Aa

Tác giả "Bước qua lời nguyền", "Ngõ lỗ thủng" và nghệ sỹ: Bàn về quy hoạch Hà Nội

Mai Dương (thực hiện)
Mai Dương (thực hiện) dohongvan115@gmail.com
Thứ Bảy, 07/10/2017 - 06:00

“Thật lòng tôi lo sợ khi nhớ đến câu hát nhái mỗi lúc trời mưa to và cả Thủ đô ngập chìm trong nước: Chúng ta bơi miên man… lúc sông Hồng tràn về... Cuộc đời này đang trôi về đâu?" – đạo diễn Trần Quốc Trọng, tên tuổi gắn liền với những thước phim truyền hình đầy sức nặng như “Bí thư Tỉnh ủy”, “Ngõ lỗ thủng” (theo tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh)... bày tỏ trăn trở về câu chuyện quy hoạch Hà Nội.

LTS: Cà phê cuối tuần này, nội dung trò chuyện bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, những vấn đề hiện tại và tương lai. Xin giới thiệu các vị khách mời lần đầu tiên đến với Reatimes: Nhà văn Trần Thanh Cảnh - tác giả có nhiều tác phẩm được mệnh danh là “Người kể truyện đất Kinh Bắc”, ông cũng đồng thời là một dược sỹ và doanh nhân; Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn - nữ thi sỹ nổi tiếng chính gốc Hà Nội; Nhà biên kịch Lê Công Hội – tác giả kịch bản phim truyền hình “Người vác tù và hàng tổng”, "Bác Cả, người sung sướng" ấn tượng một thời; Nhà văn Tạ Duy Anh - tác giả  truyện ngắn "Bước qua lời nguyền" nổi tiếng trước đây và tiểu thuyết “Mối chúa” vừa gây xôn xao dư luận hiện nay; Đạo diễn, diễn viên, NSƯT Trần Quốc Trọng - tên tuổi gắn liền với những bộ phim truyền hình được yêu thích như “Mùa lá rụng”, “Bí thư Tỉnh ủy”, “Ngõ lỗ thủng”…

Thiết kế: Thế Công

Thiết kế: Thế Công

PV: Xin cảm ơn các vị khách quý đã đến với “Cà phê cuối tuần” của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam!

Thưa các quý vị, câu chuyện quy hoạch Hà Nội đang trở thành vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Là những người dành nhiều thời gian để quan sát, chiêm nghiệm và tái hiện “hơi thở” cuộc sống trong các tác phẩm nghệ thuật, quý vị nghĩ thế nào về những thông tin liên quan đến vấn đề quy hoạch của Thủ đô, việc này có cần phải công khai để lấy ý kiến rộng rãi của người dân?

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi nghĩ, việc công khai quy hoạch Hà Nội trong tầm 50 năm rất cần thông tin rộng rãi để người dân Hà Nội và cả nước được góp ý, trong đó sẽ có nhiều kiến trúc sư, các nhà lãnh đạo có tâm và có trí, các chuyên gia về lịch sử, địa lý...

Như tôi và nhiều người khác hiện nay, rất bức xúc khi thấy Hà Nội giờ là một… "bãi rác" khổng lồ về quy hoạch! Những tòa nhà 30 đến 70 tầng đã và đang mọc lên lổn nhổn khắp nơi, không theo một quy hoạch nào. Đã vậy, nghe nói nhiều khu nội đô lịch sử cũng đang chuẩn bị xây các tòa nhà 50 tầng, rồi ga Hàng Cỏ - chứng tích lịch sử xinh xắn - cũng đang có nguy cơ bị đập bỏ để xây các khu nhà cao lộng lẫy!!!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Thông tin về quy hoạch Hà Nội thực ra có rất nhiều. Hà Nội còn mở hẳn một chỗ để triển lãm về quy hoạch dưới Mỹ Đình, gọi là Cung quy hoạch! Mọi người kéo nhau đến xem rất đông, chỉ trỏ và ngắm nhìn (hồi mới mở rộng Thủ đô) và sau đó ra về âm thầm vác tiền đi mua đất! Một cơn "sóng thần" BĐS dâng cao chưa từng thấy đã diễn ra...

Trên thực tế, tôi chưa thấy dấu vết nào của sự quy hoạch cả. Thành phố đang phát triển theo kiểu tiện đâu thì làm đó, lộn xộn và rối rắm.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Quy hoạch Hà Nội, trái tim của cả nước, linh địa của đất Việt thì rõ ràng là được sự quan tâm của người dân và cần phải công khai, tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người có kiến thức chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc.

