CEO Talentnet - Tiêu Yến Trinh: “Thị trường rất nhiều biến số, Start-up cần bản lĩnh và sáng tạo“

CEO Talentnet - Tiêu Yến Trinh: “Thị trường rất nhiều biến số, Start-up cần bản lĩnh và sáng tạo“

Trung Hiếu
Trung Hiếu trunghieu.ntdtv@gmail.com
Thứ Tư, 30/03/2022 - 06:09

“Thị trường có nhiều biến số thì khởi nghiệp lại càng đòi hỏi sự bản lĩnh, tính sáng tạo, tinh thần vượt khó và thật sự linh hoạt thì mới có thể thích ứng kịp thời”, bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 13: CEO Talentnet - Tiêu Yến Trinh: "Thị trường rất nhiều biến số, Start-up cần bản lĩnh và sáng tạo"  

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm Anh tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM từ năm 1995, thế nhưng bà Tiêu Yến Trinh không chọn nghề giáo viên mà nuôi nhiều khát vọng hơn trên chặng đường khai mở tiềm năng trong các hoạt động thiên hướng kinh doanh.

Trước khi sáng lập Talennet, Tiêu Yến Trinh đã “đầu quân” cho PricewaterhouseCoopers (PwC), một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới. Và chỉ 2 năm sau đó, bà đã trở thành tư vấn viên cao cấp và là trưởng bộ phận nhân sự (ESS) của công ty này. Trong suốt 12 năm làm việc ở PwC, đã có không ít công ty đề nghị bà về làm Tổng Giám đốc, nhưng mọi lời mời đều bị từ chối. 

Sau khoảng thời gian trải nghiệm và học hỏi không ngừng, tháng 11/2007, bà Tiêu Yến Trinh quyết định khởi nghiệp - sáng lập Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation), tiền thân là dịch vụ nhân sự của PricewaterhouseCoopers Việt Nam. Công ty khởi đầu chỉ với 12 nhân sự, dựa trên nền tảng của ESS.

Đến tháng 3/2008, Talentnet chính thức trở thành đối tác chiến lược của Mercer tại Việt Nam. Năm 2010, Talentnet trở thành đối tác chiến lược của ADP Streamline, một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về giải pháp nhân sự thuê ngoài, tính lương, thuế và quản lý phúc lợi. Năm 2014, ra mắt Vietnam HR Awards - Giải thưởng chiến lược và có giá trị quan trọng nhất cho ngành nhân sự cũng như doanh nghiệp tại Việt Nam, với phương pháp được Talentnet mua bản quyền chính thức từ Singapore và phối hợp với Báo Lao động và Xã hội tổ chức.

Sau hơn 10 năm phát triển dưới sự dẫn dắt của CEO Tiêu Yến Trinh, Talentnet giờ đã trở thành công ty tư vấn nhân sự hàng đầu tại Việt Nam, song hành với các công ty đa quốc gia (trong đó một nửa là công ty Fortune 500) và các công ty lớn của Việt Nam. Talentnet hiện cung cấp các giải pháp quản trị nhân sự toàn diện, chuyên nghiệp và thiết thực phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp với mong muốn từng bước hiện thực hóa tầm nhìn “Tạo sự khác biệt cho cuộc sống của mỗi doanh nghiệp và người lao động”.

NGƯỜI NUÔI KHÁT VỌNG VUN ĐẮP NHÂN TÀI

Khởi nghiệp ở mỗi thời kỳ sẽ có những lựa chọn và hướng đi khác nhau, song dù ở giai đoạn nào thì bản lĩnh của người dẫn đầu vẫn luôn là yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp. Ở giai đoạn mà bà Tiêu Yến Trinh khởi nghiệp, giữa muôn vàn sự lựa chọn với đa dạng ngành nghề cùng nhiều cơ hội rộng mở, song bà đã chọn lĩnh vực nhân sự để bắt đầu.

Lý giải cho điều này, CEO của Talentnet cho biết, trong bất cứ ngành nghề nào thì điều quan trọng nhất vẫn là tập trung vào con người, lấy con người làm trọng. Với quan điểm con người làm trung tâm của mọi đích đến, là nhân tố khơi nguồn sáng tạo, bà Tiêu Yến Trinh đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và nuôi khát vọng tạo lập một doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực nhân sự tại Việt Nam, là cái nôi nuôi dưỡng nhân tài và xây dựng một nền tảng tốt nhất cho thị trường lao động.

