Doanh nhân là một danh từ cao quý mà xã hội dùng để gọi những con người có khát vọng và ý chí, biết vượt lên để làm giàu. Nhưng vẫn còn đâu đó, những người mượn danh "doanh nhân" để trục lợi cá nhân, để kiếm tiền bất chấp. Vì thế, hình ảnh doanh nhân là góc nhìn đa chiều trong con mắt dư luận xã hội. Vậy dưới góc nhìn của các nhà văn, doanh nhân hiện lên như thế nào?
Cà phê cuối tuần này xin giới thiệu các vị khách mời: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà Văn; Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thành Phong; Nhà văn Tạ Duy Anh; Nữ nhà văn Y Ban và Nhà văn Trần Thanh Cảnh vừa là một dược sỹ, một doanh nhân.
PV: Xin cảm ơn các nhà văn đã đến với "Cà phê cuối tuần", các nhà văn đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân trong giai đoạn hiện nay?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi chưa thấy đất nước nào phát triển mà lại thiếu vai trò quan trọng hàng đầu của doanh nhân. Họ là những người tạo ra tiền bạc một cách khôn ngoan, tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, làm gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị lao động, biến cuộc sống trở nên có tính cạnh tranh và gắn kết rất cao. Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, doanh nhân là những người biến cảm hứng sáng tạo, cảm hứng sống, cảm hứng vượt lên hoàn cảnh thành nhu cầu của toàn xã hội. Họ là cỗ máy có thể quạt hơi nóng khao khát phát triển vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.
Nhà văn Y Ban: Muốn đánh giá vai trò của doanh nhân lại quay về câu nói đúc kết từ ngàn năm của cha ông ta rất đúng: “Phi thương bất phú”, một xã hội muốn giàu có phải có những thương gia. Nếu không có buôn bán thì xã hội sẽ không có sự phồn thịnh.
Chúng ta thử phân tích, người nông dân trồng trọt trên cánh đồng của họ nhưng nếu không có bàn tay của thương lái thì sản phẩm rơi vào nghịch cảnh càng được mùa lại càng mất mùa, bởi vì sản phẩm ứ ự nhưng không có người tiêu thụ. Và xã hội đã phân chia lao động, những thương lái, những nhà kinh doanh, họ bỏ vốn ra mua sản phẩm, điều tra thị trường, sản phẩm chưa hoàn hảo họ làm cho hoản hảo để tìm đầu ra.
Nói câu chuyện này để thấy, các thương gia, các doanh nhân có vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Chúng ta có bước được ra trường quốc tế hay không? Đó là nhờ vào sản phẩm, uy tín của các doanh nhân. Vì thế chúng ra nên tự hào và hỗ trợ, sẻ chia với họ.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Doanh nhân Việt Nam, từ xa xưa, đến cận đại và thời đại hiện nay, đã dần dần khẳng định vị trí và đóng góp của mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Họ, cũng như những người nông dân, công nhân, trí thức, đã vượt qua biết bao nhiêu nhọc nhằn, lấm láp, có lúc nhục, có khi vinh, trong những biến cải thăng trầm dâu bể của nước non.
Trước đây, doanh nhân không phải lạc hướng, mà là họ đi đâu đấy, xa rời đất nước này, xa rời đời sống con người này, xa rời sự phát triển của dân tộc này nhưng bây giờ họ đã trở lại.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Những người làm giàu cho mình, cho xã hội, từ chưa có tên gọi trong từ điển, phải gọi bằng những cái tên có phần coi nhẹ hoặc trung tính, vì nhiều căn nguyên nhận thức, khúc nhôi lịch sử, từ sau Công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay, đã trang trọng được định danh là Doanh nhân. Từ Doanh nhân đã đi vào trong Nghị quyết của Đại hội Đảng, đi vào trong Hiến pháp.