Cách thức xin ý kiến đóng góp nên đa dạng phong phú: Tổ chức triển lãm như đã làm là một cách. Tổ chức hội thảo với các chuyên gia, nhà quản lý, nhà văn hóa là một cách. Đồng thời, không thể bỏ việc công bố quy hoạch công khai trên internet và quảng bá rộng rãi cho nhân dân vào xem, đóng góp ý kiến.

Nhà văn Tạ Duy Anh: Trên thực tế, tôi chưa thấy dấu vết nào của sự quy hoạch cả. Thành phố đang phát triển theo kiểu tiện đâu thì làm đó, lộn xộn và rối rắm.

Nói thật, Hà Nội đang xấu đi, đang ngột ngạt đi từng ngày. Không phải cái gì đem ra lấy ý kiến mọi người cũng tốt, bởi quy hoạch thành phố là công việc đòi hỏi chuyên môn rất cao gắn với kiến trúc, phát triển... Vấn đề quan trọng không phải là minh bạch theo kiểu hình thức, cứ trình làng cốt cho xong. Vấn đề ở trách nhiệm, lương tâm và tầm nhìn của đội ngũ chuyên gia và lãnh đạo.

Việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) đã băm nát khu đô thị đáng sống. Ảnh: Kháng Trần

Việc điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) đã "băm nát" khu đô thị đáng sống. Ảnh: Kháng Trần

Nhà biên kịch Lê Công Hội: Tôi được tiếp cận với việc quy hoạch Hà Nội, mà chủ yếu là những thông tin về sai phạm trong xây dựng, thông qua các phương tiện truyền thông.

Qua những vụ việc gần đây và cả những vấn đề giao thông, đô thị đã tồn tại hơn chục năm qua, tôi thấy việc công khai và xin ý kiến mọi người góp ý cho quy hoạch Hà Nội cần được thực hiện khẩn cấp. Ngoài việc thiếu tầm nhìn, các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư còn đang thiếu những trải nghiệm tình hình thực tế, và chỉ có việc xin ý kiến cộng đồng mới có thể giải quyết được vấn đề.

Tuy nhiên, do tâm lý và tình trạng thiếu kiến thức mà nhân dân dễ dàng trở nên dửng dưng với câu chuyện này. Cùng với việc xin ý kiến người dân, cũng nên có những chiến dịch xây dựng kiến thức và nhận thức về quy hoạch đô thị.

Đạo diễn Trần Quốc Trọng: Thói quen của các nhà lãnh đạo nói chung, và lãnh đạo Thủ đô nói riêng là chưa khi nào cần biết đến ý kiến của người dân trong mọi việc, nhất là những khi họ muốn xáo trộn và thay đổi về quy hoạch Hà Nội.

Có một dạo, do phản ứng mạnh của dân chúng về chuyện loa phường, họ cũng (làm ra vẻ) lấy ý kiến quần chúng... Nhưng tôi không hiểu cách họ thăm dò ý kiến hay họ khảo sát ở đâu mà chỉ mới trong vòng mươi ngày, họ hùng hồn tuyên bố là có 90% người dân đề nghị giữ lại loa phường. Một sự “dối trá” ghê gớm! Từ chuyện đó, dẫn tới nhiều chuyện khác, khiến cho người dân Hà Nội mất lòng tin vào cái gọi là "quy hoạch Thủ đô"

PV: Vâng, có lẽ quy hoạch Hà Nội đang thực sự trở thành vấn đề gây bức xúc. Theo các vị, đâu là điểm nhức nhối nhất?

Nhà biên kịch Lê Công Hội: Trong 30 năm qua, dưới tác động của đô thị hóa, kiến trúc Hà Nội đương đại đã đánh mất phương hướng của mình. Những bản sắc xưa đang bị lấn ép từ mọi mặt, trước hết là do nhu cầu nhà ở cấp thiết của người dân, những quy định mới trong xây dựng và quy hoạch đô thị, và cả sự thách thức của các công nghệ, phong cách du nhập từ nước ngoài. Một ví dụ cho vấn đề này là kế hoạch xây dựng các cao ốc xung quanh ga Hàng Cỏ.

Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội) ngập trong nước, giao thông đi lại khó khăn. Ảnh: Kháng Trần

Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Nội) ngập trong nước, giao thông đi lại khó khăn. Ảnh: Kháng Trần

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Hà Nội đang đi về đâu khi hễ mưa là ngập và lúc nào cũng kẹt xe? Tôi nhớ hồi bác sĩ Trần Duy Hưng - một người Hà Nội - làm Chủ tịch UBND Hà Nội, ông đã quyết định xung quanh Hồ Gươm không xây các ngôi nhà cao quá trụ sở Bưu điện Hà Nội và không xây các ngôi nhà cao quá 5 tầng trong nội thành - tức là 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Nhưng ông mất đi rồi, ngay các phố Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Quang Trung giờ đã lổn nhổn khách sạn, chung cư cao ngất. Và phố Trần Hưng Đạo có ga Hàng Cỏ nếu cũng như vậy nữa thì không biết Hà Nội sẽ biến hình ra sao?

