Doanh nhân Thái Hương: Người tìm thị trường qua trái tim!

Doanh nhân Thái Hương: Người tìm thị trường qua trái tim!

Thứ Hai, 07/03/2022 - 06:09

Khi công bố lý do lựa chọn doanh nhân Thái Hương vào danh sách đặc biệt năm 2022, Forbes viết: “Bà Thái Hương được biết đến với vai trò tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam...".

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 3: Doanh nhân Thái Hương: Người tìm thị trường qua trái tim!

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Ngày 11/1/2022, Tạp chí hàng đầu thế gới Forbes đã công bố danh sách Forbes 50 Over 50 Asia 2022 - vinh danh 50 phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có sức ảnh hưởng lớn, tích cực ở tầm quốc tế. Khi công bố lý do lựa chọn doanh nhân Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH vào danh sách đặc biệt năm 2022, Forbes viết: “Bà Thái Hương được biết đến với vai trò tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Bà đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành sữa ở quốc gia này từ năm 2008 bằng cách đầu tư vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi tập trung sử dụng công nghệ cao từ Israel, giúp giảm tỷ lệ sản phẩm sữa hoàn nguyên (pha lại từ sữa bột) ở Việt Nam từ 92% xuống còn 60% (năm 2020)”.

Nếu ai đã từng nghe tên hoặc quen biết người nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của Việt Nam - doanh nhân Thái Hương, hẳn sẽ hiểu rằng đây chỉ là một trong những danh hiệu quốc tế cao quý đã từng được vinh danh trong sự nghiệp của bà.

Trong 2 năm liên tiếp 2015, 2016, Forbes đã bình chọn bà Thái Hương vào Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á.

Năm 2017, bà được vinh danh Giải thưởng doanh nhân châu Á, (Asia Pacific Entrepreneurship Award) dành cho lãnh đạo doanh nghiệp nổi bật, có thành tích xuất sắc và đổi mới tại Việt Nam.

Năm 2018, Stevie Awards - giải thưởng Oscar trong kinh doanh - đã nêu tên bà ở danh hiệu Nhà lãnh đạo xuất sắc của năm.

Anh hùng Lao động Thái Hương cũng là người Việt Nam duy nhất được mời phát biểu tại Diễn đàn Tri thức Thế giới năm 2019 tại Hàn Quốc và được trao tặng Giải thưởng Nữ doanh nhân Quyền lực tại đây.

Năm 2020, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) đã trao cho bà giải Lãnh đạo cam kết Bình đẳng giới trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ tại châu Á.

Báo The Times of London (Vương quốc Anh) cũng từng có bài viết về Nhà sáng lập TH, nhấn mạnh vai trò của bà trong việc đưa TH đến thành công, tạo ra “một minh chứng nổi bật cho nền nông nghiệp của tương lai”… Đến đây, hẳn nhiều người sẽ muốn tìm hiểu xem sự nghiệp của bà đã được gây dựng như thế nào?

CUỘC GẶP NGẮN VÀ ẤN TƯỢNG SÂU SẮC

Đó là vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi công cuộc đổi mới của đất nước bắt đầu có những kết quả đáng khích lệ, lạm phát từ hàng 3 con số (như 1986 lên tới 774,7%, 1987 là 223,1%, năm 1988 là 349,4%) thì năm 1992 còn 17,5%, năm 1993 chỉ còn 5,2%...

Trong môi trường phát triển kinh tế đất nước tràn đầy hy vọng ấy, nhiều ngân hàng tư nhân của Việt Nam đã ra đời, như VPbank, Techcombank, Sacombank… trong đó có Ngân hàng Bắc Á được thành lập vào năm 1994 với vốn điều lệ là 20 tỷ đồng. Người sáng lập và điều hành Ngân hàng Bắc Á lúc đó chính là nữ doanh nhân danh tiếng Thái Hương bây giờ.

Tôi đã từng được gặp bà Thái Hương ngoài đời một lần cách đây khoảng 25 - 26 năm tại Văn phòng Ngân hàng Bắc Á ở thành phố Vinh (Nghệ An) với cương vị là Tổng Giám đốc. Lần đó, vào Nghệ An công tác, khi được biết người sáng lập đồng thời cũng là người điều hành một ngân hàng tư nhân lớn duy nhất ở Nghệ An là một phụ nữ, mà ấn tượng hơn nữa lại là một phụ nữ chưa đến tuổi 40, phần vì linh tính nghề nghiệp, phần lại có chút ngưỡng mộ và khâm phục, tôi rất muốn gặp người phụ nữ này.