“Tôi luôn tin sự thành công của một tổ chức bắt đầu từ chính sự đóng góp của những con người làm việc trong tổ chức đó. Hay nói đúng hơn là trong mọi việc, nếu chúng ta có đúng người, chúng ta hoàn toàn đủ tự tin để chinh phục các mục tiêu. Vậy chẳng phải con người chính là trung tâm cần nhiều sự đầu tư và tâm sức nhất sao?! Sứ mệnh của Talentnet từ ngày đầu thành lập cũng chính là “Tạo sự khác biệt trong cuộc sống của mỗi doanh nghiệp và người lao động”, bắt đầu từ các giải pháp quản trị nguồn lực mà chúng tôi cung cấp”, bà Trinh nói.

Bà Tiêu Yến Trinh - CEO Talentnet cùng các cộng sự. (Ảnh: NVCC).

CEO Talentnet cũng cho rằng thành công của bà đến từ nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu sự kiên trì và chấp nhận đối mặt với mọi thách thức, sẵn sàng lựa chọn một lối đi hoàn toàn khác biệt. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của nhiều cộng sự tâm huyết đi cùng bà trong suốt hành trình 15 năm vừa qua.

Trước rất nhiều biến số của thị trường, bà Trinh không xem đó là khó khăn, mà luôn nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, đồng thời cũng là cơ hội để mình và đồng đội khai phá. Và sau một chặng đường dài, ở thời điểm hiện tại CEO Talentnet đã có những thành quả nhất định để tự tin bước đi trên một hành trình mới, chinh phục những mục tiêu lớn hơn.

VỮNG VÀNG TRƯỚC BIẾN CỐ

Là một doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực nhân sự, dưới sự dẫn dắt của bà Tiêu Yến Trinh, dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng Talentnet vẫn là một trong số ít doanh nghiệp đứng vững trước biến cố, sẵn sàng thích ứng linh hoạt khi thị trường nhiều biến động.

Bà Trinh cho biết, ngay từ năm 2018 khi Talentnet chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau hành trình 10 năm, doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu “sáng tạo hơn, đổi mới hơn” trong tất cả các hoạt động mình làm.

“Những năm gần đây dù có biến động vì dịch Covid-19, mục tiêu này của chúng tôi vẫn không thay đổi, nhưng được quán triệt với tốc độ nhanh hơn để kịp thời thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Cụ thể, chúng tôi liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ bằng việc tích hợp công nghệ trong các dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Đồng thời kết hợp với các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu để mang đến những thông tin thị trường cập nhật hơn cho các khách hàng của mình, hỗ trợ họ trong việc ra các quyết định tái cơ cấu, điều chỉnh hoặc nâng tầm hoạt động nhân sự của doanh nghiệp”, bà Trinh chia sẻ.

Để giữ vững niềm tin và sự kiên định trong lĩnh vực đào tạo nhân sự, đặc biệt trên hành trình khởi nghiệp cũng đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức, nhưng một tâm niệm duy nhất của bà Tiêu Yến Trinh là vun đắp nhân tài và giúp họ từng bước khẳng định giá trị riêng.

Theo bà Trinh, trong giai đoạn mới, đặc biệt sau những biến cố bởi Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp chấp nhập rời khỏi cuộc chơi thì đồng thời cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các Start-up mang tính sáng tạo, hoặc cho những Start-up nhiều kinh nghiệm hơn được “tái khởi nghiệp”.

Một trong những điểm mấu chốt là cần quan tâm nuôi dưỡng nhân tài đi kèm với giá trị nhân văn ở mỗi doanh nghiệp, luôn trọng dụng những cộng sự đã gắn bó với công ty nhiều năm, dù cho có đôi lúc họ chọn hành trình khác rồi sau đó lại trở về.

Dù khởi đầu chỉ 12 người, nhưng với định hướng hoạt động dành mọi sự quan tâm tốt nhất dành cho nhân sự, sau đó công ty đã từng bước phát triển lên tới hàng trăm nhân sự.

CEO Talentnet cho biết, công ty vẫn luôn sẵn sàng đón nhận những người đã nghỉ việc và sau đó muốn trở lại, xem họ như luồng gió mới cho doanh nghiệp. Những năm qua, dù nhiều nhân viên đã nghỉ việc ở Talentnet, nhưng vẫn nhớ về nơi đây, cùng tham gia các hoạt động chung với công ty. Đó là tình cảm, là điều có giá trị nhất mà Talentnet đạt được cho đến hiện tại.

