Aa

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Dùng phép trừ để chạm vào hạnh phúc”

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Năm, 12/10/2017 - 06:00

Những trải nghiệm về cuộc sống và tình bạn đẹp với một doanh nhân đã đem đến cho nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn - góc nhìn, sự cảm nhận sâu sắc về thành công và hạnh phúc thực sự của một doanh nhân chân chính. Trong khi chúng ta đang ra sức làm phép cộng, thì những người biết sống, cả đời đều đang làm phép trừ.

PV: Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) được ra đời năm 2004. Gần như trước đó, một thời gian khá dài, "doanh nhân" không có trong từ điển. Nhà văn nhìn nhận thế nào về quá trình phát triển của đội ngũ này?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Có thể nói lịch sử doanh nhân chúng ta bị ngắt quãng. Từ thời Pháp thuộc, chúng ta đã có những doanh nhân và gọi đó là nhà tư sản, trong đó, những người tôi đã nghiên cứu như Bạch Thái Bưởi hay Trịnh Đình Kính - người sản xuất thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam, rồi Nguyễn Sơn Hà người làm ra một thứ sơn rất nổi tiếng từng đạt giải vàng Hội chợ Đông Dương, chiếm lĩnh thị phần cực lớn và đẩy cả những thị phần của người Pháp ra ngoài. Có một điều quan trọng là họ lập nghiệp hoàn toàn bằng bàn tay "trắng", bằng khát vọng và họ là những nhà tư sản chân chính.

So với số lượng của cải của những doanh nhân hiện nay thì họ không thể bằng được nhưng có một điều mà các doanh nhân Việt Nam hiện nay phải học hỏi là ý chí làm giàu, là cốt cách làm giàu, là cách sử dụng đồng tiền.

Khi Cách mạng đến thì các nhà tư sản này đã ủng hộ Cách mạng một cách tuyệt đối, họ đã lấy nhà mình để nuôi các Đại biểu Quốc hội khoá đầu tiên của Việt Nam, để trang bị rất nhiều quần áo cho các Đại biểu Quốc hội, ngay tuần lễ vàng đầu tiên, ông Nguyễn Sơn Hà đã hiến 1800 cây vàng. Họ hiến nhà cửa cho Cách mạng và sống trong những khu nhà rất nhỏ bé, họ dâng hiến vì mục đích cao cả của dân tộc là tự do, độc lập. 

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nguồn ảnh: Internet

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Nguồn ảnh: Internet

Sau đó, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân bị ngắt quãng, một giai đoạn chúng ta không có doanh nhân nữa vì chuyển sang làm ăn tập thể, hợp tác xã, xí nghiệp. Trong chiến tranh, điều này có thể cần thiết nhưng sau chiến tranh thì không cần như vậy nữa, nhận thấy điều đó không thể kéo dài, chúng ta đã có sự thay đổi. Đó cũng có thể coi là cuộc Cách mạng.

Tôi cho là bây giờ là giai đoạn quan trọng nhất của doanh nhân Việt Nam, họ bắt đầu tư duy trong tinh thần của các nhà tư sản. "Các nhà tư sản" hiểu ở đây theo nghĩa rất trong sáng, đó là cốt cách và tinh thần. Họ đã có một chiến lược bài bản, ví dụ như tập đoàn Vingroup hay là một số tập đoàn khác. Và quan trọng nữa, các doanh nhân bắt đầu hiểu rằng, việc của họ không chỉ là làm ra đồng tiền mà họ còn đóng góp để làm ra một nền văn hóa. Đây là khái lược và quá trình trong góc nhìn của tôi về doanh nhân Việt Nam.

PV: Nhưng dường như, trong dư luận, vẫn còn những cái nhìn thiếu thiện cảm về doanh nhân?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Để kiếm được đồng tiền sạch luôn là điều khó khăn. Dư luận xã hội nghi ngờ là có lý do vì đã có giai đoạn, một số người giàu lên bất chợt và nhanh chóng. Khi sau một đêm, người bên cạnh mình bỗng vô cùng giàu có, đương nhiên sẽ dẫn đến hoài nghi. Những biến động xã hội, về thị trường, về kinh tế… đã làm cho người ta tranh thủ cơ hội làm giàu, trong khi luật pháp lúc đó chưa chặt chẽ, Nhà nước chưa quản lý kín kẽ và có những sơ hở. Có những người nhanh nhạy chộp lấy cơ hội đó để làm giàu. Hình ảnh họ hiện ra không hợp lý với đời sống bên cạnh.

Các doanh nhân bây giờ làm ra đồng tiền bằng bàn tay chân chính, bằng mồ hôi, trí tuệ và khát vọng, vì thế họ sử dụng đồng tiền đầy hợp lý. Họ là những người rất đáng được tôn trọng!