Doanh nhân ngày nay, đã được yêu mến và kính trọng như là những con người tinh hoa và có công trạng lớn đối với đất nước. Doanh nhân đã trở thành một trong những hình mẫu đẹp của giấc mơ nhiều em bé đang ngồi trên ghế trường phổ thông. Doanh nhân đã là lựa chọn trong khởi đầu hành trình lập thân lập nghiệp của nhiều người trẻ tuổi hiện nay.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Tôi cho rằng, một đất nước có giàu hay không, phụ thuộc vào việc có đội ngũ doanh nhân giỏi hay không. Việc xây dựng một nền kinh tế để đất nước có “hoá” rồng không phải là vai trò của doanh nhân. Vai trò của doanh nhân phải khẳng định là xương sống, là chủ lực của nền kinh tế.
Đừng chỉ nhìn vào những đại gia bề nổi, đằng sau đấy là hàng triệu những doanh nhân, có khi chỉ là chủ một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng đã giải quyết được công ăn việc làm cho một số người, nuôi sống bản thân và đóng góp thuế cho Nhà nước. Hàng triệu những doanh nghiệp ấy và hàng triệu những doanh nhân ấy làm nên bộ mặt kinh tế của đất nước.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Phải nói giai đoạn đầu, người Việt nhìn người giàu với một con mắt không thiện cảm, thậm chí có thể coi thường vì những người đó chỉ lao vào làm giàu và hưởng thụ của cải vật chất trên những gì mình làm ra được. Nhưng dần dần các doanh nhân thời hiện đại bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện… Các doanh nhân bắt đầu hiểu rằng, việc của họ không chỉ là làm ra đồng tiền mà họ còn đóng góp để làm ra một nền văn hóa.
Trước đây, doanh nhân không phải lạc hướng, mà là họ đi đâu đấy, xa rời đất nước này, xa rời đời sống con người này, xa rời sự phát triển của dân tộc này nhưng bây giờ họ đã trở lại. Rất nhiều doanh nhân đang đi con đường đúng, làm lợi cho xã hội, bởi họ hiểu rằng nếu đất nước không phát triển thì tập đoàn, công ty của họ cũng khó phát triển được. Và nếu công ty của họ muốn phát triển một cách bền vững thì họ phải dựa trên một nền tảng văn hóa.
PV: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều vừa nhắc đến cụm từ “nền tảng văn hoá”, vậy theo các vị, nên hiểu văn hóa doanh nhân là như thế nào và có vai trò quan trọng ra sao?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Chúng ta khoanh lại chỉ nói về những doanh nhân chân chính. Với tôi, họ là những người hành động để kiến tạo nên sự phồn vinh.
Văn hóa doanh nhân chính là đề cao sự minh bạch, tôn trọng các luật lệ, công bằng giữa cống hiến và thu nhập, đảm bảo sự hài hòa về lợi ích. Văn hóa doanh nhân còn là ứng xử tử tế của người có tiền với những thành phần kém hơn của xã hội về vị thế kinh tế và để đảm bảo việc kiếm tiền làm giàu không trở thành hành vi đáng ghét, không vì sự giàu có của người này, nhóm người này mà làm tổn thương người khác, nhóm người khác. Văn hóa doanh nhân là trong mọi trường hợp đều biết đặt lợi ích của đất nước lên cao nhất.
Nó, văn hóa doanh nhân đương nhiên là vô cùng quan trọng, thậm chí là sự sống còn trong kinh doanh và phát triển.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Theo tôi, trước hết, những người làm ra đồng tiền, làm ra văn hóa xã hội phải chứa đựng văn hóa trong người, và điều này thể hiện ra qua cách ứng xử với công việc, với cấp dưới và với chính các sản phẩm mà họ làm ra.
Nếu không có văn hóa, thì người ta chỉ nghĩ đến đồng tiền, dùng tất cả các mưu mẹo, mánh khóe để làm ra sản phẩm mà có thể gây hại cho những người xung quanh. Một doanh nhân văn hoá phải là người biết bảo vệ sản phẩm của mình và sau khi sản phẩm thu về lợi nhuận, họ dùng một phần số tiền đó để đầu tư phát triển văn hoá.