NGƯỜI THẮNG CUỘC PHẢI BIẾT THỜI THẾ

Bàn về cơ hội của ngành đào tạo nhân sự trong bối cảnh mới, CEO Talentnet nhận định Việt Nam vẫn là thị trường đầy tiềm năng và sôi động. Đến thời điểm quý I năm 2022, có thể nói thị trường đã “ấm” dần lên với nhu cầu tuyển dụng gia tăng, cũng như sự “trở lại” của nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài cầm chừng vì đại dịch, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất. Trong khi đó nhóm ngành công nghệ, tài chính, thương mại điện tử đang ở vào thời điểm chín muồi của mình bởi sự sẵn sàng của nguồn cung và gia tăng nhu cầu của khách hàng.

CEO Talentnet dự báo, đến nửa cuối năm 2022 sẽ có chút khởi sắc cho nhóm ngành du lịch. Nhìn chung, 2022 là năm của sự “phục hồi” cho thị trường lao động, chủ yếu do các chính sách thích ứng đã được cả doanh nghiệp và các cơ quan ban ngành địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. 

Trên cương vị là một nhà điều hành doanh nghiệp về tư vấn và tuyển dụng nhân sự, bà Tiêu Yến Trinh cho biết, bản thân cũng rút ra nhiều kinh nghiệm sâu sắc khi chèo lái con tàu trong biến cố chưa từng có.

Theo bà Trinh, giá trị lớn nhất mà chúng ta có được sau đại dịch đó là tình yêu thương từ cộng đồng, là giá trị từ sự quan tâm giữa những con người với nhau. Còn đối với doanh nghiệp, điều quý giá mà cả tập thể của Talentnet tích lũy được sau đại dịch chính là tinh thần xông pha trong công việc, khả năng thích ứng linh hoạt trước những biến số khó lường. Điều này không chỉ mang lại sức mạnh cho công ty vượt qua khó khăn, mà còn khẳng định giá trị của mỗi cá thể trong một tổ chức mà họ đang cống hiến.

“Có thể nói trong suốt những năm vừa qua với bối cảnh đại dịch, cũng như mọi người chúng ta có cơ hội soi chiếu lại bản thân của mình nhiều hơn, về ý nghĩa của những việc mình làm và giá trị mà bản thân mỗi người muốn hướng tới. Tôi may mắn vì đã nhận được nhiều yêu thương và quan tâm của mọi người xung quanh, từ gia đình, bạn bè cho đến các khách hàng và nhân viên công ty.

Talentnet cũng vinh dự khi được đồng hành cùng nhiều khách hàng trong công tác tư vấn các hoạt động, nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp trong và hậu Covid một cách tức thì. Tôi nghĩ đó là may mắn lớn vì chúng tôi được khách hàng tín nhiệm”, bà Trinh chia sẻ.

Dưới góc nhìn của thuyền trưởng Talentnet, trước các thách thức lớn tưởng chừng không thể vượt qua, bà luôn tự hỏi mình “điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?” và từ đó sẽ tìm ra những giải pháp để giảm thiểu rủi ro. Điều đó có nghĩa là CEO Talentnet luôn đặt ra các phương án khác nhau để đánh giá một vấn đề kỹ lưỡng hơn. Và khi chúng ta đã hiểu rõ hơn vấn đề thì sẽ nhìn thấy mọi việc theo chiều hướng tích cực hơn và xử lý theo cách gãy gọn nhất.

KHỞI NGHIỆP, QUAN TRỌNG NHẤT LÀ GIỮ ĐƯỢC "SỨC BỀN"

Trước câu hỏi về cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bà Tiêu Yến Trinh cho rằng dù ở giai đoạn nào thì quan trọng là người khởi xướng phải giữ được sức bền, từ đó mới có thể truyền lửa cho các cộng sự. Đặc biệt là trong và sau đại dịch Covid-19, thì quan niệm về khởi nghiệp cũng sẽ có nhiều thay đổi. Trong đó, người biết nắm giữ thời cuộc quan trọng hơn nhiều so với một ý tưởng hay nhưng thiếu sự đổi mới.

“Tôi nghĩ khởi nghiệp bao giờ cũng là hành trình nhiều biến số mà mình khó lường hết. Mỗi một giai đoạn sẽ có đặc thù, thách thức riêng biệt. Trong bối cảnh Covid-19, thách thức chính là làm sao để tạo được một mô hình kinh doanh tinh gọn, linh hoạt, dễ co kéo trước các biến số khó lường ấy. Vì vậy, tôi nghĩ các bạn trẻ cần nhất là sức bền, để bắt đầu và bắt đầu lại”, bà Trinh cho biết.