Họ, cá nhân họ, vợ con họ đã sử dụng đồng tiền một cách đầy kệch cỡm, đầy ngạo mạn, vô lối và gây nên phản cảm. Nhưng bây giờ khác rồi, người làm kinh tế nhiều hơn nên sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, pháp luật chặt chẽ hơn nên để làm giàu đòi hỏi phải thực sự trí tuệ, có ý chí và khả năng tổng hợp trong một thị trường cạnh tranh.

Tôi biết, có những người đã giàu một cách nhanh chóng được 10 - 20 năm và bây giờ lại tay trắng, không còn gì cả. Bởi cách làm giàu nhanh quá và họ không có khả năng quản lý đồng tiền, không thể cạnh tranh trong thời đại mới với các doanh nhân có trí thức, bài bản, chấp hành luật pháp. Các doanh nhân bây giờ làm ra đồng tiền bằng bàn tay chân chính, bằng mồ hôi, trí tuệ và khát vọng, vì thế họ sử dụng đồng tiền đầy hợp lý. Họ là những người rất đáng được tôn trọng!

(Thực hiện: Hồng Vũ)

PV: Nhà văn có tình bạn đẹp với một doanh nhân. Đó là ông Đỗ Công Sơn – người được mệnh danh là đưa máy bay Boeing đầu tiên về Việt Nam, một trong những triệu phú đô la đầu tiên ở Việt Nam ngay từ thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Nhà văn có thể chia sẻ về tình bạn này?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi gặp anh Đỗ Công Sơn trên một chuyến đi nước ngoài, chúng tôi quý mến nhau vì cùng quê hương Ứng Hòa. Anh Đỗ Công Sơn là người có cuộc sống đầy thăng trầm và là một trong những người giàu đầu tiên ở Hà Nội thời kỳ đổi mới. Đầu tiên, anh Sơn cũng tập trung làm giàu mà như tôi gọi đùa là mục đích để nâng tài khoản. Nhưng bên trong sự tỉnh táo của một người làm kinh tế, anh lại rất chịu khó đọc sách, yêu các tác phẩm hội họa, văn học. Anh quý trọng tôi vì tôi là người viết văn và chúng tôi tìm được sự đồng cảm.

Chỉ tiếc rằng người bạn của tôi mất khi còn quá trẻ, mới chớm vào tuổi 50. Anh Sơn bị ung thư 13 năm nhưng trong suốt thời gian ấy, anh vẫn sống như bình thường và kiên cường chiến đấu với nó. Trước khi mất, anh Sơn đã chia sẻ tâm nguyện: “Muốn Nguyễn Quang Thiều là người duy nhất viết điếu văn cho tôi, bởi ông ấy hiểu cả những phiền muộn của tôi, đau khổ của tôi hay cả những sai lầm của tôi, cả những điều tử tế của tôi”.

PV: Hẳn sự gắn bó sâu sắc với người bạn lớn này đã giúp nhà văn hiểu hơn về những thăng trầm và cuộc sống của một doanh nhân?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Ý chí làm giàu của anh Sơn rất lớn. Đỗ Công Sơn đã có một tuổi thơ vất vả, vô cùng đói khổ. Khi ra nước ngoài và thấy ngươi dân ở các nước này có cuộc sống đàng hoàng, anh khát khao làm được điều đó. Vượt qua rất nhiều những gian truân, anh đã hiện thực hoá giấc mơ của mình. Thế nhưng con người này có những nguyên tắc sống đặc biệt.

Khoảng lặng đó, giúp anh nhận ra rằng đồng tiền không phải thứ quyết định tất cả, giúp anh cảm nhận ý nghĩa, niềm vui của những đồng tiền mình làm ra, lúc đó anh bắt đầu "chạm" vào hạnh phúc. Còn nếu cứ chạy theo phép cộng mãi, sẽ bị cuốn vào vòng xoáy như một con thiêu thân không điểm dừng.

Ngay cả trong gia đình, anh Sơn cũng vô cùng nghiêm khắc với con trong cách sử dụng đồng tiền. Anh có thể để lại cho con anh một tài sản rất lớn nhưng cách các con anh sử dụng thế nào lại được kiểm soát chặt chẽ. Tôi nhớ có lần đến nhà anh chứng kiến cảnh, con anh học ở nước ngoài nhưng để mua một đôi giày mới, phải viết thư về xin phép bố.

Con người Đỗ Công Sơn không chấp nhận hiện thực đói khổ và có một khát vọng vươn lên mãnh liệt. Khi có tiền rồi, anh biết rằng, đồng tiền đó, nếu để ăn, tiêu hay mua sắm thì chỉ trong vài ngày sẽ trở nên nhàm chán. Nhưng khi tiền được sử dụng vào những việc có ích, thì nó sẽ mang một giá trị lớn lao hơn nhiều. Anh Sơn làm từ thiện rất nhiều nhưng có một nguyên tắc là không bao giờ thông tin lên báo chí, truyền thông. Những gì tôi viết về anh là chỉ khi anh mất rồi.

