Aa

Đổi chủ, Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng có “hoành tráng” như thuở đầu?

Thứ Sáu, 27/10/2017 - 06:01

Dự án Ánh Dương – Soleil sau khi được Công ty cổ phần PPC An Thịnh Đà Nẵng thâu tóm từ Công ty cổ phần PPC An Thịnh Đà Nẵngđã có những bước tiến mạnh mẽ sau nhiều năm đắp chiếu.

Đầu năm 2016, Công ty PPC An Thịnh Đà Nẵng gây xôn xao thị trường bất động sản khi tuyên bố kế hoạch đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp căn hộ - khách sạn Ánh Dương - Soleil trên khu đất rộng 21.800m2 tại giao lộ đường Trường Sa – Hoàng Sa với đường Phạm Văn Đồng ở Đà Nẵng.

Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng đã thi công đến tầng thứ 27 của tòa căn hộ 47 tầng.

Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng đã thi công đến tầng thứ 27 của tòa căn hộ 47 tầng.

“Đắp chiếu” 5 năm

Năm 2011, UBND Thành phố Đà Nẵng đã có thông báo phê duyệt phương án thiết kế dự án Ánh Dương của Tập đoàn Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD Holdings) – nay là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) gồm 1 tòa căn hộ - khách sạn 58 tầng và 3 tòa căn hộ cao 47 tầng với tổng số 1.000 căn hộ. Dự án do tư vấn nước ngoài là Aedas thiết kế và dự kiến khởi công vào quý III/2011.

Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng rơi vào khủng hoảng. Đặc biệt, đây cũng là khoảng thời gian mà HUD Holdings chia tách, không còn là tập đoàn mà quay trở lại mô hình ban đầu là Tổng công ty (HUD).

Dự án Ánh Dương cũng vì thế “chết lâm sàng”, từ ‘bánh vẽ” hoành tráng dự án trở thành một bãi đất trống, gây “nhức mắt” cho người đi đường bởi đây là khu đất nằm ở vị trí “vàng”, ngay ngã ba đường Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp – một trong những tuyến đường “bộ mặt” du lịch của Đà Nẵng.

Những tưởng dự án này sẽ tiếp tục đắp chiếu thì đến tháng 11/2015, nhiều nguồn tin cho biết Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng An Thịnh Việt Nam (PPCAT) chính thức thâu tóm dự án nói trên để đến ngày 25/2/2016, dự án Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng chính thức ra mắt tại Hà Nội.

Phối cảnh dự án Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng do đơn vị quốc tê tư vấn thiết kế.

Phối cảnh dự án Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng do đơn vị quốc tê tư vấn thiết kế.

Thay tên đổi họ

Sau khi “thâu tóm” thành công, PPCAT đã chuyển tên dự án từ Tổ hợp Ánh Dương Đà Nẵng sang thành Dự án Tổ hợp Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng

Cùng với việc “thay tên, đổi họ”, so với phương án thiết kế của HUD Holdings, hiện nay dự án đã có thay đổi. Theo đó, nếu trước đây HUD Holdings muốn xây 1 tòa khách sạn 58 tầng và 3 tòa căn hộ 47 tầng thì PPCAT đã thay đổi phương án thành 1 tòa chung cư 47 tầng, 2 tòa chung cư 58 tầng và 1 tòa căn hộ – khách sạn cao 47 tầng. Tổng số căn hộ vẫn khoảng 1.000 căn và vẫn do Aedas tư vấn thiết kế.

Theo quan sát của DĐDN, cho đến thời điểm hiện tại, Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng đã thi công đến tầng thứ 27 của tòa căn hộ 47 tầng. Và mới đây nhất, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, PPCAT đã nhận quyết định chủ trương đầu tư từ Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng dành cho dự án.

Cũng tại buổi lễ, Vietinbank và PPCAT cũng đã công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác và Vietinbank sẽ cung cấp các gói tín dụng đa dạng linh hoạt dành cho dự án cũng như  khách hàng của dự án.

Liệu có khả quan?

Báo cáo mới nhất của CBRE về thị trường bất động sản cho thấy, đối với phân khúc condotel, tính đến hết quý 6/2017, trên thị trường Đà Nẵng đã có 6.715 căn chào bán từ 14 dự án và giá bán cũng giảm nhẹ. Cụ thể, đối với phân khúc trung cấp, giá bán giảm 03% theo năm và phân khúc cao cấp giảm 0,1% theo năm.

Đáng chú ý, theo CBRE, trong năm 2018, tốc độ tăng nguồn cung của phân khúc này lên đến  90% đưa số căn hộ thuộc phân khúc này lên đến gần 15.000 căn hộ và năm 2019 là 13% với khoảng 17.000 căn hộ có mặt trên thị trường.

Cũng theo CBRE, trong giai đoạn 2018 - 2020, trên thị trường Đà Nẵng sẽ có khoảng 2.900 căn hộ được đưa ra thị trường. Trong đó, Marriot Courtyard Da Nang gần 300 căn; Infinity Filed Premier Residence - 600 căn; Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng gần 1.000 căn và Cocobay  là 1.000 căn...

Như vậy, Ánh Dương – Soleil Đà Nẵng sẽ gặp phải sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường. Trong khi đó, theo công bố của chủ đầu tư thì để triển khai dự án này, PPCAT đã bỏ ra số tiền lên đến 10.000 tỷ đồng, nếu đem số tiền này chia đều cho tổng diện tích xây dựng của dự án là 170.000m2 thì chi phí đầu tư trung bình lên đến 58,8 triệu đồng/m2.

Đó là chưa kể, với diện tích khu đất lên đến 21.800 m2 cùng vị trí đắc địa của nó thì để trở thành chủ đầu tư, PPCAT phải trả cho HUD Holdings một số tiền rất lớn nên mức giá chủ đầu tư đưa ra chắc chắn sẽ rất cao.

Trong khi đó, theo thống kê của CBRE, mức giá trung bình của căn hộ condotel này tính đến nửa đầu 2017 thì với phân khúc cao cấp chỉ là 2.156 USD/m2 và trung cấp 1.066 USD/m2.

Vậy nên, câu chuyện làm sao để thu hút người mua và tương lai của dự án liệu có “hoành tráng” như công bố của chủ đầu tư vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top