Là một nhân tố rất thành công khi khởi nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, bà Tiêu Yến Trinh nhận định nếu lớp trẻ muốn tiếp tục với lĩnh vực này thì vẫn còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng để khai phá. Nhân sự là một lĩnh vực tuy không còn mới mẻ, nhưng ưu điểm của ngành này chính là sức sáng tạo của con người, là sự đổi mới trong tư duy, hành động của con người ở từng giai đoạn sẽ luôn có sự thay đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Hiện nay thị trường lao động Việt Nam càng ngày càng chất lượng hơn, và doanh nghiệp cũng luôn mong muốn tìm kiếm những đối tác về nhân sự để cung cấp một đội ngũ chuyên nghiệp và giàu khả năng sáng tạo, linh hoạt trong mọi tình huống - đó chính là cơ hội của ngành.

“Đây là ngành vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội để các bạn có thể khởi nghiệp. Hiện thực mới đang đòi hỏi những mô hình quản trị sáng tạo và mới mẻ hơn nên sẽ có rất nhiều đất cho các bạn nuôi dưỡng ước mơ của mình. Các bạn có thể cân nhắc bắt đầu với các giải pháp công nghệ hóa chức năng nhân sự, các sản phẩm giúp nâng cao kỹ năng cho người lao động hay đơn thuần là một trang tin tức tổng hợp cho nhóm lao động trẻ… Các bạn trẻ hiện nay có thế mạnh học hỏi nhanh, được cập nhật liên tục với những xu hướng mới sẽ tạo ra những giải pháp kinh doanh thú vị, đột phá, hoàn toàn khả thi”, bà Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, theo CEO Talennet, điều quan trọng và thật sự cần thiết với các doanh nghiệp từ những bước đi đầu tiên là việc xây dựng văn hóa và chiến lược quản trị hiệu quả. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu, mở rộng tệp khách hàng tiềm năng cũng cần được các bạn trẻ chú trọng và đầu tư đúng mức. Để tham gia và tồn tại được trong thị trường đặc thù này, các bạn trẻ cần có sự kết hợp hài hòa giữa những ý tưởng bùng nổ và một chiến lược trọn vẹn ngay từ đầu, chủ động trong hành trình phát triển.

CEO Tiêu Yến Trinh nhận định, may mắn cho thế hệ trẻ ngày nay là đã có nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ nhiều tổ chức, nhà đầu tư và đặc biệt là sự ủng hộ của Chính phủ luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho những ý tưởng táo bạo và thiết thực trong khởi nghiệp. Song song đó, chúng ta đang có một thế hệ trẻ Start-up tài năng và máu lửa trong những tìm tòi của mình. Đây là điều kiện rất thuận lợi để khởi nghiệp Việt có thể vươn xa và khẳng định vị thế trên toàn cầu.

“Khi tham gia các câu lạc bộ như Doanh nhân trẻ YBA hay Nữ doanh nhân, chính tôi cũng được học hỏi thêm từ rất nhiều các bạn trẻ khác về sự sáng tạo và đa năng. Lợi thế về ngoại ngữ và am hiểu công nghệ giúp các bạn có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, thay đổi hoặc cùng một lúc làm rất nhiều công việc khác nhau. Với cá nhân tôi, đó là một điểm cộng rất lớn của các bạn trẻ. Dám theo đuổi những ước mơ, dám thử sức và bắt tay vào làm tức thì những ý tưởng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi nghĩ đó đã là một bản lĩnh mà chúng ta hoàn toàn có thể học ở các bạn trẻ”, bà Trinh bày tỏ.

Tuy là thị trường có tiềm năng, nhưng chất lượng lao động tại Việt Nam cũng chưa thật sự đồng đều. Theo bà Tiêu Yến Trinh, để nâng cao chất lượng người lao động thì mấu chốt nhất vẫn là làm sao tạo được sự kết nối xuyên suốt hơn, chiến lược hơn từ môi trường đào tạo của các cơ sở giáo dục với khối doanh nghiệp. Khi khoảng cách giữa chất lượng, độ tương thích của nguồn cung (học sinh, sinh viên ra trường) với nhu cầu công việc thực tế tại doanh nghiệp được rút ngắn, chất lượng của thị trường lao động Việt Nam sẽ nâng cao.

“Tôi hoàn toàn hiểu để làm được chuyện này cần cả một quá trình rất dài. Vậy con đường ngắn hơn mà chúng ta có thể làm chính là tăng cường hoạt động reskill và upskill (tái đào tạo, nâng cao kỹ năng) cho người lao động tại chính các doanh nghiệp để phù hợp hơn với đòi hỏi của hiện thực mới. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc các kỹ năng số, công nghệ để giúp việc chuyển đổi và tự động hóa quy trình lao động được diễn ra nhanh chóng, trước khi áp dụng công nghệ vào việc cải tiến chất lượng”, CEO Talentnet chia sẻ.

30/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top