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Về tình trạng kiến trúc đô thị hiện nay của Hà Nội, chúng ta phải đau đớn mà nói rằng, sự nghiệp gọi là xây dựng Thủ đô, kiến trúc bộ mặt đô thị của Hà Nội đến nay đã thất bại thảm hại!

Càng làm, càng xây dựng nhiều thì kiến trúc càng lộn xộn và hư hỏng! May mắn cho Hà Nội là có khu phố cổ, khu phố Tây do người Pháp quy hoạch đã để lại cho chúng ta một chỗ còn nói được đây là Thủ đô của một nước! Bây giờ, chúng ta hãy nhìn bộ mặt kiến trúc đô thị Hà Nội, những khu làm sau này có được gọi là khu đô thị văn minh hiện đại không? Có xứng tầm là Thủ đô một nước không? Nếu nặng lời, có thể gọi đấy là những khu ổ chuột mới: Nhung nhúc những nhà và nhung nhúc những người!

Không quá chút nào khi khẳng định bộ mặt kiến trúc của đô thị Hà Nội hiện nay là một mớ hỗn độn, nhôm nhoam đến đau lòng, không xứng với kỳ vọng của nhân dân cả nước. Nhân đây tôi xin báo động, với tốc độ gậm nhấm - mà không phải là gậm, mà là ngoạm từng miếng to - của nhóm lợi ích trong quy hoạch, kiến trúc, đất đai của Hà Nội hiện nay thì chả mấy chốc phần hồn còn lại: Khu phố cổ, khu phố Pháp sẽ bị “nuốt chửng” bởi bài “điều chỉnh quy hoạch”. Mọi người hãy theo dõi và lên tiếng để cố giữ lấy hình ảnh Thủ đô còn khả dĩ cho con cháu ta!

Nhà văn Tạ Duy Anh: Cứ ra đường là thấy ngay bức xúc. Mà ngày nào cũng phải ra đường, làm sao không bức xúc được. Tôi mạnh dạn đưa ra phỏng đoán, cứ đà này thì Hà Nội sẽ chỉ còn có thể đi bộ, thậm chí có thể xảy ra cả tai nạn giữa những người đi bộ. Bạn thử tìm một khu đất trống chỉ để cho cỏ mọc ở Hà Nội xem, còn khó hơn cả mò kim đáy bể. Cứ hở ra là lấp đầy ngay bằng các loại công trình bê tông. Thành phố đang xấu đi một cách đáng buồn.

Đạo diễn Trần Quốc Trọng: Tôi sinh ra, lớn lên và suốt cả cuộc đời ở Hà Nội. Tuổi thơ tôi gắn với chiến tranh, với 12 ngày đêm B52, với sơ tán...

Với tôi, Hà Nội vẫn luôn đẹp. Đẹp cả khi bây giờ nó bị tàn phá đến mức giày xéo một cách dửng dưng và vô đạo. Hà Nội! Trong chiến tranh, kể cả khi trải qua 12 ngày đêm B52 vẫn đẹp bình dị và kiêu hãnh.

Vậy mà chỉ từ khi trong vòng chưa đầy 20 năm gần đây, mượn danh hiện đại và đổi mới, những người lãnh đạo của thành phố Hà Nội đã biến một Thủ đô ngàn năm văn hiến trở nên nhàu nhĩ và lộn xộn. Họ "tàn sát" cây xanh. Họ "thích gì làm nấy". Họ dần biến Hà Nội thành một "nồi lẩu" tả pí lù. Dường như Hà Nội được “nhào nặn” theo từng nhiệm kỳ của mỗi cá nhân quan chức. Và theo mỗi nhiệm kỳ quan chức, Hà Nội "chết" dần..!

Tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô. Ảnh: Kháng Trần

Tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô. Ảnh: Kháng Trần

PV: Trước những bức bối đến ngột ngạt ấy, quý vị mong muốn gì về quy hoạch Hà Nội trong tương lai?

Nhà văn Tạ Duy Anh: Nếu tôi có quyền thì tất cả các cơ quan của Nhà nước sẽ phải di dời ra khỏi vành đai ba, thậm chí vành đai bốn và đất thu hồi, ngoại trừ những công trình kiến trúc cổ, kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cần giữ lại, còn thì sẽ biến thành công viên.