Vì đã từng làm việc ở Báo Thương mại của Bộ Thương mại nên tôi nhờ người bạn lâu năm trong ngành thương mại là ông Hồ Xuân Hùng, khi ấy đã từ Giám đốc Sở Thương mại lên làm Chủ tịch tỉnh Nghệ An giới thiệu và có cuộc gặp gỡ ngắn với bà.

Bà tiếp tôi trong căn phòng bình dị. Với chất giọng nhẹ nhàng đặc trưng miền quê xứ Nghệ, bà kể về việc hình thành ngân hàng như thế nào, về hoàn cảnh kinh tế của tỉnh và chiến lược phát triển của ngân hàng, rồi ý nguyện của các cổ đông muốn tạo ra một thị trường vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp non trẻ trong tỉnh phát triển…

Thì ra, bà cũng vốn là “dân” của ngành thương mại, thôi làm việc ở Công ty Vật liệu xây dựng - chất đốt của Nghệ An để ra làm kinh tế tư nhân. Với hồi ấy, những người dám bỏ một môi trường bao cấp ổn định trong Nhà nước để bước ra tự bươn trải trên thương trường thì ý chí và nghị lực hẳn phải lớn lắm!

Thế rồi ngân hàng Bắc Á dưới bàn tay chèo lái của bà đã từng bước phát triển vững chắc, luôn luôn nằm trong danh sách những ngân hàng ổn định và uy tín của quốc gia. Con số thống kê sau 27 năm phát triển cho thấy, vốn điều lệ đạt 7.531 tỷ đồng, cao hơn 300 lần so với số vốn điều lệ ban đầu. Tổng tài sản từ mức gần 57 tỷ đồng năm 1994 tới nay đã đạt hơn 119.900 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt của ngân hàng đã phủ khắp 33 tỉnh thành phố kinh tế trọng điểm với 148 đơn vị mạng lưới (1 hội sở, 45 chi nhánh, 102 phòng giao dịch).

Với nền tảng của một ngân hàng phát triển vững chắc như vậy đã tạo ra nguồn lực vô cùng lớn cho người nữ doanh nhân đầy khát vọng lớn lao này bước vào chinh phục một thị trường đầy gai góc khiến nhiều người khâm phục, đó là “một nền nông nghiệp tương lai”, không chỉ hữu ích cho một nước vốn thuần nông như Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới  bằng cách nghĩ và cách làm riêng của mình.

KHAI THÁC TỐI ĐA NHỮNG LỢI THẾ

Có người nhận xét rằng, bà Thái Hương bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gần như với con số 0 bởi trước đó, lĩnh vực thuận tay của bà là ngân hàng, tài chính - tiền tệ.

Thế nhưng, khi lược qua hầu hết các “đại gia” trước lúc bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp như Bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, Trần Bá Dương của Trường Hải, Trần Đình Long của thép Hòa Phát… mới thấy trước đó, họ đều đã thành công ở những lĩnh vực khác rồi, có “tích tụ tư bản” rồi thì mới dám chuyển sang đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Bởi hai lẽ, thứ nhất, chính sách đất đai của nước nhà vẫn còn những điều bất cập khiến cho việc tích tụ đất để sản xuất lớn không hề dễ dàng để hình thành tới một quy mô có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thứ hai, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cần trường vốn, thời gian hoàn vốn dài; riêng việc lo đất đã khó, chưa nói đến công nghệ, rồi thị trường cạnh tranh…

Vậy với Thái Hương, lợi thế của bà khi sáng lập ra TH True milk gồm những gì? Tôi cho rằng có 4 yếu tố quan trọng.

Đầu tiên, bà là người phụ nữ tâm huyết và đầy khát vọng. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, doanh nhân Thái Hương chia sẻ: “Trong các ngành thực phẩm, y tế, giáo dục, các nữ doanh nhân thường có mức độ nhạy cảm, sự tinh tế. Thế nên, họ có khả năng tạo ra giá trị về sản phẩm rất tốt. Bởi là người phụ nữ, là một người nội trợ, là một người biết làm gì cho con mình, chồng mình, cho gia đình mình muốn gì… rồi lại làm trên cương vị thuộc ngành thực phẩm, y tế, giáo dục, nên họ đưa hết cả tâm huyết của mình vào ngành nghề đó”.