Họ đầu tư cho văn hóa, họ khuyến khích và tài trợ cho các hoạt động văn hóa. Phát triển văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận bằng tiền nhưng xây dựng nên một đời sống tinh thần để con người biết chia sẻ, biết yêu thương, biết khát vọng và hành động cho những khát vọng ấy.
Nhà văn Y Ban: Chúng ta phải nói thẳng một điều là người Việt nói chung và doanh nhân Việt nói riêng vô cùng thông minh nhưng làm việc theo nhóm rất thấp so với các dân tộc khác.
Tôi nhắc lại một câu chuyện để chúng ta cùng suy ngẫm. Đó là Diêm vương đưa 3 vạc dầu và thông báo, ai nhô lên được thì sẽ được sống, mỗi cái vạc dầu có 3 người.
Vạc dầu thứ nhất, 2 người chìm 1 người sống. Đó là vạc dầu của người Trung Quốc. Vạc dầu thứ 2, 1 người chìm, 2 người còn lại tiếp tục đứng lên vai nhau và sống. Đó là người Nhật Bản. Vạc dầu thứ 3, cả 3 cùng nhô lên lúc đầu nhưng cuối cùng cả 3 cùng chìm xuống, đó là người Việt.
Câu chuyện đó cho thấy, người Việt cứ làm gì một mình thì rất thông minh nhưng hợp lại là “tam nhân bất đồng hành” vì cái tôi quá lớn, không ai chịu nhường ai và cuối cùng, cùng kéo nhau xuống. Vì trong thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt như hiện nay, nếu cùng nhau hợp lực, đoàn kết thành bó đũa sẽ thắng, nhưng nếu riêng rẽ như từng chiếc đũa thì sớm muộn cũng bị bẻ gãy.
Thứ 2 là nhiều doanh nhân của ta chưa được đào tạo bài bản. Có thể xuất phát ban đầu làm ăn nhỏ lẻ như "buôn thúng bán mẹt", sau đó gặp duyên mà phất lên. Vì thế mọi việc đều hành động theo bản năng, "ăn xổi ở thì". Doanh nhân ở đây đòi hỏi phải có tầm chiến lược, phải có cốt cách và cái này đòi hỏi phải liên tục học, liên tục trau dồi.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Thực ra tôi cho rằng bản thân doanh nhân là những người rất có đầu óc thì họ mới lập được doanh nghiệp, kiếm ra tiền, tạo công ăn việc làm cho người khác. Thế nên giờ nói là đi dạy doanh nhân về văn hóa thì đấy là điều ngớ ngẩn, không dạy được vì người ta đã lớn, đã là chủ một doanh nghiệp thì đừng nói dạy khôn người ta. Tôi cũng là doanh nhân, tôi hiểu, giờ ai đến nói dạy tôi về văn hóa, thì tôi cười cho. Văn hóa doanh nhân vẫn phải thiết lập nhưng phải có động tác khôn khéo, Nhà nước phải biểu dương, khuyến khích và tạo ra môi trường.
Xã hội phải nỗ lực xóa bỏ sự kì thị giàu - nghèo, xóa bỏ thói sỹ diện hão, thói chuộng hư danh, đạo đức giả; phải coi làm giàu chân chính là hành vi yêu nước, thương nòi. Khi đó nhân vật doanh nhân sẽ tự tạc hình ảnh của mình vào kí ức cộng đồng.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Thứ 2, theo tôi, cốt lõi là bồi đắp gốc của văn hóa. Ngay khi còn là học sinh đã phải chăm lo, giáo dục một cách văn hóa, vì chính thế hệ ấy sẽ trở thành những doanh nhân tương lai. Phông nền văn hóa kém sẽ kéo theo văn hóa doanh nhân kém. Và chính cách dạy văn kiểu công thức, chính việc học lệch, thiên hướng đến các môn tự nhiên như hiện nay có nguy cơ làm hỏng tâm hồn trẻ thơ, tiêu diệt niềm yêu thích văn học và đọc sách. Thứ 3 là Nhà nước cần phải xử nghiêm những sai phạm trong kinh doanh để các doanh nghiệp ý thức xây dựng được chữ tín, là điều quan trọng hàng đâu trong văn hóa doanh nhân.
