĩa.

Tôi lại cứ nghĩ, liệu có phải thế chăng mà ông Dương Công Minh sau khi đã lập nghiệp trên mảnh đất bất động sản lại hăng hái lao vào lĩnh vực tài chính đến thế. Phải chăng ông muốn khám phá thêm một miền đất mới. Và khi thành công, đó cũng là khám phá ra năng lực chưa được biết tới của mình và chính là khám phá chính bản thân mình.

Trong lời tự bạch, ông Dương Công Minh nói rằng mình là người nhút nhát. Nhưng thực ra không phải thế, bởi nhút nhát thì không thể “làm xiếc đi trên dây” được. Hoặc có phải thế đi chăng nữa thì chỉ là “nhút nhát” trong một vài khoảnh khắc nào đó thôi, chứ khi cần đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình, ông vẫn luôn quyết đoán và mạnh mẽ.

Bằng chứng là xuất thân từ gia đình cách mạng ở huyện Quế Võ, tỉnh bắc Ninh, khi đang là một sỹ quan quân đội với cấp bậc trung úy với tiền đồ sán lạn, nhưng ông đã sẵn sàng chấp nhận từ bỏ để cưới người mình yêu và xuất ngũ rồi dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Như ông từng chia sẻ: “Vì vợ mà tôi không làm quan nữa mà quay sang làm giàu!”.

Bằng chứng là khi đã có thể gọi là yên ổn với thương hiệu “Minh Him Lam” rồi, ông vẫn sẵn sàng tự thử thách mình bằng cách chuyển sang lĩnh vực ngân hàng để khám phá chính bản thân mình.

Phải chăng đó cũng là chất máu lửa, là bản lĩnh và phẩm chất để mang lại cho Dương Công Minh một năng lực hành động quyết liệt, không do dự và theo đúng từ của ông là “máu lửa”. Và phải chăng đó chính là bài học mà ông Minh muốn truyền lại cho những người có ý định khởi nghiệp hay bắt đầu bắt tay vào khởi nghiệp. Thậm chí nó vẫn có ích cho những người đã khởi nghiệp thành công, bởi khởi nghiệp suy cho cùng là sự nghiệp không có điểm dừng; dừng lại nghĩa là chết!

Tôi nghĩ, nếu được hỏi ông có lời khuyên gì cho những người bắt tay vào khởi nghiệp, có lẽ ông Minh sẽ không đắn đo mà nói rằng: Đừng sợ thất bại, thất bại cũng chính là “thành công” nếu ta biết đứng lên từ vấp ngã. Hãy mạnh dạn khởi nghiệp, nhưng muốn khởi nghiệp thành công thì trước tiên phải hành động và máu lửa. Khởi nghiệp cũng giúp cho ta khám phá ra chính bản thân mình.

Không biết sau ngân hàng, sau cái ghế Chủ tịch Sacombank, ông Dương Công Minh có còn bẻ lái sang một lĩnh vực nào khác mới lạ hay “khám phá” một “miền đất mới” nào nữa hay không, chỉ biết rằng, thanh thép được tôi qua lửa đỏ và nước lạnh sẽ trở nên cứng cáp. Và một con người đã trải qua lĩnh vực kinh doanh dựa trên niềm tin hay có thể nói là “kinh doanh niềm tin” thì hoàn toàn có đủ cơ sở để tin rằng, họ sẽ luôn lạc quan hướng về phía trước và nắm trong tay tương lai, vận mệnh của chính mình, họ sẽ luôn tin tưởng vào tương lai và vào chính mình, vì vậy họ sẽ thành công./.

25/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top