Thứ hai, bà là người được đào tạo bài bản trong ngành kế toán - tài chính, rồi nhiều năm lăn lộn vất vả và thành công trong lĩnh vực ngân hàng.

Tất cả những thành công hay thất bại của các đối tác đều “chảy” qua đồng tiền của ngân hàng, mỉm cười về nó, cay đắng cùng nó. Bởi vậy, sự nhạy cảm về thị trường đã trở thành tài sản vô giá đối với những người đã từng trải như bà.

Thứ ba, bà có một tình yêu quê hương luôn cháy bỏng trong trái tim. Tại Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2017 tại Tokyo Nhật Bản, doanh nhân Thái Hương chia sẻ: “Tôi sinh ra trên mảnh đất đầy kiêu hãnh, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một gia đình thuần Việt. Cha tôi là một nhà giáo, khi đất nước chiến tranh, theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường ra tiền tuyến, bảo vệ quê hương… Tôi có một ước mơ nung nấu và khát vọng biến chúng thành hiện thực: “Làm thế nào để người dân quê hương tôi có quyền tự hào về mảnh đất của họ”.

Thứ tư, tại quê hương của bà có tình trạng một số nông trường quốc doanh ở huyện Nghĩa Đàn gặp khó khăn. Cùng với thời gian đó, thông tin về cuộc khủng hoảng sữa nhiễm Melamine ở Trung Quốc có nguy cơ khiến hàng triệu trẻ em bị chảy máu thận đã khiến trái tim người mẹ trong bà xót xa. Doanh nhân Thái Hương từng bộc bạch: “Sau khi xem bản tin, tôi đã đau thắt trái tim mình. Sáng hôm sau, tôi đã khẩn cấp họp Hội đồng quản trị và ra quyết định: Làm sữa ngay trên đồng đất quê hương mình”.

TH True milk đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy đó. Và phân khúc thị trường ban đầu cũng đã được khẳng định rất rõ ràng: Sữa, trẻ em, nguồn gốc thiên nhiên và… rất sạch!

Như thế, không thể cho rằng bà Thái Hương bước vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp từ con số 0 mà phải nói rằng, chính bà đã khai thác tối đa mọi thế mạnh và cơ hội để tự xây nên một nền móng vững chắc, từ trí truệ đến tâm cảm, từ cơ sở vật chất đến những giá trị tinh thần cao cả để TH True milk có được thành quả như ngày hôm nay.

HỢP LÝ HÓA LỢI ÍCH GIỮA QUỐC GIA VÀ DOANH NGHIỆP

Việc một số nông trường ở huyện Nghĩa Đàn gặp khó khăn, đời sống công nhân nông trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng đã trở thành chủ đề nóng nhiều năm của các cấp chính quyền địa phương. Cấp xã lo lắng, cấp huyện lúng túng, cấp tỉnh trăn trở… tìm giải pháp.

Còn với doanh nhân Thái Hương, với tình yêu quê hương cháy bỏng của mình, hẳn bà cũng đã nghĩ đến điều này, cũng muốn xắn tay vào chia sẻ nhưng theo cách nào đây, bằng “cho con cá” hay “cho chiếc cần câu”. Mà kể cả cho “chiếc cần câu” thì ở một vùng đất nông nghiệp bán sơn địa ấy, bà con sẽ “câu” cái gì cho bền vững?

Và thế là từng dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại vùng đất nghèo khó ấy dần dần thành hiện thực. Những trang trại chăn nuôi bò sữa, những đồng cỏ mênh mông, xanh mướt, những nhà máy hiện đại… lần lượt hiện ra trên miền quê nghèo như trong câu chuyện cây đèn thần vậy.

Đầu tiên, Tập đoàn TH bắt đầu đầu tư vào huyện Nghĩa Đàn với dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tươi sạch TH. Hiện nay, cụm trang trại TH tại Nghĩa Đàn có tổng đàn bò tiệm cận con số 70 nghìn con. Nhà máy sữa TH có diện tích xây dựng 5,2ha với công suất chế biến lên tới hơn 500 ngàn tấn sữa/năm. Từ mô hình chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa theo chuỗi khép kín ở Nghĩa Đàn, bà Thái Hương đã nhân ra nhiều tỉnh thành khác ở cả 3 miền trên dải đất hình chữ S.