PV: Vâng, được biết nhà văn Trần Thanh Cảnh cũng là một dược sỹ, một doanh nhân, thậm chí đó mới chính là nghề tay phải, là con đường mà nhà văn được đào tạo và theo đuổi ngay từ thời trẻ. Vậy việc cân bằng giữa công việc của một nhà văn và một doanh nhân có khó không, thưa ông?
Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Thực ra giữa doanh nhân và văn nhân là hai cảm xúc, hai công việc đối lập nhau. Chính tôi cũng thấy đây là việc rất khó để phân thân ra được. Làm văn nhân đòi hỏi trí tưởng tượng, cảm xúc bay bổng. Nhưng làm doanh nhân, anh phải giữ cái đầu lạnh và tỉnh táo tuyệt đối.
Tôi nghĩ, khi làm doanh nhân, làm người chủ đứng đầu doanh nghiệp, lúc này phải có tinh thần của một đại ca. Tức là mình không chỉ chịu trách nhiệm với mình, với vợ con mình, mà mình phải chịu trách nhiệm để lo được cho các nhân viên của mình và cho cả gia đình, con cái họ nữa. Thế nên để cân bằng hai công việc này, tôi đã phải xác định, ban ngày sống với tinh thần của một doanh nhân, gạt hết cảm xúc, chữ nghĩa bay bổng ra bên ngoài. Đến đêm về, khoảng thời gian tĩnh lặng mới là lúc mình dành cho viết lách.
Con đường đến với nghiệp viết của tôi cũng rất đặc biệt. Tôi không giấu gì, đó là sau một biến cố. Lúc đó doanh nghiệp của tôi đứng trên bờ vực phá sản, tôi lo lắng đến bạc cả tóc, trong đầu luôn đặt ra câu hỏi, nếu mình không chống đỡ được thì ngày mai, bao nhiêu nhân viên của mình và gia đình họ sẽ ra sao. Bức bách dồn đến đỉnh điểm buộc tôi phải tìm một lối thoát cho cho chính mình. Lúc này tôi lấy giấy bút ra và viết, không ngờ đây cũng là lúc bén duyên với nghiệp văn chương, chữ nghĩa.
PV: Câu chuyện của nhà văn Trần Thanh Cảnh phần nào giúp chúng ta hiểu thêm thêm về những áp lực của các doanh nhân. Nhưng dường như hình tượng doanh nhân trong văn học Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn. Các nhà văn nghĩ sao về điều này?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Xã hội phải nỗ lực xóa bỏ sự kì thị giàu - nghèo, xóa bỏ thói sỹ diện hão, thói chuộng hư danh, đạo đức giả; phải coi làm giàu chân chính là hành vi yêu nước, thương nòi. Khi đó nhân vật doanh nhân sẽ tự tạc hình ảnh của mình vào kí ức cộng đồng và làm nảy sinh những nhu cầu tôn vinh họ thông qua sáng tạo nghệ thuật. Đó là nhiệm vụ của cả doanh nhân và những người cầm bút.
Một hệ thống chính sách tốt đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do kiếm sống, tự do bày tỏ ý kiến là trợ thủ cho công việc này, dù nghe có vẻ chúng không liên quan mấy đến nhau.
Nhà văn Y Ban: Thực ra có một thời, chưa xa đâu, trước năm 1975 thôi, những người buôn bán phải đối mặt với việc bị cả xã hội lên án và khinh thường vì mang tiếng “buôn gian bán lận”. Để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ, một lớp người không thể nhanh được. Sau năm 1975 cải tạo công thương, 20 năm trở lại đây, doanh nhân mới được ghi nhận và tôn vinh vì những đóng góp của họ cho xã hội. Thời gian đó còn quá ít, và với nhà văn thì độ lùi để vào được tác phẩm còn quá ngắn.