Nhà biên kịch Lê Công Hội: Thay vì bắt tay ngay vào việc xây dựng những công trình hoành tráng, các chủ thể liên quan nên dồn nguồn lực đến việc phát triển những nhu cầu cơ bản của cuộc sống đô thị - mạng lưới cấp điện, cấp nước, thoát nước, bệnh viện, trường học, hệ thống đường sá. Tăng sự chú ý đến việc phát triển khu vực rìa Hà Nội, các vùng như Ba Vì, Sơn Tây…

Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật: Quy hoạch phát triển Thủ đô vừa qua đã thất bại thảm hại!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh

Đặc biệt, tập trung vào việc phát triển cơ hội việc làm và tăng chất lượng cuộc sống để tránh tình trạng phân hóa về địa lý (tầng lớp trung và thượng lưu tập trung hết vào vùng trung tâm Hà Nội, và bộ phận người nghèo bị đẩy ra rìa của Thủ đô).

Lập, duy trì, bổ sung, và đưa ra cho công chúng bản đồ các dự án xây dựng đang và sẽ triển khai trên địa bàn Hà Nội, vừa nhằm lấy ý kiến nhân dân, vừa tạo sự minh bạch. Tóm lại, tạo dựng một Hà Nội hiện đại nhưng vẫn giữ được nền kiến trúc truyền thống với những nét cổ kính, trầm mặc và một Hà Nội văn minh nhưng vẫn giữ được sự thanh lịch, hào hoa của người Tràng An xưa.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi mong muốn, trong tương lai, cả 4 quận nội thành xưa sẽ là Thủ đô cổ kính và xanh mát với những ngôi nhà hai tầng có vườn cây xanh, ban công hóng gió, nhà để xe, những bồn hoa bốn mùa nở đẹp cùng những ngôi trường rộng rãi có sân đá bóng, có hàng cây xanh, có bể bơi cho học sinh và sân chơi rộng rãi...

Tôi mong muốn tất cả bệnh viện hiện trong 4 quận này chuyển hết ra các quận và huyện khác. Tôi mong việc đi lại trong 4 quận cổ kính này chỉ là xe đạp và xe buýt... Nhưng đó chỉ là mong thôi. Nếu các vị lãnh đạo trong nhiệm kỳ của mình chỉ nghĩ đến lợi ích gần, thì Hà Nội sẽ còn ách tắc, lộn xộn, bát nháo và chặt cây, kẹt xe, chết người,… là chuyện không tránh khỏi!

Nhà văn Trần Thanh Cảnh: Thực ra, Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể và chỉ còn quy hoạch từng phân khu. Thế nhưng chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật: Quy hoạch phát triển Thủ đô vừa qua đã thất bại thảm hại!

Nếu chúng ta cứ cố đi theo cái quy hoạch hỏng đã phê duyệt thì không khác gì lao đầu vào rừng rậm. Càng đi càng không thấy lối ra. Dùng cái gọi là điều chỉnh quy hoạch từng khu lẻ như trên đã nói chỉ càng tiếp tay cho nhóm lợi ích "phá nát" Hà Nội.

Chúng ta nên thuê một công ty tư vấn quy hoạch nổi tiếng của các nước có nền kiến trúc quy hoạch đứng đầu thế giới để lập lại quy hoạch Hà Nội. Quy hoạch này, sau khi được Quốc hội thông qua bằng một bộ luật sẽ cấm mọi hình thức điều chỉnh. Các hình thức vi phạm phải có chế tài đủ mạnh: Dân sự, phạt tiền nặng và hình sự, bỏ tù! Để đủ răn đe từ quan chức đến người dân!

Quy hoạch Hà Nội là việc làm cấp thiết, bởi nếu không tiến hành ngay, đến lúc nào đó Hà Nội sẽ bị biến thành mớ bòng bong không lối thoát! Hãy quy hoạch một Thủ đô mới: VĂN MINH, HIỆN ĐẠI VÀ GIÀU CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ!

Đạo diễn Trần Quốc Trọng: Tôi không hiểu những nhà lãnh đạo, đặc biệt là ở Thủ đô của một quốc gia, họ nghĩ gì trong đầu. Tôi không nhìn thấy niềm tin ở nơi họ, khi mà mỗi nhiệm kỳ của ai đó chỉ nhăm nhăm vẽ ra các loại dự án (mà thực chất phần lớn các dự án đó chỉ để lạm dụng ngân sách quốc gia, cũng có nghĩa là lạm dụng tiền thuế của dân).

Thật lòng tôi lo sợ khi nhớ đến một câu hát nhái mỗi lúc trời mưa to và cả Thủ đô ngập chìm trong nước: "Chúng ta bơi miên man… lúc sông Hồng tràn về... Cuộc đời này đang trôi về đâu?"

Xin chân thành cảm ơn các vị khách đã tham gia cuộc đối thoại với Cà phê cuối tuần!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top