Tiếp theo, hàng loạt các dự án, nhà máy mới của TH cũng được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2013, dự án rau sạch FVF của Tập đoàn TH được triển khai và sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap với những quy trình sản xuất, chăm sóc và quản lý nghiêm ngặt. Hơn 100 loại rau, củ quả được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng nhiệt liệt đón nhận. Năm 2015, Công ty cổ phần Dược liệu TH (TH Herbals, JSC) đã chính thức đi vào hoạt động và ra mắt sản phẩm tại thị trường Mỹ cũng như tại thị trường Việt Nam. Tháng 8/2017, tại xã Nghĩa Sơn, TH đã tiến hành xây dựng Nhà máy nước tinh khiết, thảo dược và hoa quả Núi Tiên… Gần đây nhất, TH triển khai xây dựng hàng loạt nhà máy chế biến thức ăn cho bò; nhà máy chế biến gỗ, xi măng. TH cũng tiếp quản và vận hành nhà máy đường, xây dựng vùng nguyên liệu mía đường bát ngát trên cao nguyên Phủ Quỳ.

Bạn đọc thử nghĩ xem, một huyện nghèo như Nghĩa Đàn được tiếp nhận hàng tỷ USD từ Tập đoàn TH, tạo công ăn việc làm bền vững cho hàng chục nghìn lao động trong một thời gian chưa đầy chục năm… hẳn có ý nghĩa như thế nào đối với nhân dân và chính quyền địa phương? Và tất nhiên, những dự án lớn được đầu tư bài bản với công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới cùng với hệ thống quản trị hiện đại ấy cũng đã đem lại hiệu quả không nhỏ cho TH True milk không chỉ về kinh tế mà cả về uy tín, lòng tin và giá trị thương hiệu trên thương trường.

“Đặt lợi ích riêng của Tập đoàn nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hợp lý hóa lợi ích”, đó là thông điệp ngay từ khi mới thành lập và cũng là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong toàn bộ sự nghiệp của doanh nhân Thái Hương cũng như của toàn bộ hệ thống quản trị của TH True milk.

Khi hiểu rõ được thông điệp tâm can này thì mới hiểu rõ sự bền bỉ của bà trong việc nỗ lực minh bạch thị trường sữa, vận động xây dựng chương trình sữa học đường quốc gia, đề xuất luật luật hóa lĩnh vực dinh dưỡng học đường, trong đó có bữa ăn học đường... Tất cả để hướng tới tiêu chuẩn sữa sạch, thực phẩm sạch - hữu cơ nhằm bảo vệ những giá trị cao thượng trong sự nghiệp bảo vệ bà mẹ và trẻ em, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, thời điểm những năm 2010, quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) còn không ràng buộc nhà sản xuất phải ghi rõ nguyên liệu đầu vào. Khi ấy, sữa nước chế biến từ sữa bột pha lại (sữa hoàn nguyên) còn được ghi trên nhãn mác là “sữa tiệt trùng”, trong khi “tiệt trùng” vốn là từ miêu tả công nghệ sản xuất, chứ không phải tên gọi của nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm. Với cách gọi lập lờ “sữa tiệt trùng”, người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn giữa sữa tươi thật và sữa bột pha lại.

Không chấp nhận sự lập lờ đó, trong nhiều năm liền, bà Thái Hương đã kiên trì lên tiếng ở hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị, gửi công văn lên Quốc hội, đưa kiến nghị nhằm thay đổi QCVN 5-1:2010, minh bạch hóa thị trường sữa.

Bà bền bỉ đề xuất, doanh nghiệp phải ghi rõ xuất xứ nguyên liệu đầu vào trên bao bì sản phẩm là sữa tươi hay sữa bột pha lại và cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát, kiểm tra, phân loại các sản phẩm sữa đang lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm khi có vi phạm.