Thêm nữa, trong thời gian qua doanh nghiệp làm được rất nhiều việc nhưng chưa có ai đủ cả tầm, tâm, tài để trở thành một hình tượng lớn trong văn học. Vì có khi hôm trước, họ được tôn vinh như một anh anh hùng, hôm sau đã lại thấy sai phạm, bị bắt bớ. Cho nên để hình tượng doanh nhân khắc sâu trong văn học, hãy đợi thời gian để kết tinh, chưng cất, để chính lớp doanh nhân cũng trưởng thành hơn. Tôi tin rằng, khi họ được ghi nhận trong lòng xã hội, thì chắc chắn họ sẽ đi vào văn học một cách tự nhiên.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong: Kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, khoảng 30 năm, là một thời đoạn đặc biệt, ghi dấu ấn việc hình thành và phát triển một đội ngũ doanh nhân mới của đất nước. Một đội ngũ đông đảo, trí tuệ và tài năng, đã góp phần làm đổi thay diện mạo xứ sở, tạo ra những bước phát triển với tốc độ có thể gọi là thần kỳ so với trước đó, so với lịch sử. Nhiều doanh nhân đã là thương hiệu của Việt Nam, có tên trong những bảng xếp hạng những nhà giàu trên thế giới.
Nhưng con đường đi của mỗi doanh nhân, của cả đội ngũ doanh nhân, những năm vừa qua, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những doanh nhân đã rơi vào những hút xoáy ghê gớm, có những thành bại, những câu chuyện cay đắng, chắc sẽ còn được kể nhiều trong nhiều thời gian tới nữa…
Nhà văn là kỹ sư, là người ghi chép của thời đại, ghi chép sự trưởng thành của đất nước qua sự phát triển của doanh nhân. Vì thế, có những doanh nhân xấu, đáng lên án thì ta phải phê phán, nhưng với những doanh nhân có nhiều đóng góp, ta phải ghi nhận phản ánh như nhân vật trung tâm của thời đại, cùng đồng hành, chia sẻ với doanh nhân.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Rất nhiều mẫu người có thể trở thành nhân vật của những cuốn tiểu thuyết. Ở họ, có đầy những điều thú vị. Tôi có những người bạn doanh nhân, họ rất kiêu hãnh và tự hào vì mỗi năm đóng thuế hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước và họ hạnh phúc vì điều đó. Nhưng họ nói rằng không muốn hiện ra trong truyền thông bởi cái cách ghen ghét, cái cách đố kỵ, cái cách nhìn nhận về truyền thông đưa hình ảnh lên còn sai lệch. Nên người ta cố gắng giấu mình đi, họ vẫn làm tất cả nghĩa vụ với Nhà nước, họ tìm mọi cách để cải thiện đời sống của công nhân trong tập đoàn. Những những mẫu nhân vật này, văn học chưa chạm được đến.
Hai nữa, cũng phải nói là các nhà văn cũng chưa đặt vấn đề này. Các nhà văn có góc nhìn riêng, đôi khi, họ nghĩ phải nhân vật này, nhân vật kia thì mới thành được tác phẩm lớn và bỏ quên doanh nhân. Đó cũng là cách nhìn chưa đúng và đầy đủ lắm.
Tôi nghĩ đã đến lúc mọi việc phải trở nên bình thường, những doanh nhân có thể cho phép các nhà văn khai thác sâu hơn trong đời sống của họ, không nói về việc họ có bao nhiêu tiền mà có thể để khắc họa rằng, từ một đứa trẻ khổ đau trong một gia đình thiếu thốn, bất trắc, họ đã đi bằng đôi chân của họ, ý chí của họ để trở thành một con người tốt.
Điều quan trọng ở đây, không phải để anh ta trở thành một doanh nhân lớn hay một chính khách lớn… mà qua đó muốn nói lên khát vọng sống, ý chí sống và nỗ lực sống của con người. Điều gì mang lại lợi ích cho xã hội và sự thanh thản trong tâm hồn con người đó thì luôn luôn là hình ảnh mẫu cho mọi nền văn học, cho văn chương ở tất cả các thời đại.
Xin cảm ơn các nhà văn đã tham gia cuộc đối thoại!