Thời đó, mỗi khi miền Trung lũ lụt, chúng tôi mang theo một lượng tiền mặt khá lớn để làm từ thiện, giúp đỡ đồng bào. Nhưng có điều đặc biệt là tôi thay mặt anh, toàn quyền quyết định và trao những phần quà cho người dân hay các trường học, anh chỉ âm thầm đi trong đoàn. Sau này, có những người nhận tài trợ của anh Đỗ Công Sơn biết chuyện mới hỏi tôi, “anh Sơn giúp đỡ chúng tôi như vậy, anh ấy có muốn chúng tôi đáp lại điều gì?”. Tôi đã nói, nguyện vọng của anh Sơn chỉ là muốn họ hãy sử dụng đồng tiền đó để cải thiện cuộc sống, cải thiện một phần đời sống văn hóa và tạo điều kiện cho con em phát triển.

Hay một câu chuyện khác, có lần anh bay qua vùng chiến sự ở Trung Đông, Đỗ Công Sơn kể với tôi khi chiếc Boeing đáp xuống một sân bay ở vùng Vịnh thì giá vàng ở đó giảm xuống chưa từng thấy (giảm khoảng 50% đến 60% so với giá thị trường thế giới). Anh nói chỉ cần đưa Master Card quét một cái là có thể mang về một khối lượng vàng lớn. Anh có đủ tiền để mua vài trăm ki lô vàng. Nếu mang được từng đó vàng về Bangkok bán, bạn thử hình dung xem anh lãi được bao nhiêu? Anh đã đứng trước “thế giới vàng” ấy và chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích về một người quá tham lam lấy nhiều vàng và bị rơi xuống biển vì con chim chở anh ta không đủ sức. Cuối cùng anh chỉ mua một ít trang sức cho người thân và trở về.

Đỗ Công Sơn nói với tôi, trong nghề kinh doanh nhiều lúc người ta thành công là nhờ những vận may lạ kỳ. Anh là người luôn luôn nhận ra tín hiệu của những vận may và luôn tìm cách tận dụng những vận may đó. Đó là khả năng quan sát và phân tích rất quan trọng của những người kinh doanh. Nhưng trong vụ “vàng” ở vùng Vịnh, anh đã phải bước qua vận may đó. Anh nói: “Sau cái màu vàng lấp lánh uy lực kia có thể là cái chết”.

Đỗ Công Sơn quan niệm, đôi khi phải biết điểm dừng chứ không phải cứ lao đi kiếm tiền bằng mọi giá. Tôi nghĩ đó cũng là điều nhiều doanh nhân nên chiêm nghiệm và suy ngẫm.

PV: Điều đó có lẽ làm chúng ta thay đổi suy nghĩ, với một doanh nhân chân chính, tiền không phải là tất cả?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Khi con người ta đã đi qua những cùng cực của đói khổ thì việc có kinh tế sung túc, tất nhiên là một hạnh phúc. Nhưng khi người ta đủ ăn, đủ mặc rồi thì phép trừ lại là một hạnh phúc chứ không phải phép cộng.

Tôi lấy ví dụ, một doanh nhân muốn có 120 tỷ thì phải nỗ lực rất nhiều, thậm chí có người dùng cả mánh khóe, bởi khi có 120 tỷ, anh lại muốn có 150 tỷ và cứ thế lao vào, tìm mọi cách, chà đạp lên mọi thứ để đạt được mục đích của mình. Có thể là lừa đảo cả đồng loại, gian lận hàng hóa, giở hết chiêu trò, mánh khóe và phép cộng cuốn anh ta đi như một trò ma mị. Nhưng nếu biết một phép trừ, người đó sẽ "chạm" vào được hạnh phúc. Khi có 120 tỷ, người đó trừ đi 10 tỷ để giúp đỡ người nghèo, để dành thời gian đọc một cuốn sách hay, để nghe một buổi hòa nhạc, để trồng một bồn cây...

Khoảng lặng đó, giúp anh nhận ra rằng đồng tiền không phải thứ quyết định tất cả, giúp anh cảm nhận ý nghĩa, niềm vui của những đồng tiền mình làm ra, lúc đó anh bắt đầu "chạm" vào hạnh phúc. Còn nếu cứ chạy theo phép cộng mãi, sẽ bị cuốn vào vòng xoáy như một con thiêu thân không điểm dừng.

Tôi có một nhóm người bạn là những doanh nhân khu vực Hà Đông, họ đã bỏ công sức và tiền của ra để tìm mua lại những sắc phong đã mất ở những đền, chùa, sau đó lại thuê người dịch, tìm lại những đền chùa đã bị mất sắc phong và trao trả lại. Họ làm việc này âm thầm và chia sẻ rằng họ thấy hạnh phúc vì làm được những điều có ý nghĩa như thế.

Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top