Thực tế, để có một sản phẩm sữa tốt nhất thì phải có sự đồng bộ cao nhất cả chu trình nuôi dưỡng, sản xuất, bao gồm:  Giống bò sữa tốt; đồng cỏ, thức ăn tốt; chế độ dinh dưỡng tốt; quy trình vắt sữa tốt, bảo quản tốt.

Sự bền bỉ của bà đã góp phần thúc đẩy Bộ Y tế sửa đổi QCVN 5:1/2010-BYT; Bộ NNPTNT ban hành Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa theo hướng chất lượng, bài bản; Chương trình Sữa học đường quốc gia đã có tiêu chuẩn cho sản phẩm đưa vào trường học phải là sữa tươi nguyên chất, đạt chuẩn...

Với bà Thái Hương, quan tâm đến lợi ích quốc gia cũng là quan tâm đến chính mình. Lấy tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế làm thước đo cho chính nỗ lực của mình. Chính vì thế, các sản phẩm của Tập đoàn TH hoàn toàn đáp ứng một cách khắt khe nhất các tiêu chuẩn này từ khi nó mới xuất hiện trên thị trường.

“HIỀN NHƯ ĐẤT, MẠNH NHƯ NƯỚC VÀ GIÓ”!

Trong một hội nghị quốc tế, doanh nhân Thái Hương đã giới thiệu như thế này: “Tôi là Thái Hương. Tôi sinh ra từ Đất, Nước và Gió. Tôi hiền như Đất nhưng cũng mạnh mẽ như Nước và Gió. Chúng ta hãy trân quý mẹ Thiên nhiên, Người sẽ cho ta hết thảy”.

Chẳng phải tự giới thiệu thì qua sự nghiệp của bà, ai cũng hiểu rằng bà là người phụ nữ mạnh mẽ, thậm chí còn là rất mạnh mẽ nữa. Không mạnh mẽ thì làm sao có những quyết định “nghiêng trời lệch đất” như việc đầu tư hàng tỷ USD vào một huyện nghèo như Nghĩa Đàn. Không mạnh mẽ thì làm sao có thể dành cả chục năm đi khắp nơi, thuyết phục khắp các cuộc hội thảo, hội nghị cho một ý tưởng tốt đẹp vì tương lai trẻ nhỏ của quốc gia. Không mạnh mẽ thì sao có thể ngược dòng đầu tư hàng tỷ USD sang Nga, một đất nước đang gặp khó khăn do nền kinh tế bị các nước phương Tây cấm vận, đồng tiền mất giá, thị trường chao đảo…

Chuyện đầu tư sang Nga của doanh nhân Thái Hương cũng có thể coi như một kỳ tích trong mỗi lần khởi nghiệp mà không phải một doanh nhân nam giới thành đạt nào cũng có thể làm được.

Đó là vào năm 2015, Tập đoàn TH quyết định chinh phục thị trường Nga với tổng mức vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD. Khi được hỏi lý do khiến Tập đoàn TH quyết định đầu tư với quy mô lớn tại Nga, doanh nhân Thái Hương cho biết, có 2 điều khiến bà quyết định đầu tư dự án lớn như vậy sang Nga.

Thứ nhất, trong lòng bà ngay từ nhỏ đã cảm mến nước Nga. Trong thời gian chiến tranh, Nga đã dành cho Việt Nam những tình cảm, những viện trợ lớn lao để đấu tranh giành độc lập dân tộc. Bà xem đó như một ân huệ (lại một lần đầu tư lớn nữa xuất phát từ sự mách bảo của con tim).

Thứ hai, vào thời kỳ cấm vận, Nga cần rất nhiều các mặt hàng trong lĩnh vực nông nghiệp với công nghệ cao. Còn Tập đoàn TH lại có trong tay công nghệ cao, đang kinh doanh về sữa. Khi sang đó, Tập đoàn sẽ có nhiều lợi thế (chắc chắn là sự mách bảo của lý trí rồi).

Quả nhiên, sự nhạy cảm thiên phú của bản thân đã mách bảo cho bà và sau đó thực tiễn triển khai dự án đã và đang khẳng định, đó là một quyết định đúng đắn và xuất hiện nhiều dấu hiệu của thành công.

Thứ nhất, dự án của Tập đoàn TH tại Nga đã được hỗ trợ rất lớn trong việc tiếp cận đất đai từ các bộ, ban, ngành của Nga, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp, cũng như của chính quyền các tỉnh.

