Những dự án đầy tai tiếng
Ngày 28/11/2013, UBND tỉnh Phú Thọ đồng ý cấp phép khai thác mỏ cát cho Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn), địa điểm thuộc xã Tử Đà, huyện Phù Ninh. Tổng diện tích là 36,5ha. Sản lượng 40.000m3/ 1 năm. Giấy phép ghi rõ: “Không được phép khai thác đất bãi bồi ven sông, không gây sạt lở bờ sông…”.
Thế nhưng, bất chấp sự phản đối của người dân địa phương, Công ty Thái Sơn đã liên tục khai thác cát trái phép gần bờ gây sạt lở nhiều phần bãi sông. Bất ngờ hơn, dù không nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định cấp phép, ngày 23/1/2015, UBND tỉnh Phú Thọ vẫn quyết định gia hạn giấy phép khai thác cho Công ty Thái Sơn thêm 3 năm nữa.
Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường khai thác, những chiếc tàu đều trưng tấm biển đỏ “Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn – Bộ Quốc phòng”. Nhưng những gì họ làm thì không giống như các đơn vị kinh tế quân đội thường gần dân, giúp dân. Bởi, các tàu khai thác này không khác gì “cát tặc” ở nhiều nơi khác, gây sạt lở nghiêm trọng hàng nghìn mét khối đất hoa màu khiến người dân vô cùng bức xúc. Những tranh chấp, cãi cọ giữa Công ty Thái Sơn với người dân địa phương liên tục diễn ra khiến UBND huyện Phù Ninh và xã Tử Đà đã nhiều lần phải đứng ra giải quyết.
Đầu năm 2017, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng các dự án nạo vét, những dòng sông tạm bình yên một thời gian thì đến ngày 25/5/2017, UBND huyện Phù Ninh có tờ trình số 10/TTr – UBND gửi UBND tỉnh Phú Thọ kiến nghị di chuyển trạm bơm tại xã Tử Đà sang vị trí khác. Tiếp đến, ngày 12/6/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cũng có công văn số 692/SNN-CCTL xin ý kiến đề xuất về việc di chuyển trạm bơm tại Tử Đà. Ngày 19/6/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có công văn số 2531/UBND-KTN về việc chấp thuận chủ trương trên, nguồn vốn đầu tư do doanh nghiệp là Công ty Thái Sơn hỗ trợ. Thế là chỉ với dự án di chuyển nâng cấp trạm bơm Tử Đà với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4,5 tỷ đồng, Công ty Thái Sơn lại đàng hoàng múc cát mang bán, tiếp tục gây sạt lở nghiêm trọng hơn.
Đầu năm 2018, vẫn chiêu bài tương tự, Công ty Thái Sơn lại “giúp dân xây dựng trạm bơm để dẫn nước từ sông vào tưới tiêu đồng ruộng” bằng cách dùng nhiều tàu cuốc, múc, hút công suất rất lớn tiến hành khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng ở nơi xây dựng trạm bơm.
Đáng buồn hơn tại khu vực này, theo phản ánh của báo chí, người dân, ban ngày đi làm, ban đêm tổ chức tuần tra, canh gác, xua đuổi tàu cát của Công ty Thái Sơn. Có thể nói đó là một hình ảnh quá đáng buồn, quá chua chát mà chưa một đơn vị làm kinh tế liên quan đến quân đội nào khiến người dân "dị ứng" như vậy.
Một dự án tương tự như vậy cũng diễn ra tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Lợi dụng danh nghĩa dự án nạo vét luồng lạch do ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh ký giấy phép, Công ty Thái Sơn tiếp tục huy động hàng chục tàu cuốc, tàu hút hủy hoại sông Cấm. Tại địa phương, rất nhiều hộ dân mất ruộng vì nạn khai thác cát, nhân dân rất căm phẫn. Nhiều lần các hộ dân vác gạch ném ra sông, chửi bới, xua đuổi tàu nhưng rồi đành bất lực nhìn ruộng vườn của bà con đang hàng ngày lở dần ra sông. Phải đến khi báo chí, công luận lên tiếng gay gắt, dự án khai thác cát mới tạm đình chỉ.
Chân dung “phó tướng ngoài biên ải” của ông “Út trọc" – ông Phạm Văn Dũng
Trên đây chỉ là hai ví dụ về mảng nạo vét cát của Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn – một lĩnh vực đình đám được triển hai dưới sự chỉ đạo của “Tổng chỉ huy” – Thượng tá, Chủ tịch HĐQT Công ty kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại của Tổng Công ty Thái Sơn, ông Đinh Ngọc Hệ.
Nhưng ít ai biết rằng, một trong những người được ông Hệ (tức "Út trọc") tin tưởng giao cho phụ trách mảng nạo vét cát suốt nhiều năm phải kể đến ông Phạm Văn Dũng, có lúc được giới thiệu mang quân hàm Trung tá.
Theo nhiều tài liệu thể hiện ông Phạm Văn Dũng là Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn – Bộ Quốc Phòng chi nhánh Phú Thọ, có trụ sở tại tổ 7, khu 1B, phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Địa phương này cũng là nơi Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn sở hữu tới 40% cổ phần của BOT cầu Việt Trì.
Theo nhiều nguồn tin, ông Phạm Văn Dũng chính là người phụ trách các dự án nạo vét, và cũng là người “đứng mũi chịu sào”, thường xuyên ra mặt để “trấn an dư luận” và tiếp xúc trả lời báo chí.
Một điều lạ lùng là mặc dù người dân và báo chí phê phán gay gắt các dự án nạo vét cát của Công ty Thái Sơn do ông Phạm Văn Dũng trực tiếp chỉ huy nhưng hầu như các ý kiến của công luận chỉ như “ném đá ao bèo”, suốt nhiều năm, các dự án nạo vét tiếp tục gây sạt lở vẫn cứ thách thức dư luận.
Theo điều tra của Reatimes, Công ty Thái Sơn của ông “Út Trọc”, ông Dũng không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Việc doanh nghiệp này ngang nhiên treo biển đỏ “Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn – Bộ Quốc phòng” ngay tại nhiều công trường, văn phòng đại diện và thể hiện trong các công văn gửi cơ quan Nhà nước là một kiểu lập lờ đánh lận con đen, lợi dụng danh nghĩa Bộ Quốc phòng. Hoạt động của công ty này đã làm biến tướng, méo mó chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế (chúng tôi sẽ làm rõ vấn đề này trong một bài báo khác).
Lãnh đạo các địa phương nói gì về những sai phạm tại các dự án nạo vét cát của Công ty Cổ phần phát triển Đầu tư Thái Sơn mấy năm qua? Ông Đinh Ngọc Hệ và ông Phạm Văn Dũng có mối quan hệ ra sao, vai trò như thế nào tại các dự án? Việc sử dụng cụm từ “Bộ Quốc phòng” trong các văn bản gửi các địa phương của công ty này có dấu hiệu lạm dụng, vi phạm pháp luật không? Ông Phùng Danh Thắm có liên quan gì tới các dự án của Công ty CP phát triển Đầu tư Thái Sơn?
Retimes sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo tới./.