Đến nay, TH đã nhận được gần 50.000ha đất tại các tỉnh của Nga, đều là đất đai bị bỏ hoang hóa vài chục năm. TH đã đầu tư máy móc nông nghiệp hiện đại, công suất lớn để khai hoang, biến các khu vực đất hoang thành những cánh đồng màu mỡ.

Thứ hai, bất chấp những khó khăn trở ngại vì cấm vận trong quan hệ thương mại Mỹ - Nga, TH cũng đã nhập về Nga thành công hàng ngàn con bò sữa cao sản thuần chủng HF tốt nhất thế giới từ Mỹ. Đàn bò đã thích nghi với điều kiện sống, tăng trưởng rất tốt, đã sinh lứa thứ 3, chất lượng và sản lượng sữa mỗi năm lại tăng lên, năm sau tốt hơn năm trước, tổng đàn riêng tại Moscow hiện đã là hơn 2.000 con. Hiện tại, đàn bò sữa của TH tại Nga cho năng suất sữa trung bình là khoảng 40 lít/con/ngày, cao gấp 2,5 lần năng suất sữa bình quân của Nga chỉ 17lít/con/ngày. Đây là mức năng suất cao hàng đầu nước Nga.

Thứ ba, với độ đạm 3,2, độ béo 4,0 cao nhất nước Nga, chất lượng sữa thô nguyên liệu của trang trại TH hiện đang được bán cho các hãng sữa lớn nhất tại Nga như Danone, Torzhok… ở mức giá cao hàng đầu thị trường. Đây chính là những chỉ số quan trọng nhất chứng minh hiệu quả của dự án của TH ở Nga.

Thứ tư, thói quen dùng sữa Nga nằm trong nhóm đứng đầu thế giới, người Nga nhu cần sử dụng sữa 340 kg/người/năm (trong khi đó, chỉ số này ở Việt Nam và Đông Nam Á rất thấp, chỉ 25 kg/người/năm). Với nguồn cung nguồn hàng chất lượng cao từ thị trường phương Tây đang bị ngưng trệ vì cấm vận thì nguồn sữa “xanh” và “sạch” đẳng cấp quốc tế của TH true milk có cơ hội chinh phục thị trường là hoàn toàn khả thi.

Chắc hẳn đến đây, sự nghiệp của doanh nhân Thái Hương tại Nga đang chứng minh điều tâm huyết của chính bà: “Chúng ta hãy trân quý mẹ Thiên nhiên, Người sẽ cho ta hết thảy”.

LỜI KẾT

Công cuộc khởi nghiệp và liên tục phát triển Tập đoàn TH của doanh nhân Thái Hương không thể gói trong một bài viết mà chỉ có thể thể hiện trong một bản trường ca không có hồi kết. Chỉ biết rằng, bà đã và đang hạnh phúc trong quá trình thực hiện những ước mơ lớn lao của cuộc đời mình.

Một trong những niềm hạnh phúc ấy đã được thể hiện trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Nga hồi đầu tháng 12/2021 tại Moskva - Thủ đô nước Nga, có sự hiện diện của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đông đảo giới báo chí quốc tế, bà Thái Hương đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về sự nghiệp của Tập đoàn TH trên đất Nga.

Và thật ấn tượng, tại đây, bà đã phát đi một thông điệp đầy tự tin và niềm tự hào của chính mình, của doanh nghiệp mình, của Tổ quốc mình với tinh thần luôn luôn khát vọng khởi nghiệp và thành công: “Tôi có thể tuyên bố rằng, chúng tôi sẽ không sợ bất kỳ một hãng sữa nào trên thế giới cạnh tranh giá thành với chúng tôi ở Nga vì chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao, khoa học quản trị hiện đại nhất và lựa chọn giống bò sữa tốt nhất. Sữa thô của trang trại TH ở Moskva có lượng đạm và béo cao. Nga có quỹ đất rộng lớn, đất đai sạch, chúng tôi làm được sản phẩm sạch, organic”.

Hy vọng rằng, với tấm gương này, ngày càng nhiều doanh nhân Việt Nam có thể tự tin tuyên bố trước thế giới rằng, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng về chất lượng cũng như giá thành với bất cứ đối thủ nào về sản phẩm của mình như bà - doanh nhân Thái Hương.

07/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top